Home Tin Tức Thể Thao Chuyện về Harley-Davidson huyền thoại

Chuyện về Harley-Davidson huyền thoại PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Gia   
Thứ Hai, 29 Tháng 12 Năm 2008 08:28

Đây là cái tên đã quá quen thuộc với những người yêu thích xe phân khối lớn, nhưng ít ai biết hãng xe máy nổi danh bậc nhất thế giới này từng có thời đứng bên mép vực phá sản. Vậy hãy cùng lược qua những mốc thăng trầm trong lịch sử Harley.

Chàng thanh niên William Harley chỉ mới 21 tuổi khi vạch ra kế hoạch chế tạo động cơ dung tích 116cc để lắp vào một chiếc xe đạp. Đó là vào năm 1901. Anh và người bạn, Arthur Davidson, đã cùng nhau bắt tay vào dự án và sản phẩm ra đời là một chiếc xe đạp máy. Với sự giúp đỡ của anh trai Arthur là Walter, họ đã hoàn thành dự án vào năm 1903, nhưng khi đó các chàng trai thấy thất vọng với nỗ lực đầu tiên này. Họ đã bỏ chiếc xe đi, chỉ giữ lại kinh nghiệm quý báu cho thành công sau này.
 
Cỗ máy thứ hai, gắn động cơ 405cc, ra đời sau đó mới được coi là chiếc Harley thực sự đầu tiên. Động cơ lớn hơn và thiết kế khung đã khiến chiếc xe không chỉ đơn thuần là xe đạp máy. Chiếc xe thành hình trong một nhà kho bằng gỗ của gia đình Davidson, dù các phụ tùng động cơ được sản xuất tại xưởng West Milwaukee Railshops, nơi người anh lớn William Davidson làm quản đốc. Vào năm 1905, chiếc xe máy này được đem bán, nhưng với số lượng rất hạn chế. Trong năm đó, họ chỉ bán được 3 chiếc.

 
Nơi cho ra đời chiếc Harley-Davidson đầu tiên
 
Chiếc Serial #1 ra đời năm 1903 của Harley

Sau này, khu xưởng cũ được chuyển tới nhà máy Juneau Avenue của Harley Davidson để gợi nhắc thuở ban đầu thành lập công ty, nhưng đáng tiếc là cuối cùng lại bị nhà thầu xây dựng vô tình phá hỏng vào thập niên 70.
 
Năm 1907, sản lượng của công ty đạt 150 xe, và bắt đầu bán xe cho lực lượng cảnh sát. Cũng trong năm đó, Harley đã cho ra đời động cơ V-twin đầu tiên, dung tích 880cc, đem trưng bày tại Triển lãm ô tô Chicago, mặc dù rất ít xe máy động cơ V-twin được bán vào thời trước năm 1910.

Đến năm 1909, sản lượng của Harley đã đạt trên 1.000 xe, thành công có được không chỉ nhờ vào tay nghề cơ khí ngày một tiến bộ của những người sáng lập hãng, mà còn bởi tài năng kinh doanh.

 
 Năm 1910, lần đầu tiên logo "Bar & Shield" của Harley-Davidson được đưa vào sử dụng. Một năm sau đó, nó được đăng ký bản quyền

Năm 1917, khi Mỹ bước vào Thế chiến thứ nhất, thì nhu cầu mới cũng xuất hiện, vì quân đội cần trang bị những cỗ máy khoẻ và đáng tin cậy. Không ngần ngại trước yêu cầu mới, Harley-Davidson đã xuất xưởng 20.000 chiếc xe máy phục vụ chiến tranh, và việc này đã đưa họ trở thành nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới. Đến năm 1920, Harley đạt sản lượng trên 28.000 xe, tiêu thụ tại 67 nước.

 
Năm 1914, Harley bắt đầu sản xuất sidecar (môt-tô 3 bánh). Trong ảnh là mẫu 'Servi-car' nổi tiếng suốt 45 năm của Harley, từng được dùng làm xe cảnh sát.

Cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 đã đẩy công ty vào khó khăn, và sản lượng giảm xuống còn chưa đến 4.000 xe vào năm 1933. Hoàn cảnh bắt buộc, họ bắt đầu sản xuất xe mô-tô ba bánh phục vụ việc đưa hàng, mang tên "Servi-car". Mẫu xe này bị ngừng sản xuất vào năm 1973.

Một lần nữa chiến tranh nổ ra, Harley-Davidson sao chép thiết kế chiếc BMW R71, và cho ra đời mẫu xe XA, và một lần nữa đáp ứng nhu cầu xe phục vụ chiến trường của quân đội Mỹ. Công ty cũng đã sản xuất xe WLC cho quân đội Canada, và gửi hơn 30.000 xe sang Liên bang Xô Viết.
 
Sau chiến tranh, công ty bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ, với các xe "Super 10" và "Topper" ra đời. Năm 1960, họ mua 50% cổ phần phân nhánh sản xuất xe máy của Aeronautica Macchi và bắt đầu nhập khẩu xe 250cc, gắn mác Harley-Davidson Sprint để bán ra thị trường. Harley trở thành chủ sở hữu duy nhất của Aermacchi vào năm 1974.

 
Tay đua Joe Petrali cùng chiếc xe đã phá kỷ lục tốc độ mặt đất vào năm 1937.

Kinh đô điện ảnh Hollywood của nước Mỹ cũng có phần trong quá trình phát triển của Harley-Davidson, nhưng đáng tiếc là lại làm hỏng hình ảnh vốn đang đẹp đẽ của công ty, và dẫn tới việc thương hiệu Harley "kết giao" với các tập đoàn như 'Hell's Angels'.
 
Năm 1969, AMF mua lại công ty, mạnh tay cắt giảm nhân công và bắt đầu sản xuất xe có chất lượng kém hơn nhiều các đối thủ Nhật Bản. Doanh số sụt giảm, và công ty đứng bên bờ vực phá sản. Danh tiếng công ty tưởng như không có cơ cứu vãn.
 
Trước sức ép từ Harley-Davidson, chính phủ Mỹ đã đưa ra mức thuế 45% đối với xe máy trên 700cc nhập khẩu, nhưng thay vì đối đầu với các hãng xe Nhật Bản, họ tập trung vào phong cách 'Retro' của xe máy. Nhiều bộ phận của xe được sản xuất ở nước ngoài, và chất lượng thành phẩm bắt đầu được cải thiện. Danh tiếng dần trở lại.

 
Xe Buell® Lightning® XB9S của Harley

Năm 2006, Harley-Davidson chỉ định Beijing Feng Huo Lun (FHL) làm đại lý chính thức đầu tiên của hãng tại Trung Quốc đại lục.
 
Năm 2008, Bảo tàng Harley-Davidson trị giá 75 triệu USD đã khánh thành tại Milwaukee, thuộc tiểu bang Wisconsin của nước Mỹ. Khu liên hợp này gồm 3 tòa nhà, trưng bày một bộ sưu tập lớn xe và những đồ vật, sự kiện đáng nhớ khác của Harley-Davidson. 

 
Bức tượng bằng đồng bên ngoài khu trưng bày của Bảo tàng Harley-Davidson
 Từ chỗ chỉ là một xưởng sản xuất tuyềnh toàng, Harley-Davidson giờ đây có ý nghĩa hơn là một tên xe, hơn là một công ty. Harley đã trở thành phong cách sống của những người lái mô-tô trên toàn thế giới. Nhữn người sáng lập hãng hẳn phải thấy hài lòng.
  
 
Từ trên xuống, từ trái sang: 4 người sáng lập hãng Harley-Davidson: Arthur Davidson, William S. Harley, Walter Davidson, và William A. Davidson
 
Ảnh: Harley-Davidson