Home Phiếm Các Tác Giả Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội

Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thị Lan Anh   
Chúa Nhật, 16 Tháng 11 Năm 2008 08:46

           Đã trung tuần tháng 11, buổi sáng gió đã lạnh. Người Sài gòn vừa tát nước, vừa nôn nao nhớ... Noel. Chỉ nhớ thôi, chứ không hy vọng một Noel no ấm, dư dật, vì trận lụt hoành tráng nhất Hà Nội trong vài thập kỷ qua và trận ngập, cũng hoành tráng tương tự, ở Sài Gòn, đang bày ra trước mắt nhiều điều u ám.

 

Mưa Hà Nội

Từ hơn mười ngày nay, bài và ảnh về Hà Nội xuất hiện trên mặt báo toàn nước là nước: Nước tới cổ người, nước dìm ngập mái nhà, nước lều bều rác thải, nước…lột quần dài của đám rước dâu. Hà Nội trở thành ốc đảo – không điện, không nước sạch, nhiều huyện xã của 'Hà Nội mới' (Hà Đông – Hà Tây cũ) bị cắt đứt giao thông liên lạc, giá cả lương thực tăng chóng mặt, tài sản trong nhà ngoài đồng coi như mất trắng. Dân không kịp trở tay. Mà đài cũng không dự báo nổi những cơn đại hồng thủy với vũ lượng trên 300mm thậm chí 600 mm, kéo một lèo từ ngày 31 tháng 10 tới mùng 6, mùng 7 tháng 11.

Bán rau trong mùa mưa lụt tại Hà Nội ngày 3 tháng 11, 2008. Hoàng Đình Nam/Getty Images.

Điều người Hà Nội, và cả người Sài Gòn, không ngờ nhất là khi lụt ập tới, chính quyền phản ứng khá lúng túng, chậm chạp. Cụ thể lụt từ ngày 31/10 nhưng ngày hôm sau chính quyền Hà Nội vẫn tổ chức hội nghị 'tổng kết về vấn đề tôn giáo'. Bản thân ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội mãi chiều đó mới ngồi ôtô kiểm tra các điểm ngập lụt trong nội thành. So với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thế vẫn còn sớm hơn được hai ngày! (công điện yêu cầu các nơi 'tập trung mọi nguồn lực khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ' của ông Thủ Tướng đến mùng 3/11 mới được gửi đi). Tổng Bí thư Đảng, ông Nông Đức Mạnh, ngày mùng 4/11 có đăng đàn phát biểu, nhưng là phát biểu để ca ngợi công đoàn Việt Nam nhân Đại hội lần 10 của tổ chức này. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đến ngày mùng 6/11 mới lội nước thăm dân. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan càng 'sớm' hơn, căn cứ vào cảnh bà Phó sắn quần, đội mũ cối, phát trên tivi ngày Chủ nhật 8 tháng 11.

Chậm triển khai biện pháp tình thế cứu dân, điều ai cũng biết và chê trách, nếu so với hành động nhanh chóng, quyết đoán của Thủ tướng Trung Quốc láng giềng, ông Ôn Gia Bảo trong trận động đất Tứ Xuyên vừa qua, thì chớ, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị còn quở trách dân, Việt Nam Net ghi lại nguyên văn như sau '...Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa thì ỷ lại Nhà Nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia, chứ không đem hết sức ra tự làm' (Viet Nam Net 2/11). Khi lời phát biểu nọ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, lập tức đã gây phản cảm sâu sắc. Đến nỗi, chỉ sang ngày 5/11, ông Nghị phải hạ giọng xin lỗi – cũng trên Viet Nam Net – rằng 'tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán'.

Có lẽ tủi thân vì quan phụ mẫu mắng oan, phần khác, do nước vây hãm, ngồi lâu một chỗ phát rồ, nên đầu óc vài bà Hà Nội đâm ra tối mò, phản động. Chả vậy mà dám suy diễn 'đụng vào Chúa của người ta cho lắm vào. Cơn lụt này là Chúa làm ra để trừng phạt. Mà chưa hết đâu…'. Về chuyện nói năng nhảm nhí mê tín này, giới bình dân Sài Gòn xem ra không hề thua kém. Chợ búa, quán ăn, đầu hè cuối hẻm đã thì thầm sấm núi Sam, sấm Cà Mau, kinh Long Hoa, loáng thoáng 'Mười phần chết bẩy còn ba. Chết hai còn một mới ra thái bình' hay '... Nước trời đổ xuống, thây người nổi lên.' nghe ngứa cả...còng số tám!

