Home Tin Tức Bình Luận Múa Gậy Làm Sao

Múa Gậy Làm Sao PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Chúa Nhật, 16 Tháng 11 Năm 2008 15:21

Việt Báo Thứ Bảy, 11/15/2008

Tổng Thống Obama ra Oba-mix...

     Không hổ danh là người ngang ngược, Tổng thống George W. Bush đã đọc bài diễn văn thuộc loại quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông vào ngày Thứ Năm 13 vừa qua. Ngay giữa một vụ khủng hoảng trầm trọng của toàn cầu, ông ra trước diễn đàn nổi tiếng của tư bản tại New York để bênh vực chủ nghĩa tư bản.

     Bài diễn văn dài hơn 2.900 chữ, đọc hơn 20 phút - từ 13:58 tới 14:22 giờ miền Đông - được vỗ tay mươi lần. Một số người theo dõi thì tin rằng lời phát biểu này đã khiến chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones trên thị trường cổ phiếu New York đang sụt hơn 300 điểm đã tăng hơn 500 điểm trước giờ đóng cửa vào hôm 13!

     Nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh ngày Thứ Bảy 15 của nhóm G-20, ông Bush đọc bài diễn văn ngợi ca tư bản chủ nghĩa và đả kích hai quan điểm phổ biến, là tăng cường sự kiểm soát của chính quyền đối với thị trường và phát huy tinh thần "mậu dịch công bằng" - mật hiệu của chánh sách "bảo hộ mậu dịch". Ông gián tiếp bác bỏ lập luận của các lãnh tụ Âu Châu trước khi chào mừng họ trong buổi tiếp tân hôm Thứ Sáu.

     Ông Bush kiên cường thủ vai... ông Ác, một nhân vật bảo thủ hắc ám của nước Mỹ đáng ghét.

     Và đó là món quà cuối ông còn có thể tặng người kế nhiệm là Tổng thống tân cử Barack Obama, người được cử tri Hoa Kỳ bầu lên trước sự hài lòng của các quốc gia vì sẽ là ông Thiện. Nhưng, không có ông Ác thì ông Thiện sẽ quay trong chân không, và càng xoay càng lùi, kéo theo ảnh hưởng suy xụp của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

     Thượng đỉnh G-20 này là một màn hài kịch tốn kém vì mục tiêu bất khả là xây dựng lại một kiến trúc tài chánh toàn cầu thay thế hệ thống Bretton Woods đã được Mỹ lập ra từ năm 1944 - và thực sự phá vỡ từ tháng Tám năm 1971, từ đã lâu. Việc đó bất khả vì thứ nhất, thế giới chưa ra khỏi khủng hoảng tài chánh nên thảo luận về việc xây dựng lại một ngôi nhà đang cháy là chuyện quá sớm. Huống hồ, mỗi quốc gia hay nhóm quốc gia tham dự thượng đỉnh lại có mục tiêu, ẩn ý và nghị trình riêng. Đổng thuận duy nhất của các lãnh tụ này là đẩy lui vị trí quá mạnh của Hoa Kỳ. Nghĩa là sẽ cột tay tân Tổng thống thứ 44 sau này...

      Vì vậy, ta mới kết luận rằng trước khi ra về, ông Bush còn cố giựt cùi chỏ để mở rộng khả năng hành động của người kế nhiệm vì, nói gì thì nói, cả hai Tổng thống 43 Cộng Hoà và 44 Dân Chủ đều là Tổng thống Hoa Kỳ, chứ không phải Tổng thống Âu Châu, và sẽ phải bảo vệ quyền lợi của Mỹ.

