Home Phiếm Các Tác Giả Giọt Mưa Nào Cũng Giống Nhau

Giọt Mưa Nào Cũng Giống Nhau PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Bảy, 29 Tháng 11 Năm 2008 04:55


Bữa ăn tối trong ngày lễ Tạ Ơn đã xong từ lâu, mọi người chia đã nhóm, lập phe…ca hát, nhậu, và “gầy sòng”.
Các chị trẻ tập họp nhau bên giàn máy Karaoke mới cáu cạnh của người em trai bà chủ nhà. Đám cháu và con cùng bạn bè của chúng cũng đâu có kém cô dì…Ôi thôi là hát. Người ta nói hát hay không bằng hay hát mà; cho nên, ai cũng ngứa nghề tranh nhau cất tiếng. Chèn ơi, chắc đêm thứ Năm vừa qua mấy nhà hàng xóm không biết chuyện gì xảy ra trong căn nhà trong xóm mình…ồn ơi là ồn. “Ồn mà dzui” Một người nói vậy.
Có một nhóm không đông lắm đang ngồi ngoài nhà để xe, họ hút thuốc và uống nước trà, trong đó có ông Hai Dãnh, chủ nhà. Ông Hai đuổi mấy đứa cháu vào nhà chơi game vì chỗ nầy “ô nhiễm” vì những người nầy đang “liều một đám”. Trong khói thuốc “vàng bay lên mây”, trà ướp sen thơm ngát nhấp từng ngụm nhỏ…Ông Hai kêu mọi người im lặng lắng nghe.
“Có nghe gì đâu anh hai!”
“Im! Không nghe sao?...Đó! Đó!”
“Mà có chuyện gì vậy?”
“Có chuyện gì đâu, ăn no, hút thuốc…và nghe tiếng mưa…rơi”
“Tưởng gì. Làm hết hồn.”
“À! Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi…trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi…phải không? Già mà còn lâm ly ác…Vô nhà ca-ra-ô-kê đi.”
“Thôi rồi tui biết tỏng ông già rồi…nhớ vợ (nhỏ) chớ gì. Phải hông?”
Có ai đó cất giọng…”Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi, nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu. Ai khóc ai than hờ! Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành như nhủ trời xanh, Gió ngừng đi mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly. Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây, lòng vắng muôn bề không liếp che gió về. Ai nức nở thương đời chân buông mau dương thế bao là sầu. Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh mây ngỏ trời xanh; chắc gì vui mưa còn rơi bao kiếp sầu không nguôi. Gió xa xôi vẫn về; mưa giăng mù lê thê. Đến bao năm nữa trời ... Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu… (Nhạc: Đặng Thế Phong. Lời: Bùi Công Kỳ)
“Cảm ơn! Cảm ơn! Nhưng không phải đâu. Tôi không nhớ bài ca “Giọt Mưa Thu”cũng hổng có bà nhỏ phòng nhì gì ráo trọi…Tôi nghe giọt nước mưa tí tách rơi ngoài hiên sao nó giống ở quê nhà quá vậy thôi.”
“Ối trời ạ. Thì mưa ở đâu chẳng giống nhau? Giọt nào cũng là giọt nước thôi. Giống như 2 giọt nước mà lỵ.”
“Sao mà giống được? Ông ở nhà lầu, nhà to…làm gì có mái nhà, có máng nước, còn cửa thì đóng kín mít, làm sao ông nghe được giọt mua ngoài hè, ngoài hiên? Chỉ có nhà nghèo như tui, ở đây, ở chỗ nầy ông mới nghe được tiếng mưa, nghe được giọt mưa từ mái nhà xuống vũng nước…Đó, nghe cho rõ đi…đó…đó.”
“Ừ, thì được rồi, mà nhớ làm gì, nghe được rồi sao nữa? Muốn làm ông Đặng Thế Phong hay sao đó?”
“Mấy đứa tụi bay…xin lỗi nha, còn nhỏ quá…muốn nghe tao nói cho mà nghe.”
“Nhỏ nhít gì nữa, gần 50 rồi chớ bộ.”
“Thôi, được rồi…nhưng trước khi nói, ông cho tui hỏi. Sao bữa nay ông ăn Lễ Gà Tây….mà không có món gà Tây?”
Hai Dãnh không nói không rằng, ông quay ghế, đứng lên, bước lại chiếc bàn nhỏ…lấy một tờ giấy…”Nè!”. Và đó là một bản in từ máy computer của ông.
“Mỗi năm người Hoa Kỳ chọn ngày thứ Năm trong tuần lễ thứ tư của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn. Năm nay Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày 27 tháng 11. Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây" theo truyền thống ăn uống trong ngày lễ này.
