Đệ Nhất Cộng Hoà, Trần Ngọc Châu là người lập kế hoạch bình định. Từ đây mà sau này có chính sách chiêu hồi, rồi chiến dịch Phượng Hoàng, một chương trình bình định thành công nhất của CIA trong chiến tranh Việt Nam.Đệ Nhị Cộng Hoà, Trần Ngọc Châu là Tổng Thư Ký của Quốc Hội đầu tiên (hình trên). Cuối 1969 đầu 1970, Toà Đại Sứ Mỹ và CIA ở Việt Nam bật đèn xanh cho Tổng Thống Thiệu triệt hạ ông Châu. Đây là sự kiện tiêu biểu cho khúc quanh chính trị của Mỹ tại Việt Nam, được tác giả Elizabeth Pond ghi lại thành “The Chau Trial.” Từ đó tới nay, liên tục 40 năm, đã có thêm cả chục cuốn sách, cả trăm bài báo và nhiều công trình nghiên cứu tại các lò tư tưởng chiến lược -nơi ảnh hưởng tới chính sách thế giới của nước Mỹ- liên tiếp mổ xẻ trường hợp Trần Ngọc Châu. Lý do, nói theo Zalin Grant, tác giả cuốn sách “Facing the Phoenix”, đó là vì vụ án Trần Ngọc Châu tiêu biểu cho sự thất bại chính trị của Hoa Kỳ tại Việt Nam. “Châu đã thành một biểu tượng -Biểu tượng cho những thứ đã mất ở Việt Nam.”Zalin Grant viết. Thứ đã mất chính là những lý tưởng dân chủ, tự do mà dân Mỹ từng phải trả bằng máu, nhằm mang lại cho Việt Nam một chế độ dân chủ đích thực, một chiến thắng xứng đáng của miền Nam tự do. Lần đầu tiên, sách “Vụ Án Trần Ngọc Châu” được ấn hành ở hải ngoại. Ngoài đầy đủ bản dịch "The Chau Trial", phần trích lược sách báo và các tài liệu mật liên quan tới cuộc chiến Việt nam còn có bài viết đặc biệt của chính ông Trần Ngọc Châu mang tựa đề “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi.” Sau đây là phần trích từ bài viết đặc biệt này. IÌI. MẦM MỐNG CHIẾN TRANH MỚI Khoảng cuối năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho lệnh chuyển tôi từ quân đội chính quy sang làm thanh tra lực lượng Bảo an và Dân vệ, các lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ dân chúng nơi làng xã, quận và tỉnh. Việc đầu tiên của tôi là phải đi thăm viếng 40 tỉnh để thẩm định tình trạng sinh hoạt và hoạt dộng của các lực lượng này và cung cách cư xử, giao tế giữa các lực lượng này với dân chúng có được tốt đẹp không. Sau ba tháng đi thăm tất cả địa phương, tôi làm một báo cáo dài, đầy đủ trình lên Tổng Thống. Phúc trình ghi nhận là Bảo an cũng như Dân vệ nhận được lương bổng thật ít oi, trang bị vũ khí thì rất thô sơ, và cũng không được huấn luyện đầy đủ. Hơn nữa, họ không được huấn luyện gì về chính trị, vì thế không vận động và không có khả năng khích động tốt dân chúng địa phương. Tôi còn được biết một số vần đề khác đã làm tôi xúc động, có khi nản lòng nhiều hơn. Phần lớn những viên chức chính quyền, ngay cả ở cơ quan tình báo, an ninh quân đội và cảnh sát, tất cả đều cũng là những bộ mặt trước đây đã làm thời kỳ còn Pháp thuộc. Nhìn chung thì họ là những người tốt, có khả năng nhưng họ đã dược người Pháp huấn luyện và học tập kinh nghiệm với người Pháp trong suốt cuộc chiến chống Việt Minh. Ở một góc độ nào đó, có vẻ đã có một sự thay đổi sâu xa đến với miền Nam Việt Nam. Người Pháp đã ra đi sau gần 100 năm đô hộ thuộc đia này. Một chế độ mới, một nước Việt Nam cộng hòa được khai sinh với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Người Hoa Kỳ tới để giúp đỡ miền Nam thành lập một thể chế dân chủ, tổ chức một quân đội hiện