Home Phiếm Các Tác Giả Cua Đào Xưa và Nay

Cua Đào Xưa và Nay PDF Print E-mail
Tác Giả: Hưng Yên   
Thứ Ba, 02 Tháng 12 Năm 2008 22:09

"Cua đào" hay "tán gái" thì cũng thế, nhưng theo thiển ý của chúng tôi thì hai tiếng “cua đào” nó có vẻ nhẹ nhàng, thanh nhã hơn là dùng hai tiếng “tán gái”,nó vừa quê quê, vừa tục tục làm sao ấy. Thế nhưng các cụ ta ngày xưa chắc chắn chỉ mới có từ tán gái hoặc ve gái chứ làm gì đã có từ cua đào. Có nơi chúng tôi còn nghe các cụ ấy bảo là đi “lơn” gái nữa cơ. Nhưng chữ “lơn” sao thấy nó thô tục quá, thành ra chúng tôi không dùng ở đây.

Cua đào là tán gái, có nghĩa là thấy người con gái hay người đàn bà nào mà mình thích thì dùng cách ve vãn, lấy lòng để được gần gũi hầu thực hiện những ý đồ mà mình toan tính ở trong lòng. Có lẽ không ai có thể nói chắc chắn được là các cụ ta ngày xưa cua đào như thế nào, có viết thư kẹp vào sách hoặc làm thơ rồi dúi vào tay người đẹp như chúng ta bây giờ hay không? Ðiều này chúng tôi thấy là không ổn vì các cụ bà của chúng ta ngày xưa rất ít có người được cắp sách đến trường, nói cho rõ ràng hơn là hiếm có người biết chữ lắm. Cái cỡ như các bà Ðoàn Thị Ðiểm, bà Huyện Thanh Quan, bà Hồ Xuân Hương thật là hiếm, quý, không đủ để đếm cho đầy 10 đầu ngón tay. Ðến như bà cụ thân sinh ra chúng tôi đây, cũng chưa đựơc kể là “cổ ” gì cho lắm, mà khi chúng tôi đã có trí khôn, nghe cụ nói lại thì cụ cũng có được theo học chữ Nho một ít lâu nhưng đến nay đã quên sạch rồi, còn chữ Quốc Ngữ thì chỉ A B C dắt dê đi ị! Thế thì bảo làm sao mà cụ ông viết thư “tán” cụ bà được chứ?! Như vậy chứng tỏ là các cụ ta ngày xưa rất khó cua đào bằng “chữ ”, mà chỉ có thể cua đào bằng “miệng”.

Một cái khó khăn của các cụ ta ngày xưa nữa là, theo quan niệm về lễ giáo ngày đó thì đàn bà con gái chỉ quanh quẩn ở trong nhà, ngoài đường ngoài xá là nơi chốn của đàn ông:
 
Gái thì giữ việc trong nhà

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa

Trai thì đọc sách ngâm thơ

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa...

(dân ca VN)

Hoặc:
 
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây (Chinh phụ ngâm)

Thế thì dễ gì gặp mặt để mà tán tỉnh được, bởi vậy các cụ ông cụ bà ta ngày xưa lấy nhau phần lớn là do sự sắp đặt của cha mẹ, hoặc là do mai mối, các cụ chẳng cần phải tìm hiểu, phải yêu trước như chúng ta bây giờ, cứ về ăn ở với nhau, sinh con đẻ cái rồi tình yêu từ từ đến sau. Do phần lớn các cụ bà không biết chữ, thành thử các cụ ông chỉ có thể “cua” các cụ bà bằng “miệng”, mà cua bằng miệng thì phải mặt đối mặt mới cua được. Trong cuốn Tục Ngữ, Thành Ngữ, Ca Dao và Dân Ca Việt Nam của Soạn giả Trần Ngọc Ngải có cả thẩy 16.347 câu, nói về đủ mọi vấn đề, riêng về “cua đào” có lẽ tiêu biểu nhất là những câu dưới đây:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây tím chung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Ðể anh mua gạch bát tràng về xây

Xây dọc anh lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân...

Hoặc:

Ðường đi trăm dặm anh qua

Mượn mình làm mối cho ta một người

Một người mười tám đôi mươi

Một người vừa đẹp vừa tươi như mình...
 
