Home Phiếm Các Tác Giả Mùa Đông nhớ về mùa Hè và đi học

Mùa Đông nhớ về mùa Hè và đi học PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Bảy, 06 Tháng 12 Năm 2008 21:33

Bây giờ là cuối Thu đầu Đông, các trường đại học bắt đầu rục rịch thi final, các trường trung và tiểu học chuẩn bị thi cuối học kỳ (semester) và nghỉ lễ. Vừa lễ Noel vừa Tết Dương Lịch vị chi là học sinh nghỉ được 3 tuần, sinh viên có thể có 1 tháng Tết trước khi vào niên khóa mùa Xuân. Thời đi học sung sướng thế.

Đời sống của người dân Việt tại Hoa Kỳ vẫn bình thản trôi qua; mọi việc cứ “tuần tự nhi tiến”. Sáng ra vợ chồng cơm đùm, cơm gói đi làm, con đi học; khá hơn một chút, chồng “tếch” vợ “ly” thì khỏi mang cơm theo. Khá nhất có lẽ là những ông bà có chức có quyền, có “function” có “good position” thì được nghỉ 1 giờ ăn trưa, ra tiệm, ra quán.

Những đứa con, khi còn nhỏ chồng vợ chia nhau đứa đi nhà trẻ, đứa đến trường. Lớn lên một chút thì chúng nó tự đi được bằng xe búyt của nhà trường. Chuyện học hành đối với người Việt rất quan trọng, con đường tương lai chỉ nhờ vào sự học. Dù nghèo cách mấy, cha mẹ cũng ráng cho con đi học. Qua Mỹ, chuyện học trở nên dễ dàng hơn, muốn “bác sĩ, kỹ sư tay trắng xây lầu, luật sư đắc vợ làm giàu khơi khơi“ (Mảnh Bằng –AVT) đều có cơ hội.

“Nhớ lại những ngày ở quê nhà, chuyện học hành sao mà khó giàn trời mây” Ông Tâm Đăng nói như vậy với bạn bè. “Nói nào ngay, nhờ phước đức ông bà con cái nhà tui cũng chịu khó…đứa nào cũng thành danh, chỉ còn có đứa út đang ở trường SJSU, cũng sắp xong rồi.”

Bạn bè mừng cho ông: “Mừng cho ông bà có phước có phần.”

Câu chuyện xoay quanh viêc học hành, làm ăn. Đứa con gái vừa về tới, trang phục của cô gái không ra dáng đi học, một bộ vest đen, rất “professional” của một người đi làm. Cô gái vui vẻ lắm, khoe với cha “Hôm nay con làm bài final được điểm A. Trời ơi! Sinh viên vỗ tay khen quá trời. Giáo sư của con còn đề nghị đi thuyết trình cho các lớp khác nghe nữa chớ.” Cô gái chạy tuột vào trong.

“Con ông đi học mà sang thế, cứ như người đi làm vậy. Nó học môn gì?”

“Oh! Nó học Quản trị tài chánh (Management Information Systems).”

“Đi học mà sang gớm, cứ như mấy chuyên viên đi làm.”

“Thi final mà.”

Cô gái bước ra trong y phục gọn gàng, áo cánh quần jean, trông trẻ trung yêu đời.

“Ngaỳ nào đi học cũng diện như vậy hả cháu?”

“Đâu mà có, sinh viên mà…nhưng hôm nay đặc biệt làm bài thuyết trình, phải ăn bận như một chuyên viên nhà nghề. Làm presentation đó chú ơi.”

“Sau này cháu muốn làm gì? Mở business à?”

“Không, cháu sẽ học lên master, làm chuyên viên tài chánh quốc tế, làm consultant-a consultant on business “

“Chà! Dữ à nghen.”

Cô gái hừng chí nói luôn “Sẽ tìm cách làm cho các công ty Mỹ về VN làm consultant.”

Khi cô gái đã ra ngoài, người bạn ông Tâm Đăng gật gù:”Con cái thời nay có khác. Muốn làm gì cũng được, có đâu như thời buổi của mình.”

“Ừ, thời của mình nó khác, Học để kiếm ăn, học để có đời sống khá hơn, khỏi lầm lủi nắm cái đuôi con trâu, hay là buôn thúng bán bưng.”

“Khổ thật. Bây giờ nước mình cũng thế mà thôi. Sau hơn 30 năm “hòa bình” tuổi trẻ vẫn không có con đường nào thoát. Đi học thì khó khăn, ra trường chưa chắc có việc làm. Ai ai cũng ngóng ra nước ngoài. Nhưng mà dễ gì.”

“Biết làm sao bây giờ.”

