Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa |
Tác Giả: Long Ðiền | |||
Thứ Tư, 22 Tháng 7 Năm 2009 04:20 | |||
Mục đích: Bài nầy viết để tuyên dương những “Anh Hùng Vô Danh” Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân trong cuộc chiến 1954-1975, họ là những người chịu nhiều đau thương nhất, tổn thất cao nhất so với các binh chủng khác trong QLVNCH, đồng thời họ chịu nhiều sỉ nhục từ phía Cộng Sản. Vì chính CSVN xem họ là kẻ thù nguy hiểm nhất qua 2 câu vè tuyên truyền của VC thời đó: “Ngàn hai bắt được thì tha. (1200 đồng là lương hàng tháng của quân dịch Chủ Lực Quân, 900 là lương của Dân Vệ/Nghĩa Quân) thực tế CSVN chỉ tuyên truyền vậy thôi, thời kỳ chiến tranh 1945-1975 chúng bắt được ai thì hầu hết đều bị thủ tiêu chớ làm gì có tha ai đâu.) Giới thiệu sơ lược: Ðịa Phương Quân, thời kỳ đầu được gọi là Bảo An Ðoàn, là lực lượng vũ trang địa phương của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Bảo An Ðoàn được thành lập năm 1955 trên cơ sở thống nhất các lực lượng Bảo Chính Ðoàn, Nghĩa Dũng Ðoàn, Việt Binh Ðoàn do Pháp bàn giao lại, thu nạp thêm một bộ phận các tín đồ Thiên Chúa Giáo Miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Trong thời gian từ năm 1955 đến 1964, lực lượng Bảo An Ðoàn trực thuộc Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hòa, làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự trị an ở từng địa phương. Từ 1964, Bảo An Ðoàn được chuyển sang trực thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa và đổi tên thành Ðịa Phương Quân. Ðịa Phương Quân tổ chức thành các đại đội (khoảng 100 người). Trong thời gian từ 1968 đến 1972, lực lượng này phát triển mạnh từ 895 lên 1,823 Ðại Ðội, tương ứng với số quân 132,000 lên 301,000. Cuối 1972, một số Ðại Ðội Ðịa Phương Quân được gộp lại thành Tiểu Ðoàn. Phần lớn các đồn lớn là của Ðịa Phương Quân do Tiểu Khu và Chi Khu điều khiển. Các đồn nhỏ do Phân Chi Khu (Xã), giao cho Nghĩa Quân phụ trách. Bộ chỉ huy Quận hay còn gọi là Chi Khu thông thường do lực lượng Nghĩa Quân bảo vệ. Chi Khu Trưởng và Ban Tham Mưu Chi Khu là những cấp chỉ huy xuất sắc của Chủ Lực Quân đưa sang nên họ đã huấn luyện, hướng dẫn các đơn vị ÐPQ/NQ những phương thức hữu hiệu để tiêu diệt Cộng Sản mà họ đã có được kinh nghiệm khi còn chỉ huy các đại đơn vị tinh nhuệ như Nhảy Dù, Biệt Ðộng, Thủy Quân Lục Chiến, v.v. Do đó có nhiều Trung Ðội Nghĩa Quân đánh giặc hữu hiệu không thua gì các đơn vị chủ lực. Chính hai thành phần này mới là những người bám rễ giữ đất, chịu nhiều gian khổ và thương vong nhất trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ. Phía Cộng Sản xem họ là kẻ thù nguy hiểm, nhưng báo chí Miền Nam Việt Nam thời đó cũng tỏ ra có nhiều ngộ nhận không ít về họ. Có báo thì cho là lính ma, lính kiểng, có báo thì cho là binh chủng lạc hậu và đặt tên là “Con Rùa chậm tiến” chỉ vì họ không được trang bị hiện đại bằng các binh chủng khác, luôn luôn được trang bị chậm và thiếu các loại vũ khí tối tân như M16, M79 phóng lựu và thông thường phương tiện di chuyển hay hành quân họ thảy đều dùng đôi chân của mình chớ không có phương tiện cơ hữu như quân xa, máy bay. Họ đánh giặc theo kiểu nhà nghèo. Lương thì ít ỏi không đủ sống, vì vậy đôi khi NQ còn được trợ cấp thực phẩm, có 2 câu thơ truyền miệng: “Dân Vệ Ðoàn vì dân trừ bạo (Chú thích: Gạo của Hoa Kỳ trợ cấp loại 10 ký/bao, dầu là loại dầu ăn hột cải 4 lít.) Nhận định về người lính ÐPQ/NQ thuộc QLVNCH xin đơn cử một số nhận định sau đây: 1. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa 1968-1975 (bài của nhà nghiên cứu về Việt Nam Bill Laurie): Bill Laurie là sử gia Hoa Kỳ, một trong những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và nhân chứng được mời trình bày quan điểm trong cuộc hội thảo mang tên “Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa: Suy ngẫm và tái thẩm định sau 30 năm” (ARVN: Reflections and reassessments after 30 years) do Trung Tâm Việt Nam thuộc đại học Texas Tech tổ chức tại Lubbock trong hai ngày 17 và 18 tháng 3 năm 2006. Trong số nhiều diễn giả Việt Mỹ, ông Laurie là người nêu ra quan điểm trung thực và thẳng thắn nhất của riêng ông về một quân đội mà ông từng sát cánh với cương vị một chuyên viên tình báo cao cấp trong nhiều năm, song song với những ý kiến không quanh co che đậy về giới truyền thông và chính trị Hoa Kỳ trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Bài này dịch thuật nguyên văn bài viết của Bill Laurie, mà ông dùng để trình bày lại, vắn tắt hơn, trong buổi hội thảo. Bill Laurie gửi tặng bài viết cho dịch giả, cho phép được dịch và phổ biến trong giới truyền thông Việt ngữ. Sử gia Bill Laurie đã có nhận định như sau về ÐPQ và NQ: “Cũng không hề có ai ngụ ý hay nói với tôi rằng có thể là lực lượng Ðịa Phương Quân tỉnh Hậu Nghĩa, là những dân quân của tỉnh, đã làm mất mặt chẳng những một mà tới ba Trung đoàn Chính quy của quân đội Miền Bắc trong chiến dịch tấn công năm 1972 của Hà Nội.” “Họ đã nhai nát và nhổ phun ra nguyên cả lực lượng tấn kích của đối phương, một lực lượng có thể đã làm đổi chiều lịch sử vào thời kỳ đó. Ðịa Phương Quân không được pháo binh và không quân sẵn sàng yểm trợ như lực lượng chính quy VNCH, trong đó kể cả Nhảy Dù, Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến... Quân địa phương chỉ dựa vào kỹ thuật chiến đấu căn bản bộ binh.” 2. Bài Xác Ðịnh Giá Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của Tiến Sĩ Lewis Sorley (phần nói về ÐPQ/NQ) Tiến Sĩ Lewis Sorley tốt nghiệp Cử Nhân năm 1956 tại U.S. Military Academy, West Point; M.A. năm 1963 tại University of Pennsylvania; M.P.A năm 1973 tại Pennsylvania State University; và Tiến Sĩ (PhD) năm 1979 tại Johns Hopkins University ông đã trình bày về những nhận xét ÐPQ/NQ như sau: “Ông Thomas J. Barnes trở lại Việt Nam sau ba năm vắng mặt để làm việc trong chương trình bình định vào Mùa Thu 1971. Ông nói với Tướng Fred Weyand là ‘Tôi đã ngạc nhiên với ba tiến bộ chính, sự phồn thịnh của nông thôn, Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân giữ vững vị trí và phát triển sự tự trị chính trị kinh tế làng xã. Ta đã giúp làng xã lấy lại tính cách độc lập và tự lực theo tập tục Việt Nam. Ðó là việc tham gia quan trọng nhất của chúng ta trong công việc bình định.’” “Tháng Năm 1967 khi Ðại Tướng Abrams đến Việt Nam thì Quân Lực VNCH gồm có Lục Quân, Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Không Quân. Ngoài ra còn có những lực lượng diện địa bao gồm Ðịa Phương Quân (ÐPQ) và Nghĩa Quân (NQ) phụ trách an ninh lãnh thổ. Tỉnh Trưởng chỉ huy Ðịa Phương Quân còn Nghĩa Quân đặt dưới quyền Quận Trưởng. Các lực lượng này trú đóng tại địa phương của họ và thực hiện mục tiêu ‘càn quét và giữ đất’. Vào năm 1970 đã có 550,000 quân số, nghĩa là một nửa QLVNCH.” ÐPQ và NQ gia tăng khả năng và thành tích của họ và phải được ghi công đầu. Trong buổi thuyết trình WIEU (dự đoán tình báo hàng tuần) cho quan khách Tướng Abrams nói, “Ðiều tôi quan tâm nhất là vai trò của ÐPQ và NQ trong chiến cuộc luôn bị quên lãng. Người ta chỉ thường nói đến QLVNCH trong khi đã lâu nay ÐPQ và NQ gánh chịu nhiều tổn thất và đã giáng cho quân địch nhiều đòn chí tử... Tôi nói thẳng, nếu ta muốn nói đến an ninh cho dân