Rõ nét và hay nhất có lẽ là bài “Ðêm Qua Tát Nước Ðầu Ðình”:
 
Ðêm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà?

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Muốn nhờ cô ấy vào khâu cho cùng...

Mượn cớ tát nước ngoài đầu đình bỏ quên cái áo để tìm cách lân la nói chuyện, sau đó tả oán: Áo anh sứt chỉ đã lâu mà vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu, vậy anh muốn nhờ cô ấy vào khâu cho, được không?

Khâu rồi anh sẽ trả công

Ðến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho

Rõ ràng quá rồi, có công xá đàng hoàng chứ không phải làm chùa. Mà anh trả công cô nàng bằng cái gì? Bằng sôi vò, bằng lợn béo, bằng rượu tăm, bằng đôi chiếu cho em nằm, bằng đôi chăn cho em đắp, đôi tằm cho em đeo... Ngoài ra còn quan tám tiền treo, quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau... Hậu hĩnh quá, nhưng khi nghĩ lại thì toàn là những thứ mà một anh chàng sắp lấy vợ phải có hoặc phải sắm, thế thì rõ ràng chồng em là anh chứ còn ai vào đấy nữa? Anh vừa khôn vừa láu cá bỏ mẹ!...

Ðó là những câu “tán” tìm thấy trong sách vở, còn “tán” thực sự ở ngoài đời mà nhân vật điển hình thì hình như cũng chỉ có hai vị là cụ Nguyễn Trãi và cụ Nguyễn Công Trứ. Cụ Nguyễn Trãi giúp vua Lê Lợi 10 năm đánh đuổi giặc Tầu, bài Bình Ngô Ðại Cáo của cụ nổi danh thiên hạ thì ai cũng biết rồi. Cụ làm quan lớn lắm, thế mà đến cái tuổi ngoài 6 bó, gần hết xíu quách rồi cụ mới gặp được nàng Thị Lộ sắc nước hương trời còn trẻ măng. Không biết cụ có tỉ tê, tán tỉnh hoặc “bùa phép”gì khác không, chứ cứ theo sách vở kể lại thì cụ chỉ “cua” nàng bằng 4 câu thơ thế này:

Ả ở đâu ta, bán chiếu gon

Hỏi rằng chiếu ấy hết hay còn

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi

Ðã có chồng chưa, được mấy con?

Chỉ có thế thôi, thế mà Thị Lộ theo cụ về dinh đấy.

Ðến cụ Nguyễn Công Trứ thì thật là hết ý, chuyện kể như thế này: Thuở còn là một học trò, cụ mê một em đào hát quá xá cỡ, mê đến nỗi cụ phải xin làm một tay đánh trống cho đoàn hát để được gần người đẹp. Một hôm cụ theo em đi hát ở đâu đó, có lẽ với nhiệm vụ mang đồ và”ắc coóc” cho em, đến một quãng đồng vắng, không biết cụ tán tỉnh hay năn nỉ ỉ ôi thế nào mà cụ để nhẹ được em một quả, sau khi được rồi thì cụ biến. Bẵng đi một thời gian khá lâu, một hôm em lại được mời đi hầu hát cho một vị quan lớn nọ, gặp mặt quan, tưởng ai hoá ra là cái anh học trò phải gió ngày nào. Nàng nhận ra chàng nhưng chàng lại không nhớ nàng là ai, phải đợi đến khi nàng hát:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?.

Khi đó quan mới nhận ra nàng là người mà mình mê tít thò lò thuở nào, thế rồi sau cuộc hát có còn chuyện gì xẩy ra giữa quan và nàng nữa không thì... chúng tôi không biết!

Ấy là nói chuyện “cua đào”của các cụ ta ngày xưa ở bên ta, nay nói một chút qua đến chuyện bên Tầu, cũng đều là “cua” bằng miệng, chứ bằng viết thư hoặc bằng thơ thì chưa thấy. Ðọc trong truyện Kiều, ta thấy Kim Trọng tán nàng Kiều bằng những câu:

Rằng: Từ ngẫu nhĩ gặp nhau

Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn

Xương mai tính đã rũ mòn

Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay

Tháng tròn như gửi cung mây

Trần trần một trận áp cây đã liều

Tiện đây xin một hai điều

Ðài gương soi đến dấu bèo cho chăng?

