Cuối tuần này, San Jose lại tiễn thêm một vị niên trưởng ra đi : Thiếu Tướng BÙI ÐÌNH ÐẠM.
Tuần trước là ông NGUYỄN BÁ CẨN, vị thủ tướng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Ai cũng nói là, mới gặp bác Cẩn hôm trước, hôm nay đã đi rồi . Thiếu Tướng Ðạm cũng nói như vậy khi đưa tiễn người chiến hữu Saigon về nơi vĩnh cữu. Bây giờ ông Ðạm cũng ra đi, hết sức bất ngờ và nhẹ nhàng. Bác sẽ không bao giờ có dịp trở lại quê nhà, xứ Hà Ðông nghìn trùng xa cách. Gia đình bác thuộc diện công giáo hai lần di cư tỵ nạn. Nói đến tỵ nạn là phải nói đến quân đội và thuyền nhân. Nói đến quân đội là phải nói đến tướng lãnh. Tại miền Nam California, từ 6 năm qua có 3 vị sĩ quan ngồi bên nhau cùng làm một chuyện. Viết tiểu sử binh nghiệp các vị tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa. Không viết về chuyện xấu hay tốt, không viết về quan điểm chính trị hay văn hóa nghệ thuật. Chỉ đơn thuần là tiểu sử. Ngày sinh tháng đẻ, sinh quán, xuất thân. Binh nghiệp. Rõ ràng, đơn giản: Ai, ở đâu, thế nào, làm gì. Mất còn ra sao. Ngày xưa, chúng tôi ghi nhận được danh sách 130 vị, khi mới gặp lại Ðại tá Lại Ðức Chuẩn, phòng nhất Tổng Tham Mưu mới ở tù ra, đem hỏi lại. Rồi lại tham khảo với thiếu tướng Bùi đình Ðạm. Quí vị góp ý kiến và nói rằng, chắc cũng gần đúng rồi đấy. Một bác làm về nhân viên tổng tham mưu, một bác ngồi ở bộ quốc phòng, mỗi khi muốn hỏi về các tướng lãnh, đây chính là nơi cần tham khảo. Ngày qua ngày, trên Internet chúng tôi tìm thêm ra danh sách 150 vị. Tìm vào web của gia đình tướng Hiếu lại tổng hợp được 161 vị. Sau cùng thiếu tá Hồ Ðắc Huân báo cáo dứt khoát là 170 vị tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa gồm cả hải lục không quân. Có nhiều vị đại tá ra đi được truy thăng nên nằm trong danh sách cố chuẩn tướng, nhiều người không biết. Thiếu tá Huân là một trong ba sĩ quan ngày đêm sưu tầm để hoàn tất cuốn tiểu sử các niên trưởng đeo sao của Việt Nam Cộng Hòa. Các tướng lãnh một thời anh hùng tạo thời thế cho miền Nam. Ba vị soạn giả đó là đại tá Trần Ngọc Thống, thiếu tá Hồ Ðắc Huân và trung úy Lê Ðình Thụy. Sách bây giờ tạm xong, đang dò lại để đem in nhưng 1 trong 3 ông tác giả đã qua đời. Trung úy Lê Ðình Thụy đi trước mất rồi. Anh Huân lâu lâu lại điện thoại khoe. Thưa niên trưởng rằng sách của chúng tôi chính xác hơn 90%. Bao nhiêu tướng cảnh sát, bao nhiêu hải quân, bao nhiêu tướng đi tù. Có cả 80 chữ ký thực của các vị tướng lãnh. Sách dầy 700 trang, 20 trang mầu. Và đặc biệt báo tin cho các đại tá mừng là có cả danh sách một số đại tá. Coi như nếu đất nước còn, trước sau cũng có ông lên Tướng. Than ôi! Bây giờ đất nước mất, là mất tất cã. Trung tướng Thiệu đã nói như một nhà tiên tri. Tôi hỏi rằng : “Thế