Home Phiếm Các Tác Giả Nhạc Sến …nữa !

Nhạc Sến …nữa ! PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Kiến Quốc   
Thứ Tư, 17 Tháng 6 Năm 2009 00:39

Sàigòn, ngày….tháng…năm…..

Bạn mến,

Hôm qua, trong lúc đang thơ thẩn trong một hiệu sách, thì bỗng từ đâu đó một điệu nhạc trổi lên, điệu nhạc vô cùng quen thuộc nhưng nó làm tôi xúc động đến thẫn thờ. Nói ra sợ bạn cười, đó là bản “Việt Nam -Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy. Có lẽ bạn tự hỏi sức mạnh nào đã làm tôi xúc động như thế. Thực ra đó cũng là câu hỏi của tôi.
 Chắc bạn cũng biết, những nhạc phẩm được sáng tác trước năm 75 vẫn chính thức không được công nhận và cho phép trính bày hoặc xuất bản, dù đây chỉ đơn thuần là những bản nhạc có nội dung ca tụng quê hương chứ không có ý chỉ trích chủ nghĩa, chế độ hoặc cá nhân nào. Tò mò đến gần thì mới biết đây là gian hàng bán băng, đĩa nhạc, và bài hát “quốc cấm” kia chỉ là nhạc dạo đầu của một CD học tiếng Việt xuất bản tại Hoa Kỳ, và sở dĩ có bài hát này chỉ vì đây là gian hàng nghe thử CD trước khi mua.
 Chưa kịp định thần thì Sơn, người bạn đi cùng như đọc được suy nghĩ của mình mới hỏi :”Ngạc nhiên lắm hả bạn ? Ðứng đây một chút thì bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn. Và nếu bạn ghé mắt vào các cuộn CD thì bạn sẽ còn nhiều thú vị hơn nữa”… Bản Việt Nam – Việt Nam vừa dứt, một người khách khác yêu cầu nghe thử một đĩa CD với bài Mưa Ðêm Ngoại Ô, rồi Trăng Tàn Trên Hè Phố, rồi Nỗi Buồn Hoa Phượng… Ðứng trong khu băng đĩa của một nhà sách lớn trong trung tâm Sài Gòn mà tôi ngỡ như đang ở phố Bolsa hoặc khu chợ 13 ở Paris… Bao nhiêu hình ảnh bỗng trở về chập chờn trước mắt.
 Sơn đưa cho tôi xem một chồng CD, toàn những ca khúc được nhà nước đánh giá là ủy mị, là sến, có nội dung không lành mạnh hoặc cực kỳ phản động được xuất bản tại hải ngoại và được sao chép và báy bán một cách công khai trong các nhà sách, các tiệm bán băng, đĩa nhạc. Nhìn tôi say sưa trong các bản boléro mà anh em mình vẫn hay gọi là nhạc “cải lương”, Sơn nói : “Ở đây lâu bạn sẽ hiểu ra một chân lý, đó là âm nhạc Việt Nam đã có nhiều loại và nhiều giai đoạn, từ nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc trẻ của Trường Kỳ, nhạc tình, nhạc thính phòng, v..v… tất cả đều có thời, nhưng chỉ có một loại nhạc vẫn vĩnh cửu và phổ cập trong mọi tầng lớp quần chúng, và từ thành thị đến thôn quê…”. Tôi nhìn bạn mình đang thao thao bất tuyệt trong bài diễn văn hùng hồn, nửa say mê nửa buồn cười : “Nhạc gì?”, tôi hỏi.
 Sơn trả lời một cách chắc nịch và hãnh diện : “Nhạc Sến !”. 
Và quả đúng như nhận xét bình dị của Sơn, cái loại nhạc bị xếp vào hạng “gánh nước” này quả vẫn giữ một chỗ quan trọng trong lòng người Việt Nam. Bạn có thể nghe nó bất kỳ trong một quán cóc nào, tại các bến xe, tại các phòng trà và dĩ nhiên là tại nhà riêng. Có lần về Ðồng Nai, đang chán ngắt với cái loa của Ủy Ban Nhân Dân Xã thì ngay căn nhà đối diện bùng lên tiếng hát Thanh Tuyền với bài “Sao Không Thấy Hồi Âm”:
 
“Theo năm tháng hoài mong, thư gởi đi mấy lần, đợi hồi âm chưa thấy
Anh ơi nhớ rằng đây, còn có em đêm ngày, lòng thương nhớ vơi đầy…
 
