DD-2ndG: Cánh Chim Thần Tượng |
Tác Giả: anlac | ||||
Chúa Nhật, 12 Tháng 4 Năm 2009 22:30 | ||||
LTG: Kính tặng Bà quả phụ cựu Trung Tá Khưu Văn Phát và gia quyến. Ghi lại mẫu chuyện người hùng đã hiện hữu trong ta, mà không hay biết…
Ngày 22 tháng 1 năm 2007, cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng thất lộc ở Hoa Thịnh Đốn. Đúng một tuần sau ngày lễ mừng sinh nhật của Dr. Martin Luther King, Jr. Một nhà tranh đấu bất bạo động người Mỹ gốc Phi Châu. Ngày 23 tháng 6 năm 2007, cựu Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi qua đời ở thành phố Lancaster, Pennsylvania. Giờ lại một tuần trước ngày lễ Độc Lập Fourth of July của Hoa Kỳ. Ngày 22 tháng 1 năm 2008, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên từ trần ở Hoa Thịnh Đốn. Ngày này rơi đúng vào tuần lễ mừng sinh nhật của Dr. Martin Luther King, Jr. Ngày 26 tháng 11 năm 2008, một ngày trước lễ gà tây Thanksgiving ở Mỹ. Cựu Thiếu Tướng Phạm Văn Đổng đã mãn phần ở Philadelphia, Pennsylvania. Cùng ngày có cựu Trung Tá Khưu Văn Phát là Phi Đoàn Trưởng phi đoàn 215 Thần Tượng của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã vĩnh viễn “giã từ đời bay bổng” ở Arlington, Virginia. Không biết tự dưng sao ngày “Thất Lộc” của các ông lại trùng phùng với nhau đến thế? Các ngài cứ tuần tự “xoay tua” như vậy. Dần rồi chẳng còn mấy cựu viên chức tên tuổi của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa hiện diện nữa? Sự ra đi của các ông là một mất mát to lớn đối với gia đình và nỗi lòng “hưu quạnh”, cho các phu nhân ngày đêm nhung nhớ vấn vương (ngoại trừ bà Cao Văn Viên). Hình ảnh tiễn đưa các cựu chiến binh lưu vong về lòng đất “người”, được cử hành long trọng qua nghi lễ phủ kỳ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa thân yêu lên trên cỗ quan tài của người quá cố. Đây là một vinh dự cao quý mà ngay đến năm liệt tướng tuẫn tiết của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng không sao có được một nghi thức an táng long trọng kính tiễn cuối cùng sau ngày Quốc Hận 30 tháng 4 năm 1975. Cựu Trung Tá Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Khưu Văn Phát được nói tới trong nhiều bút ký chiến trường của đời phi công trực thăng thời chiến. Đặc biệt trong các tập hồi ký của cựu Trung Úy Vĩnh Hiếu, là một phi công trực thăng võ trang của phi đoàn 215 Thần Tượng. Người đã từng lao mình với cánh chim sắt “ngao dzu” trên vòm trời Tây Nguyên trong mùa hè đỏ lửa 1972. Sát cánh dưới quyền chỉ huy của Phi Đoàn Phó là Thiếu Tá Khưu Văn Phát trong nhiều phi vụ hiểm nghèo. Cựu Trung Uý Vĩnh Hiếu viết có “nét” và rất “hồn” với nhiều tác phẩm chiến trường. Có thể nói anh là cây viết “độc đáo” của phi đoàn 215 Thần Tượng. Qua hồi ký, đôi lần anh có đề cập đến cương vị chỉ huy, trách nhiệm và lòng thương mến của chiến hữu dành riêng cho cựu Trung Tá Khưu Văn Phát. Tây Nguyên khói lửa ngập trời Không quân Việt Nam Cộng Hòa có nhiều danh hiệu phi đoàn thật lạ kỳ. Ngầu cũng có mà lã lướt cũng có. Nào là các phi đoàn Thiên Lôi (524), Ó Đen (548) và Phi Hổ (516). Danh nào hiệu nấy và đánh giặc cũng chì. Nghe tên không thôi cũng đủ “hớt hồn” đám cộng nô xâm lược hung tàn. Nhưng cũng có danh hiệu hơi tí hiệp khách giang hồ một chút. Như phi đoàn Lạc Long (229) mà các hoa tiêu trực thăng phi đoàn, ví như con rồng thích ăn hột đậu phọng(lạc). Hay “rồng lạc” chốn bồng “nai” tiên cảnh của nữ giới. Còn phi đoàn Thần Tượng ví như các chàng công tử “đẹp chai” hào hoa phong nhã của “nòng” em. Nhưng thật ra huy hiệu lại là chú voi bạch tượng làm xiếc trong gánh xiệc. Mà các cô nữ sinh thời đó nghe qua danh xưng này là thấy dzui tai và thích rồi! Điều này quý vị có thể “kiểm trứng” với phu nhân các cựu phi công của phi đoàn 215 Thần Tượng dzậy? Phi đoàn 215 Thần Tượng trực thuộc Không Đoàn 62 chiến thuật của sư đoàn II Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, đồn trú tại Nha Trang. Vùng trách nhiệm “cover” các thành phố miền duyên hải trung phần Việt Nam như Nha Trang, Phan Thiết, Phù Cát, Qui Nhơn và Tuy Hòa. Nhưng đa số ngày đi biệt phái tác chiến lại ở thành phố Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuột. Cùng các chiến trường đẫm máu trong lịch sử chiến tranh Việt Nam như Charlie, Dakto, Chu Pao, Tân Cảnh .v.v. Những địa danh này đã để lại ấn tích và nỗi kinh hoàng cho quân đội chính quy Bắc-Việt, lẫn tổn thất không ít cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong đó biết bao tên tuổi của các phi công khu trục, trực thăng võ trang và mê vô xạ thủ trực thăng đã âm thầm ra đi vào vùng trời miên viễn … Có lẽ một lần trong chúng ta đã từng nghe qua nhạc phẩm bất hủ “Người Ở Lại Charlie”. Để nói lên nỗi tiếc thương người anh hùng mũ đỏ tiểu đoàn trưởng 11 Nhảy Dù là cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo. Với ông còn có 400 chiến sĩ Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa đã ở lại vĩnh viễn trên ngọn đồi máu này. Trong một phi vụ tiếp tế cho căn cứ Hỏa Lực 6 vào giữa tháng 4 năm 1971. Vị trí căn cứ này nằm ở hướng Bắc đỉnh đồi Charlie, dọc theo rặng núi chập chùng Ngọc Linh (Kngok Kon Kring) thuộc dãy Trường Sơn trên cao nguyên trung phần Việt Nam gần tam biên giới Việt-Miên-Lào. Trực thăng của Thiếu Tá Khưu Văn Phát được rừng phòng không dày đặc Bắc-Việt “nghinh tiếp hậu hĩ”. Tiếng đại liên cao xạ 12.7 mm bắn nổ dòn ục ục “đùng” làm lủng sàn tàu máy bay. Viên đạn đại liên kích thước bằng ngón tay giữa của người lớn, xuyên qua bình xăng phụ đã gần hết nhiên liệu. Chọc thủng lên trên trần tàu và bay ra ngoài trời. Thật hú hồn vì lửa không bắt vào bộ phận máy, sẽ làm trực thăng nổ tung trên không trung ngay tức khắc. Ông ráng lết trực thăng về đến phi trường Phượng Hoàng gần Tân Cảnh. Phi hành đoàn may mắn thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Qua kinh nghiệm đó, ông Thầy đã hướng dẫn nhiều hoa tiêu trẻ cách thức ứng phó trong các phi vụ sau. Là một phi công trực thăng thời chiến, Trung Tá Khưu Văn Phát chứng kiến nhiều đồng đội của mình đã ra đi như chiếc “lá vàng rơi”. Ngày 11 tháng 4 năm 1972, phi đoàn có nhiệm vụ tiếp tế khẩu phần ăn nhà binh, nước uống và tải thương sau cùng cho tiểu đoàn 11 Nhảy Dù ở ngọn đồi “máu” Charlie. Một trực thăng của phi đoàn Thần Tượng do Trung Úy Nguyễn Tường Vân lái bị bắn bốc khói cháy sau khi vừa hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế. Phi cơ đang cố gắng rời khỏi vùng giao tranh một cách nhanh chóng. Thiếu Tá Phát (danh hiệu Charlie) đang bay chiếc trực thăng chỉ huy trên cao độ 6,000ft ở một góc trời quan sát và hướng dẫn Trung Úy Nguyễn Tường Vân (hoa tiêu tàu tiếp tế), hốt hoảng la lên trên tần số: - Tàu bạn đang bốc cháy… đáp ngay… đáp lài xuống ở triền đồi phía dưới. Charlie (danh hiệu Thiếu