thì đây mới là phần việc lớn!” Cùng một lúc, ông nói rõ ràng về thành tích của các đơn vị này. “Tôi không biết có nên trang bị thêm các Ðại Ðội Lục Quân không? Nếu có thêm nhân số thì tôi nghĩ đem đầu tư vào các lực lượng diện địa (ÐPQ/NQ) này có lợi hơn”. Cuối năm 1969, khi nhìn biểu đồ tình hình trong ba tháng vừa qua ghi rõ ai đã đem lại nhiều thành quả nhất về khí giới, tử vong, Tướng Abrams đã nói: “Thật rõ ràng và đúng. Số địch bị giết, khí giới thu được, hầm bí mật phát hiện, v.v. thì QLVNCH vẫn giữ nguyên tỷ lệ 27/28% trong khi tỷ lệ của Ðồng Minh sút giảm. Sự chênh lệch là do các lực lượng địa phương và đã xẩy ra từ Tháng Tám vừa qua”. Một người trong cử tọa nói lớn, “Ðó là tính chất của cuộc chiến!” Tướng Abrams trả lời ngay, “Ðúng lắm! Tôi luôn luôn hỏi lợi nhuận thu được từ 100,000 súng M-16 như thế nào? Như vậy hả? Vâng ta đã bắt đầu thấy kết quả”! Ông Bill Colby cũng nhận xét rằng trong Tháng Bẩy 1970 lực lượng địa phương cũng bảo vệ được súng của mình. Tỷ lệ khí giới mất đối chiếu với vũ khí thu được là một trên ba, khác hẳn tình trạng năm năm trước đây. Tướng Abrams nói thêm: “Các Lực Lượng Ðịa Phương, các con sóc ấy tiến tới rất vững vàng. Một tình trạng đã được duy trì lâu nay là ÐPQ và NQ đã gánh chịu phần lớn trách nhiệm chiến tranh”. “NQ đã lần hồi gỡ bỏ mặc cảm của một phụ lực quân để trở thành các binh sĩ chính quy và là một bộ phận chính của bộ máy chiến tranh”! Các sỹ quan cao cấp Việt Nam cũng nhìn nhận như Trung Tướng Ngô Quang Trưởng: “Các ÐPQ và NQ tăng tiến về phẩm cũng như lượng và đã được các nhân vật bình luận khắt khe như Tướng Julian Ewell khen tặng:’“Họ là mũi nhọn trên chiến trường!’” Ưu điểm: Sở trường của ÐPQ/NQ là đánh du kích, là triệt tiêu hạ tầng cơ sở địch, trong chiến dịch Phượng Hoàng họ là binh chủng cung cấp tin tức tình báo nhiều nhất, chính xác nhất, đồng thời cũng là đơn vị trực tiếp triển khai hành quân, thanh lọc, phục kích để tiêu diệt du kích Việt Cộng và lực lượng địa phương huyện, xã của địch. Vì sống gần dân (ÐPQ) trong dân (NQ) nên họ nhận được nhiều tin tức tình báo quý giá, những báo cáo về sự thâm nhập của quân CS vào trong xã ấp, những thói quen di chuyển của VC nên các cuộc đột kích, phục kích của ÐPQ/NQ rất dễ thành công. - Trong thế phòng thủ đôi khi đối đầu với chủ lực CS, các chiến sĩ NQ/ÐPQ cũng đã đánh nhiều trận ngoạn mục bẻ gãy các cuộc tấn công bằng xe tăng có pháo binh yểm trợ của chủ lực CS Bắc Việt. - Trong công tác Bình Ðịnh Phát Triển họ là thành phần xuất sắc góp phần trong các chính sách của Quốc Gia như rào ấp Chiến Lược, ấp Tân Sinh, Luật Người Cày Có Ruộng, v.v. - Trong quốc sách Chiêu Hồi mà kết quả trên 200,000 cán binh VC về hồi chánh để trở về với đại gia đình Dân Tộc thì ÐPQ/NQ là có thành tích cao nhất trong việc kêu gọi cán binh VC trở về với chính nghĩa Quốc Gia. - Trong công cuộc trường kỳ kháng chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Miền Nam chống lại sự xâm lăng ồ ạt của quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt cũng như sự phá rối trị an của Du kích Cộng Sản còn gọi là Việt Cộng (VC). Lực lượng Diện Ðịa bao gồm Ðịa Phương Quân (ÐPQ) và Nghĩa Quân (NQ) đảm nhận trọng trách lớn lao là bảo vệ làng, xã, thị xã, tỉnh lỵ, đô thị, trường học, cầu cống, quốc lộ, tỉnh lộ, trục lộ giao thông nông thôn, đường sắt, các công trình quan trọng (như Ðập Thủy Ðiện Ða Nhim, Nhà Ðèn Chợ Quán, v.v.) Có bảo vệ an toàn nơi tuyến đầu là nông thôn thì chốn hậu phương thành thị mới yên ổn để phát triển và xây dựng, thất bại ở nông thôn là mất hậu cứ căn bản sẽ bị Cộng Sản bao vây và khủng bố. Chúng ta thử