tiền đâu mà soạn sách, tiền đâu mà in sách”. Ðược trả lời là tự bỏ tiền ra. Thấy cần là làm. Ðâu có nhận lệnh của ai . Hy vọng tác phẩm sẽ phát hành năm nay nhưng có thể phải chờ đến năm 2010. Sẽ có nhiều chi tiết chính xác, ngày sinh của quý niên trưởng có thể đúng, nhưng ngày ra đi thì sẽ còn bỏ trống. Có người đã ra đi kín đáo không ai biết. Có người vẫn còn ở lại. Trong một tuần lễ đã có 3 vị niên trưởng ra đi : Trung tướng Trần văn Minh, chức vụ cuối cùng là đại sứ vừa qua đời tại Pháp. Bác sĩ Hoàng Cơ Lân cho tôi hay là ông Minh sống kín đáo nên sự ra đi cũng khép kín trong vòng gia tộc. Chuẩn tướng Lê Trung Tường mất tại Saigon, gia đình hết sức đơn chiếc, đang gặp khó khăn, vừa lên tiếng kêu gọi chiến hữu yểm trợ. Ông Tường là vị tư lệnh cuối cùng của Sư đoàn 23 Bộ binh, đơn vị tan hàng tại Ban mê Thuột. Ðại tá Vũ thế Quang, tư lệnh phó bị bắt làm tù binh. Tại San Jose người ra đi là niên trưởng Bùi Ðình Ðạm. Trong công việc sưu tầm, anh Hồ đắc Huân hết sức kiên nhẫn liên lạc với hàng trăm vị tướng lãnh ở bốn phương trời. Hỏi thăm qua gia đình, hỏi thăm anh em và hỏi thăm chính các niên trưởng. Huân kể rằng đã gặp rất nhiều gian truân. Có vị đáp ứng, có vị không. Có vị dễ, có vị khó và có vị khó “cực kỳ“. Ý kiến phát biểu rất nhiều : người tán thành, người bác bỏ, người nồng nhiệt, người lạnh lùng. Người bao dung chấp nhận, người thắc mắc đặt vấn đề. Ban tu thư soạn thảo hết sức lễ độ, kiên trì và tiếp tục xúc tiến công việc. Tuy nhiên nếu không phát hành sớm, e rằng sẽ không còn bao nhiêu niên trưởng ngồi chờ để làm độc giả cho bản tiểu sử của chính mình. Một trong các niên trưởng nhiệt thành yểm trợ cho tác phẩm là tướng Bùi Ðình Ðạm. Nhưng bác Ðạm sẽ không có cơ hội được cầm trên tay cuốn sách của 6 năm đợi chờ. Chỉ còn để lại trong tác phẩm sẽ phát hành 1 tấm hình chân dung hết sức đẹp đẽ. Tại San Jose, chẳng ai ngạc nhiên khi được thiếu tá Huân báo cáo là vị niên trưởng của chúng tôi đã bày tỏ sự khích lệ nhiệt thành cho ban tu thư tình nguyện của đại tá Trần Ngọc Thống, nguyên trưởng phòng TQT, Bộ TTM. Từ biết bao nhiêu năm, ông Ðạm vẫn nổi tiếng là người lịch sự, hòa nhã và được lòng anh em. Với một đức tin tôn giáo mạnh mẽ, tình chiến hữu đậm đà, ông là gạch nối đã hàn gắn cho nhiều mối tơ duyên của cả một cộng đồng tuy nhỏ bé nhưng hết sức phức tạp. Vốn là con người cầu tiến, niên trưởng Bùi Ðình Ðạm đã tốt nghiệp cao học tại Việt Nam. Sang Hoa kỳ ông cắp sách đi học lại, tốt nghiệp về xã hội, làm công việc xã hội cho quận hạt, cho cộng đồng, cho giáo hội và cho cả các hội đoàn từ cựu chiến sĩ đến hội cao niên. Ông là người xuất sắc trong lãnh vực điều hợp các buổi họp rắc rối nhiêu khê và hòa giải mọi bất hòa. Trong thang thuốc Bắc