Một trong những nhà sáng lập ra nước Mỹ là Benjamin Franklin gọi gà Tây là một “giống chim can đảm” và là “cư dân nguyên thủy của nước Mỹ”. Ông tỏ lòng kính trọng chúng và nghĩ rằng gà tây mới là biểu tượng cho quốc gia này. Gà Tây là một loài chim vũ thông minh, thân hữu, sống tập đoàn, thích ở gần nhau, và gà mẹ chấp nhận chết để che chở cho gà con. Khi hữu sự chúng có thể bay với tốc độ là 55 miles một giờ hay chạy với tốc độ 25 miles một giờ, và tuổi thọ của chúng khoảng 10 năm.
Thay vì chọn gà Tây hiền lành, thân thiện làm biểu tượng cho quốc gia, những nhà sáng lập xứ này đã chọn con đại bàng hung dữ. Và không biết có phải vì hiền lành vô tội hay vì không được chọn làm biểu tượng cho nước Mỹ mà không biết bao nhiêu là gà tây bị giết đem lên bàn ăn vào ngày lễ Tạ Ơn mà không ai nhớ ơn chúng.
Hàng năm có hơn 270 triệu con gà tây bị giết làm thức ăn, trong đó có 78 triệu con lên bàn ăn vào ngày lễ Tạ Ơn. Trước khi chúng bị giết làm thức ăn, những chú gà dễ thương này chỉ sống được một thời gian rất ngắn ngủi là nửa năm, không được cha mẹ săn sóc, che chở hay được chạy nhảy tung tăng trên những cánh đồng cỏ mà phải sống trong những chuồng hộp công nghiệp chật hẹp. Chúng bị cắt mỏ để không cho cắn lộn nhau vì bị căng thẳng thần kinh do sống trong một môi trường chật hẹp. Nhiều chú yếu sức thường bị chết vì ngộp thở. Các chú được cho ăn một loại thực phẩm đặc biệt để những bộ phận mà con người thích ăn, như ức và đùi phải được phát triển mau và lớn, cung cấp nhiều thịt mềm và mang lại nhiều lợi nhuận cho giới tư bản. Thật tội nghiệp cho chúng, ức và đùi được phát triển bất quân bình, sức nặng phần trên đè xuống chân nên chúng thường hay bị thương ở chân. Chúng không có tuổi thơ, không có tuổi tình yêu, không được hưởng hạnh phúc gia đình với cha mẹ, với người yêu vì đến tuổi trưởng thành là thời điểm mà các nhà tư bản chăn nuôi cho rằng thịt tới độ mềm và thơm nhất, tức khoảng 6 hay 7 tháng tuổi là bị giết. Trước khi chết, chúng bị treo cổ vào dây chuyền nhúng vào hồ nước sôi, rồi qua các giai doạn vặt lông, mổ xẻ, sau đó bị gói lại bằng bao plastic, đưa vào nhà đá làm cho đông lạnh thành những xác chết cứng như đá, rồi được vận chuyển tới các siêu thị bán cho người tiêu dùng mang về bỏ vào lò nướng sau khi nhồi vào bụng vài ba thứ khác.
Thực ra, thịt gà tây, theo nhiều người cho biết nhạt nhẽo và không ngon. Họ tin là gà tây ít cholesterol nhưng thực tế cho biết nhiều hơn cả thịt bò. Một đùi gà tây chứa khoảng 700 milligrams cholesterol và cho khoảng 1,600 calories. Các báo cáo của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ cho hay một phần tám (1/8) số lượng gà Tây được bán trong dịp lễ Tạ Ơn bị nhiễm siêu vi khuẩn salmonella và campylobacter gây bệnh cho người ăn hàng năm. Do đó, vì nhu cầu bảo vệ sức khoẻ, chúng ta nên tìm các món ăn thay thế, và hơn nữa ngày lễ Tạ Ơn là ngày vui vầy sum họp gia đình, không vì thế mà chúng ta cướp đi sự sống của những chú gà tây hiền lành, thân thiện và dễ thương. Ai cũng biết sự sống của mỗi sinh vật là vô cùng trân quý, mỗi sinh vật đều có quyền sống, có tự do sống và không muốn ai lấy đi sự sống. Hãy cùng nói với nhau, với những người thân, với cha mẹ, bà con, anh em, bạn bè là chúng ta hãy cùng nhau ăn mừng lễ Tạ Ơn mà không có sự đau đớn chết chóc của các sinh vật khác, ăn mừng trong niềm vui sum vầy hạnh phúc, trong an lạc hòa bình giữa các sinh vật với nhau.(Sưu Tầm trên Internet-Không biết tác giả)
“Á! Thì ra ông ăn chay à?”
“No! Ổng không ăn gà Tây vì sợ cao máu, nhiều cholesterol mà thôi.”
“Cũng không đúng.”
“Ông nói cho tụi này nghe đi.”
