Bị giết từ 46 năm trước Tổng Thống Ngô Đình Diệm đang sống lại |
Tác Giả: Nguyễn Đạt Thịnh | |||
Thứ Hai, 27 Tháng 4 Năm 2009 17:26 | |||
http://www.thoibao.info/images/stories/gnts/PresidentNgoDinhDiem.jpg Chắc chắn không ai tin là Tổng Thống Ngô Đình Diệm phục sinh, nhưng giới trí thức Hoa Kỳ đang làm ông sống lại trong những cuộc tranh luận. Mới hôm thứ Năm tuần trước, 16 tháng Tư 2009, tiến sĩ Edward Miller giáo sư dạy lịch sử chiến tranh Việt Nam tại Dartmouth College, Hanover, NH, còn viết bài về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm; ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard năm 2004 bằng luận án cũng viết về ông Diệm. Giống như đa số sách và bài viết về Việt Nam, bài viết của Miller đầy nghiên cứu công phu, khiến bài viết tạo tín nhiệm cho người đọc; nhưng đọc kỹ, độc giả, nhất là độc giả người Việt Nam lại thấy những tác phẩm này giống như những cuộn phim vĩ đại, được thực hiện và trình chiếu theo kỹ thuật high definition (HD, độ phân giải cao) coi đồ sộ, màu mè, nhưng không có giá trị vì thiếu trung thực. Bài ông viết được đài BBC dịch đăng lại, và dưới đây là một đoạn: "...cụm từ "Mỹ-Diệm", được sử dụng bởi người Cộng sản, diễn tả cô đọng nhất quan điểm rằng Diệm chỉ là con rối của Mỹ. Nhưng không chỉ người Cộng sản mới xem Diệm là sản phẩm của chính sách Mỹ. Khi Diệm còn sống, nhiều người Việt và Mỹ cho rằng ông này buộc phải đi theo chỉ thị của Washington để bảo đảm tiếp tục được hưởng viện trợ kinh tế và quân sự". Dù có bằng tiến sĩ, nấc thang cao nhất trong học vấn, nhưng ông tiến sĩ Miller vẫn không nhìn thấy sự kiện "buộc phải đi theo chỉ thị của Washington để bảo đảm tiếp tục được hưởng viện trợ kinh tế và quân sự," không hề là sự kiện đáng buồn cho riêng ông Diệm mà còn đáng buồn nhiều hơn nữa cho chính sách ngoại viện của Hoa Kỳ. Ông không nhìn thấy góc cạnh là mọi chính phủ của Hoa Kỳ không có quyền tiêu hàng trăm tỉ Mỹ kim viện trợ để chỉ tạo ra những "con rối", những quốc gia chư hầu, mà không thực hiện được mục đích chính của viện trợ là giúp phương tiện để những nhà lãnh đạo chính trị ngoại quốc thành công tạo ra những quốc gia hùng mạnh, đồng minh với Hoa Kỳ trong hòa bình cũng như trong chiến tranh. Nếu Miller và những học giả Hoa Kỳ nhìn Việt Nam và các nước khác nhận viện trợ Mỹ dưới quan điểm đó, thì sau Việt Nam, Hoa Kỳ đã không phải tiếp tục tái phạm những sai lầm này tại Iraq và những quốc gia khác. Miller viết tiếp: "Dĩ nhiên, sau khi Diệm bị lật trong cuộc đảo chính có Mỹ bảo trợ, luận điệu Mỹ-Diệm bớt thuyết phục. Nếu Diệm chỉ là con rối của Mỹ, tại sao Washington khuyến khích nhóm tướng lĩnh hạ bệ ông ta? Dù vậy, một số tác giả vẫn khẳng định luận điệu này ít nhất cũng có một phần đúng. Những người viết này lập luận ngay cả nếu Diệm không phải là bù nhìn, sau 1954, ông ta nhờ Washington nên mới