thường cay đắng khó uống, Thiếu tướng Bùi Ðình Ðạm là vị táo Tàu. Phải bỏ thêm vào để anh em nuốt cho trôi vị đắng. Mặc dù sống trên nước Mỹ, trải qua 34 lần tưởng niệm quốc hận, sắp sửa kỷ niệm ngày quân lực lần thứ 44, cộng đồng chúng ta dường như vẫn sống biệt lập. Những bất đồng khác biệt có lý do hay không có lý do cứ lên xuống như thủy triều. Ðất bằng nổi sóng rồi lại bình yên, rồi lại nổi sóng. Riêng phần niên trưởng Bùi Ðình Ðạm, ông hết sức giữ được tấm lòng tử tế và bình yên. Chúng tôi không bao giờ nghe ông phê phán chê bai. Ðây chính là gạch nối không những trong anh em cựu chiến sĩ mà cả trong hàng ngũ cựu tướng lãnh. Luôn luôn bác theo đúng phẩm cách của con người cao niên đạo đức. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Tuy nhiên, bác Ðạm cũng không hề ngần ngại khi phải dấn thân vào những chuyện khó khăn. Trên 80 tuổi, con người nhỏ bé, nhanh nhẹn vẫn nhiệt thành với tất cã mọi công việc cộng đồng, dù là tôn giáo, xã hội, chính trị hay ái hữu. Cá nhân chúng tôi quen biết gia đình bác Bùi Ðình Ðạm từ 30 năm qua. Các cháu trong nhà cùng học sư phạm với nhau tại SJSU. Tình chiến hữu pha tình thân hữu, bây giờ ông ra đi để lại thật nhiều thương tiếc. Rất nhiều tin tức tham khảo, chúng tôi vẫn trông cậy vào ông.
Ngày nào năm xưa, chúng tôi làm văn nghệ trên đồi Charlie. Hân hạnh có các ca sĩ tướng lãnh đứng trên sân khấu. Niên trưởng Nguyễn Khắc Bình, Bùi Ðình Ðạm và Nguyễn văn Tần. Bác Bình hăng hái nhận lời mời các bạn già làm ca sĩ trong ca đoàn. Sau buổi trình diễn ông đã nói rằng, thực không ngờ “già Ðạm” lại hăng hái như vậy. Khi kết thúc chương trình, lá đại kỳ bay trên đầu một ngàn khán giả, tràn ngập hội trường rồi vượt lên sân khấu. Tất cả bừng lên trong bản xuất quân. Một chiến binh cầm ngọn cờ vàng phất theo nhịp quân hành. Ông Ðạm dành lại cây cờ và ngài phất lia lịa. Ông Tần, cựu tư lệnh không quân vùng 4 vì không thuộc lời nên lẩm nhẩm hát theo, hai tay hăng hái vỗ nhịp. Năm ngoái bác Nguyễn hữu Tần lên chùa rồi về cõi Phật. Năm nay đến lượt bác Bùi Ðình Ðạm được Chúa gọi về nước Thiên Ðàng. Trong 3 vị hiện diện trên sân khấu năm xưa, lần đầu tiên làm ca sĩ, ai ngờ lại là lần cuối cùng. Chỉ còn lại tướng Nguyễn Khắc Bình. Mùa quân lực năm nay, không biết ông Tướng sẽ đi dự chỗ nào ? Tháng 5 năm 2010, San Jose ghi dấu 35 năm lưu vong biệt xứ, còn ai lên sân khấu để đồng ca bản xuất quân. Còn ai sẽ ngồi lại đọc cuốn tiểu sử niên giám của chính mình. Và cộng đồng Việt Nam tại San Jose, trong phạm vi các chiến hữu cựu quân nhân, nếu gặp lúc trái gió trở trời phải uống thang thuốc Bắc, ta lại thiếu mất vị táo Tàu.
Ngàn thu vĩnh biệt, thiếu tướng Bùi Ðình Ðạm. Xin chia buồn với bác gái và tang quyến. GIAO CHỈ, SAN JOSE
|