Home Tin Tức Bình Luận Cái chết của một dòng sông

Cái chết của một dòng sông PDF Print E-mail
Tác Giả: ÐỗTháiNhiên   
Thứ Ba, 03 Tháng 2 Năm 2009 22:05

Từ hơn một thập niên qua, tại Việt Nam, dư luận quần chúng cũng như báo chí đã có những tranh cãi ồn ào về sự việc công ty Vedan ra đời năm 1991, chuyên sản xuất bột ngọt, tinh bột và các hóa chất khác... vốn 100% của Ðài Loan đã gây ô nhiễm môi trường, làm cho tôm, cá chết hàng loạt trên sông Thị Vải. Năm 1995, một cách gián tiếp nhận lỗi về phần mình, công ty Vedan chấp nhận tự nguyện đóng góp 15 tỷ đồng Việt Nam để trợ giúp những nơi xảy ra tai nạn cá tôm chết hàng loạt.

Ngày 12 tháng 09 năm 2008, công ty Vedan bị bắt quả tang là đã xả nước hóa chất phế thải chảy trực tiếp xuống sông Thị Vải. Bề ngoài công ty Vedan cho xây dựng một hệ thống giả xử lý nước thải. Dung tích của hồ chúa nước dành cho sản xuất là 60.000 thước khối. Tuy nhiên, đằng sau hệ thống giải quyết nước thải giả kia, Vedan lại bí mật thiết kế một hệ thống ngầm rất tinh vi để xả thẳng nước thải độc hại xuống đáy sông Thị Vải. Trong trường hợp bị thanh tra, nhân viên Vedan chỉ cần một động tác gọn nhẹ là có thể làm cho hệ thống xử lý nước thải giả vận hành rầm rộ để dễ dàng qua mặt đoàn thanh tra. Công việc giải quyết chất thải theo đúng luật bảo vệ môi sinh rất tốn kém. Ðó là lý do giải thích tại sao Vedan đã gian dối buộc sông Thị Vải mỗi ngày phải nhận khoảng 50 ngàn thước khối nước thải độc hại. Mười bốn năm qua sông Thị Vải hứng chịu hàng chục triệu thước khối chất độc. Ngày nay, hai bên bờ sông Thị Vải bốc mùi hôi thối, nước sông đen ngòm, tôm cá hoàn toàn vắng bóng. Sông Thị Vải đã chết. Tiến sĩ môi trường Nguyễn Hữu Ninh từ Hà Nội cho rằng khi xây dựng nhà máy, công ty Vedan đã khai gian ở phần đánh giá tác động của nhà máy đối với môi trường chung quanh. Ðó là cốt lõi của câu chuyện Vedan giết chết Thị Vải.

Ngày 08/10/2008 Bộ Tài Nguyên Môi Trường ra quyết định xử phạt công ty Vedan 267 triệu đồng Việt Nam tương đương với 17 ngàn Mỹ Kim. Tiến sĩ Lâm Minh Triết, phó chủ tịch hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường bảo rằng tiền phạt vừa nói đã được tính toán tới mức cao nhất. Mặt khác, Bộ Tài Nguyên Môi Trường còn cho rằng vụ Vedan không có đủ bằng chứng cấu thành để khởi tố hình sự. Như vậy sinh mệnh của một dòng sông đi kèm với sức khỏe và quyền lợi kinh tế của nhiều triệu dân nghèo sinh sống ở ven sông Thị Vải chỉ đáng giá 17 ngàn Mỹ kim.

Ngày 02/11/2008, phóng viên Ðỗ Hiếu của đài Á Châu Tự Do cho biết: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan cho đến khi hoàn thành biện pháp xử lý nước thải theo đúng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn về môi sinh. Thế nhưng mãi cho đến ngày 30/10/2008 Vedan vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu cấp thiết của Bộ Tài Nguyên Môi Trường.

