Home Phiếm Các Tác Giả Chuyện vỉa hè

Chuyện vỉa hè PDF Print E-mail
Tác Giả: Trực Dân   
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 03:23

Hữu Ước: Gần đủ các lọai “nhà”, chỉ còn thiếu danh hiệu nhà... cầu!

LTS.- “Công an nhân dân” là tên gọi một lực lượng được dùng làm công cụ chỉ để bảo vệ chế độ. “Công an nhân dân” còn là tên gọi một tờ báo chuyên bóp méo thông tin, vu cáo những “phần tử nguy hiểm” vì tranh đấu cho dân chủ, tự do.

Ðứng đầu tờ báo “Công an nhân dân” là một thiếu tướng tên Hữu Ước, gần đây đột nhiên trở thành một “bậc kỳ tài” và Chuyện vỉa hè kỳ này xin giới thiệu “tài năng” của Hữu Ước... 

Ông tướng Hữu Ước, vị tổng biên tập nhóm báo công an ở Việt Nam (Công An Nhân Dân, Văn Hóa-Văn Nghệ Công An, An Ninh Thế Giới) hẳn vẫn chưa hài lòng với “số lượng” các tài năng của mình. Ðến giờ này, ngoài việc là một nhà báo (đương nhiên như vậy vì ông là tổng biên tập một tờ báo, dù đó là tờ... Công An Nhân Dân), Hữu Ước còn được “đánh trống, thổi kèn” để xuất hiện như một nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà... nhạc, nhà... vẽ, nhà điêu khắc! 

Nhiều năm trước, người ta thấy ông tự giới thiệu chuyện ngoài việc là một nhà báo, ông còn là nhà soạn kịch. Kịch bản “Vòng đời” của ông ngày ấy, khi được dàn dựng, đã quy tụ đủ các thứ sao, từ ngôi sao chính kịch đến tuồng, chèo, công diễn rầm rộ với giá vé cao ngất. 

Tôi - bất hạnh thay, không đủ tiền mua được nửa vé để bái ngưỡng tài năng đó nhưng - may mắn thay, lại được biếu đến... mấy chiếc vé đủ để dẫn cả nhà đi coi cho... kín rạp. Có thể khả năng cảm thụ nghệ thuật của tôi không tốt, nên sau lần xem vở kịch lừng danh ấy, tôi bỗng đâm thù kịch nghệ... 

May mắn là nhờ Trời còn thương nên Ngài không tước mất nơi tôi sự say mê các loại hình nghệ thuật khác. Vậy mà... ông Hữu Ước đột nhiên ngộ ra ông có khả năng hội họa để tôi vĩnh biệt thêm... lĩnh vực mỹ thuật! 

Nghe đồn, từ khi Hữu Ước phát hiện... ông ta có năng khiếu hội họa, trong phòng làm việc của ông luôn có những tấm toan khổ to, thật to và ngổn ngang sơn dầu, màu vẽ để ông thư giãn mỗi khi mỏi mệt với các lệnh cấm đăng của Ban Văn Hóa Tư Tưởng (trước kia) và Bộ 4T (Thông Tin-Truyền Thông, hiện nay). 

Không chỉ sắm vai nhà văn, nhà soạn kịch, nhà... vẽ, Hữu Ước còn làm nhà thơ, nhà... nhạc. Cán bộ, nhân viên báo Công An Nhân Dân kháo nhau, phóng viên nào khôn lanh, lựa lúc Hữu Ước đang ngồi trong phòng, giả vờ vô tình, vừa lên cầu thang, vừa hát véo von một bài hát mà tổng biên tập... sáng tác thì thế nào Hữu Ước cũng nhảy xổ ra, mắt rưng rưng lệ, cầm tay cái đứa không biết trong đầu có gì ấy, dẫn vào phòng tặng cho mấy cái đĩa DVD. Ði công tác, đứa nào không thuộc thơ, thuộc nhạc anh Ước thì chịu khó đi tàu, ngược lại, tha hồ vi vút bằng... máy bay, công tác phí khai bao nhiêu cũng được thanh toán hết. Hữu Ước tuy là... nghệ sĩ nhưng mấy khi có người đồng cảm. Ðã gặp “tri âm” thì nhẹ dạ một chút, két bạc của tờ báo vơi đi cũng là lẽ thường, tiền mất đi có của ông Ước hay của anh, của chị đâu mà thắc mắc! 