Ðến như Sở Khanh, một tên “mặt mo” mà cũng ba hoa thế này:

Tức gan riêng giận trời già

Lòng này ai biết cho ta hỡi lòng

Thuyền quyên ví biết anh hùng

Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi.

Còn Từ Hải, một tay chọc trời khuấy nước thì:

Từ rằng: Tâm phúc tương cờ

Phải tuồng trăng gió vật vờ hay sao

Bấy lâu nghe tiếng má đào

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?.

Ðến khi Kiều “chịu đèn” rồi thì Từ Hải hưá hẹn:

Một lời đã biết đến ta

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau...

Chỉ riêng có một người không dùng lời mà lại dùng tiếng đàn để o mèo, đó là chàng Tư Mã Tương Như đã gẩy khúc Phượng Cầu Hoàng để cám dỗ nàng Trác Văn Quân.

Trên đây là những cách “cua đào” của người xưa. Bây giờ chúng tôi xin nói về những lối cua đào của “người nay”, nghĩa là từ thời chúng tôi cho đến các bạn trẻ bây giờ. Thế nào chả có vị thắc mắc muốn hỏi: thế nhà bác có cua đào bao giờ không? Nếu có thì cứ đem ngay chuyện nhà bác ra mà nói, việc gì phải nói chuyện của những ai ai cho nó thêm phiền toái mà chưa chắc đã có thật! Vâng, dĩ nhiên là chúng tôi có cua đào chứ, không phải chỉ một lần mà những mấy lần cơ.

Tôi với nàng học cùng trường nhưng khác lớp. Nàng có nước da bánh mật, mặt tròn, tóc dài bồng bềnh. Thật ra thì nàng không đẹp, nhưng được cái rất nhí nhảnh dễ thương, thế nên tôi mới thích nàng hết ý. Ðã nhiều đêm tôi mơ thấy tôi và nàng dắt tay nhau đi dung dăng dung dẻ trên bãi biển Nha Trang, tình không thể tả được (ngày đó tôi học ở Nha Trang). Khi tỉnh dậy, tôi nghĩ bụng: Nếu sau này mình lấy vợ mà được một người như nàng thì cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Thế là tôi quyết chí “cua” nàng, biến nàng thành người yêu của tôi để sau này sẽ là vợ tôi. Tôi viết cho nàng một lá thư mà cho tới nay, vì đã lâu quá rồi - từ đó đến nay đã ngoài 50 năm rồi còn gì nữa - tôi không còn nhớ là mình đã viết gì ở trong đó, nhưng chắc là lâm ly, bi thiết, tả cảnh tả tình dữ lắm! Tôi bỏ lá thư vào phong bì, dán lại cẩn thận, sau đó kẹp phong thư vào trong một cuốn sử thế giới rồi cầm tới trường. Ðến chi tiết này thì tôi nhớ như in.
 
Hôm đó là một buổi chiều trời mưa tầm tã (lớp tôi học buổi sáng, lớp nàng học buổi chiều). Tôi cầm cuốn sách đứng thập thò ở trước cửa phòng học của nàng. Thày Ngô Thiều đang giảng bài, thấy tôi thập thò ở ngoài cửa, thày bước ra hỏi: Có chuyện gì thế? (Thày Ngô Thiều dạy sử, địa cho cả lớp nàng lẫn lớp tôi) Tôi đưa cuốn sách cho thày, nói: “Con mượn của chị L cuốn sử, nay đem trả lại, xin
thày cầm vào đưa cho chị ấy dùm con!” Thày gật đầu, cầm cuốn sách vào đưa cho nàng và nói gì đó. Nàng ngước mắt nhìn tôi một cái rồi cầm cuốn sách bỏ vào hộc bàn, sau đó lại chăm chú nghe thày giảng bài. Sau khi thấy rõ ràng là nàng đã cầm cuốn sách bỏ vào hộc bàn rồi tôi mới yên trí ra về, lòng hồi hộp, hy vọng...