Gớm ! nằm chổng kền trên võng và giữa khung cảnh thôn quê với gió hiu hiu từ sân trước ra sân sau mà nghe mấy cái bài “gánh nước” này sao mà nó hay thế. Tiếng hát ngọt ngào phát ra từ giàn máy hi-fi hiện đại bóp chết tịt cái loa oe oé đang nhai đi nhai lại những tin tức mà chẳng ai hiểu nó muốn nói gì. Trong cái say sưa ấy tôi chợt cảm thấy một niềm vui…
 Cũng trong một lần đi hát karaoké, tôi ngạc nhiên và sung sướng khi trong tập nhạc được chia ra làm nhiều loại, nhạc tình, nhạc ngoại quốc v..v… đồng thời có nguyên một mục nhạc sến với những bài ca quen thuộc. Hôm ấy nổi hứng ẩu, tôi thử chọn một bài nằm trong danh mục các bài ca “hồng hồng” như Dậy Mà Ði, Trường Sơn Ðông Trường Sơn Tây, thì các bạn đi cùng đã trợn mắt :”Thôi đi cha, hổng biết nhạc mới thì có một đống nhạc sến đó tha hồ mà lựa. Ở đây mà hát nhạc “cách mạng” này người ta tưởng cha điên đến nơi”. Chưa bao giờ bị xỉa là điên mà tôi vui như thế. Những tác phẩm bình dị như Căn Nhà Ngoại Ô, Tình Lẻ Ðêm Buồn, Ðồi Thông Hai Mộ… này quả đã quất sụm những bài hát như Biết Ơn Chị Võ thị Sáu, anh hùng Núp, hoặc bóng cây Kơnia, v.v…
Lại cũng một lần khác tôi thấy một đám ma ngừng trước của một trường học, đội kèn tây chơi bài Trường Cũ Tình Xưa, hỏi ra mới biết người quá cố vốn là giáo sư của trường ấy. Tôi không biết thuở sinh thời ông giáo này có “sến” như tôi không nhưng tôi chợt nghĩ những bài hát này phải quen thuộc lắm khiến thân nhân mới chọn để đưa ông ta vào lòng đất…
 Trong một lần khác khi đang đi thăm Hạ Long, thì bỗng một thằng bé chỉ 7, 8 tuổi nhảy lên khoang tàu và ê a một bài hát, mà vì cái giọng miền biển của nó mà mãi sau tôi mới nhận ra đó là bài “Nó và Tôi”, cũng lại là một bài “sến” hạng nặng. Tôi say sưa nhìn thắng bé hát như trả bài.
 
“Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về,
Ngày tôi gặp nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ, thấy thương nhau nhiều quá…” 
Tiên sư cái thằng hát láo. “Nó quê ngoài kia” phải chăng là ngoài Bắc, thế này đích thị một anh di cư 54 vào Nam đi lính quốc gia. Tôi nghĩ có lẽ thằng bé chẳng hiểu ý nghĩa bài hát nhưng có lẽ đây là “thị hiếu” của khách là nó hát kiếm tiền. Trong khi ấy bên cạnh nó là một ông đứng tuổi đội nón cối, ông ta nhìn thằng oắt con “phản động” một cách lơ đãng. Biết đâu chừng ở nhà ông ấy đã đầy một tủ “sến” và ông ta đã thuộc những Nỗi Buồn Gác Trọ, Hai Mùa Mưa, hay Ga Chiều… hơn tiểu sử của những Võ thị Sáu, những Ðoàn văn Bơ, Huỳnh văn Bánh… Nhạc “sến” quả đã vượt Trường Sơn đến khắp hang cùng ngõ hẻm và chinh phục đồng bào miền Bắc. Cách đây không lâu, vào đúng ngày 30/4/2001, tôi có đến thăm lại dinh Ðộc Lập, bùi ngùi xúc động nhớ lại hình ảnh xe tăng cộng sản Bắc Việt ủi sập cửa dinh. Nhưng ngày hôm nay, cho dù bị chèn ép, truy lùng, nhạc sến vẫn còn sống và đang ủi sập cánh cửa kiểm soát tư tưởng của nhà nước. Tư tưởng này phút chốc đã làm tôi nguôi ngoai và có vẻ hả hê sau cơn xúc động khi nhìn và nhớ lại những giây phút u buồn cách đây 26 năm.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, các phong trào ca nhạc nở rộ, nhưng vẫn chỉ là những nhạc phẩm ra đời sau năm 75. Trong các buổi sinh hoạt tại các trường, các quận, nhạc sáng tác ở hải ngoại vẫn bị cấm hát, làm như với một chế độ công an trị gắt gao như ngày nay cũng chưa đủ để quản lý tư tưởng con người. Có lần tôi ghé thăm ngôi trường cũ vào đúng thời điểm trường tổ chức hội thi ca nhạc. Ban tổ chức có ra điều lệ như sau :
 “Các bài hát phải có nội dung ca ngợi Bác Hồ, Ðảng và Tổ Quốc Xã Hôi Chủ Nghĩa. Không được hát những bài ngoại ngữ và các sáng tác tại hải ngoại”.
 Tôi nực cười khi báo chí trong nước một mặt kịch liệt đả kích các “thành phần lưu vong ngoan cố” đã biểu tình chống các cuôc lưu diễn của các ca sĩ trong nước tại Hoa Kỳ và Úc, mặt khác lại ngăn chặn không cho trình diễn và tái phát hành các tác phẩm sáng tác tại hải ngoại, mặc dù nội dung chẳng có gì gọi là “chống phá cách mạng” cả. Nói gì thì nói, người ta vẫn có thể tìm mua các bài hát này trong bất kỳ một tiệm bán băng nhạc nào. Sự cấm đoán này chỉ có trên các phương tiện truyền thông và các sân khấu có tầm vóc và do nhà nước quản lý. Tôi còn nhớ có lần đang tìm mua nhạc trong một hiệu sách lớn thì có khách hỏi mua một cuộn CD với tiếng hát Ngọc Lan, và được trả lời : “nhạc hải ngoại không có bán ở đây”. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì ngỡ rằng sau 15 năm “đổi mới”, chuyện phân biệt này đã biến mất. Nhưng tức khắc sau đó tôi đã tìm ra câu trả lời : trong studio nhạc, giữa những đĩa CD tình yêu, ngự trị trên cao, là chân dung Karl Marx và Lenin… Sự lưu tâm của các bậc ấy đối với tư tưởng nhân dân VN quả là toàn diện và tuyệt đối.
Trở lại chuyện nhạc sến, đã nhiều năm trôi qua, những bài hát bình dân ấy dù rằng không được phép xuất bản và trình diễn nơi công chúng, nhưng trong các tụ điểm ca nhạc nhỏ, các phòng trà, các quán karaoké, các quán ăn bình dân, và nhất là trong lòng mọi người, nó vẫn mãi là những kỷ niệm sâu đậm mà không có một bạo lực nào có thể tiêu diệt nổi.