Trần Bình Nam
“… Biển Đông lại dậy sóng! Và qua đó là thế mất còn của Việt Nam …”
Hôm 7 tháng 8, 2008 trên đường đến Bắc Kinh dự Thế Vận Hội mùa hè thứ XXIX (khai mạc ngày 8 tháng 8), tổng thống George W. Bush dừng chân tại Bangkok. Đến Bangkok, chủ ý của tổng thống Bush – theo lời ông – là để thăm viếng Thái Lan, một quốc gia đồng minh quan trọng nhất sau khối NATO, vừa là quốc gia đứng đầu các nước dân chủ trong khối ASEAN (1) để phác hoạ chính sách Hoa Kỳ tại Á Châu trước khi ông mãn nhiệm. Trong một bài diễn văn dài hơn 30 phút tổng thống Bush chỉ nhắc đến Việt Nam hai lần, nhưng dường như Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia tổng thống Bush muốn nói đến nhiều nhất trong bài diễn văn của ông.
Việt Nam được nói đến như một thành viên của Hiệp hội ASEAN. Và nếu lồng trong tinh thần văn bản của Thông cáo chung Việt-Mỹ ngày 24/6/2008 nhân cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua đó Hoa Kỳ cam kết tôn trọng và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam (2), người ta có thể hiểu tổng thống Bush muốn nhấn mạnh đến quan hệ của Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh các biến chuyển gần đây.
Tổng thống Bush nói: “Hoa Kỳ đã cải tiến quan hệ với tất cả các quốc gia có sức mạnh tại Á Châu. Và ai cũng phải ngạc nhiên về thành quả này. Những điều kiện thực tế đã làm cho sự xích lại gần nhau đó có thể xẩy ra. Trong thời đại toàn cầu hoá, khi đối diện với một mối đe doạ chung, tự do và dân chủ đến cho một nước là cái lợi chung cho các nước dân chủ khác nữa chứ không phải là nơi này có lợi thì nơi kia phải bị thiệt thòi. Tương lai của các quốc gia nằm trong sự thay đổi cùng có lợi đó. Tất cả các nước trong vùng đều có trách nhiệm bảo đảm rằng Á Châu sẽ phát triển trong tự do thịnh vượng và hy vọng”. (3)
Về Trung Quốc mối bận tâm nhất của tổng thống Bush không phải vì chính quyền Bắc Kinh vi phạm nhân quyền và các quyền căn bản khác của con người (mặc dù ông Bush nói nhiều đến vấn đề này) mà bận tâm vì mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là tranh giành với và áp đảo ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới trong thế kỷ này.
Tổng thống Bush nói: “Tại Á Châu và trên toàn thế giới mọi người tự hỏi hướng tương lai của Trung Quốc là gì.”. Và ông xác định: “Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một mối quan hệ phức tạp và tôi đã tìm cách gỡ rối mối quan hệ này dựa trên 4 nguyên tắc: củng cố liên minh, tìm bạn mới, thắt chặt quan hệ kinh tế, và sau cùng hợp tác bảo vệ quyền lợi chung. Bốn nguyên tắc này giúp Hoa Kỳ và đồng minh tại Á châu tạo nên một chính sách căn bản để đối đáp với Trung Quốc. Hòa bình và thịnh vượng tại Á Châu đòi hỏi sự hợp tác của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Và điều quan trọng là mọi động thái của Hoa Kỳ tại Á châu Thái bình dương đều có chủ đích và bền chặt”. (4)
Sau cùng tổng thống Bush xác định chính sách “chiến tranh và hòa bình” với Trung Quốc qua vấn đề Đài Loan. Tổng thống Bush xác định rằng Hoa Kỳ ủng hộ chính sách một nước Trung Hoa, nhưng Hoa Kỳ sẽ không để cho Trung Quốc dùng vũ lực để tước đoạt quyền của người Đài Loan có một lối sống riêng của họ.(5)
Trong hai năm qua có những biến chuyển căng thẳng trong mối quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng tổng thống Bush không làm nổi bật sự căng thẳng này vì chưa cần thiết (và các cơ sở truyền thông Tây phương nhạy cảm chính trị cũng vậy), nhưng các sự việc diễn ra trong vùng Á Châu Thái Bình Dương đã không che dấu được sự căng thẳng này.
Trên bàn cờ Đông Nam Á các sự việc dồn dập xẩy ra:
1. Đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam giữa năm 2006.(6) 2. Tháng 12/2007 Trung Quốc công bố ý định thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện sáp nhập vào tỉnh Hải Nam bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 3. Ngày 1/6/08 tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh Á châu ở Singapore bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ không quên cam kết của mình đối với an ninh và ổn định tại Á Châu. 4. Cuộc thăm viếng tháng 6/08 của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại Bắc Kinh và sự thiết lập đường dây điện thoại nóng giữa hai thủ đô. 5. Chuyến công du Hoa Kỳ 23-26/6/08 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 6. Trung Quốc âm thầm (trong những tháng đầu năm 2008) áp lực công ty ExxonMobil chấm dứt các dự tính dò tìm và khai thác dầu khí với Việt Nam 7. Phản ứng mạnh mẽ của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ rằng việc làm ăn của ExxonMobil với Việt Nam là chính đáng và theo đúng luật lệ quốc tế. 8. Việt Nam chính thức yêu cầu công ty ExxonMobil tiếp tục các dự tính giao kèo với Việt Nam bất chấp lời cảnh cáo của Trung Quốc .