Cho tới khi bài này tới tay độc giả, theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương thì ngoài 84 người chết, thiệt hại về nhà cửa, hoa mầu, công trình thủy lợi…của 17 tỉnh phía Bắc – trong đó có ba địa phương nặng nhất là Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình – ước tính lên tới hơn 6,300 tỉ đồng. Riêng Hà Nội có gần 100 tuyến đường cùng hàng ngàn mét vuông vỉa hè bị hư hại, 47 điểm dân cư ngoại thành còn ngập sâu trên 0,5m – nặng nhất là huyện Chương Mỹ, với 24 điểm ngập, hơn 4000 hộ màn trời chiếu nước – 100 trường (trên tổng số 700 trường) tập trung ở các huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ như Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng… chưa thể hoạt động lại. Hiện tượng 'nghiêng đồng đổ nước ra sông' diễn ra tự phát khắp nơi. Mạnh xã nào xã nấy đổ. Rút cuộc, nước chảy vòng quanh. Bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy chưa có dấu hiệu bị chặn đứng…Tất cả những điều này, đang nhanh chóng trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự của Quốc Hội.

Mặc cho Bộ Xây Dựng giải thích do tốc độ phát triển đô thị của ta trong thập niên qua thuộc hàng nhanh nhất thế giới (tới 743 đô thị) cho nên… đại biểu Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vẫn thẳng thắn chê thiết kế đô thị Hà Nội dở, vì mới tính tới thoát nước ngầm, chưa tính thoát nước mưa. Nay mai xây dựng tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm, đô thị mới… sẽ rất nan giải. Đại biểu Vĩnh Phúc, Hoàng văn Toàn mạnh miệng phê 'quản lý đô thị thiếu đồng bộ, manh mún, chắp vá, mạnh ai nấy làm'. Đại biểu Lạng Sơn Nguyễn Minh Thuyết 'gan' hơn, dám 'bẻ' Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Cao Đức Phát bằng hàng loạt chứng cớ hùng hồn khi người đứng đầu Bộ này khoe 'không hề lúng túng, chậm chạp trong chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả cơn lụt'.

Mưa Sài Gòn

 

 

Sàigòn sau mưa, rau cỏ lèo tèo ngoài chợ. Photo Nguyễn thị Lan Anh

Ở Sài Gòn, tuy cách xa Hà Nội gần 2000 cây số, nhưng hậu quả từ cơn lụt lịch sử người Sài Gòn vẫn cảm nhận và chia sẻ trực tiếp. Nói chia sẻ trực tiếp, là nói có cơ sở. Vì chỉ sau lụt vài ngày, giá rau Hà Nội, nhất là rau muống, đã vọt từ 2.000 đồng lên 20.000 đồng một bó, thì người ta đã tính đến chuyện vét rau các tỉnh chưa lụt để chi viện Hà Nội. Báo chí Sài Gòn dẫn lời ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội chiều ngày 5 tháng 11 nói về 160 tỷ đồng của UBND Hà Nội đầu tư cho các công ty thương mại dự trữ hàng hóa phục vụ người dân, trong đó có việc hợp đồng rau xanh với cả miền Nam, sau khi vành đai rau của Hà Nội bị ngập khiến sản lượng giảm sút hơn 30%.

 Chính quyền Hà Nội đã 'xé rào' cho phép tất cả các xe chở lương thực, thực phẩm từ các tỉnh được phép ra vào thành phố 24/24 giờ, bất kể tải trọng…

Sáng ngày 6/11 và những ngày tiếp theo đó, có mặt tại nhiều chợ lớn nhỏ khắp Sài Gòn, kẻ viết bài ghi nhận sự ngỡ ngàng của các bà nội trợ. Rau cải hôm qua còn 4.000 đồng/ký. Ngủ dậy một đêm đã vọt lên 15.000 đồng. Rau muống, rau lang, rau má, rau ngót, rau dền…nói chung là rau ăn lá, đều tăng gấp năm lần giá bình thường. Cà chua, bầu bí, hành ngò, dưa leo, khổ qua, bắp cải..tuy tăng, nhưng mức độ có phần khiêm tốn hơn. Người mua ngơ ngác. Nhưng không mua chỗ này, đi chỗ khác, cũng vậy. Bà Chi, rời chợ cóc đầu hẻm Thăng Long, giơ cho kẻ viết bài coi túi rau má mà bà gọi chua chát là 'rau vàng'. Các cụ tập dưỡng sinh ở công viên Lê Văn Tám, quen lệ sáng sáng đi tập về tạt ngang chợ Tân Định gần đó mua rau cỏ, cũng kêu như bị bóp cổ. Cụ Tư phẫn nộ phân bua 'Mẹ nó! Bán rau mà làm phách. Mùng tơi, trước năm ngàn, ăn cả nhà. Bây giờ năm ngàn được mỗi một nắm. Mới kêu đắt, nó đã giật ngay lấy, không mua thì thôi, bố già'.