nắm được chính quyền. Theo đó, Diệm giống như một quái vật Frankenstein của Mỹ - các lãnh đạo Mỹ bí mật sắp xếp để ông chiếm quyền ở Sài Gòn với hy vọng ông sẽ tuân lời, nhưng rồi nhận ra muộn màng rằng họ không thể kiểm soát ông ta". Giá trị căn bản của lịch sử là thật, không thật lịch sử không còn là lịch sử nữa, mà trở thành một tác phẩm hư cấu. Cuộc đảo chánh ngày mùng 1 tháng 11 năm 1963 không phải là một biến cố "có Mỹ bảo trợ" như Miller viết, mà là biến cố do Mỹ chủ trương và cầm đầu, bỏ Mỹ kim ra mua những tướng lãnh phản phúc để giết lãnh tụ của một quốc gia đồng minh. Nếu sử gia Miller có can đảm trả sự thật cho lịch sử thì việc "ám sát" thủ lãnh một nước khác phải được coi là việc làm phạm pháp của chính quyền Hoa Kỳ lúc đó, vì pháp luật Hoa Kỳ cấm đoán một cuộc ám sát như vậy. Nhưng các sử gia Hoa Kỳ chưa đủ vô tư để đứng vào một cương vị đủ cao để nhãn quan không bị biên giới và tự ái dân tộc che lấp; nếu họ nhận định trung thực được biến cố 11/01/1963 thì chính sách ngoại viện của Hoa Kỳ đã trở thành đứng đắn hơn, và do đó, cũng kiến hiệu hơn. Miller tiếp tục viết: "Cho dù vẫn còn được một số giới ưa chuộng, lý thuyết bù nhìn này không đứng vững. Các tài liệu giải mật của Mỹ chứng tỏ Diệm rất chống đối lời khuyên của Mỹ, và ngay từ đầu đã thường bất tuân lời Washington. Ví dụ, trong cuộc "khủng hoảng giáo phái" 1954-55, sứ quán Mỹ ở Sài Gòn thúc giục Diệm thỏa hiệp với chỉ huy các lực lượng vũ trang đe dọa lật đổ ông. Không nghe lời Mỹ, Diệm buộc xảy ra nổ súng và rồi đánh bại các đối thủ - và như thế, ông càng tin là phải nghe chính mình... Sự miễn cưỡng làm theo chỉ thị của Mỹ càng thêm sâu sắc vì ông biết mình có được chức thủ tướng miền Nam là do nỗ lực riêng, chứ chẳng phải nhờ vào mưu toan của Mỹ. Chưa ai tìm được bằng chứng là giới chức Mỹ đã ép cựu Hoàng Bảo Đại chọn Diệm làm thủ tướng mùa xuân 1954. Bằng chứng ta có được cho thấy quyết định của Bảo Đại chủ yếu là do sự vận động và quyền mưu của Diệm. Sử chứa đựng những bài học kinh nghiệm cho hậu thế, do đó mới có câu, "người khôn học kinh nghiệm lịch sử, kẻ dại học kinh nghiệm bản thân". Miller không nhìn thấy bài học lịch sử trong việc ông Diệm "không nghe lời Mỹ, nổ súng, và rồi đánh bại các đối thủ". Nếu Miller nêu lên được việc ông Diệm biết tình hình Việt Nam rõ hơn ông đại sứ Mỹ tại Việt Nam, thì bài học lịch sử này đã khuyến cáo chính phủ Bush không cần dạy binh sĩ và cảnh sát Iraq những phương cách tác chiến chống khủng bố, chống xe bom. Người Iraq biết kỹ thuật đánh xe bom và chống xe bom rành hơn người Mỹ. Chỉ trong một đoạn ngắn của bài báo chúng ta đã thấy rất nhiều điểm bất cập và không chính xác, thì trong một niên học ông Miller nói bao nhiêu điều không chính xác về Việt Nam? Sinh viên Hoa Kỳ, con cháu chúng ta, lớp này nối tiếp lớp khác, phải học những điều gian dối, man