Ngày 07/11/2008, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN nhấn mạnh cần phải duy trì việc sản xuất kinh doanh của Vedan để giải quyết việc làm, bảo đảm quyền lợi cho công nhân.

Ngày 19/12/2008, báo Người Lao Ðộng của chế độ Hà Nội loan báo: Người dân phải tự đi kiện để đòi công ty Vedan bồi thường thiệt hại chứ nhà nước không thể dứng ra kiện giùm. Người Lao Ðộng còn nhấn mạnh: ai có quyền lợi bị xâm hại, chính người đó mới có quyền khởi kiện. Cơ quan nhà nước tức tỉnh Ðồng Nai kiện giùm là sự việc bất bình thường.

Sự thiệt hại do Vedan gây ra cho sông Thị Vải và cho cư dân tỉnh Ðồng Nai là hiển nhiên và vô cùng trầm trọng. Thế nhưng phản ứng của nhà cầm quyền CSVN chỉ có tính chiếu lệ. Ngay cả số tiền phạt chỉ là 17,000 Mỹ kim, Vedan cũng lờ đi không nộp phạt. Những hành động bao che của CSVN dành cho Vedan được dựa vào hai lý lẽ căn bản một là Hà Nội cho rằng “Vụ việc Vedan không có bằng chứng cấu thành để khởi tố hình sự”. Hai là Hà Nội yêu cầu người dân phải tự mình đi kiện Vedan, nhà nước CSVN không thể kiện giùm.

Mỗi quốc gia có hệ thống luật pháp riêng. Tuy nhiên thế giới có những nguyên tắc chung về luật pháp, gọi tắt là nguyên tắc pháp căn quốc tế. Ðến chừng mực nào thì hành động của một người bị xem là có tính hình sự? Nguyên tắc pháp căn trả lời rằng tính hình sự được xác định bởi hai thành tố.

Thứ nhất: hành động của bị can có tính gian trá. Vedan thiết lập hai hệ thống thoát nước. Hệ thống giả chỉ dùng để dối gạt giới chức kiểm tra môi sinh. Hệ thống bí mật dùng để thường xuyên thải hóa chất độc hai vào lòng sông Thị Vải. Như vậy hành động của Vedan là một gian dối lớn. Một mưu tính rất hiểm ác.

Thứ hai: hành động của bị can gây thiệt hai cho cá nhân hay cho xã hội. Nếu tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi sinh khi đào thải hóa chất, Vedan sẽ phải hao tốn tài chánh. Vì vậy Vedan quyết định bí mật giết chết sông Thị Vải, đồng thời tàn phá sức khỏe và đời sống kinh tế của hàng triệu lương dân. Ðó là tất cả những thiệt hại Vedan đã gây ra cho con người và cho xã hội.

Có thể nói được rằng trên thế giới này, ngoài trừ CSVN, không ai không nhận ra tính hình sự trong vụ Vedan. Ðối với những vụ án hình sự, cơ quan công tố (Viện Kiểm Sát) phải đứng khởi tố. Người bị thiệt hại chỉ đứng dân sự nguyên cáo để đòi bồi thường thiệt hại. Do đó lý luận cho rằng nhà nước CSVN không thể đi kiện Vedan giùm cho người dân hẳn nhiên là lý luận của nhà cầm quyền thiếu hẳn những hiểu biết sơ đẳng về luật pháp.

