Home Phiếm Các Tác Giả Nhiều quan quá: quan khu, quan thôn, quan làng, quan xã...

Nhiều quan quá: quan khu, quan thôn, quan làng, quan xã... PDF Print E-mail
Tác Giả: Văn Quang   
Thứ Hai, 23 Tháng 2 Năm 2009 12:24

Trong những ngày vừa qua, nhiều tỉnh tại Việt Nam rộ lên chuyện cán bộ làng xã xén bớt tiền Tết của các gia đình nghèo khó. Mỗi nơi một kiểu, đủ thứ thủ đoạn hành dân. Người nghèo rớt mồng tơi không được lãnh tiền, người ở biệt thự thản nhiên lãnh tiền, cả đến chủ tịch, bí thư xã cũng lãnh tiền trợ cấp Tết. Rất nhiều gia đình nghèo khó quanh năm suốt tháng thiếu thốn trăm bề, đến khi nhận được tiền Tết thì chỉ nhận trên giấy, còn tiền mặt thì làng xã trừ vào những khoản nợ tự bao giờ, đôi khi người dân cũng chẳng còn nhớ. Thế là lại tay trắng ăn Tết... trắng!

Từ Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Nam, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên Huế đến Sài Gòn, Cần Thơ đều xảy ra tình trạng này.

 Trừ nợ và trà nước cho quan xã

Có quá nhiều việc như thế nên tôi chỉ lấy một vài địa phương làm điển hình.

Tại buổi tổng kết vào sáng ngày 11-2 ở UBND huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương về việc hỗ trợ tiền Tết cho các gia đình gia đình nghèo, lãnh đạo huyện đã nhận được một báo cáo hoàn hảo về vấn đề này từ xã Kim Tân. Báo cáo nào chẳng hay như hát karaoke, mọi chủ trương đường lối đều được thực hiện đúng và vượt chỉ tiêu răm rắp.

Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Cụ thể như xã Kim Tân có 280 gia đình được liệt vào gia đình nghèo, gồm có 922 người. (Ở đây còn gọi gia đình là "hộ", nhà cũng là "hộ" và số người trong gia đình được vẫn được gọi là "khẩu". Tức là vẫn theo lối "cai trị bằng cái miệng ăn" hay nói khác đi là "nắn bóp cái dạ dày").

Theo quy định, 922 người nghèo đó, mỗi người sẽ nhận được 200 ngàn đồng. Thế nhưng, chỉ tại thôn Hải Ninh, đã có gần 10 gia đình nghèo chưa nhận đủ số tiền 200.000 đồng. Như trường hợp của ông Lê Văn Thảo, 51 tuổi, bị tàn tật, nhà có 5 người không nhận được tiền đầy đủ vì bị ông Phó trưởng thôn... trừ ngay vào tiền nợ Hợp tác xã.

Ông Thảo kể: "Chiều 30 Tết, ông Đoàn Hữu Tân, Phó trưởng thôn, có nói là xin cho trợ cấp một số gia đình nhà nghèo, nếu được thì phải giữ lại một phần số tiền đó để đóng vào đội. Ông Tân lắc đầu: "Những tiền gì tôi cũng không biết rõ". Ông Phó trưởng thôn nói là nếu tôi đồng ý để thôn giữ lại 700 ngàn đồng thì ông ấy "xin giùm cho". Coi như tôi đã đóng 700 ngàn, chỉ còn nhận 300 ngàn. "Tôi thấy làm vậy là không công minh, ép bắt buộc chúng tôi!".

Nhà chị Hoàng Thị Liễu cũng ở thôn Hải Ninh, xã Kim Tân, có 5 người, hy vọng sẽ nhận được 1 triệu đồng để có tiền ăn Tết. Các con của chị những tưởng sẽ có được manh áo mới, hay ít nhiều cũng được một bữa ăn tươi trong ngày Tết. Thế mà, chính quyền thôn cũng thu luôn số tiền này với lý do: trừ vào các khoản nợ mà nhà chị đang nợ.

Chị Liễu ngậm ngùi kể rành mạch: "Tối mùng 4 Tết, chú Tân (ông Đoàn Hữu Tân, Phó thôn) đến nhà, em hỏi rằng nhà nghèo liệu có tiền ăn Tết không? Chú ấy báo tin vui: "Nhà anh chị cũng có tiền trợ cấp đấy". Nhưng chú ấy chỉ giở sổ ra, còn tiền mặt không thấy đâu. Chú ấy bảo tiền đã trừ vào tiền làm đường bê tông trước cổng nhà em".