nghĩ hậu cứ của các đại đơn vị của QLVNCH tại thủ đô Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, v.v. sẽ ra sao nếu không có vành đai nông thôn do lực lượng ÐPQ/NQ bảo vệ an toàn bao bọc. Ngoài ra hàng ngàn công trình xây dựng của Quốc Gia sẽ ra sao nếu không có sự bảo vệ ngày đêm của lực lượng diện địa ÐPQ/NQ để cho Chủ Lực Quân rảnh tay hành quân lưu động tảo trừ quân chính quy CS xâm nhập Miền Nam. Nhưng thật bất công cho họ trước 1975 báo chí VNCH gần như quên lãng họ, báo chí Hải Ngoại sau 1975 cũng vậy, xem họ như con ghẻ, hay nhẹ hơn là xem họ như những đơn vị thứ yếu trong Quân Lực VNCH!!! Hãy nghe lời nhận định của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 BB/ QLVNCH (lúc đó đang là Ðại Tá Trung Ðoàn Trưởng TR.Ð 8/ SÐ5BB) trả lời phỏng vấn của Chuẩn Tướng Haig/ QÐ Hoa Kỳ ngày 24.1.1970: “Ông giải thích sự sắp xếp này chỉ cho thấy cần yểm trợ thêm cho NQ/ÐPQ trong các cuộc hành quân của các đơn vị này vì hiện giờ pháo binh của QLVNCH phải yểm trợ cho các đơn vị chính quy và địa phương quân trong vùng hành quân của Trung Ðoàn 8...” “...Chỉnh đốn lại cấu trúc của tất cả các vị trí phòng thủ của NQ/ÐPQ theo tiêu chuẩn của SÐ 1 BB HK để loại bỏ mọi yếu điểm hiện có trong các vị trí này. Rất nhiều vị trí hiện hữu, lô cốt và công sự phòng thủ được thiết kế và xây cất một cách yếu kém và sẽ không chống nổi bất cứ một loại tấn kích nào.” “Nhưng ông nói nếu NQ/ÐPQ không chu toàn được phận vụ bảo toàn an ninh cho các trung tâm đông dân cư, các đơn vị QLVNCH sẽ buộc phải rút về bảo toàn an ninh cho các vùng đó và rồi các đơn vị QLVNCH trở lui lại vị thế của năm 1966...” “Cần có yểm trợ pháo binh trực tiếp cho NQ/ÐPQ.” Nhiệm vụ của ÐPQ/NQ thật nặng nề đó là bảo vệ an ninh cho đồng bào sống an lành trong các thôn ấp, đồng thời bảo vệ các thành thị, tỉnh lỵ, quận lỵ được an bình và chống lại những vụ pháo kích bừa bãi của Cộng Nô vào các vùng đông dân cư. Trong khi đó thì chủ trương của Cộng Sản Việt Nam là dùng nông thôn bao vây thành thị, phá hoại an ninh tại nông thôn bằng hàng trăm hình thức khủng bố, sát hại, thủ tiêu, bắt cóc, bắt thanh niên từ 14, 15 tuổi trở lên bổ sung cho lực lượng VC, cho các mật khu, du kích và chủ lực tỉnh, huyện. ÐPQ/NQ đã triệt hạ các ý đồ của Cộng Quân là làm cho nông thôn bị mất an ninh để đồng bào chạy về khu thành thị, để từ đó chúng dùng nông thôn bao vây thành thị trong chiến lược thôn tính Miền Nam theo chủ trương của Quốc Tế Cộng Sản. Nhược điểm: - Một khi đã chấp nhận nhiệm vụ diện địa thì phải có mặt thường xuyên trên địa bàn cố định, đồng thời phải liên tục tuần tiễu xa và gần để bảo vệ cứ điểm như đồn bót, chợ búa v.v... Lực lượng diện địa thường cố định quân số, ví dụ bảo vệ cầu trên quốc lộ thì từ cấp Tiểu Ðội đến Trung Ðội (từ 10 đến 30 quân nhân). Quân số ít thay đổi do đó dễ bị CS điều nghiên đem lực lượng mạnh gấp 3, 5 lần để tấn công. Quân dụng thiếu thốn, nhất là vật liệu để xây dựng hệ thống phóng thủ, hầm hố rất thiếu thốn so với chủ lực quân nên khó có thể cầm cự khi bị địch ồ ạt tấn công. - ÐPQ/NQ sống trong quần chúng, nhận nhiều tin tức tình báo từ dân cư địa phương nhưng đồng thời cũng dễ bị rò rỉ thông tin cho Cộng Sản tấn công, dễ bị cài nội tuyến đánh úp đồn bót. - Gánh nặng trách nhiệm, huấn thị phối hợp của Bộ Tổng Tham Mưu đã minh định rõ ràng là ÐPQ/NQ lực lượng bảo vệ lãnh thổ (cố định), nhưng lại được trang bị yếu kém so với Chủ Lực Quân. Ðó là 3 yếu tố căn bản giải thích lý do tại sao lực lượng nầy chạm địch thường xuyên và chịu tổn thất gấp rưỡi hay gấp 2 lần so với Chủ Lực Quân (bao gồm các Sư Ðoàn Bộ Binh và TQLC, Nhảy