Thực ra, nói các bà bán rau làm phách, cũng có phần oan cho họ. 'Không bán rẻ được là do không mua rẻ được. Ngày thường, có mối sẵn. Cứ tầm ba giờ sáng, đem xe đi lấy rau. Năm giờ là bày bán ung dung. Hai ba hôm nay, cũng đi ba giờ, mà phải tranh giành nhau, cả chửi nhau, cũng chỉ được hơn chục bó rau mỗi loại. Hỏi mối, họ bảo, rau được vét đi Bắc cứu lụt hết. Thành thử đắt.' Mẹ con bà Hồng Quyên, chuyên doanh rau hơn năm năm ở chợ Hoàng Hoa Thám – Tân Bình, 'tường trình' như vậy.

'Chúng khẩu đồng từ' với bà Quyên là hàng loạt bạn hàng rau các chợ Phú Nhuận, Tân Kỳ Tân Quí, Phạm Văn Hai, Bà Chiểu….Hậu quả là dĩa cơm sinh viên, cán bộ ngày thường xanh những rau xào rau luộc, rau sống rau chín, nay chỉ lơ thơ mấy con tôm, miếng đậu hũ, miếng thịt kho vàng vàng đỏ đỏ. Cơm công nhân, cơm vỉa hè của dân xe kéo, hàng rong, cũng thế. Thiếu rau, đâm khó nuốt. Chỉ nhà vườn Đà Lạt, Long An, Tiền Giang và ngoại thành Sài Gòn là 'dễ thở' phần nào. Đầu nậu gom hàng đi Bắc bằng máy bay, xe tải cũng 'tươi'. Nhưng 'tươi' nhất phải kể hệ thống siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội – một trong những cánh tay gom rau sớm nhất và hiệu quả nhất của Hà Nội với khẩu hiệu "Big C nói không với tăng giá".

Hiện tượng rau Nam đi Bắc chắc rồi sẽ giảm theo tình trạng thời tiết tốt dần lên, và cơn bão số 9, được dự đoán đổ bộ vào đất liền, gây mưa to cho miền Bắc, cũng đã tan nhanh. Chỉ bão lòng, là còn ngổn ngang, u uất. 'Mấy hôm nay ba bố con không còn gạo, lợn chết hết rồi. Cái nhà ngoài đê cũng chẳng còn…., buông điện thoại ra, chị Ngâm khóc. Ban đầu chỉ sụt sùi. Sau hóa nức nở, rồi vật vã. Cả khu nhà trọ Sóng Thần Thủ Đức ái ngại nhưng chẳng biết an ủi thế nào, vì đều cảnh nghèo, quê tận Nho Quan Ninh Bình, vào Sài Gòn mua bán ve chai, đi ở, làm phụ hồ... Đói khổ, buồn lo như nhau.

Đi trong cơn mưa tầm tã ngày thứ Hai 10/11 vừa qua, chứng kiến cảnh Sài Gòn đầy những con sông uốn quanh. Nhà ngập, xóm ngập, đường ngập, trúng lúc triều cường lên, lại ngay giờ tan học, tan sở... vòng xoay Hàng Xanh, Lăng Cha Cả, giao lộ Hai Bà Trưng- Trần Quang Khải, Cầu Bông Thị Nghè...xe cộ dồn ứ hai tiếng đồng hồ liền. Vài du khách nước ngoài, đang trên đường Hoàng Văn Thụ ra sân bay Tân Sơn Nhất, bị kẹt, sợ trễ chuyến bay, đã phải bỏ taxi, xách hành lý chạy bộ, len lỏi giữa rừng xe dày đặc, người ướt át, mặt mũi nhăn nhó khổ sở. Kẻ viết bài không biết họ nghĩ gì, nhưng chắc một điều, slogan 'Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ mới' sẽ được họ giữ nguyên, chỉ thay chữ 'đến' bằng chữ 'đi'.

Xem ra trong cơn lụt hai miền Nam – Bắc hiện nay, có vẻ mọi thứ đều chìm lỉm, chỉ có khuyết điểm của con người là nổi lên gay gắt. Vậy mà tết Kỷ Trâu lại gõ móng đến nơi…