Cũng chung hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Lê Thị Nhấm chỉ có 2 mẹ con. Con trai chị năm nay 17 tuổi, bị thần kinh từ nhỏ. Tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình của 2 mẹ con chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Nhưng chỉ tính riêng tiền thuốc chữa bệnh cho con trai mỗi tháng chị Nhấm cũng tốn khoảng 300.000 đồng.

Theo quy định, gia đình chị có người tàn tật và là gia đình nghèo thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng hơn 100 ngàn đồng. Thế nhưng, từ năm ngoái đến nay, gia đình chị không nhận được một đồng trợ cấp nào.

Theo tiêu chuẩn, Tết vừa rồi, hai mẹ con chị lẽ ra cũng được nhận 400 ngàn đồng tiền hỗ trợ ăn Tết, nhưng lãnh đạo thôn Hải Ninh đã trừ luôn 230 ngàn tiền nợ làm đường giao thông và nợ thuế. Hai mẹ con chị đành ngậm ngùi đón một cái Tết với số tiền vẻn vẹn 170.000 đồng.

Chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Bích cũng ở thôn Hải Ninh còn trắng trợn hơn. Ông Đoàn Hữu Tân, Phó trưởng thôn Hải Ninh, cầm số tiền 800 ngàn đồng đến tận nhà chị Bích, nhưng bớt thẳng 100 ngàn đồng, với lý do là... để uống nước.

 Thái độ vô cảm của quan làng

Khi gặp phóng viên, ông Đoàn Hữu Tân, Phó trưởng thôn Hải Ninh, rất hồn nhiên và trả lời tỉnh queo: "Thực sự, tiền gia đình nghèo là người dân được bao nhiêu phải chi trả bấy nhiêu theo số tiền Nhà nước đã cấp. Nhưng khi tôi đến đưa tiền hỗ trợ và thu tiền nợ thì người dân vẫn bảo là không có tiền nộp. Người dân nói vì điều kiện khó khăn người ta chưa nộp được, giờ có tiền này thì phải nộp!".

Có nghĩa là bất chấp những hoàn cảnh khó khăn của người dân, bất chấp Lễ Tết là những ngày thiêng liêng, quan làng cứ thu sạch vét sạch, nợ bao nhiêu thu đủ bấy nhiêu, còn dân "sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi".

 Khi sự việc được phơi bày, ông Chủ tịch xã Kim Tân Nguyễn Văn Quỵnh mới thừa nhận: "Các thôn trừ nợ như vậy là sai". Tuy nhiên, ông chủ tịch xã này cũng "biện minh" cho hành động của cấp dưới là "cái đó do các thôn vận dụng vào tình hình thực tế". - Tình hình thực tế là cái gì? Là người dân đói không nhận được trợ cấp hay Ủy ban thôn đói?

Và quan xã lại đổ cho quan làng: "Tôi cho rằng việc này là do trách nhiệm của các thôn. Chúng tôi đã yêu cầu các thôn báo cáo bằng văn bản về UBND xã để nắm và có ý kiến chỉ đạo".

Từ thôn đến xã có vài bước mà nhiêu khê diệu vợi như vậy thì đúng là quan liêu hơn cả quan liêu thời xa xưa, đường sá cách trở. Quan xã có thể đi bộ hoặc chạy cái xe gắn máy, mất dăm ba phút về thôn, xem xét tại chỗ, giải quyết trực tiếp chứ đợi giấy tờ mất bao nhiêu ngày nữa, dân có chết nhăn răng cũng chẳng biết.

Cái mớ bùng nhùng, đổ tội qua, tội lại, rồi nói cho xong chuyện "đợi điều tra, đợi báo cáo rồi hứa hẹn sẽ có biện pháp xử lý thích đáng" cũng chẳng còn xa lạ gì, nó đã thành cái "mốt" của thời đại. Ở đâu cũng vậy!

 "Cào bằng" có lợi cho... cả bí thư và chủ tịch

Lối hỗ trợ tiền Tết cho người nghèo tại huyện Cẩm Khê, Tỉnh Phú Thọ còn thực hiện theo kiểu "cào bằng". Xin nói rõ "cào bằng" ở đây có nghĩa là "chia đều" cho mọi người, ai cũng như ai.

Gia đình chị Đặng Thị Thức, ở khu 6 xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), là một gia đình nghèo. Gia đình chị có 4 người, sáng 30 Tết, Trưởng khu gọi lên bảo ký vào danh sách rồi nhận mỗi người 65.000 đồng, tổng cộng cả nhà bốn người được 260.000 đồng. Ở đây, bất kể giàu nghèo, ai cũng có phần như chị.

