Một chuyến bay quá trễ. |
Tác Giả: Hoàng Ngọc Nguyên | |||||
Thứ Sáu, 08 Tháng 5 Năm 2009 22:08 | |||||
Năm 1966, tại Hội nghị Honolulu với những người lãnh đạo Saigon, Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson đã nghĩ đến việc xây dựng lại Miền Nam một khi chiến tranh chấm dứt, và hai bên đạt thỏa thuận hình thành một nhóm nghiên cứu hỗn hợp để soạn thảo một kế hoạch tái thiết thời hậu chiến. Đó là lần đầu tiên chúng ta nói đến những khả năng cất cánh của nền kinh tế Miền Nam – một mai khi hòa bình. Lần thứ hai chúng ta cũng nói đến triển vọng cất cánh của nền kinh tế miền Nam, đó là vào khoảng cuối năm 1974 và một tí đầu năm 1975. Cả hai lần chuyến bay không thực hiện được. Và hành khách vẫn cứ phải chờ, phải chờ, cho đến ngày hôm nay…
Một cơ hội vàng Nhóm Kế hoạch hậu chiến được thành lập vào năm 1967 với hai người đồng chủ tịch là giáo sư David E. Lilienthal về phía Mỹ và giáo sư Vũ Quốc Thúc, vốn là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia và là một trong những gương mặt sáng chói nhất ở trường Luật Saigon cũng như Học viện Quốc gia Hành chánh, về phía Việt Nam. Bên cạnh giáo sư Thúc là hai người phụ tá nổi bật, giáo sư Mai Văn Lễ và giáo sư Nguyễn Như Cương. Đây là một thời cơ độc đáo cho những ông thầy khả kính của những thế hệ sinh viên thời đó rời tháp ngà để bước vào đời. Công việc nghiên cứu được tiến hành hết sức thuận lợi về mặt chính trị và quân sự. Miền Nam đang chuẩn bị đặt những nền tảng đầu tiên cho nền Đệ nhị Cộng hòa sau cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến năm 1966 và bước qua những cuộc bầu cử Tổng thống, Thượng Viện và Hạ Viện vào tháng Chín và tháng Mười năm 1967. Kể từ tháng Ba năm 1965, sau khi Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu đến chiến trường miền Nam, chiến trường đã trở lại thế thăng bằng và qua năm 1967, lực lượng của địch ô hợp hơn và khả năng tấn công của địch đã bị hạn chế nhiều. Không có thời điểm nào tốt hơn để nói về kế hoạch hậu chiến. Trong phúc trình chính của nhóm, dày gần đến 400 trang, những tác giả đã phác họa một hướng kỹ nghệ hóa có tính công nghiệp nhẹ trong những lĩnh vực chế biến và xuất cảng dựa trên lực lượng lao động và tiềm năng nông/lâm/ngư nghiệp. Báo cáo cũng bàn đến hướng phi tập trung hóa kỹ nghệ, những chương trình mở mang cơ sở hạ tầng, và chỉnh trang đô thị, nâng cấp nông thôn. Có lẽ cần nhớ rằng vào thời đó, chung quanh Việt Nam chẳng những chưa có con rồng hay con cọp nào, mà ngay cả sự phát triển thần kỳ của Nhật bản chưa thành “bài ca châu Á”. Ngay cả Singapore cũng chưa là một hiện tượng làm cho người ta ngẩn ngơ. Nếu xúc tiến được kế hoạch này, chúng ta chẳng có gì trễ tràng cả. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một nhu cầu đầu tư ước tính là 2 tỷ đô la, thời nay có thể là một con số không gây mấy “ấn tượng”, nhưng vào thời đó, là một bảo đảm đi tới ít nhất cũng được 5 năm. Tiết kiệm quốc gia, huy động đầu tư nước ngoài, và viện trợ Mỹ là những bảo đảm về tài chánh cho kế hoạch phát triển. Điều không nói ra, đó chính là cam kết Mỹ sẽ tài trợ 2 tỷ cho kế hoạch này. Những người nghiên cứu dự kiến nền kinh tế miền Nam sẽ cất cánh vào khoảng năm 1973-74. Tuy nhiên, chiếc máy bay đó chưa bao giờ có cơ hội được chế tạo. Vào thời điểm phúc trình của Nhóm Nghiên cứu Kế hoạch Hậu chiến được đưa ra, tháng Ba năm 1969, người ta đã trải qua Tết Mậu Thân 1968, ông Johnson đã rời Nhà Trắng, đem theo ước mơ hậu chiến của ông. Với chính quyền mới là Tổng thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger, họ có những bận tâm khác…Vào cuối năm 1969, giấc mơ hậu chiến đã tan thành mây khói, mặc dù những gì họ đã sưu tập, đã kết luận, vẫn có những giá trị nghiên cứu, giá trị lịch sử. Chiếc phao cuối cùng Thực ra, nhiều điểm phác họa trong phúc trình đã được thi hành sau đó. Vào đầu năm 1973, Hiệp định Chấm dứt Chiến tranh và Tái lập Hòa bình được ký kết ở Paris vào ngày 27-1, đánh dấu việc Mỹ “đành đoạn” rút hết quân, siết lại hầu bao với Saigon. Miền Nam vì tình thế bắt buộc phải nghĩ đến những chương trình kinh tế tự lực, tự cường. Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã đưa ra Luật Chương trình vào năm 1969, Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc đã công bố những biện pháp “kinh tế mùa thu” năm 1970, nổi bật nhất là thuế kiệm ước. Bên ngành thuế vụ, Hà Xuân Trừng là bộ trưởng “từ trên trời rơi xuống”, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Hải Bình Thứ trưởng Tài chánh và Tổng giám đốc Tổng nha Thuế vụ đã đưa ra Thuế Trị giá gia tăng. Với sự hao hụt trong viện trợ Mỹ và không còn chi tiêu của quân đội Đồng Minh sau năm 1973 nữa, các thứ thuế phân suất quân bình, kiệm ước, trị giá gia tăng vừa nhằm tìm nguồn cho ngân sách vừa cắt giảm nhập cảng. Tuy nhiên, không thể không nhìn đến những chuyển biến khá tích cực trong nền kinh tế thời đó, cho thấy tính “bươn chãi” và khả năng hồi phục của người dân miền nam. Kinh tế nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã khá phát triển trong những năm đầu của thập niên 70, không chỉ do an ninh vãn hồi, sự thực hiện Luật Người Cày Có Ruộng, sự chỉ đạo sản xuất có trọng tâm hơn, mà còn những nỗ lực tăng cường giáo dục, văn hóa ở vựa lúa của đất nước này: có đến hai đại học trong khu vực này: Cần Thơ và Hòa Hảo. Từ những năm 1972-73, người ta đã nghe nói đến lúa Thần Nông, và đến năm 1974, miền Nam đã có thể tự túc lương thực. Nhiều nỗ lực phục hồi khu vực kỹ nghệ đã được bắt đầu, các khu kỹ nghệ trong nước đã dần dần hoạt động trở lại, nhất là khu SONADEZI ở Biên Hòa. Luật đầu tư được ban hành vào năm 1970, thu hút một số nhà đầu tư từ Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ… bỏ tiền vào một số dự án có tính cách thăm dò, thử nghiệm. Những nhà tư bản nội địa cũng bắt đầu kiếm mối nước ngoài trong những dự án liên doanh. Hoạt động của các Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp, Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ, Trung tâm Phát triển Xuất cảng, Tổng cuộc Phát triển Đầu tư, Ban Quản trị Khu Chế xuất ở Tân Thuận đông… chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo ra được một sinh khí mới cho hoạt động kinh tế. Đầu năm 1975, đã có đến hơn 30 nhà đầu tư trong Khu Chế Xuất, và tác dụng của những đầu tư phát triển kỹ nghệ này mở ra triển vọng lớn giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho những người được giải ngũ – nếu quả thật có cơ hội được “giã từ vũ khí”. Nếu như không có tình hình chiến sự đột biến sôi động mạnh mẽ từ đầu năm 1974, người ta có thể tưởng rằng kinh tế Miền Nam cất cánh đến nơi. Nổi bật lên trong tình hình lúc đó là Việt Nam đang chào mời các hãng dầu quốc tế đến thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông và hãng Pecten ngày 16-10-1974 đã thông báo kết quả của những mũi khoan đầu tiên ở ngoài khơi Vũng Tàu cho thấy có dầu với trữ lượng thương mãi. Đầu tháng 12, hãng dầu Mobil Oil tuyên bố sẵn sang vào trận. Tổng trưởng Thương mãi và Kỹ nghệ Nguyễn Đức Cường trong một bài phỏng vấn đăng trên Vietnam Report