Vedan vi phạm luật hình sự, CSVN không dám truy tố. Ngược lại CSVN nhanh chóng giam tù tất cả những người đòi hỏi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí... Mặc dầu những người này hành động ôn hòa, không hề gian dối, không hề gây thiệt hại cho xã hội. Tại sao CSVN có thái độ bên bảo vệ, bên đàn áp như vừa kể? Câu trả lời như sau:

Ðài Loan là quốc gia gốc của công ty Vedan. Vedan chuyên sản xuất: bột ngọt, tinh bột nước đường, acid glutamic, hóa chất lysine và các loại hóa chất khác. Sản phẩm do Vedan sản xuất được thị trường thế giới tiêu thụ rất mạnh. Tuy nhiên luật lệ bảo vệ môi sinh đòi hỏi công ty biến chế ra những sản phẩm kia phải trả một phí tổn rất cao. Nhằm giảm thiểu tối da phí tổn bảo vệ môi sinh trên lãnh thổ Ðài Loan năm 1991 Vedan khởi công xây dựng nhà máy trên khu đất diện tích 120 hecta, tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai, Ðông Nam Saigon. Website của Vedan Ðài Loan (www.vedan.com) xác nhận: “Hiện nay qui mô sản xuất bột ngọt và acid glutamic của công ty Vedan Việt Nam đã có thể thay thế cho Vedan Ðài Loan, trở thành nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới”. Nói rõ hơn, thế giới có hai Vedan: Vedan chủ đóng ở Ðài Loan và Vedan tớ đóng tại Việt Nam. Vedan chủ chỉ biết thu lợi nhuận. Vedan Việt Nam cung ứng cho Vedan chủ hai dịch vụ trọng yếu. Một là công nhân với tiền lương rẻ mạt đi kèm với luật cấm đình công. Hai là bãi rác chứa hóa chất độc hại. Chính vì các lợi ích to lớn vừa kể, ông chủ Ðài Loan đã lên kế hoạch thiết lập thêm hai nhà máy tinh bột với qui mô lớn: một ở VeThái tỉnh Gia Lai và một ở Phước Long tỉnh Bình Phước.

Nhìn vào diễn trình bành trướng Vedan tại Việt Nam: Từ Ðồng Nai qua Gia Lai đến Bình Phước, giới quan sát hiểu ngay rằng: CSVN và Vedan đang gắn bó với nhau thông qua trao đổi quyền lợi.

Một đàng là tư bản Ðài Loan. Vedan có tiền vốn, có máy móc, có chuyên viên chế tạo ra sản phẩm. Vedan cần tiêu hủy rác hòa chất, nhưng không muốn trả chi phí bảo vệ môi sinh.

Ðàng kia là tư bản đỏ Việt Nam. Nhờ vào bản chất của chế độ độc tài khắc nghiệt, tư bản đỏ Việt Nam có khả năng cung cấp cho Ðài Loan giá lao động rẻ mạt và nhất là cung cấp cho Ðài Loan quyền được tùy nghi sử dụng lãnh thổ Việt Nam làm bãi rác chứa hóa chất độc hại của Vedan. Dĩ nhiên bãi rác kiểu CSVN chỉ biết chứa rác, mọi kỹ thuật bảo vệ môi sinh đều bị CSVN dẹp bỏ. CSVN chỉ cần tiền cho thuê bãi rác.

So chiếu những cái có và những cái cần của hai đàng mọi người hiểu ngay là tại sao Ðài Loan Vedan và CSVN gắn bó với nhau, tai sao CSVN chỉ phat 17000 Mỹ kim nhưng Ðài Loan lại lờ đi, không nộp phạt, tại sao CSVN khúm num trước Vedan, và sau cùng, tại sao dòng sông Thị Vải bị cưỡng bách đi vào cõi chết.

Viết về cái chết của Thị Vải, bài viết này muốn nêu bật thực tế rằng tại Việt Nam ngày nay có rất nhiều dòng sông, rất nhiều miền đất đã chết hay sẽ chết như Thị Vải đã chết. Trên quê hương Việt Nam mỗi lần một phần lãnh thổ, một vùng biển bị mang đi triều cống Bắc Phương, hoặc một dòng sông, một vùng đất gục chết trong môi sinh khắc nghiệt là mỗi lần CSVN có cơ hội chiếm giữ thêm lợi lộc tài chánh và quyền hành. Ðó là nội dung tội ác phản quốc của CSVN.