trá, hoặc tối thiểu cũng không chính xác về Việt Nam và về chiến tranh Việt Nam, trận giặc đã ngã ngũ trên sự phản bội của Hoa Kỳ. Từ mấy năm nay, nhiều người nêu lên cái nguy cơ sách báo Việt Cộng tràn lan vào trường đại học, vào thư viện Hoa Kỳ đầu độc con em chúng ta, nhưng sách báo còn ít nguy hiểm, vì trước khi đọc, sinh viên còn được cảnh báo những ấn phẩm họ cầm trên tay được viết và in tại Việt Nam, là sản phẩm của Việt Cộng; ý thức này sẽ khiến họ không trọn vẹn tin tưởng vào nội dung quyển sách hay bài báo. Nhưng con em chúng ta sẽ hoàn toàn tin từng lời, nuốt chửng từng chữ Miller giảng dạy, vì anh ta là giáo sư của chúng, và vì anh ta lại còn là người Mỹ, những người nếu không chia nỗi buồn thất trận với những người Việt Nam cha, anh của chúng, cũng không có lý do gì nói xấu họ, những người đồng minh cũ của Hoa Kỳ. Con số những người Mỹ nói về Việt Nam mà không biết mình nói sai quá nhiều, ngay cả báo chí, sách vở của họ cũng viết sai. Miller chỉ là một trong khoảng vài chục giáo sư, tiến sĩ thảo luận về Việt Nam, trong một tổ chức mà họ gọi là H-Diplo Roundtable. Chỉ thảo luận riêng về Tổng Thống Ngô Đình Diệm họ viết cả ngàn trang giấy. Một thí dụ: để trả lời giáo sư Edward Miller, giáo sư Seth Jacobs (Boston College) viết: "Miller có thành thật tin rằng ông Diệm có thể trở thành thủ tướng Việt Nam nếu chính quyền Eisenhower chống lại việc này và đòi ông Bảo Đại chỉ định một người khác không? Hay, để trình bày quan điểm của Miller một cách bớt quá đáng, thử đặt câu hỏi, Miller có tin là Hoa Thịnh Đốn không quan tâm đến những gì xảy ra tại Nam Việt sau khi người Pháp rút lui, và Hoa Kỳ chấp nhận bất cứ nhân vật nào ông Bảo Đại chỉ định, bất kể khả năng và thiện chí của nhân vật này trong cuộc chiến tranh chống Cộng sản không?" Jacobs quan niệm ngoài việc vận động với ông Bảo Đại, ông Diệm còn vận động với nhiều chính khách Hoa Kỳ để Mỹ tạo áp lực hầu ông Bảo Đại chỉ định ông làm thủ tướng Việt Nam. Jacobs viết: "Có rất nhiều chứng liệu trên truyền thông ghi nhận những vận động của ông Diệm tại Hoa Kỳ trong thời gian từ 1950 đến 1953; ông liên hệ với Bộ Ngoại Giao Mỹ, ông trở thành người giúp ý cho Phòng Nghiên Cứu của hệ thống trường đại học công lập Michigan, ông còn đi thuyết trình tại những viện đại học tại vùng Đông và Trung-Tây Hoa Kỳ, thân thiện với nhiều phóng viên, nhiều nhà trí thức, gây tín nhiệm với những nhân vật nhiều ảnh hưởng như tối cao pháp viên William O. Douglas, nhà triệu phú Joseph Kennedy, giáo chủ Francis Spellman, các dân biểu Clement Zablocki và Edna Kelly, các nghị sĩ John F. Kennedy và Mike Mansfield, ông Mansfiel là nhân vật thẩm quyền của chính giới Hoa Kỳ về chính tình Á Châu". Jacobs còn trích dẫn lời nói của chính ông Bảo Đại: "Tôi biết rõ về ông Diệm, tôi biết ông ta là người khó tính, tôi biết ông ta cuồng tín, biết