Dù, BÐQ cộng lại) theo bảng thống kê tổn thất sinh mạng hàng năm do Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đúc kết. - Trong khi đó nhiệm vụ của Chủ Lực Quân là hành quân lưu động lùng và tiêu diệt chủ lực quân của CSVN, nhờ yếu tố di động thường xuyên nên họ ít bị địch tập trung tấn công hơn so với ÐPQ/NQ. Ngoài ra lực lượng Tổng Trừ Bị gồm các Sư Ðoàn Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến thường hành quân lưu động với quân số từ cấp Tiểu Ðoàn, Trung Ðoàn trở lên, đây là các đai đơn vị tinh nhuệ, có hỏa lực không quân và pháo binh cơ hữu cũng như tăng phái yểm trợ tối đa khi lâm chiến nên CSVN thường tránh né các đại đơn vị nầy mà tìm cách đánh các đơn vị nhỏ của ÐPQ/NQ. Chứng tỏ trong cuộc chiến VN áp lực địch luôn đè nặng lên ÐPQ/NQ. Ngoài ra tấn công vào các vị trí như tỉnh lỵ, đô thị thì CSVN dễ dàng cướp đoạt tài sản dân chúng, chứ tấn công các đơn vị chủ lực thì vừa dễ bị thiệt hại và chẳng có tài sản gì để cướp ngoài vũ khí. Những trận đánh chưa ai kể đến của ÐPQ/NQ trong cuộc chiến Việt Nam: Có thể nói rất nhiều kể sao cho hết những chiến công hiển hách của anh em chiến sĩ ÐPQ/NQ trên toàn thể Miền Nam từ 1954-1975, tôi chỉ lược ra đây một số những chiến công của ÐPQ/NQ chưa hề được ai nhắc tới: - Trần Văn Tựu một chiến sĩ Nghĩa Quân quận Long Ðiền, chức vụ Trung Ðội Trưởng, trước kia là một Ðại đội trưởng du kích huyện Long Ðất, nhưng sau khi trở về với chính nghĩa Quốc Gia, anh đã lập nhiều chiến công hiển hách. Từng hướng dẫn lực lượng Quận vào đột kích mật khu Tam Phước, Minh Ðạm như chỗ không người. Ðánh giặc đối với Tựu là một cái thích thú, không hề than van cực nhọc, được đi hành quân là vui, không thích nhiệm vụ canh gác. Tỉnh Ðội Bà Rịa, huyện đội Long Ðất từng bao lần treo giá anh Nghĩa Quân nầy còn cao hơn sĩ quan trong Chi Khu. Vì tất cả thói quen, đường đi nước bước của VC trong vùng anh thảy đều thuộc nằm lòng. Trên đường đột kích mật khu Minh Ðạm năm 1965, xuất phát lúc nửa đêm, Trung Ðội của anh nhận nhiệm vụ dẫn đường, lực lượng Quận khoản 4 Trung Ðội NQ theo sau. Anh là Trung Ðội Trưởng vừa là khinh binh đi đầu... Còn độ 500 thước nửa đến mật khu. Nhìn dấu chà chôm (chổi bằng cành cây trong rừng) vừa mới quét, anh biết ngay là sắp vào mật khu, ra lệnh cho anh em dừng lại để anh đích thân bò đi đầu tháo gỡ mìn bẫy. Anh đã áp sát và hạ thủ tên du kích canh gác dễ dàng không tiếng động, kế đó 1 tên vừa ra suối đánh răng cũng bị anh hạ thủ nhẹ nhàng. Ra thủ hiệu cho thuộc cấp bò theo, lần lượt mỗi anh NQ đứng kế bên mỗi chiếc võng của kẻ thù, bằng 1 thủ hiệu kế tiếp Tiểu Ðội anh đã đồng loạt thanh toán gọn trên 10 tên VC còn đang ngủ trên võng bằng lưỡi lê mà không hề nổ 1 phát súng. Sau đó cắt người canh gác thay cho VC, lục soát các hầm trú ẩn, xong rồi mới báo cáo cho Quận đem quân vào thanh toán phá hủy căn cứ địch. Có đi bên cạnh anh thì mới biết khả năng tác chiến trong rừng của anh rất cao, đầy khôn khéo. Mỗi hành động đều có tính toán nhanh như sao xẹt, phản ứng rất nhanh và chính xác. Một lần đang đi cùng Tiểu Ðội đi đến điểm phục kích đêm, anh vô tình đi ngang qua một cửa sổ có 1 tên du kích đang về thăm nhà, ngoài ra còn có 2, 3 đồng bọn canh gác ngoài xa. Tên du kích thoáng thấy dáng anh la lên hỏi: “Ai?” Anh bình tĩnh đi chậm lại, không quay đầu, không hấp tấp trả lời: “Mình đây mà!” rồi tiếp tục đi bình thường. Tên du kích mắc lừa tưởng đồng bọn, không nổ súng. Vừa qua khỏi vách nhà, anh xoay ngang trả lời bằng 1 tràng tiểu liên Thompson kết liễu tên VC trong nhà. Bởi vì nếu anh tỏ ra hấp tấp hay chạy thì tên nầy sẽ nổ súng trước