Chị Nguyễn Thị Thơm - một hàng xóm của chị Thức cũng bất bình: "Nhà tôi có 4 người, chỉ được nhận 260.000 đồng. Mấy hôm nay lại thấy cán bộ khu đi từng nhà vận động ký vào danh sách là... đã nhận đủ 800.000 đồng, tôi không ký vì mình có được nhận số tiền nhiều đến như thế đâu".

Ông Nguyễn Tiến Tảo, Trưởng khu 6 xã Yên Dưỡng, cho biết: Cả khu có 144 gia đình với 444 người, trong đó 33 gia đình với 161 người thuộc diện nghèo. Sáng 28 Tết, xã gọi lên bảo mang tiền về hỗ trợ người nghèo ăn Tết. Lãnh đạo khu họp và đã thống nhất... chia đều mỗi người 65.000 đồng.

Với kiểu chia này, nhà ông Tảo cũng như nhà Bí thư Chi bộ khu Lê Thị Yên và những gia đình khá giả khác trong thôn cũng được "hưởng lộc Tết" từ tiêu chuẩn của gia đình nghèo. Đúng là "lãnh đạo khu" ở một thôn xóm xa xôi có nhiều "sáng kiến khôn ngoan" thật. Phớt lờ mục đích của công việc chung, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, như thế thì dân nghèo làm sao ngóc đầu lên được. Ngày xưa chỉ có quan huyện, nay có cả "quan khu, quan thôn, quan làng, quan xã" nữa, vai dân càng nặng, áo dân càng rách.

Việc nhân đạo còn thế thì những công việc khác, những quyền lợi khác của làng xã các quan bê về bao nhiêu trong những cuộc "cào bằng" như vậy?

Chủ một ngôi nhà 2 tầng bề thế ở đây hồn nhiên cho biết: "Họ đưa tiền thì tôi cầm, mà có đáng là bao, cả nhà 3 người mới được 195.000 đồng, đủ mua thùng bia cho bố con nhà cháu".

 Vợ tôi nhận chứ tôi không nhận

Tại xã Hương Lung cũng có tình trạng này. Người dân ở khu 3 cho biết: Tại khu này, có người đã đi Tây nhưng vẫn được nhận tiền Tết, nhưng có gia đình trẻ em lại không được nhận và được giải thích: "Trẻ em dưới năm tuổi không được!".

Có những gia đình nghèo trong khu được ông Trần Văn Cường, Trưởng khu, thông báo đến nhận tiền. Nhưng ông Cường cũng thông báo luôn cho ông Nguyễn Trọng Quyền, Chi hội trưởng Hội nông dân kiêm phụ trách khuyến nông của khu, đến nơi phát tiền để... xiết nợ các gia đình còn nợ tiền phân bón trả chậm.

Nhiều gia đình vừa lĩnh tiền từ tay ông Trưởng khu, chưa kịp cho vào túi đã phải chuyển ngay sang cho ông Quyền. Gia đình bà Nguyễn Thị Quý, được nhận ba suất, sau khi trừ các khoản đóng góp và xiết nợ chỉ được cầm về đúng 100 ngàn đồng.

Còn ở xã Sơn Nga, Chủ tịch xã có nhà xây hai tầng, cũng được nhận tiền Tết trợ giúp gia đình nghèo. Sau khi sự việc vỡ lở, ông Chủ tịch này chối ngay trách nhiệm: "Đấy là vợ tôi nhận chứ tôi không nhận!".

Câu trả lời của ông chủ tịch xã nghe ngây thơ vô tội thật.

 Những trò "múa rối" khác

Ở những nơi khác, việc này còn diễn ra dưới nhiều "trò" khác nhau. Xin tóm tắt vài chuyện lẩm cẩm nhất:

- Tại Xóm 1, xã Khánh Sơn, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An, có 12 gia đình nghèo trong xóm, theo chỉ thị mỗi người nghèo được hỗ trợ 200.000 đồng ăn Tết, và mỗi gia đình không quá 1 triệu đồng. Nhưng ông Nguyễn Đình Tân, xóm trưởng Xóm 1 của xã Khánh Sơn, chỉ phát cho mỗi người 50.000 đồng và 8,5 kg gạo, phần còn lại vẫn giữ vì "sợ dân có tiền sẽ ăn tiêu hoang phí". Đúng là ông trưởng thôn lo bò trắng răng.

Ông xóm trưởng cũng quả quyết, không riêng gì Xóm 1 mà rất nhiều xóm trong xã Khánh Sơn đều làm tương tự. Tuy nhiên, số tiền còn lại bao giờ phát cho dân thì không thấy nói đến.