Hai Dãnh chậm rải: “Có hỏi thì tui mới nói…Cái chuyện con người ta ở đâu cũng giống nhau thôi…dù đó là Mỹ, Mễ, Tàu, Nhựt…hay Congo…muốn ăn ngọn muốn mặc đẹp…và muốn sướng..”
“Há…há…Tưởng gì mới.”
“Thì cũng để nghe cho hết cái đã. Đồ bộp chộp.”
“Cũng như giọt nước mưa thì nó giống nhau…chỉ có khác là nơi chốn và cách nghe, cách nhìn.”
“Cái này thì mới….nhưng người khiếm thị thì sao nè?”
“Lại cũng cái thằng này…bị vợ nó đánh cho cũng phải.”
“Đừng xạo hoài mầy.”
“Người ta nói gừng càng già càng cay…nhưng tui thì thấy gừng càng già càng xơ…hổng ai xài. Nói chuyện thì lẩm cẩm, triết lý, con cà con kê…làm mấy anh bạn trẻ hết kiên nhẫn. Cái điều tại sao bữa nay không có gà Tây thì các ông biết rồi đó, mình không ăn thì người ta cũng ăn. Không ăn là để cho con cháu nó biết đâu cần phải có gà tây mới ra lễ Tạ Ơn. Đúng ra, ta không nên ăn con gà Tây mà phải tạ ơn nó đã giúp cho những người tị nạn đầu tiên đến Mỹ được sống…cũng giống như đừng có đẩy những bộ lạc thổ dân Da Đỏ vô mấy cái reservation, territories…tui không ăn gà Tây là vì như vậy. Các ông có nghe chuyện sự tích con Ngỗng không ăn Tép chưa?”
“Ông nói gì thiệt tui cũng chưa hiểu lắm. Ông nói xa xuôi quá sá trời. Cái thời buổi nầy có gì thì huỵch toẹt cha nó ra chớ để phải suy nghĩ mệt lắm, ai có thì giờ đâu mà nghĩ chớ.”
“Thì có gì đâu…như mấy ông nghe tin tức đó, vào ngày Lễ Tạ Ơn có khoảng vài chục tay yên hùng trang bị súng máy với lựu đạn đến Mumbai, Ấn Độ tàn sát khoảng hơn 100 người (119) và làm bị thương hơn 300…mà sao nè, nghe tin tức thì bọn đó tìm những du khách có quốc tịch Anh, Mỹ….Đó là cái nghiệp đó các ông ơi. Cha mẹ ăn mặn con khát nước là vậy. Chính phủ là cha mẹ mà.”
“Nói vậy thì làm sao bây giờ?”
“Ai mà biết được. Hồn ai nấy giữ thôi. Có cộng nghiệp mà cũng có biệt nghiệp. Cái biệt nghiệp là cái mà mỗi cá nhân có thể làm thay đổi được.”
“Cha! Cha! Nói cứ y như là ông thầy giảng vậy ta.”
“Đâu có dám ông ơi. Tại cái tuổi già nó hay lẩn thẩn, nói chuyện nọ xọ qua chuyện kia, nhìn Gà hóa Quốc ông ạ.”
“Như vậy là ông có “ý đồ” mời tụi nầy lại nhậu để có dịp giảng đạo phải hông nè?”
“Nói gì nghe ghê quá “ý đồ, ý điếc” gì đâu. Chẳng qua là người ta nghe mưa nhớ nhà, nghe mưa làm ra nhạc nầy nhạc nọ, thơ với văn nầy kia. Còn mình thì ba mớ nghĩ bậy nghĩ bạ thôi mà.”
“Mà tui hổng thấy có chuyện nào dính với chuyện nào hết vậy anh Hai?”
“Thì trà dư tửu hậu mà. Nói chơi thôi. Nhưng mà anh nói thì tui sẵn cũng nói luôn. Giọt nước mưa ở quê nhà cũng giống giọt nước mưa ở Mỹ, người Việt của mình đi đâu cũng là con cháu của Lạc Long Quân với Bà Âu Cơ.”
“Cái nầy thì đúng rồi.”
Hai Dãnh cười. “Nhưng có hơi lai lai rồi anh ơi. Mới giống có một nửa thôi à.”
“Là sao?”
“Thì Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ đó…Sau khi lấy nhau đẻ được 100 cái trứng nở ra 100 người con, một hôm Lạc Long Quân nói với vợ là Âu Cơ rằng: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.” Như vậy, nói theo kiểu đời văn minh thì coi như Cha Lạc Mẹ Âu ly thân chớ đâu có ly dị phải hông? Vẫn còn cứu giúp nhau?…mỗi khi có biến thì kêu nhau về. Bây giờ con cháu của Âu Lạc thuộc nửa trước còn nửa sau quên mất tiệt…”
“À, thì ra là vậy, giọt nước mưa ở đâu cũng giống nhau, nhưng do cách nhìn và cách nghe của mỗi người? Thì ra là vậy.”