Mãi đến hơn một tuần lễ sau, nghĩ là nàng đã đọc thư tôi và cũng đã viết thư hồi âm cho tôi rồi, nên cũng vào một buổi chiều trời mưa lâm râm, tôi khoác áo mưa đứng chờ nàng ở trước cổng trường. Tan học, nàng đi ra. Tim đập thình thịch, tôi bước lại gần nàng, thì thầm hỏi: “L đã đọc thư anh chưa, có thư trả lời cho anh không?” Nàng vừa đi vừa mở cặp lấy cuốn sử đưa cho tôi rồi lại lặng lẽ đi, không nói môt tiếng! Tôi cầm cuốn sách, thấy bên trong cũng cồm cộm như có một lá thư, òng tràn trề sung sướng vì nghĩ chắc là thư của nàng trả lời cho tôi đây. Về đến nhà, mở cuốn sách ra thì bên trong có một lá thư thật, nhưng đó lại chính là lá thư mà tôi đã viết cho nàng. Bao thư còn dán nguyên, chứng tỏ là nó chưa hề được bóc ra và nàng đã chẳng thèm đọc thư tôi! Ðau khổ, bẽ bàng, tôi cầm phong thư xuống bếp, bỏ vào lưả đốt ra tro, không thèm đọc lại là mình đã viết gì ở trong đó nữa!!!

Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu, nó chữa lành vết thương lòng của người ta một cách kỳ diệu các cụ ạ. Tôi bị nàng cho leo cây một cách bẽ bàng như thế mà chỉ ít tháng sau thì đâu lại vào đó ngay. Thế rồi tôi lại gặp một người và tôi lại yêu người này quá cỡ thợ mộc, có thể nói là yêu hơn lần yêu trước nhiều. Rút kinh nghiệm lần thua trận trước, lần này tôi đi từ từ, bước từng bước thầm rất công phu.

Biết được nàng này thích thơ văn, tôi sưu tập những bài thơ thật hay của Lưu Trọng Lư, của Xuân Diệu, của Nguyễn Bính, của TTKH rồi nắn nót chép tặng nàng, dĩ nhiên là có kèm theo cả thơ của tôi nữa. Tôi nhớ là đã làm có đến hơn một chục bài thơ gửi cho nàng, tuy thơ tôi không hay, nhưng có lẽ cũng đã làm nàng cảm động lắm. Ngày đó tờ Văn Nghệ Tiền Phong là tờ báo tôi khoái nhất và nhà văn thần tượng của tôi là ông Hoàng Hải Thủy. Tuần nào tôi cũng mua một tờ Văn Nghệ Tiền Phong, báo mua về tôi đưa nàng đọc trước, nàng đọc xong đưa trả lại rồi tôi mới đọc (nhà nàng cách nhà tôi không xa, có thể nói là chỉ “một dậu mồng tơi xanh rờn”, thơ Nguyễn Bính). Cũng vì o bế nàng kỹ thế nên lần này tôi chiến thắng một cách vẻ vang (Nói nhỏ để các cụ nghe: Nàng là bà xã tôi bây giờ đấy).

Cùng thời và cũng là một anh bạn rất thân của tôi, nhà anh cách nhà tôi chỉ một quãng đường, anh cũng yêu da diết một người con gái. Anh ca tụng nàng như là một thần tượng, anh viết thư cho nàng, làm thơ tặng nàng, đặc biệt là anh còn sáng tác nhạc để ca tụng người yêu nữa. Tôi còn nhớ mấy câu đầu trong bản nhạc của anh như thế này:

Tuyết Nghi ơi (Tên người yêu của anh là Tuyết Nghi)

Em là ánh sáng Là mùa xuân Em như ánh trăng rằm...

Thỉnh thoảng cứ vào khoảng 9-10 giờ đêm, tôi lại nghe tiếng sáo từ bên nhà anh vút lên: T... u... y... ế... t... N... g... h... i... ơ... i... Anh thổi sáo hay lắm mà vườn cây trái chung quanh nhà anh lại rất rộng, thành ra đêm khuya anh ra vườn thổi sáo không làm ai phiền lụy cả. Anh là người tài hoa, học giỏi, nhưng sao mà giống cụ Tú Xương thế không biết, lều chõng 2-3 lần cũng không qua nổi cái tú tài một. Tôi đi lính, đeo đến lon trung uý rồi mới thấy anh vào ắc ê trong trường Bộ Binh Thủ Ðức. Ra trường, lên thiếu uý rồi anh mới cưới vợ, dĩ nhiên trong đám cưới của anh có tôi. Một điều đáng nói nhất, vợ anh không phải là Tuyết Nghi. Tuyết Nghi trên mặt có một vết sẹo nhỏ, một chân có tật nên đi hơi khập khiễng, thế mà khi còn yêu nàng, anh đã ví nàng như là ánh sáng, như là mùa xuân và như ánh trăng rằm...