anh và sẽ hạ anh dễ dàng. Còn hàng trăm chuyện lớn, chuyện nhỏ của anh trong đời lính đẹp như ciné, lính trong Quận thi nhau kể về anh như thế! Nhưng hễ có tài thì lại có tật, trong bất kỳ cuộc hành quân nào, dù cấp chỉ huy có ra lịnh, lục soát bi đông của anh cẩn thận đến đâu, hễ đi ngang qua xóm nhà dân thì anh chàng mua bidon rượu đế lúc nào không ai biết, rồi vừa đi vừa lén uống từ từ! Một lần đi hành quân qua vùng An Ngãi, ta và địch chạm súng bất ngờ, địch khai hỏa trước làm cho ta bị thương 2 NQ, địch có cây cối bao che, bên ta trống trải nên đành nằm bẹp để chịu trận. Quân ta dàn hàng ngang chờ đợi vì địch đang có chướng ngại vật bao che, có gốc cây lớn làm điểm tựa, địch bắn sẻ chứ chưa dám xung phong vì hai bên ngang ngửa. Thình lình anh chàng Tựu nổi nóng vì nãy giờ phải mọp bên bờ ruộng, từ từ cởi súng, đạn ra để 1 bên chỉ đeo dây ba chạc đầy lựu đạn M26, không nói 1 lời, không xin phép cấp chỉ huy. Ðứng dậy vụt chạy cực nhanh thẳng vào vị trí địch, trong khi đồng đội thảy đều bất ngờ. Anh ta chạy có kỹ thuật chữ chi hẳn hoi, hai tay 2 quả lựu đạn, còn cách khẩu thượng liên 10 mét, tông 2 quả lựu đạn xong rồi nằm chờ. Hai tiếng nổ long trời vừa nổ chưa hết khói là lúc anh ta phóng mình chạy vô lượm súng và thanh toán địch bằng chính AK của địch. Tới đó thì Trung Ðội còn lại mới giật mình mà xung phong theo anh. Trận đụng độ chớp nhoáng nầy ta hạ sát được 4 tên VC, số còn lại hoảng quá chạy hết. Anh chàng Tựu đứng lên cười ha hả làm cho chúng nó nín thở mà chạy, bỏ lại khẩu thượng liên và 2 khẩu AK. Diễn tả thì dài dòng mà diễn tiến ngoài mặt trận thì nhanh như chớp mắt, không ai ngờ anh Tựu lại thanh toán địch nhanh đến như vậy! Tức mình vì anh nầy làm càn không xin phép, sĩ quan Chi Khu kêu anh lại quở trách. Anh chàng trả lời tỉnh bơ: “Thiếu Úy ơi, em đâu có ngu, em bỏ súng lại, chạy mình không vô tụi nó, chơi cho tụi nó 2 quả, lỡ thời tụi nó bắn giỏi thì cùng lắm là chết mình em, chúng nó đâu lấy được súng em đâu!” Rồi cười hề hề làm sao mà nổi nóng với anh chàng ba gai nầy được! Một lần VC phát loa, gần bên hông dinh Quận chừng trăm thước, có lẽ độ Tiểu đội du kích bò vô, phát loa tuyên truyền chừng 5, 10 phút rồi sẽ bỏ chạy, trong Quận thì chưa biết phản ứng ra sao vì VC đang nấp bên nhà dân, bắn ra thì sợ trúng dân, không bắn thì cũng kẹt. Anh chàng Tựu giơ tay tình nguyện: “Xin ông thầy cho em ra lấy cái loa, đừng bắn ra tui nó, coi chừng trúng em, em hứa bắt gọn lấy cái loa nộp ông thầy mà.” Với cây tiểu liên bá xếp anh bò ra ngoài bằng cổng hậu rồi lần mò ra tới nơi tên phát loa, đứng dậy bắn 1 phát lấy cái loa chạy vô Quận, tụi du kích còn lại bắn theo nhưng không kịp với con sóc nhanh nhẹn nầy. Diễn tiến chưa đầy 10 phút thì anh đã thanh toán xong mục tiêu! Với kích thước nhỏ con độ chừng 1m55 thôi nhưng anh chàng NQ gan dạ nầy làm cho bọn VC trong vùng kinh hồn táng đởm. - Ở chi khu Ðất Ðỏ cũng có vài anh NQ gan cóc tía, y hệt anh Tựu. Anh nầy tên gì tôi quên rồi, chỉ còn nhớ sự việc như vầy: Khoảng năm 1967, VC bao vây Chi Khu Ðất Ðỏ ngay giữa ban ngày, vòng vây chưa thắt lại gần, chúng đã xâm nhập vào 2 xã Phước Thạnh và Phước Hòa Long cách BCH Chi Khu độ 2 cây số đường chim bay. Chúng bắn cầm chừng nhưng lực lượng thâm nhập vô Quận lỵ rất đông, có lẽ để chờ đánh lực lượng tiếp viện của Tỉnh. Quân số chúng độ khoản Trung đoàn. Những toán quân tuần tiễu của ta đụng độ lẻ tẻ với địch nhưng phải rút về Chi Khu vì quân số địch quá đông. Ðược tin tình báo của dân và vợ lính cho biết VC đang đóng quân nhiều nơi, trong đó có 1 chỗ đặt Bộ Chỉ Huy gần nhà dân, muốn phối kiểm tin tức để