“À! Nói như vậy tui mới nhớ. Tuần trước đi tham dự ra mắt sách của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Bà ấy bạo gan thật. Ở trong nước mà nói ong óng vạch trần những thói hư tật xấu của “Đàng và Nhà Nước” còn hơn người Việt mình ở hải ngoại.

“Con giun xéo mãi nó cũng còn oằn mà.”

“Nhưng mà tui chú ý đến chuyện học hành thi cử trong nước thôi. Tôi lấy đó làm thước đo cho các đứa con tui nó thấy tụi nó sướng gấp vạn lần các bạn đồng trang đồng lứa ở trỏng.”

“Bà nhà văn đó viết cũng tiếu lâm cười ra nước mắt lắm. Tui có lên máy đọc mấy bài của bả về chuyện học trong nước. Thấy mà tội….nhưng không biết nói làm sao, làm làm sao với bà con còn ở trỏng. Nhưng rồi nghĩ cho cùng, người dân Việt cũng còn có đầu óc khôi hài nhiều lắm. Ông nghe như tuổi trẻ trong nước hát như vầy nè.

“Mỗi năm hết hè lòng man mác buồn, biết cha còn tiền đóng cho con học không ? Đồng lương thiếu thốn hai xuất ăn theo, mỗi lần học thêm phát phiền...mẹ cha ốm o gầy mòn. Đã đành phải học thôi, nhưng sao thu quá đà, đồng tiền ngày thêm khốn khó. Nào thu nào góp, mỗi xuất dăm trăm, mỗi lần hè sang khó nhọc, mẹ cha kiếm đâu mà đòi...”

“Ý cha! Bài Nỗi Buồn Hoa Phượng của Thanh Sơn chớ gì?”

“Ừ đúng rồi. Cha này chắc khoái bolero lắm, nói ra là biết liền hà.”

Môt anh bạn ngẫu hứng ca luôn.

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,

Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương

Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,

Phút gần gủi nhau mất rồi

Tạ từ là hết người ơi!

Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,

biết ai còn nhớ đến ân tình xưa

Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,

những chiều hẹn nhau hết rồi,

giờ như nước trôi qua cầụ

Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi

Kỷ niệm mình xin nhớ mãi,

buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc

Mối u hoài này ai có haỵ

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,

Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.

Màu hoa phượng thắm như máu con tim,

mỗi lần hè thêm kỷ niệm

Người xưa biết đâu mà tìm”

“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng…nghe mà thảm thiết làm sao đâu. Học sinh trong nước đúng là như vậy. Khéo chọn bài.”

“Cái khó nó ló cái khôn ông ơi. Khổ quá không biết làm sao nên chế ra như vậy để “tự trào” mà.”

“Chưa hết đâu nhé. Bà TKTT còn kể lại rằng đó là một thực tế của đất nước. Bà ấy viết

…"Chị đừng kết tội bọn em ngông cuồng và rồ dại. Tất cả đều được thực tế kiểm nghiệm rồi đấy, không tin chị cứ hỏi bố mẹ em ở quê...hoặc mở một cuộc điều tra xã hội học ngay tại đây, thông qua lũ bạn cùng học thêm với em mà xem..." Nhà văn còn kể thêm một thực tế khác: “giáo viên tiểu học ở làng, ngoài giờ học, nhận ruộng, nhận đủ các mặt hàng làm thuê cho hợp tác xã, hy vọng mỗi tháng dôi thêm một xuất lương dạy học 1,200 ngàn đồng nữa. Mợ mình trằn mình ra với đám ruộng khoán, đất hoa màu, phần trăm, nuôi lợn, gà, từ đầu đến cuối tháng cũng chỉ vẻn vẹn chừng ấy, mà từ hồi nó học lớp 11 tháng nào cũng phải nhặt nhạnh bòn mót từ thóc lúa đến rau, trứng, cua cá trong chuồng, ngoài vườn rồi. Riêng đợt thi đại học vừa rồi, mợ mình dốc bồ, vét chuồng, bán nửa tấn thóc được một triệu tám. Một con lợn choai choai đang độ lớn nặng gần nửa tạ được khoảng 2 triệu, lại cả đàn vịt đẻ 16 con để hai bố con có khoảng bốn, năm triệu đưa nhau lên Hà Nội luyện thi và đi thi...Lớ ngớ thế nào ông bố còn bị mất cắp hơn 900 ngàn đồng để ở túi áo ngực, mình cũng cám cảnh quá. May mà thi ba trường, đỗ được một trường, nếu không công sức tiền của cả năm trời của cậu mợ mình đi tong.”