      Nhưng George W. Bush chỉ có thể làm như vậy mà thôi.                                         ***
     Còn lại, Barack Obama phải tính ra chuyện khác. Trước tiên là chuyện cứu nguy kinh tế của Mỹ. Sau mươi ngày hồ hởi - ôi, những ngày vui qua mau - Obama bắt đầu bần thần. Nhất là trong mươi ngày bần thần đó và chưa tìm ra những người sẽ quản lý nền kinh tế tài chánh Hoa Kỳ từ năm tới, thị trường chứng khoán cứ tuột giá đều. Từ hơn 9.319 điểm vào mùng ba thì chỉ số kỹ nghệ Dow Jones chưa tới 8.500 điểm, cụ thể thì chỉ tăng được hai ngày mùng bảy và 13, còn lại thì cứ rụng như sung chín, mất mấy ngàn tỷ đô la trong các ngày mùng năm, mùng sáu, ngày 10, 11, 12 và 14! Trong 10 ngày đó, chỉ số tiêu biểu hơn, vỉ bao gồm 500 doanh nghiệp đủ loại, là S&P 500 đã sụt mất hơn 13% trị giá sau khi đã mất hơn 23% kể từ Đại hội đảng Dân Chủ.

     Đúng là tuần trăng mật đắng. Đâm ra, các tin xấu dồn dập đã đẩy liên danh Obama-Biden vượt qua liên danh McCain-Palin nay vẫn cứ tuôn trào, như con thuyền bị rò rỉ ngập nước khi sắp có truyền trưởng mới.

     Thắng rồi đã vậy, múa gậy làm sao?

      Trong mấy tuần cuối của cuộc tranh cử, Barack Obama khéo nhá cho dư luận thấy lập trường ôn hoà trung tả của mình với dàn cố vấn thuộc ban tham mưu kinh tế năm xưa của Tổng thống Bill Clinton. Nhờ vậy, ông thuyết phục được thành phần cử tri ôn hoà, độc lập và những người cho tới lúc cuối vẫn còn do dự. Bây giờ hết là lúc nói mà phải làm, ông sẽ ngả theo hướng nào?

     Hay sẽ gặp bài toán thời 1993 của Bill Clinton?

                                              ***

     Năm 1992, ông Clinton ra tranh cử với nhãn hiệu "Đổi mới đảng Dân Chủ" theo xu hướng ôn hoà hơn, trung tả tay vì cực tả, và với lời hứa cắt giảm bội chi ngân sách. Nhưng vừa đắc cử là Clinton đụng phải thực tế bên trong - giữa ban tham mưu tranh cử là các lý thuyết gia rất trẻ về cuộc cách mạng xã hội với các viên chức thực sự am hiểu về kinh tế, thị trường và thủ tục ngân sách - rồi bên ngoài - với Quốc hội do đảng Dân Chủ chiếm đa số và đảng Cộng Hoà thiểu số nhưng vẫn đủ mạnh để không tương nhượng. Ông còn bị cài cùi chỏ rất sắc của phu nhân Hillary lẫn phản ứng rất khe khắt của thị trường.

     Rốt cuộc, Clinton bị phỏng tay, đảng Dân Chủ mất đa số tại cả hai viện trên dưới trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1994. Từ đó, ông mới xoay hẳn về hướng trung dung và áp dụng bài bản ôn hoà của đảng Cộng Hoà, để tái đắc cử năm 1996, chống lại một Nghị sĩ anh hùng thời chiến, là Bob Dole.

     Bây giờ, Barack Obama đang được nhắc nhở, hoặc bị lôi kéo, về tấm gương đó.

     Ngược với suy luận - ngụy tạo thành thông tin - rằng Obama đã giành thắng lợi long trời lở đất - landslide - ông chỉ thắng lớn với lá phiếu cử tri đoàn, số phiếu phổ thông 52% không là vĩ đại. Đối thủ là McCain bị dìm trong tám năm của Bush vẫn lấy được 46% là phiếu cử tri, được  số người ủng hộ còn lớn hơn Bill Clinton năm 1992!

     Cũng vậy, dù đa số dân chúng đều chán ngán đảng Cộng Hoà, mà chán là phải, đảng Dân Chủ chưa đủ đa số khuynh đảo tại Lưỡng viện Quốc hội: chừng 58/100 ghế Nghị sĩ và 256/435 ghế Dân biểu. Mà vẫn mang tiếng là kiểm soát cả Hành pháp và Lập pháp. Đảng Dân Chủ mà không thống nhất bên trong, là điều nan giải vì phản ứng kiêu binh của phe cực tả, và bên ngoài không thỏa hiệp được với đảng Cộng Hoà, Tổng thống Barack Obama sẽ lãnh trách nhiệm!