có thể sử dụng pháo binh đánh chính xác địa điểm vì sợ lầm nhà dân, ông Chi Khu Trưởng đích thân tập hợp Trung Ðội NQ Thám Báo Chi Khu để tìm 1 người tình nguyện đi ra ngoài, vào tận nơi để xem xét tình hình. Cuộc đi nầy muôn vàn nguy hiểm vì vậy ông Chi Khu Trưởng cần 1 người tình nguyện. Trong vòng 5 phút giải thích lý do, có đến 3 anh NQ tình nguyện! Anh chàng được chọn vì anh viện cớ có vợ chưa có con, có gì thì nhờ 2 bạn kia lo giùm vợ con. Anh giả trang người đi cày vác cuốc, mặc áo bà ba, lận lựu đạn trong người. Lấy cớ đang cày bừa, nghe nổ súng nên chạy về nhà. Anh qua mặt du kích gác dễ dàng, xâm xâm đi vào vùng địch kiểm soát, đi về hướng BCH Trung đoàn địch với cây cuốc trên vai! Qua mấy xóm nhà dân, gần đến BCH thì địch khả nghi, hô đứng lại, anh vụt chạy thẳng vô căn nhà VC đóng BCH nên chúng chưa dám nổ súng sợ trúng cấp chỉ huy. Anh xông tới gần, ném 2 quả lựu đạn rồi chạy ra ngoài sau khi nổ xong, tiêu diệt trọn ổ BCH Việt Cộng. Sau đó anh chạy thoát được ra ngoài vì chúng hoảng loạn, mãi gần 4 giờ đồng hồ sau anh mới về đến được Chi Khu, hoàn thành nhiệm vụ tình báo!!! Nhờ tin tức chính xác, Chi Khu sau đó đã bắn pháo binh vào đúng tọa độ anh NQ nầy cho, đồng thời lợi dụng lúc địch đang bối rối vì BCH bị thiệt hại nặng, Chi Khu đã nhanh chóng điều động lực lượng ÐPQ phối hợp NQ giải tỏa vòng vây. Ðịch bỏ chạy, rút hết vì đã lộ kế hoạch. - Ðồn Bờ Ðập thuộc xã Hội Mỹ, quận Ðất Ðỏ, do 1 Trung Ðội thuộc Ðại Ðội 612 ÐPQ đảm trách, tối đi phục kích 2 Tiểu Ðội, còn 1 Tiểu Ðội ở nhà giữ đồn. Vợ lính cũng cắt gác 1 vọng vì thiếu quân số. Ðêm đó (khoảng năm 1967) VC sử dụng 1 Tiểu đoàn Chính quy, có súng phun lửa, DKZ, B40 cộng thêm dân công ước độ vài trăm người tấn công biển người với cái đồn nhỏ chỉ độ 10 người lính với 15 bà vợ lính, 2 tiểu đội đi phục kích bên ngoài cũng không về tiếp ứng được. Các bà vợ lính đã chiến đấu dũng cảm, con nít thì tiếp tế đạn, lựu đạn, họ đã cầm cự đến sáng Chi Khu mới đưa quân đến tiếp ứng kịp thời, sau đó thu gom xác VC chết chung quanh đồn gần 60 tên, mượn xe pulldozer ủi 1 cái hố chôn chung mấy tên “sinh Bắc tử Nam” nầy chung 1 hố có cấm bảng lớn ghi rõ ràng: “Mồ chôn Cộng Phỉ”. Không hiểu sau 75, VC có đào đi cải táng không thì không rõ. Phần nầy chắc chúng không dám ghi vào quân sử vì tủi hổ quá 10 đánh 1, mà một lại thắng! Mấy bà vợ lính sau đó có được Tỉnh tặng bằng khen, có truyền hình từ Sài Gòn đến quay phim làm lại trận giả, quay lại trận đánh để đời nầy, không rõ chiếu được mấy lần! Sau trận nầy có 1 chi tiết đứng tim. Ðó là khi trên Tiểu Khu đến nghiên cứu trận liệt có 2, 3 sĩ quan cấp Tá đến xem xét, suýt chút nữa là to chuyện, vì có 1 tên VC quá sợ trốn trong bụi cây ôm khẩu AK, trời sáng bét mới giơ khẩu AK đứng lên đầu hàng, làm ai nấy một phen hú hồn vì nó mà còn can đảm quơ 1 băng AK chắc phải có 2, 3 sĩ quan chết vì tên nầy! Lính NQ ở các quận nói chung rất gan dạ, chiến đấu trường kỳ không hề than van, họ có ưu điểm sống gần nhà, gần quê quán nên không dám làm gì sai quấy sợ bà con chê cười. Trong khi đó lực lượng chủ lực xa nhà, xa quê, nếu cấp chỉ huy không kiểm soát kỹ dễ có tình trạng kiêu binh làm mất lòng dân. Anh em ÐPQ/NQ rất sợ mất lòng dân nên họ giữ gìn kỷ luật rất giỏi. Ðây chỉ là nhận xét chung chung, không có ý so sánh với các binh chủng đàn anh. Bởi vì các trận đánh lớn binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, v.v. xứng đáng bậc đàn anh vang lừng trong quân sử còn NQ/ÐPQ chỉ sở trường những trận nhỏ không tên mà thôi. - Trong trận chiến sau cùng tại Chi Khu Long Thành ngày 24 tháng 4 năm 1975, tôi đã mục