đại. Nhưng nhìn toàn thể đất nước nói chung, không có gì là đổi mới cả. Bắt đầu nhìn xung quanh, tôi nhận thấy không những chỉ miền nông thôn không có sự thay đổi, mà ở toàn thể mọi nơi cũng đều như thế cả. Ngay cả phần lớn những người thân cận bao quanh Tổng Thống Diệm đêù là những nhân vật xưa kia đã phục vụ cho chính phủ thuộc địa Pháp. Từ bộ trưởng đến giám đốc, tỉnh trưởng, quận trưởng và sĩ quan cao cấp trong quân đội , hầu hết đều được đào tảo bởi và trước kia đã phục vụ dưới quyền người Pháp. Hậu quả thật là rõ ràng. Người Pháp đã ra đi, tuy nhiên đường lối chính trị và tập tục của họ đối với dân nông thôn vẫn còn tồn tại. Người dân vẫn tiếp tục công việc như xưa nay đã từng làm, như vậy có nghĩa là tiếp tục chịu sự đàn áp, sống hai mang và chấp nhận tham nhũng. Và như vậy cũng có nghĩa là những ai trước đây đã ủng hộ lực lượng Hồ Chí Minh chống Pháp, nay bị nghi là thành phần thân Cộng. Điều chánh yếu, là những ai trước đây muốn người Pháp phải rời khỏi Việt Nam đều bị chính quyền ghi vào "danh sách sổ đen". Sự việc người Hoa Kỳ tới, đã mang đến một điều tốt nào đó, và ít nhất Cộng sản cũng có một lý do tuyên truyền nào để đề cập tới. Từ lâu, Cộng sản coi người viên chức Việt Nam như là gia nô cho Pháp, thì nay họ lại coi như là gia nô cho Hoa Kỳ. Như vậy, chiến tranh Việt Nam lần thứ hai đã được gieo mầm. Và lần này, cũng như lần đầu. Tại miền nông thôn toàn quốc. Nhìn lại ta thấy Tổng thống Ngô Đình Diệm đã làm mất cơ hội dành được sức hậu thuẫn của người dân nông thôn. Theo lẽ ông nên nghiên cứu kỹ càng lại chính sách đối với một số khá đông đảo nông dân đã coi chính quyền như thù địch. Ông Diệm cũng nên hoạch định một chính sách hòa giải lôi kéo những phần tử cựu Việt minh trở về với chính quyền. Thay vì làm như vậy, ông lại trối bỏ đẩy họ vào thế phải quay trở lại vào vòng tay Cộng sản. Những sai lầm nghiêm trọng này là một sự thật. Cả ông Diệm và phân lớn cố vấn Hoa Kỳ đã toan tính sai lầm nặng nề khi không tôn trọng nông thôn và những người dân sống tại đó. Đó là một sai lầm lớn nhất của ông Diệm và Hoa Kỳ. BÀI HỌC VỠ LÒNG VỀ CUỘC CHIẾN MỚI Giữa năm 1960, tôi được chỉ định làm Chỉ huy Trưởng các đơn vị Bảo an và Dân vệ của các tỉnh khu Tiền Giang/ đồng bằng Cửu Long. Trên thực tế, chính các tỉnh trưởng có nhiệm vụ tuyển mộ và chỉ huy các lực lượng này. Công việc của tôi chỉ bao gồm thanh tra và huấn luyện. Lực lượng Cộng sản mới chỉ bắt đầu gây rối loạn, ban ngày thì làm việc bình thường trên đồng ruộng, ban đêm thì họp hành phân công đi hoạt động gây nên một tình trạng bất an. Song hành, có những nhóm nhỏ Việt cộng võ trang đi hoành hành mọi nơi, ám sát các viên chức làng xã và những người mà chúng nghi là có hợp tác với chính quyền Sàigòn. Một hôm trong một chuyến đi thăm tỉnh Kiến Hòa, tôi ngừng xe trước trụ sở xã nơi có một đám đông đang tụ họp. Tôi thấy có 12 xác Việt cộng nằm la liệt và bốn, năm khẩu súng kiểu cũ từ đệ nhị thế chiến vất ngổn ngang cạnh khu vực. Tôi được thông báo là những tử thương nằm đó do anh em dân vệ phục kích hạ sát đêm hôm trước, tại một nơi cách quận lỵ, khoảng hai cây số. Mười đàn ông và hai phụ nữ tuổi khoảng từ 15 đến 35, và tất cả là nông dân. Trong nhiều năm tham dự hành quân, là chiến sĩ tôi đã từng thấy hàng trăm xác chết, tôi luôn luôn cảm thấy động lòng trắc ẩn trước kẻ quá cố và thân nhân còn sống sót. Tuy nhiên tôi còn tự an ủi, vì chết chóc vẫn là một hiện tượng tàn nhẫn trong thời chinh chiến. Nhưng nay thì lại không giống như hồi đó. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy xác những nông dân bị xúi dục hành động chống lại chính quyền mà chính quyền này lại đã cố gắng bảo vệ họ. Đúng như vậy, tôi rất xúc động nhưng lại rất bất bình. Không có thân nhân nào của các người chết đã kêu khóc như họ đã thuờng làm trong trường hợp như thế này. Một phụ nữ khoảng 30 tuổi đã tỏ ra căm hờn khi chằm chằm nhìn vào bộ quân phục tôi đang mặc. Tôi trở nên ưu tư và suy ngẩm nhiều ngày đêm về sự kiện này. Tôi đã lưu ở lại làng đó ba ngày, nói chuyện với dân làng để tìm giải đáp cho những câu hỏi, những băn khoăn thắc mắc. Tỉnh Kiến Hòa trước kia gọi là Bến Tre bao gồm ba cù lao lớn nằm giữa hai nhánh chính sông Cửu Long. Tổng số khoảng 600,000 dân, mà gần phân nửa là Công giáo. Số nửa còn lại theo Phật Giáo và Cao Đài giáo. Nhóm Cao đài tại đây giữ không có quân đội riêng như Cao đài Tây Ninh. Kiến Hòa là một khu vực tương đối phồn thịnh với tài nguyên chính là ruộng, vườn trồng dừa và cây ăn trái và hải sản. Tỉnh trưởng Bến Tre sau chót của Pháp là Đại tá Leroy. Pháp gọi "Le roi" là "Vua". Như vậy, đại tá Leroy được rất nhiều người biết tới, kể cả Pháp lẫn Việt, người ta gọi ông là Vua Bến Tre. Đại tá Leroy cai trị Bến Tre như ông là chủ nhân lãnh thổ. Ông tổ chức một hệ thống riêng về thuế má, và các viên chức mọi cấp trong tỉnh đều lãnh lương của chính quyền trung ương. Ông cũng có một hệ thống quân đội riêng, phần lớn tuyển mộ từ giáo dân. Đại tá Leroy rời Việt Nam năm 1954, nhưng sự chuyên chế và luật lệ ông để lại vẫn còn được duy trì. Nhiều tỉnh trưởng Việt Nam sau này, kể cả viên tỉnh trưởng mà lần đầu tôi tới thăm cũng tiếp tục theo đường lối Leroy. Có thể khả tin mà nói rằng suốt cả giải miền quê Nam Việt Nam, không có một khu vực nông thôn nào lại bị áp chế khắc nghiệt như tại tỉnh Kiến Hòa. Và không có gì lấy làm lạ vì sao Việt Cộng chính thức khai sinh ra Mặt trận giải phóng miền Nam năm 1959, tại tỉnh Bến Tre. Từ đó, Kiến Hòa được mệnh danh là "Đồng Khởi, cái nôi của Cách mạng Miền Nam". Có một việc gì đó mà tôi đã nhận ra trong chuyến thăm Kiến Hòa lần đầu năm 1960. Tôi được biết là khi hoạt động du kích chống chính quyền tăng gia thì những phản ứng và sự đàn áp của chính quyền cũng theo đà leo thang. Cái vòng luẩn quẩn cứ xoay quanh như vậy, và mãi mãi. Sự đàn áp của chính quyền càng nặng nề nhiều thì Việt cộng càng tuyển mộ nông dân dễ hơn bấy nhiêu. Vài tháng sau khi trở lại khu làng trước kia, tôi đước biết phần đông những thân nhân của những người bị phục kích giết đêm hôm trước, một phần đã bị chính quyền Nam Việt Nam bắt giữ, phần khác đã trốn theo Cộng sản, số còn lại chui lẩn sống trong đám dân cư đông đúc tại thành thị. Kỳ tới: Bài học vỡ lòng từ cuộc chiến. Bìa sách “Vụ Án Trần Ngọc Châu”, 504 trang, ấn phí 25 mỹ kim. Sách gửi tận nhà trong nước Mỹ thêm $5 cước phí. Bạn đọc và các đại lý xin liên lạc Việt Báo: 14841 Moran St. Westminster, CA 92683 (714) 894-2500 Trong nước Mỹ, xin gửi thêm $5 Đô La cho cước phí.
|