     Cũng tại vậy mà ông phải thỏa hiệp với phe cánh Clinton và sẽ sớm tìm tới sự hợp tác của... Nghị sĩ John McCain!

     Ngược với suy luận - ngụy tạo thành tin cho người cả tin - McCain không là người bảo thủ của phe cực hữu. Ông bị cánh hữu nghi ngờ và nhờ Thống đốc Sarah Palin mà tranh thủ được một phần cử tri bảo thủ về tôn giáo và luân lý - nhưng cũng vì đó mà mất phiếu cư tri ôn hoà trong số phụ nữ đã từng ủng hộ Nghị sĩ Hillary Clinton - nên thất cử. Bây giờ, McCain có thể sẽ là lá chắn hữu ích cho Obama để tranh thủ lá phiếu Cộng Hoà trung dung trong Thượng viện! Họ khá hơn chúng ta nghĩ, nên không coi nhau là kẻ thù!

     Nhưng liệu có đủ hay không?

                                          ***

     Lý do là Tổng thống tân cử đang bị bốn làn sóng ngược đánh thẳng vào con thuyền ngập nước của kinh tế HoaKỳ.

     Thứ nhất, không chỉ có kinh tế Mỹ mà kinh tế toàn cầu đang bị suy trầm - xin nhắc lại, là recession, chưa phải suy thoái, depression - và điều ấy sẽ còn làm dân Mỹ hốt hoảng. Làn sóng thứ hai là két bạc mỏng teng của Mỹ: tài nguyên ngân sách đã tuôn ra ào ạt để cứu nguy hệ thống tài chánh, rồi sản xuất, nên bội chi ngân sách quá lớn (đến cả ngàn tỷ Mỹ kim vào năm tới) trong cảnh suy trầm sẽ khiến Hành pháp Obama chưa thể đề ra giải pháp cải cách cho trường kỳ. Khỏi bị lật thuyền vào năm tới là may!

     Thứ ba, giải pháp trường kỳ đó thực ra vô cùng tốn kém khi nước Mỹ mắc nợ quá nhiều ngay giữa thời chiến và hai quỹ An sinh Xã hội cùng Bảo hiểm Y tế đang trôi vào đà phá sản ìkể từ năm nay thành phần sinh sau Thế chiến II (từ 1946 tới 1964) sẽ lần lượt về hưu, trong suốt 17 năm tới... Nhưng làn sóng thứ tư mới là con sóng dữ.

     Đó là sự chờ đợi hay đòi hỏi quá đáng của các nghiệp đoàn, hay xu hướng cực tả của xã hội Mỹ. Họ muốn công quỹ phải gia tăng trợ cấp hay cứu trợ mà bất cần tới kỷ luật chi thu.

     Hai thí dụ có thể khiến người ta tỉnh ngủ:

     Các công chức, kể cả nghiệp đoàn giáo chức đã vận động và tẩy não tuổi trẻ bỏ phiếu rất đông cho đảng Dân Chủ và Obama, thấy rất thoải mái khi về hưu mà vẫn lãnh hưu bổng bằng mức lương cuối. Giới hạn khoản phúc lợi này là điều tối kỵ. Ngược lại, người làm công cho khu vực tư doanh thì trả thuế nặng và bị rủi ro lớn là dễ mất việc trong suốt 35-4- năm làm việc, nhưng tới tuổi về hưu thì hoạ hoằn lắm mới lãnh được 35% mức lương cũ để an hưởng tuổi già. Chế độ bao cấp và bảo vệ viên chức của khu vực công là trào lưu "Âu hoá" và nhược hoá xã hội Hoa Kỳ.

     Sự thật này, những "người trẻ" sẽ sớm biết khi bước vào tuổi già! Trong một xã hội mà những người sản xuất ra của cải thì bị trừng phạt và san xẻ phúc lợi quá lớn cho công chức thì kinh tế sẽ.... đá khéo. Nghĩa là không khá.