Từ khi “tinh anh phát tiết”, thơ, kịch, rồi nhạc phẩm, tác phẩm hội họa, tác phẩm điêu khắc của ông Hữu Ước liên tục được giới thiệu trên báo... Công An Nhân Dân do ông làm... tổng biên tập! Có những “chuyên viên” chuyên “bốc thơm” các tác phẩm của ông Hữu Ước. Nổi tiếng nhất là Hồng Thanh Quang, rồi Hoàng Nhuận Cầm. Những bài “bốc thơm” ấy thường là theo kiểu: “Hữu Ước không chỉ là nhà báo, mà còn là nhà thơ, với những vần thơ trăn trở và bay bổng về tâm hồn người nghệ sĩ lớn luôn đau đáu với đời (...)Không chỉ là nhà thơ, anh thật sự là mình khi viết nhạc. Nhạc Hữu Ước sang trọng một cách hiếm có. Dường như chỉ khi đến với nhạc, Hữu Ước mới có phương tiện để thổn thức hết tiếng lòng của mình (...).Nhưng chỉ hội họa mới thật sự đem lại cho nghệ sĩ - nhà báo Hữu Ước không gian đủ mênh mông cho anh vùng vẫy và thỏa sức bay lượn với những sắc màu ma mị, trí tuệ phi thường mà cũng hồn nhiên như hoa đồng cỏ nội (...)Ðiêu khắc - vâng, chỉ có điêu khắc, thứ nghệ thuật của các bậc Met trên thế giới, thứ nghệ thuật cao cả, đòi hỏi trí tuệ siêu nhiên, không có chỗ cho loại khán giả bình dân, là nơi Hữu Ước có thể gửi gắm một phần ước vọng của mình”... 

Người ta bảo rằng, mỗi bài viết rổn rảng như vậy, ngốn hơn một trang hoặc thậm chí một trang rưỡi của tờ báo khổ to, có nhuận bút gấp ba lần một phóng sự thực hiện dày công của một phóng viên cũng của “bổn báo” ấy. Những bài viết rổn rảng đó cũng là nguyên nhân tạo ra một câu chuyện vui được giới nhà báo, nhà văn ở Hà Nội kháo với nhau thường xuyên: Bữa nọ, Hữu Ước đến tòa soạn với đũng quần ướt sũng. Mọi người hỏi vì sao, Hữu Ước trả lời buồn thiu: Hôm nay Hồng Thanh Quang nghỉ ở nhà! 

Lạ là tài năng của Hữu Ước chỉ phát ở Hà Nội chứ không lên nổi ở Sài Gòn. Hữu Ước đã từng nhiều lần mang kịch của mình viết, vào diễn ở Sài Gòn nhưng dân Sài Gòn không mặn mà. Thậm chí vé mời được phát ra như bươm bướm mà thiên hạ cũng không thèm hạ cố thưởng thức. 

Ðể chứng minh khán giả Sài Gòn “có mắt như mù”, Hữu Ước quay ra Hà Nội, mướn Nhà hát lớn, diễn liền năm đêm “Thơ, Văn, Nhạc, Kịch Hữu Ước”, đồng thời còn cho treo tranh mình vẽ để... bán đấu giá. Trong năm đêm này, toàn bộ “nhân dân” đang làm việc trong các tờ báo mà Hữu Ước là tổng biên tập được huy động để “đi hầu” đủ năm đêm. Năm đêm đó, tuy chỉ là... thưởng thức nghệ thuật nhưng có... điểm danh, ai vắng mặt sẽ bị hạ bậc thi đua, cắt tiền thưởng cuối năm. Nhờ vậy mà nhà hát lớn Hà Nội đông nghịt. 

Nghe, thấy những chuyện này, báo giới và văn nghệ sĩ miền Nam chặt lưỡi, chép miệng: Hữu Ước đã có gần đủ tài năng của... các loại “nhà”. Trên danh thiếp của Hữu Ước chỉ còn thiếu mỗi nhà... cầu! 

Có xứ nào sản sinh được những ông tướng như thế không nhỉ? Chắc chắn là không! Không có cũng dễ hiểu bởi họ làm gì có “cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ðem ngựa cho phối giống với lừa thì ra con la. Lấy “kinh tế thị trường”, lai với “định hướng xã hội chủ nghĩa”, cũng phải cho ra một thứ gì đó, chẳng hạn những quái thai như ông... tướng ấy chứ!