Home Phiếm Các Tác Giả Bà... Tư lệnh

Bà... Tư lệnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Chúa Nhật, 04 Tháng 1 Năm 2009 21:28

Ông Mark Foukhouser, một kiểm toán viên tốt đã phục vụ chính quyền địa phương Kansas trong suốt 19 năm. Năm 2007 ông ra ứng cử chức vụ thị trưởng với khẩu hiệu phục vụ cho đa số người nghèo và đắc cử. Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, ông đã có những cử chỉ đẹp như từ chối chiếc xe Honda Civic Hybrid do một đại lý xe hơi địa phương cung cấp miễn phí cho ông, cũng như đã tiết kiệm được cho ngân quỹ thành phố mỗi năm $160,000 bằng cách không sử dụng chiếc Lincoln Town Car và hai cảnh sát hộ tống mà dùng một chiếc Toyota Corrola đời 1997 cũ xì để đi làm. 

Tuy vậy từ lúc ông đắc cử thị trưởng của Kansas City, người ta thấy hình như bà vợ của ông là Gloria Squitiro xen vào công việc của ông quá nhiều. Như một nhân viên làm việc tình nguyện, từng ở trong ban cố vấn tranh cử của ông, bà vợ dọn ngay một bàn giấy vào gần bàn làm việc của ông chồng thị trưởng. Bà lộng hành đến nỗi mắng mỏ cả phụ tá của thị trưởng. Chuyện này làm cho các Nghị Viên Hội Ðồng Thành Phố bực mình và đưa ra đạo luật cấm bà thị trưởng làm việc tình nguyện tại văn phòng thị trưởng nữa. 

Ông Foukhouser đã cố gắng phủ quyết, nhưng cuối cùng đạo luật vẫn được thông qua. Bà “cố vấn” không còn được làm tình nguyện bên cạnh ông nữa, thì ông dọn bàn giấy thị trưởng về nhà luôn cho bõ ghét và chuyện này không biết có vi phạm luật lệ gì không? 

Dân Kansas City bắt đầu đàm tiếu về chuyện ông sợ vợ và không thể xa vợ được nửa bước. Người dân cũng thắc mắc họ đâu có bầu cho cả hai vợ chồng làm thị trưởng. Chuyện này là người ta nhớ đến thời gian bầu cử ông Bill Clinton làm tổng thống, nhiều người cũng sợ rằng bầu một tổng thống lại được biếu không một tổng thống là bà Hillary Clinton. 

Ngày xưa chúng ta thường nghe chuyện cổ, các hoàng thái hậu khi vua còn nhỏ thường xen vào việc nước, thao túng cả triều đình, hay hoàng hậu lấn át quyền vua. Nhà Chu sụp đổ vì Bao Tự, Tây Thi làm mạt triều Ngô hay Ðường Minh Hoàng điêu đứng vì Dương Quý Phi, thì đời nay, chuyện quý phu nhân xen vào việc đại sự của chồng thì đâu có gì lạ. 

Trước tiên là quý bà biết hết việc công đường, kể cả xem hồ sơ mật trên giường ngủ. Chẳng là trong khi chăn gối, ông cao hứng đem kể những chuyện không đáng kể cho bà nghe, từ việc quan trên đối xử hay nói gì với ông, đến thuộc hạ công việc của mỗi người như thế nào, thậm chí đến việc quân cơ bí mật. 

Bà thì “ruột để ngoài da,” những chuyện này khi gặp gỡ các phu nhân khác hay ngoài tiệm uốn tóc, trong lúc bài bạc, bà tiết lộ không sót một chi tiết nào, trong khi tai mắt địch lúc nào cũng có. Nhiều bà vợ lại còn rành chuyện trong đơn vị của chồng, biết kỳ này ông thiếu mấy điểm mới được lên “lon,” ai mới thuyên chuyển về đơn vị, ngày mai đi hành quân ở đâu. Tiếp tay với mấy bà và nguy hiểm nhất là các ông “thầy bói tình báo cao cấp” thường được mời đến tư dinh để vấn kế, không phải chỉ chuyện gia đạo mà còn thời khắc, phương hướng hành quân sao cho an toàn mạng sống. 

Một chuyện khác là ông “làm chủ” nhưng bà “lãnh đạo”, đương nhiên là kiêm “tổ chức,” do đó ai muốn thuyên chuyển về chỗ tốt thì tìm bà. Thành ngữ Việt Nam đã có câu “lệnh ông không bằng cồng bà,” cồng mà đã đánh lên thời ai cũng phải sợ. Bà có tùy viên, có tài xế, có văn phòng riêng để giúp ông điều hành việc nước. Ông thường ra vào cửa trước, bà giải quyết công việc cửa sau mà mọi sự đều tốt đẹp. Nếu như ông thanh liêm có phần than phiền hành động của bà, thì bà cho tổng hành dinh dọn rau muống luộc cho ông ăn vì lương ông thanh liêm thì bữa ăn cũng chỉ đủ cho ngần ấy. 

Ban ngày ông đi bay lo cho việc nước, buổi tối bà thường nhấc máy gọi các đơn vị trưởng để bàn việc nhà. Việc nhà của bà là tiền, cho nên Âu Á nói không sai: “Ðem lửa thử vàng, đem vàng thử đàn bà và đem đàn bà thử đàn ông.” 

Nhiều phụ nữ không cần phải là bà “tư lệnh” mà chỉ cần là dựa hơi “tư lệnh” nhờ nhan sắc cũng có thể điều hành việc bán xăng hay thuốc tây qua biên giới cho địch, để địch có sức mạnh trường kỳ kháng chiến. Bám vào địa vị của chồng, những người đàn bà này chỉ biết có tiền và thao túng, xen vào công việc của chồng, thao túng cả cơ quan hay đơn vị của chồng. Những vị phu nhân này đã góp công vào việc làm cho chúng ta phải bỏ nước ra đi. 

Sang đến Mỹ rồi thì đàn bà theo đẳng cấp lại hơn đàn ông đến vài ba bậc, nhiều khi là một thứ bất khả xâm phạm, nhất là trong một hoàn cảnh đổi đời, khi ông không còn quyền lực, chức phận thì các bà lại càng lấn lướt hơn. Chuyện “phu xướng phụ tùy” ghe chừng như đã xa xưa lắm rồi. 

Người xưa đã nói “giàu nhờ bạn sang nhờ vợ” hẳn không sai. 

Những người bạn quản giao, ăn ở có tình với bạn bè hẳn phải có một người vợ tốt. Những người đi làm cách mạng phải là những người không vướng bận vợ con hay là có một người vợ đồng chí hướng với mình và biết hy sinh. Nhiều người đàn bà quá tham vọng đã đẩy chồng vào chỗ chết. Người ta thường nói “sau lưng một người đàn ông thành công có một người đàn bà đảm đang” mà không ai nhắc đến một người đàn bà giỏi giang.
Ông Alfred Tennyson (1809-1892), một thi sĩ người Anh đã sắp xếp chỗ đứng của quý bà bên cạnh các ông như sau: 

Ðàn ông ở đồng - đàn bà ở bếp

Ðàn ông cầm kiếm - đàn bà cầm kim

Ðàn ông với đầu não - đàn bà với trái tim

Ðàn ông chỉ huy - đàn bà vâng lệnh

Mọi điều khác đều lầm lẫn. 

Nhưng tiếc thay, bây giờ là thế kỷ 21 chứ không phải 19 !