số ra ngày 1-12 cho rằng đến năm 1977 Việt Nam có thể xuất cảng dầu, với sáu giàn khoan một năm có thể kiếm được cả 1 tỷ đô la trong khi nền kinh tế chỉ cần 900 triệu đô la cho nhập cảng hàng tiêu dùng, nguyên liệu, máy móc trang bị cho công cuộc kỹ nghệ hóa. Chính vì thế mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mơ hồ tin rằng Nixon và Kissinger có thể quay mặt với ông nhưng Mỹ sẽ chẳng nỡ nào buông tha nguồn lợi kinh tế “kếch sù” từ miền Nam. Vào giữa tháng 11 năm 1974, vì tình thế bắt buộc, bị chặt vây cánh nhiều, chung quanh chẳng còn Nguyễn Văn Ngân và Hoàng Đức Nhã, Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm phải thay thế hầu như toàn bộ những người lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế tài chánh. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo được bổ nhiệm ở chức Phó Thủ tướng đặc trách Phát triển Kinh tế. Người ta nói rằng ông được sự ủng hộ mạnh mẽ của người miền Nam, của Liên trường, của Phó Tổng thống Trần Văn Hương… Mặt khác, ông Hảo mới 37 tuổi, năm 27 tuổi đã mặc bà ba đen làm Tổng giám dốc Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp, là người có chí, tham vọng, có một tí kiểu cách, nhưng chắc chắn sau mấy năm làm “Tổng đốc” Quỹ Phát triển Kinh tế Quốc gia, “nằm vùng” trong Ngân hàng Quốc gia “chiêu binh mãi mã”, không phải để mà chơi. Nếu để mà chơi, ông sẽ không đòi làm “nhiếp chính kinh tế” (economic czar) và không xây dựng một đội ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng làm việc với ông. Giấc mơ gãy cánh Sau nhiều năm mai phục, ông Hảo chỉ ở đỉnh cao được trong hơn năm tháng. Ông Hảo thấy gì và nghĩ gì về tình hình đất nước trong tình hình đó? Có lẽ vào thời đó, ban đêm trong biệt thự xinh xắn trên đường Mạc Đĩnh Chi ông vẫn còn giấc mơ là người đưa nền kinh tế ra phi đạo để cất cánh. Nhưng ban ngày, khi đến văn phòng ở đầu cầu xa lộ nhìn ra bên ngoài, ông hiểu rằng tất cả mọi chuyện đểu phải gác lại cả với làn sóng người tỵ nạn đổ về thành phố và đường giao thông, tiếp tế bị cắt đứt khắp nơi. Cuối cùng giấc mơ cất cánh gảy cánh! Ông không ngờ tình thế trong hai tháng Ba và Tư năm 1975 diễn tiến mau đến thế. Phải chăng cái “phồn vinh giả tạo” của miền nam là cái họa, thúc đẩy miền bắc hành động nhanh chóng trước khi chiếc máy bay có thể được đưa ra đường bay và vọt lên trên không trung thì lúc đó với theo không còn kịp nữa? Năm nay ông Hảo 72 tuổi. Ông ở đâu đó trên trái đất này. Ông còn đủ thì giở để ghi chép cho những thế hệ sau này hiểu rằng ông đã thấy gì, nghĩ gì và có những gì ông đã không thấy, không nghĩ tới trong thời gian đó. Nhưng có một điều này đáng để ý: trong nhóm của ông thời đó có ông Nguyễn Văn Diệp, mà ông Diệp là ai thì nhiều người biết, và chắc chắn Ông Thiệu, ông Khiêm, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình đều dư biết. Vì ông Diệp, ngoài là một chuyên viên thượng thặng về ngân hàng, tài chánh, là người rõ ràng, minh bạch. Vào ngày 29-4, ông Diệp được phép đi vào Trại David để gặp những người đại diện phía bên kia, một hành động sau này ông nói là “xắn quần lội xuống ao bùn để hái lấy một đóa sen”. Ông Diệp đã mất từ tháng sáu năm 1985. Ông Hảo là người có thể hiểu rõ ý đó hơn ai hết. Trong ngày 30-4 năm nay, người ta vẫn còn phải chờ đợi những hồi ký giá trị, can đảm, trung thực, bởi vì lịch sử không thể được soi sáng, chẳng phân tích được gì cả, nếu không có những hồi ký từ những tiếng nói có thẩm quyền. Nếu ông Hảo còn viết được gì về thời điểm đó, đó là điều đáng hoan nghênh. (HNN)
|