cả việc ông ta sùng đạo; nhưng trong tình thế hiện tại tôi cũng không có người nào hơn ông Diệm. Ông ta được nhiều người Mỹ biết đến, họ lại thích tính quyết đoán của ổng. Người Mỹ cho là ông Diệm là người đúng nhất để nhận lãnh trách nhiệm, và họ ủng hộ ông ta bằng mọi cách. Người quốc gia trong nước sẽ ủng hộ ông Diệm vì ông có một quá khứ trong sạch, và một người em đang đứng đầu Phong Trào Quốc Gia; họ sẽ không hạ bệ ông như họ đã hạ bệ ông Nguyễn Văn Tâm và ông Bửu Lộc. Chót hết, vì sự cương quyết và tin tưởng của ông, ông là người có thể chống lại Cộng sản. Tôi nhìn nhận ông Diệm quả đúng là nhân vật cần thiết cho tình thế". Tất cả những dẫn chứng đều khả tín, tất cả những học giả thảo luận về Việt Nam đều dày công biên khảo, nhưng không phải tất cả chứng cứ đều được hiểu đúng, tất cả học giả đều vô tư, như tôi trình bày đoạn trên. Biên giới quốc gia che mắt họ, uy tín dân tộc làm họ thiên lệch; rồi nhu cầu bào chữa cho trận chiến tranh Mỹ thất bại tại Việt Nam thúc đẩy họ diễn dịch để biện hộ. Nhu cầu đó đưa đến cái nhìn thiên lệch giữa vai trò của Hoa Kỳ và của Việt Nam đưa giới trí thức Hoa Kỳ đến chỗ bóp méo lịch sử và nhục mạ Việt Nam. Tôi đang vận động thành lập một toán thân hữu nhỏ tạm gọi là nhóm "The True Việt Nam", nhóm này không cần đông, có thể khởi công với vài ba anh em, với công tác viết lại cho đúng những gì người ngoại quốc viết sai về Việt Nam, quê hương thân yêu của chúng ta. Chỉ riêng với nhóm H-Diplo Roundtable, chúng ta đã có hàng trăm bài biên khảo của những giáo sư Hoa Kỳ nhiều uy tín; họ viết về chiến tranh Việt Nam, trong đó vai trò của ông Diệm chiếm một góc quan trọng, nhưng không phải là góc khống chế nguyên cả đề tài thảo luận. Tôi quan niệm vai trò trước nhất của nhóm "The True Việt Nam" là dịch ra tiếng Việt những bài biên khảo giá trị của những tác giả uy tín này, và phổ biến trên web để mọi người cùng đọc, cùng hiểu, và để những người biết rõ vấn đề lên tiếng nhuận đính lại những sai lầm. Người lên tiếng có thể viết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, và nhóm "The True Việt Nam" phụ trách việc dịch Việt-Anh, hay Anh-Việt bài viết của quý vị. Chỉ riêng vai vế của những giáo sư sử học trong xã hội Hoa Kỳ và việc bài viết của họ bị người trong cuộc (người Việt Nam) chỉ trích là thiếu trung thực đã đủ là một biến chuyển quan trọng khiến nhiều người chú ý. Ngoài ra, việc nói lại cho đúng những điều người Mỹ viết không đúng về Việt Nam là việc nhiều người Việt Nam có khả năng làm được. Mọi việc đều có một khởi điểm, và khởi điểm trong việc thành lập nhóm "The True Việt Nam" là thái độ hưởng ứng của những nhà trí thức Việt Nam; những người đầu tiên đứng ra đảm nhận công tác này sẽ thảo luận với nhau, hoạch định những giai đoạn cần thực hiện để chúng ta khởi công. Tha thiết mong mỏi được quý vị giúp thêm ý kiến.
|