- Ngoài ra, ở một số xã, huyện khác như xã Tường Sơn (Anh Sơn), người nghèo còn bị trừ tiền để xây chợ. Ở xã Thanh Khê (Thanh Chương), một phần tiền của người nghèo được giữ lại làm quỹ khuyến học. Còn ở Xóm 6, Lăng Thành (Yên Thành), mỗi gia đình nghèo phải trích lại 5.000 đồng "phí dịch vụ"...

- Người dân ở Xóm 7, xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phải nộp lại tiền Tết cho xóm trưởng để xây cổng văn hóa. Ông xóm trưởng Nguyễn Xuân Hùng đã thừa nhận là có thu tiền của một số gia đình nghèo để xây cổng văn hóa xã nhưng ông ấy giải thích là chủ trương này đã có từ trước.

- Tại phường Phú Hiệp (TT-Huế) Ông Nguyễn Xuân Thắng, tổ trưởng Tổ 6, phường Phú Hiệp (TP. Huế) đã yêu cầu 19 gia đình dân nghèo ở trong tổ nộp lại 100.000 đồng để làm sổ cho thanh niên nhập ngũ.

- Ở Cần Thơ, có 250 phần quà Tết Kỷ Sửu do Liên Đoàn Lao Động (LĐLĐ) TP Cần Thơ tặng công nhân nghèo đã bị bớt xén. Số quà nói trên gồm 5 món với thông báo trị giá 150.000 đồng/phần, nhưng khi một số công nhân mang ra chợ Cần Thơ đối chiếu giá thì mỗi phần chỉ có 90.000 đồng. Tổng cộng, số tiền mua quà bị bớt xén gần 20 triệu đồng. Kết quả xác minh còn cho thấy ông Nguyễn Nhật Duy, Phó văn phòng LĐLĐ Thành phố, là người trực tiếp đi mua hàng được nhận 6 triệu đồng hoa hồng.

- Tại thôn Thống Nhất, xã An Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), trưởng thôn đã yêu cầu gia đình nghèo ký tên vào danh sách nhận 1 triệu đồng, nhưng chỉ phát 250.000 đồng và 8 kg gạo. Trong khi đó, cán bộ có xe hơi riêng, nhà lầu vẫn được nhận tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết.

Đấy mới là chuyện năm nay, còn những năm trước đó và những năm sau này chưa biết sẽ ra sao. Những chuyện này nói mãi cũng chẳng bao giờ hết.

Xin chuyển sang một tin thời sự đáng chú ý khác.

 Vụ án PCI với nhiều câu hỏi

Trở lại với TP. Sài Gòn trong tuần vừa qua, sự kiện ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt giam chiều ngày 11-2, vì tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gây chấn động dư luận, bởi trước đó, nhiều thông tin lan nhanh trong dư luận cho rằng vụ việc có thể chìm xuồng.

Nhất là trong những ngày Tết, có nhiều tin đồn rằng ông Sỹ xuất cảnh qua Canada chữa bệnh. Thật ra, ông Sỹ đã bị Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh (A18) - Bộ Công an, thực hiện theo yêu cầu của cơ quan điều tra, cấm ông xuất cảnh qua các cửa khẩu trên toàn quốc.

Vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi liên quan đến nhóm quan chức thuộc Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI), có trụ sở tại Tokyo, vừa bị Viện Công tố nơi này truy tố ra tòa xét xử về hai tội danh: "Đưa hối lộ" và "Vi phạm luật chống cạnh tranh" theo luật pháp Nhật.

 "Hành trình" của vụ án

Xin lướt qua "hành trình" của vụ án để bạn đọc dễ nhớ. Vụ án tạo nên xì-căng-đan ở Nhật Bản và cả dư luận quốc tế, đặc biệt là ở Việt Nam, khi hình ảnh cùng danh tính ông Sỹ được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng Nhật. Mãi đến ngày 19-11-2008, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Sài Gòn mới ký kết luận số 36, tạm đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

Sau đó, vào cuối tháng 12-2008, hồ sơ về vụ án được phía Viện Kiểm sát Tối cao Việt Nam tiếp nhận từ phía Nhật gửi sang. Vụ Thực hành Quyền Công tố & Kiểm sát Điều tra Án Tham nhũng, Viện Kiểm sát Tối cao, được giao phối hợp cùng Cục CSĐT Tội phạm về tham nhũng (C37) thụ lý vụ việc.