Các sự việc này báo hiệu khá rõ ràng có sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao của Việt Nam từ nhiều năm nay, ít nhất kể từ đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam, và sự quan tâm của Hoa Kỳ (hay ít nhất là của bộ trưởng quốc phòng Robert Gates) đối với vùng Á châu Thái Bình Dương.
Những dấu hiệu khác như cuối tháng 7/2008 Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam cách chức đột ngột 5 tướng lãnh (và cho về vườn 4 trong 5 tướng) lãnh đạo quân khu thủ đô, tiếp theo đó là việc thay đổi nhân sự lãnh đạo tại một số Bộ và Tỉnh, Thị, được giải thích là chuẩn bị nhân sự cho đại hội 11 của đảng Cộng sản Viêt Nam, cho thấy đã có một cuộc chỉnh lý quan trọng trong khối lãnh đạo trước nhu cầu an ninh của đất nước.
Trong bối cảnh đó, các quan sát viên ghi nhận phản ứng của Trung Quốc qua một bài báo trên tờ Văn Hối Báo phát hành tại Hồng Kông và nội dung một số blog và trang Web tại Trung Quốc của những nhóm nghiên cứu hay thương mãi nói là không thuộc chính quyền.
Tờ Văn Hối Báo bằng tiếng Hoa ở Hồng Kông (7) phát hành ngày 1/8/08 viết rằng việc Việt Nam “thực hiện ước mơ khai thác dầu ở Nam Hải nhờ sự giúp đỡ một công ty Mỹ” là một trò chơi “tiểu xảo” và Trung Quốc cần “giảng cho Việt Nam một bài về thế nào là đồng thuận” (8), ám chỉ Việt Nam đã không giữ lời cam kết với Trung Quốc năm 1999 và qua văn bản (như một thành viên của khối ASEAN) đồng ý giải quyết các bất đồng về lãnh thổ trong Biển Đông với Trung Quốc bằng đường lối hòa bình qua thương lượng song phương theo tinh thần của “Thỏa ước về cung cách hành xử và giải quyết các tranh chấp trên biển Đông” (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea – DOC) ký năm 2002.
Để yểm trợ cho lời đe doạ này, mạng Sina đưa ra một kế hoạch hành quân chi tiết thanh toán Việt Nam trong vòng 31 ngày (9). Mặc dù những người chủ trương mạng Sina nói là không thuộc chính phủ, nhưng nội dung cho thấy những người viết là những chuyên viên quân sự nắm vững chiến lược và chiến thuật quân sự và sự áp dụng các phương tiện kỹ thuật mới như sự phối hợp hải, lục, không quân trong những trận đánh hiện đại như cuộc oanh kích của không quân Hoa Kỳ vào Bắc Việt vào những năm 1966-1972 và cuộc không tập của Hoa Kỳ trong hai cuộc chiến Iraq 1991 và 2003.
Người viết mạng Sina đã đưa ra những nghiên cứu về thực địa Việt Nam và chủ trương ba mũi tiến công bao vây thủ đô Hà Nội, hai mũi từ Vân Nam và Quảng Tây tiến xuống, một mũi bằng quân đổ bộ chiếm đồng bằng Thanh Hoá đánh ngược lên phía Bắc. Rút kinh nghiệm không kích của Hoa Kỳ mạng Sina chủ trương bộ binh Trung Quốc phải tiến chiếm Việt Nam trong một thời gian ngắn để dùng bộ binh trên diện địa hướng dẫn các cuộc oanh kích tiêu diệt của không quân, đồng thời không cho Hoa Kỳ kịp thời can thiệp.
Xét tương quan quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ như hiện nay không ai nghĩ Trung Quốc dám tấn công Việt Nam một cách quy mô như vậy. Cho nên bài báo của Văn Hối Báo và các thông tin trên mạng Sina chỉ có thể là một dấu hiệu Trung Quốc muốn đe doạ Việt Nam. Trung Quốc cảnh cáo Việt Nam về sự thay đổi lập trường gần đây và nhắm mục đích yểm trợ thành phần còn lưng chừng trong nhóm lãnh đạo cấp cao tại Hà Nội.
Nhưng câu hỏi vẫn là: Trung Quốc có đánh Việt Nam không nếu Việt Nam cương quyết liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ kho dầu trong biển Đông?
Thực tế là Trung Quốc có thể đè bẹp Việt Nam, nhưng Trung Quốc chỉ có thể thắng ván cờ lớn nếu Hoa Kỳ không can thiệp. Trung Quốc có thể nghĩ Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vì đang bận tay với hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, quân lực đang bị trải mỏng, hoặc không kịp can thiệp nếu Trung Quốc tấn công chớp nhoáng như kế hoạch hành quân mạng Sina trình bày ở trên.