Tá Phát) trấn an tức khắc: - Đã có Hổ một (danh hiệu gunship trực thăng) cover, nghe rõ trả lời. Nhưng con tàu trực thăng ngộ nạn sợ nguy hiểm, vì đang trong tầm tác xạ của phòng không địch đã không còn nghe được lệnh nữa. Lửa đã phụt lớn mạnh và tàu bốc cháy dữ dội như ngọn pháo bông. Trực thăng rơi nhanh xuống triền đồi và nổ bùng lên như quả bom lửa. Lửa và khói quệt lại đen mù mịt cả một góc trời. Tất cả bốn nhân viên phi hành đoàn đều tử nạn dưới con mắt của Thiếu Tá Phát và các bạn hoa tiêu trực thăng võ trang đang có mặt trong vùng. Trung Úy Nguyễn Tường Vân, Thiếu Úy Trần Văn Long và hai mê vô xạ thủ trực thăng đã lặng lẽ ra đi không tìm được xác rơi. Trung Úy Vân mới 23 tuổi đã để lại người vợ trẻ và đứa con thơ đầu lòng vừa chào đời trong tiếc nuối. Chào vĩnh biệt các anh hùng vô danh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa một lần cuối! Thế hệ làm trai thời ly loạn trong chiến tranh Việt Nam là thế đấy! Ít người lính nào trong đơn vị tác chiến mà sống thọ hơn 30 tuổi? Nếu không chết thì cũng bị thương trên chiến trường. Kể như cựu Trung Tá Phát được coi là “may mắn” hơn các cánh chim Thần Tượng khác đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Năm 21 tuổi, ông trở thành hoa tiêu trực thăng với cấp bậc Thiếu Úy. Năm 30 tuổi ông được thăng chức Trung Tá, chỉ huy trưởng phi đoàn 215 Thần Tượng. Ông đảm nhiệm chức vụ này cho tới ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975. So với thế hệ trẻ hiện nay, thì thế hệ của ông đã “ăn đứt” cơ, về ba điểm chính: 1) Trẻ Tuổi Chức Vụ Cao Hãy hãnh diện vì chúng ta có các bậc cha ông hào hùng của dân tộc trong công cuộc bảo vệ chính nghĩa miền Nam Việt Nam… Trung Tá Khưu Văn Phát rời quê hương cùng với các hoa tiêu phi đoàn bạn trên 3 chiếc trực thăng vào xế trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975. Mọi người đều nhận thức rằng Hoa Kỳ đã thực sự bỏ rơi Việt Nam. Phi trường Tân Sơn Nhất gần như bỏ ngõ và cộng quân đang tiến sát đến bên ngoài vòng đai phòng thủ . Trực thăng võ trang chỉ còn vài ba chiếc nguyên vẹn với một hỏa lực hạn hẹp và nhiên liệu khan hiếm. So với lực lượng hùng hậu Cộng Sản Việt Nam đang hung hãn tiến chiếm Sài Gòn, thì chẳng khác gì mang trứng đi “chọi” đá dzậy. Có lẽ sự hy sinh vì tổ quốc trong lúc này không còn cần thiết nữa… Trung Tá Phát dẫn đầu hợp đoàn cất cánh trước. Tất cả trực chỉ biển Nam Hải bay đi Côn Sơn. Nơi đang lánh nạn của một số thân nhân phi đoàn. Ba chiếc trực thăng không thể tìm được hòn đảo nhỏ xíu này, trong lúc nhiên liệu đã cạn dần. May sao gặp được tàu dầu “cứu tinh” của Anh Quốc đang chạy ngoài khơi hải phận Việt Nam. Ba chiếc trực thăng thả mọi người xuống chiếc tàu dầu trước khi bỏ rơi phi cơ ở ngoài biển, vì boong tàu tải dầu không có chỗ đáp. Đó là phi vụ cuối cùng đời người phi công ngày tan chiến của cựu Trung Tá Khưu Văn Phát. Hôm sau chính là ngày sinh nhật thứ 33 của ông và cũng là ngày tang chung của đất nước… Hơn 33 năm sau trên đất nước Hoa Kỳ, người chiến sĩ lưu vong Khưu Văn Phát cũng ra đi … Ông bỏ lại sau lưng cuộc đời “dang dở” và hoài bão chưa thành để về nơi an nghỉ ngàn thu. Trong làn mây trắng xanh lững lờ trôi, có lẽ giờ đây cựu Trung Tá Khưu Văn Phát đang bay về nước trời. Nơi đó chỉ có lòng từ bi, đại lượng và chan chứa tình thương của Ngài… Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
|