Ðúng là: “Khi yêu trái ấu cũng tròn” thật!

Tôi còn có một lần cua đào nữa, lần “cua” này cũng dễ thôi, chỉ có điều hơi tốn tiền một chút: Thí dụ như khi nàng đánh tứ sắc thì tôi sung sướng ngồi bên cạnh với hai bàn tay hí hoáy. Mà nàng đánh tứ sắc dở ẹc, cứ thua hoài, nhưng lại thua bằng tiền của... tôi! Lúc đó tôi đã vợ con đùm đề rồi, các cụ thấy là dại chưa?!

Cuộc đời tưởng cứ thế mà thăng hoa, không ngờ Việt Cộng nó vào, mọi thứ đều mất sạch sành sanh! Ði tù cải tạo về lại sống dưới chế độ Xã Nghĩa thêm gần chục năm nữa rồi mới qua Mỹ theo diện HO. Thời gian sống dưới chế độ của Bác và Ðảng là hời gian chết. Cả nước nghèo đói, làm teo bu di không đủ ăn còn đào điếc gì nữa?! Ðến khi qua được Mỹ thì già mất rồi, đành ngồi nhìn đám trẻ họ “làm ăn” vậy!

Ở bên Mỹ này mà chỉ cua đào bằng nước bọt thì thật khó mà thành công lắm. Ăn tiền nhất là có cái mác: Bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay giám đốc, manager vv... Bằng không thì cũng phải có job thơm, có việc làm vững chắc. Vì quen được nàng rồi còn phải dẫn nàng đi ăn, đi shopping. Phải nay quà này, mai quà khác, mà quà càng đắt tiền thì chàng càng có giá! Thời bây giờ mà còn cua đào bằng những câu tương tự như: Yêu em mấy núi (anh) cũng trèo, mấy sông (anh) cũng lội, mấy đèo (anh) cũng qua... thì khó mà thành công lắm vì nó xưa quá rồi. Thời buổi kim tiền thì càng “thực tế” càng tốt!

Tôi có quen một ông, năm nay cũng mấp mé ở vào cái tuổi “cổ lai hi” rồi, mỗi lần gặp nhau ông ấy đều than là cô đơn quá vì “bà già” đã mất từ lâu! Tôi bảo: Trong mấy tờ báo đấy, có thiếu gì các bà các cô, công dung ngôn hạnh đủ. Cứ mở cái mục Kết Bạn Thư Tín ra mà chọn, thấy bà nào, cô nào ưng ý thì viết thư mà xin bàn tay. Ông ấy thở dài: Có thử rồi, chọn mãi mới được một bà, thư đi thư lại mấy lần, hỏi về mình đủ thứ chuyện mà chẳng cho mình biết một tí gì về “người ta” cả, vừa bực mình, vừa mất thì giờ nên thôi luôn! Tôi nghĩ bụng: Ông này khó tính thật, người ta phải hỏi kỹ càng về ông là phải. Ai biết ông là thằng cha căng chú kiết nào, cứ rước đại ông về, hay là cứ về đại với ông, lỡ gặp phải một ông già “Ba Tri” với khẩu súng rỉ rồi làm sao?! Cua đào mà thiếu kiên nhẫn như ông thì đến ngày xuống lỗ cũng chưa chắc đã có... đào!

 

Thấy tôi tối ngày cứ chúi mũi vào cái Computer, trong khi bà xã tôi bận rộn hết chuyện này đến chuyện khác mà chẳng nhờ vả được gì ở tôi cả, bà ấy kéo một cái ghế đến ngồi bên cạnh tôi, hỏi: “Ông viết thư cho bà nào mà mải miết thế?” Ðọc xong một đoạn, bà ấy chép miệng, cười: “Bây giờ mà cua đào chỉ bằng mấy cuốn báo ới ít bài thơ như ông ngày xưa, thì chỉ có nước nằm nhà ôm gối ôm, chứ đừng có hòng mà rớ được vào tay người đẹp!”...