kích những người lính Nghĩa Quân Long Thành, bắn cháy 4, 5 chiếc T-54 qua những màn xáp lá cà còn hay hơn phim ảnh Mỹ!!! Ai có dịp đi ngang quốc lộ 15 đoạn Quận lỵ Long Thành sau ngày 30.4.75 chắc đã thấy 5, 7 xác T-54 của VC cháy còng queo trước Quận lỵ Long Thành, đó là chiến công của Nghĩa Quân Long Thành đánh tăng T-54 bằng M.72 và M.79 chống tăng rất giỏi. Trung Tá Sáu, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng, đã đánh một trận khiến cho Cộng Quân nhớ đời. Trung Tá Sáu trong trận đánh đã đi từng vị trí của NQ để động viên binh sĩ, đồng thời ông cầm nón sắt đi xin các binh sĩ nào còn lựu đạn để đích thân ông đem ra cổng chánh cho binh sĩ ném vào các chiến xa địch đang tràn vào. Một chiếc T54 bị đứt xích 1 bên vì trúng M72 quay vòng vòng trước cổng Chi Khu sau đó đã bị 1 chiến sĩ NQ phóng lên thảy 1 trái lựu đạn vào buồng lái kết thúc cuộc đời của “con cua” gãy càng nầy. Hành động can đảm nầy của anh NQ đã trả giá bằng chính bàn tay của anh, vì thế Trung Tá Sáu đã xin trực thăng tản thương anh chiến sĩ can trường nầy trong khi 2 bên còn đang đánh nhau dữ dội! Sau nầy nghe kể lại còn có 1 Trung Ðội NQ đồn trú trên Quốc lộ 15 gần quận lỵ Long Thành, hết ngày 2 tháng 5 Trung Ðội NQ nầy vẫn kiên trì chống CS tới viên đạn cuối cùng, vừa bắn nhau vừa kéo chuông nhà thờ kêu gọi quyết tử!!! Tổng kết: ÐPQ/NQ là lực lượng “Sinh sau đẻ muộn” của QLVNCH, có nhiều sở trường cũng như nhiều sở đoản, nhiệm vụ được giao thì nặng nề, nhưng trang bị, yểm trợ lại yếu kém do đó có nơi thì hoàn thành xuất sắc, có nơi thì chỉ trung bình. Tuy nhiên qua những điều vừa phân tích có nhiều bất công đối với họ, kể cả những bất công chung của QLVNCH bị nhóm truyền thông bất lương bôi bẩn có mục đích thương mại và chính trị, bị đồng minh xem thường và phản bội, vậy phải trả lại “Công Ðạo” cho họ. Họ là những anh hùng vô danh, không có ai cậy nhờ để phục hồi danh dự, nhưng họ cũng không xin xỏ và luôn ngẩng cao đầu mà đi vì xét cho cùng họ đã đóng góp xương máu của mình nhiều nhất cho Quốc Gia và Dân Tộc. Vì tôi chỉ quanh quẩn trong vùng III Chiến Thuật nên chỉ mục kích những sự việc trong khu vực, nhưng chắc chắn còn nhiều, nhiều lắm những tấm gương can đảm, những trận đánh để đời của binh chủng khiêm nhường nầy. Người viết được biết trong các Vùng Chiến Thuật, các Tiểu Khu, các Chi Khu còn rất nhiều đơn vị ÐPQ/NQ xuất sắc nhưng chưa được ai biết đến. Kính mong quý chiến hữu viết nhiều bài về các đơn vị ÐPQ/NQ anh hùng để mai sau lịch sử còn biết đến các đơn vị vô danh đã góp nhiều máu xương trong công cuộc bảo vệ Miền Nam Việt Nam trong suốt 20 năm trường chiến đấu gian khổ. Trong thời điểm từ 1972 đến 1975, sự sai lầm về chiến lược trong việc sử dụng các Sư Ðoàn Bộ Binh và các Sư Ðoàn Tổng Trừ Bị vào nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, thay vì sử dụng lực lượng ÐPQ/NQ là nỗ lực chánh trong phòng thủ diện địa để các Sư Ðoàn Bộ Binh và các lực lượng tổng trừ bị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến rảnh tay hoàn toàn lưu động 100% để tiếp ứng chiến trường bất cứ nơi nào cần. Khốn thay cuối năm 1974 và đầu năm 1975 chúng ta đã không còn lực lượng tổng trừ bị nào cả khi Cộng Sản dốc toàn lực tấn công! Nhưng trận chiến 1975 chưa phải là trận chiến sau cùng. Những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và toàn dân Việt Nam kiêu hùng sẽ dành lại quyền tự quyết, lật đổ bạo quyền để xây dựng lại quê hương và bảo vệ biên cương trước mưu đồ xâm lược của kẻ thù truyền kiếp từ Phương Bắc và thái độ hèn hạ dâng đất, dâng biển cho Tàu Cộng của bè lũ Cộng Sản Việt Gian. Long Ðiền
|