Võ Nguyên Giáp, huyền thoại của CSVN sau Hồ Chí Minh |
Tác Giả: BS Trần Xuân Ninh | |||
Thứ Bảy, 16 Tháng 5 Năm 2009 11:47 | |||
Người ta biết rằng trong vụ cải cách ruộng đất mà Hồ chí Minh tiến hành thập niên 50 là làm một công hai chuyện. Chuyện thứ nhất là áp dụng đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông là kẻ viện trợ cho Hồ xây dựng quân đội Nhân Dân, sau khi lấy được Hoa lục năm 1949. Chuyện thứ hai là thiết lập chuyên chính vô sản, tức là chế độ độc tài toàn trị. Đấu tranh giai cấp khởi sự sau khi mà TC đã giúp lập xong các đơn vị chính quy cấp sư đoàn.đầu tiên. Năm 1953, bà Nguyễn Thị Năm chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà nội, người đã cúng cho Hồ chí Minh và đảng Cộng sản Việt nam hàng trăm lạng vàng khi mới lên cầm quyền và là mẹ nuôi của các nhân vật cao cấp CS, có con là trung đoàn trưởng quân đội Nhân dân, đã bị đem ra tố khổ và bị kết án tử hình. Chuyện này đã gây chấn động dư luận, nhưng không làm ngưng kế hoạch chiến lược đấu tranh giai cấp. Hồ chí Minh cần có những trường hợp chấn động như vậy để nhấn mạnh tính chất chiến lược quyết liệt của đảng CSVN, theo đúng tinh thần không khoan nhượng, ngay cả với những người có công kháng chiến hay lãnh đạo cao cấp, để có thể lập chế độ toàn trị. Thấy được như vậy thì hiểu tại sao lại có tin loan đi rằng Truờng Chinh tố khổ bố mẹ, dù là tố hờ hay tố thật. Bằng những thủ đoạn tính toán kỹ lưỡng này, CSVN đã có thể dẫn tới tình trạng người trong gia đình dò xét canh chừng lẫn nhau, để mà báo cáo cho đảng, lấy công lấy điểm, và chế độ mới có thể nhờ đó vững vàng toàn trị. Tuy nhiên, những nỗi bi phẫn oán hận không phải là dễ dàng thanh toán. Vì thế, Hồ chí Minh đã đóng kịch chẩy nước mắt cá sấu thương tiếc những người chết oan. Ngày 18 tháng 8 năm 1956, Hồ gửi thư cho cán bộ và dân chúng công nhận sai lầm và thông báo rằng “Trung ương đảng đã nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm”. Và Võ Nguyên Giáp, ngày 28 tháng 10 năm 1956 đã ra trước nhà Hát Lớn Hà nội thay mặt chủ tịch đảng và nước đọc báo cáo của ban chấp hành Trung ương đảng nhận có sai lầm chính sách và phát động chiến dịch sửa sai.
Võ Nguyên Giáp, như đã nói, đã đóng vai ông thiện trong quân đội, che chở cho các sĩ quan dưới quyền mình. Nói đóng vai ông thiện là bởi vì có sự bàn bạc sắp đặt của Hồ chí Minh và nhóm đệ tử thân tín nhất, gồm Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. Nếu không có sự sắp xếp này, Giáp dễ dàng bị hạ bệ khi lên tiếng bênh vực đàn em. Bởi vì, “quân” của Giáp, tức là những thành phần chỉ huy ở các cấp khác nhau trong quân đội, thực tế đã hoàn toàn bị tê dại, không có phản ứng, vì tính cách tàn nhẫn quyết liệt của các vụ tố khổ do phiá chính trị Trường Chinh chỉ đạo thực hiện từng đợt, trong suốt 3 năm từ 1953 đến 1956. Giáp chỉ lên tiếng sau khi Hồ chí Minh và nhóm lãnh đạo tối cao thấy rằng mức độ kinh hoàng do chính sách khủng bố đã đủ để xác lập chuyên chính vô sản. Che chở cho cấp dưới có liên hệ với gia đình bị tố khổ chỉ là điều phải làm, vì nếu đem trừng phạt tất cả những người này thì tức là tự chặt chân tay, bởi rất nhiều người đều giữ chức chỉ huy ở các cấp trong quân đội. Ngoài ra khi làm như thế chẳng qua là Hồ chí Minh và Võ Nguyên Giáp chỉ áp dụng kỹ thuật của Mao Trạch Đông đã thi hành để khống chế thủ túc. Đó là cho lâu la kết án thật nặng kể cả tử hình những kẻ có chút tư thế, dù là không có bằng cớ chứng minh, rồi Mao sẽ tha tội, mà mục đích chỉ là khiến cho kẻ bị tội trung thành nhớ ơn Mao cứu tử. Giáp được chọn đóng vai ông thiện, vì uy tín cao sau trận Điện biên Phủ. Uy tín này được thổi lên thêm một tầng khi lên tiếng che chở đàn em trong vụ cải cách ruộng đất. Thay mặt chủ tịch đọc báo cáo nhận sai lầm trầm trọng và sửa sai, mà rút lại chỉ là phê bình kiểm điểm, và những tội phạm chính làm chết nhiều người, phá nhiều gia đình chỉ bị mất chức, Võ nguyên Giáp vừa tránh cho Hồ phải chính thức nhận tội, vừa khẳng định gián tiếp vai trò không thay thế được của đảng, là tiếp tục lãnh đạo, bất kể những sai lầm trầm trọng tới đâu đã phạm phải. Nhìn lại toàn bộ sự việc, người ta thấy rằng huyền thoại Hồ chí Minh, toàn đảng Cộng sản phải bỏ nhiều cố gắng dài ngày, rỉ tai truyền miệng và ngay cả chính Hồ phải lấy bí danh Trần Dân Tiên để viết sách ca tụng mình. Nhưng huyền thoại Võ Nguyên Giáp là anh hùng Điện biên Phủ, là văn võ toàn tài, là người tình nghĩa, là tiến bộ, thì đã từ từ được dựng lên không phải chỉ do bộ máy tuyên truyền Cộng sản mà do chính những người tự cho là quốc gia, khai thác các tin tức Cộng sản để rồi sau cùng trở thành nạn nhân của sự tuyên truyền của chính mình. Như là người ta đang thấy hiện nay. Nguồn trích: Tâm Thức Việt Nam
|