Hồ sơ phía cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam được Giám đốc Viện Công tố Địa phương Tokyo đề nghị hợp tác điều tra liên quan PCI có 6 phần, trong đó có đến 4 phần đề nghị cho đưa hai công tố viên Nhật vào hợp tác điều tra đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

Ngày 8-12, C37 khởi tố vụ án "Nhận hối lộ và đưa hối lộ" xảy ra từ năm 2003-2006 tại Ban Quản lý Dự án để điều tra.

Sáng 11-2 nhiều phóng viên và người dân tập trung trước cửa nhà số 350 Võ Văn Tần, Quận 3, nơi ông Sỹ cư ngụ, để mục kích cơ quan điều tra áp giải ông Sỹ từ trụ sở Tổng cục Cảnh sát phía Nam về nhà riêng thực hiện lệnh khám xét.

Đến 13 giờ 30 phút, chiếc xe 7 chỗ biển xanh dừng đột ngột trước ngôi nhà. Các điều tra viên nhanh chóng bước vào nhà, cửa sắt đóng ập lại.

Cả khu phố đối diện trước Đội 2 Đội Cảnh sát giao thông TP. Sài Gòn náo động. Trời bỗng dưng đổ cơn mưa nhẹ. Người dân vẫn đứng dưới mưa để chờ cảnh cơ quan điều tra kết thúc cuộc khám xét.

Cũng thời điểm, một chiếc xe biển xanh khác đến đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, Quận 7, để khám xét nhà ông Lê Quả - nguyên Phó GĐ Ban Quản Lý Dự Án.

Cả ông Sỹ và ông Quả đều bị Viện Kiểm sát Tối cao phê chuẩn, khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng về tội "Lợi dụng quyền hạn trong thi hành công vụ".

 Những câu hỏi đặt ra

Nhưng với việc ông Sỹ cùng cấp dưới đút túi riêng tiền tỷ bị phát giác và báo cáo lên UBND TP. Sài Gòn từ nửa cuối năm 2008, dư luận buộc phải đặt nhiều câu hỏi.

Tại sao sai phạm đã được làm rõ của ông Sỹ lại không được công khai và xét xử từ cuối năm 2008? Người ta còn nhớ rằng lúc đó ông Sỹ chỉ bị tạm đình chỉ công tác vào tháng 12-2008 (về nghi án nhận hối lộ) sau khi có ý kiến của cấp cao hơn UBND TP. Sài Gòn.

Trong khi tháng 10-2008, chính UBND TP. Sài Gòn có công văn số 621 (ngày 27-10-2008) chỉ thị thu hồi số tiền mà ông Quả, cấp phó của ông Sỹ, đã nhận tiền thuê nhà để xài riêng và chia chác, trong đó ông Sỹ nhận nhiều nhất. Lẽ ra khi ấy, cần phải mạnh tay và nghiêm khắc, ít nhất là tạm đình chỉ công tác ông Sỹ chứ không phải đợi đến tháng 12 mới làm vì một lý do khác.

Ngày 5-12-2008, phát biểu trước HĐND TP. Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TP. Sài Gòn, cũng chỉ nói về việc phía Nhật chưa cung cấp hồ sơ chứng cứ phạm pháp của các cán bộ liên quan đến nghi án nhận hối lộ của doanh nghiệp Nhật chứ không nói gì đến sai phạm trong việc cho thuê trụ sở và chia chác tiền ở Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây.

Vậy thì tại sao vụ chia chác tiền cho thuê trụ sở không được công khai trước Hội đồng nhân dân và ông Sỹ cũng chỉ bị tạm đình chỉ công tác vì liên quan đến vụ hối lộ chứ không phải vì cho PCI thuê nhà rồi lấy tiền chia nhau? Cái gì đã ngáng chân tin tức đó không được tiết lộ?

Dư luận đặt ra câu hỏi với cơ quan có trách nhiệm và nhất là UBND TP. Sài Gòn: Tại sao sai phạm trong việc PCI cho thuê nhà của ông Sỹ, ông Quả đã quá rõ như thế mà phải chờ đến khi cả hai bị bắt tạm giam người dân mới được biết. Hơn nữa tại sao ông Sỹ không bị kỷ luật công khai dù sai phạm đó đã dẫn ông đến nhà giam ngày 11-2 vừa qua? Dư luận không thể thông cảm và đồng thuận với cách làm việc như thế này.

Và chắc chắn sẽ còn những tình tiết khác với những số tiền hàng nhiều triệu đô-la được khui ra, chứ không là chuyện nhỏ như chuyện chia chác vài trăm triệu tiền Việt Nam chỉ là... chuyện vặt.