Trung Quốc có dám đùa với lửa không? Tại Hoa Kỳ có một khuynh hướng lượng định rằng nếu trước sau Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng sẽ đụng độ nhau trên chiến trường (trong thế kỷ này), thì đụng sớm có lợi cho Hoa Kỳ hơn là đụng chậm.
Và nếu vậy, nếu Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam để kiểm soát toàn bộ con đường biển huyết mạch qua quần đảo Trường Sa thì đây là cơ hội ngàn năm một thuở để Hoa Kỳ nhân cơ hội đại tấn công hủy diệt tiềm năng quân sự và kinh tế của Trung Quốc và đẩy lùi mối đe doạ của Trung Quốc xa ra năm bảy chục năm. Đây cũng là một kịch bản để các nhà lãnh đạo hiện nay tại Việt Nam vạch một con đường sống cho dân tộc.
Nếu chính sách đe doạ của Trung Quốc không làm cho Việt Nam lùi bước thì Trung Quốc sẽ chọn con đường nảo? Đe doạ không được thì gặm nhấm. Trung Quốc có thể sẽ dùng chiến thuật bàn tay sắt bọc nhung “nhẹ lời trên bàn hội nghị, nặng tay trên thực địa” đánh chiếm dần các hải đảo trong quần đảo Trường Sa như Trung Quốc đã làm năm 1988 và gây nên tình trạng bất ổn trong Biển Đông để làm nản lòng các công ty dầu trên thế giới, nhất là các công ty dầu khí của Hoa Kỳ.
Để yểm trợ sách lược này Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh kinh tế và thế chính trị toàn cầu của mình (qua thế chủ nợ của Hoa Kỳ và vai trò thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc) để tạo khó khăn cho Hoa Kỳ.
Biển Đông lại dậy sóng! Và qua đó là thế mất còn của Việt Nam.
Trần Bình Nam 11/08/2008
(1) Trích diễn văn của tổng thống Bush đọc tại Bangkok “…America looks to Thailand as a leader in the region and a partner around the world. I was proud to designate Thailand a major non-NATO ally of the United States”.
(2) Bản Thông cáo chung viết Hoa Kỳ “tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ “trao đổi việc mở rộng và tăng cường đối thoại giữa các quan chức cao cấp của hai nước. …. sẽ ủng hộ việc lập cơ chế đối thoại mới về chính trị-quốc phòng và chính sách nhằm tăng cường sự trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh”.
(3) Trích diễn văn của tổng thống Bush đọc tại Bangkok: “Overall, America has improved our relationships with all of Asia's major powers at the same time. Experts would have said this was impossible because of historical tensions between these nations. But something has rendered the old patterns obsolete: In an era of integrated markets and common threats, the expansion of freedom in one nation benefits all other free nations. This change marks a sharp departure from the zero-sum mentality of the past. And this change provides a clear change for the future: Every nation in this region has a stake in ensuring that Asia continues to grow in liberty and prosperity and hope”.
(4) Trích diễn văn của tổng thống Bush: “One question on the minds of many here in Asia -- and many around the world -- is the future direction of China” …. “Over the years, America has had complex relations with China. I was determined to set our relationship on sturdy and principled footing. Four goals we've pursued in Asia -- reinforcing our alliances, forming new democratic partnerships, deepening our economic ties, and cooperating on shared challenges -- have given America and our allies valuable new platforms from which to confidently engage China. A peaceful and successful future for this region requires the involvement of both China and the United States. And it's important that America's engagement throughout the Asia Pacific be purposeful and enduring”.
(5) Trích diễn văn của tổng thống Bush tại Bangkok: “America has also stressed our determination to maintain peace across the Taiwan Strait. From the beginning of my presidency, I have stated clearly that America's approach to Taiwan would be based on our longstanding "one-China" policy, our three joint communiques, and our steadfast commitment to the security of Taiwan's democracy under the Taiwan Relations Act. I've also articulated a principle that there should be no unilateral attempts by either side to alter the status quo. And as a result of frank engagement and firm diplomacy, the tensions that once roiled the Taiwan Strait have calmed, and we're witnessing a new period of stability and peace”.
(6) Xem: Trần Bình Nam, “Việt Nam trên đe dưới búa”. Thông Luận, ngày 20/06/2008.
(7) Một tờ báo thường chuyển những tín hiệu của Bắc Kinh.
(8) Nhắc lại lời của Đặng Tiểu Bình nói việc xua quân xâm lăng Việt Nam tháng 2/1979 là để dạy cho Việt Nam một bài học vì Việt Nam đã lật đổ chính quyền Polpot thân Bắc Kinh.
(9) Tham chiếu: Hồ Gươm, “Trung Quốc muốn chiến tranh với Việt Nam?”. Blog Hồ Gươm, ngày 06/08/2008.
|