“Cứ gọi là thỏa mãn bần cố nông thôi...Cả ba khoản, bỏ rẻ cũng hết cả triệu như không. Cả nhà sáu người, cậu mợ, ông bà nội và hai đứa em nó lại tha hồ buộc bụng, treo niêu. Giá cả nhà quê, cậu biết không; 1000 đồng một mớ rau muống, ba trăm đồng một quả chanh, 80 ngàn một đôi vịt thịt, nuôi đằng đẵng ba bốn tháng trời, tốn bao nhiêu thóc mà bán rẻ như cho, chưa kể khoản: đội bão tháng bảy, đội mưa tháng ba, giọt mồ hôi sa, những trưa tháng sáu, nước như ai nấu chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ vẫn phải lặn lội xuống cấy để nhặt về bốn nghìn tám trăm đồng một cân thóc, mỗi cân không kể công trồng trọt, tưới tắm, cũng chỉ lãi vài trăm đồng, cả tạ thóc mới nổi 100.000 đồng tiền lãi...chị bảo bòn mót bao nhiêu cho đủ?”

“Đọc thấy mà thương. Con cái nhà mình ở bên này ăn có nhà trường lo, đi học có tiền trợ giúp, cho việc làm…đủ thứ cho không để học, mà không học được thì chỉ có nước cạo đầu bôi vôi chớ nói gì nữa.” Một ông cảm khái nói.

Chuyện thi vào đại học được nhà văn kể lại là “Muốn tu thì phải đến chùa. Muốn con thi đỗ phải… mua lấy thầy.” khi đi thi “Thì sử dụng phao bơi, nạng chống của thầy để vượt chướng ngại vật là điểm chuẩn trung bình ấy mà.. Thời buổi bây gìờ cứ "học tại chỗ, đỗ tại thầy" chị ạ, cứ yên tâm về nhà nghỉ, hết hè lên, mỗi đứa góp phong bì 50,000 đồng. Cả lớp 4, 50 cái phong bì như vậy rồi cử lớp trưởng đến nhà thầy xin bài mẫu là "ô kê… không chê tiền đâu". Ngay lúc ấy đã biết là a lê…đỗ, vì chả lẽ thầy lại đánh trượt bài giải của mình à? Có hoạ điên.” “Thì thời buổi loạn lạc, nhiễu nhương, văn hoá Đảng ngự trị hoành hành mà lại. Cứ đô la đi trước, mực thước theo sau, 3 triệu bạc một lớp là 200 USD, mươi, mười lăm lớp như vậy thầy bỏ túi 2000 USD, chả phải vụ bội thu của thầy là gì.”

Và cứ như thế cả thế hệ trẻ ở nhà trường cắm đầu “học tại chỗ, đỗ tại thầy” nên có những câu ca dao thời đại: “Có đô sẽ đỗ ông nghè. Không đô chúng bạn cười chê mọi đường”

Và khẩu hiệu của sinh viên Việt Nam tự đề ra cho mình là: “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, học bình thường, yêu đương thoải mái …” Có chết không cơ chứ.

Cuộc sống trong nước là vậy. Tui xin đọc các ông nghe bài thơ của một tác giả trong nước nhé.

Sống mới khó làm sao

Em có nghe tiếng sấm

Báo một cơn mưa rào

Em có nhìn trời thẳm

Cháy bùng những vì sao

Em có nghe thời cuộc

Run trong từng cọng rau

Đói nghèo và dung tục

Nhận chìm bao thanh cao

Đã trở thành giả dối

Những câu thơ ngọt ngào

Đã trở thành tội lỗi

Nếu chỉ ngồi khen nhau

Hoa nở chẳng vì đâu

Khi vàng con mắt đói

Bởi xóm làng thương nhau

Bếp mỗi chiều vẫn khói

Sống mới khó làm sao

Nữa là còn tranh đấu

Nữa là còn sáng tạo

Nữa là còn yêu nhau

(Khuất Quang Thụy)

Bữa ăn tối vào cuối Thu chớm đầu Đông, có gà, có thịt, cá rau quả và rượu vang. Chiếc lò sưởi phà hơi ấm, ánh lửa bập bùng. Căn nhà ông Tâm Đăng như những căn nhà khác trong khu phố…nhỏ nhắn dể thương, nằm trên con đường im vắng giữa thị thành. Căn nhà tuy còn nợ, nhưng vợ chồng ông bà vẫn có có sức làm, có con cái ở chung. Hạnh phúc có thể đong, đếm được trong căn nhà. Ông Tâm Đăng thở dài:

“Thôi thì trời cho ai nấy hưởng chớ biết nói sao bây giờ. Nếu có làm gì được cũng chỉ là những lời cầu nguyện mà thôi..”