     Thí dụ thứ hai là con bệnh kinh niên của kinh tế Hoa Kỳ: ba tổ hợp ráp chế xe hơi của Mỹ.

     Không mấy ai nêu câu hỏi vì sao các hãng xưởng xe hơi của Nhật Bản, Đại Hàn hay Đức tại Hoa Kỳ lại vẫn kinh doanh có lời mà không hề kêu cứu chính quyền liên bang hay địa phương? Lý do là các hãng này không rơi vào chế độ con tin của các nghiệp đoàn và thích ứng rất nhanh với những thay đổi của thị trường. Khi mua một chiếc xe Mỹ, ta thanh toán cả tiền phúc lợi lẫn bảo hiểm sức khoẻ cho các công nhân quý tộc Mỹ, vốn được các nghiệp đoàn bảo vệ rất mạnh. Nên trả giá cho xe Mỹ gấp 12 lần số tiền "phúc lợi xã hội" phải trả cho xe ngoại quốc ráp chế tại Mỹ.

     Trung bình, lương công nhân Mỹ ráp xe Mỹ là 75 đồng một giờ so với 45 đồng của công nhân Mỹ ráp xe Nhật. Và trong xe Mỹ, ta có "đầu máy xã hội" rất nặng là 1.500 đô la so với phí tổn chừng 110 đô la về chi phí xã hội cho chiếc xe Nhật cũng ráp tại Mỹ!

      Nếu có sự phá sản của tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ, thì đó là sự phá sản của chế độ bao cấp trong bộ máy công quyền và kỹ nghệ xe hơi - chưa nói gì tới nhiều ngành khác nằm trong thế lực của nghiệp đoàn và các chính khách cực tả.

     Bây giờ, Barack Obama phải vượt sóng trong khi vẫn bị các thế lực ấy níu áo đòi nợ. Thí dụ như 30 tỷ cấp cứu kỹ nghệ xe hơi, "để năm triệu công nhân Mỹ khỏi mất việc". Sau kỹ nghệ xe hơi, công quỹ còn phải cấp cứu những doanh nghiệp nào khác, và cho tới bao giờ?

     Những người hồ hởi bầu cho Barack Obama đang nhận chìm nhân vật kỳ tài này xuống nước! Kỳ dị nhất, là ông đắc cử vẻ vang mà người ta vẫn chưa biết ông ta là ai, muốn gì cho nước Mỹ.

     Những xoay chuyển như chong chóng của ứng cử viên Obama sẽ phải dừng khi Tổng thống Obama nhậm chức. Lúc đó, ông sẽ dừng tại đâu khi tăng trưởng kinh tế - để tạo ra của cải hầu ban phát phúc lợi như đã hứa khi tranh cử - sẽ giảm sút mạnh? Ông sẽ cắt thuế cho ai và tăng thuế đến đâu khi ngân sách bị bội chi rất nặng? Ông sẽ bơm thêm bao nhiêu tỷ để kích cầu khi các khoản tăng cho đó sẽ thổi lên lạm phát vào năm 2011, khi ông chuẩn bị tái tranh cử?

     Và bao giờ ông sẽ cải tổ chế độ y tế đầy hấp dẫn như đã hứa hẹn? Trong giả thuyết xa vời ấy, khi 47 triệu dân chưa có bảo hiểm sẽ được bảo hiểm, những người cao niên sẽ xếp hàng bao lâu để được khám bệnh? Nhiều phần thì lâu hơn những người đang ở trong tuổi lao động, trong đó có thể gồm cả di dân nhập lậu...

     Vì vậy, sau khi ăn mừng chiến thắng, ta nên theo dõi chuyện Obama biến thành Obamix. Nghĩa là sẽ hòa trong phương thuốc cấp cứu kinh tế rất nhiều nước lã. Chỉ mong rằng dung dịch đó không có độc chất melamine đã thấy trong kỹ nghệ sữa của hệ thống sản xuất xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc!