Đọc Sách Vụ Án Trần Ngọc Châu: Cia Và Sự Thất Bại Chính Trị Của Mỹ Ở VN |
Tác Giả: Việt Báo | |||
Thứ Tư, 18 Tháng 3 Năm 2009 05:29 | |||
.Thứ Hai, 3/9/2009 “Facing The Phoenix” và tác giả Zalin Grant. Năm 1970, TT Nguyễn Văn Thiệu bắt Dân biểu Trần Ngọc Châu bỏ tù, Elizabeth Pond viết "The Chau Trial". Hơn 20 năm sau, 1991, Trần Ngọc Châu lại trở thành nhân vật chính cho một tác phẩm quan trọng của Zalin Grant: "Facing The Phoenix: CIA and the Political Defeat in Vietnam / Đối diện Phượng Hoàng: CIA và sự thất bại chính trị của Mỹ tại Việt Nam."
Zalin Grant là nhà báo và tác giả kỳ cựu chuyên về Việt Nam, nói giỏi tiếng Việt. Từ 1964 tới 1973, ông là phái viên tạp chí Time và New Republic, từng có 5 năm làm việc ở Việt Nam. Sau khi gặp lại Trần Ngọc Châu tại Hoa Kỳ, Zalin dành thêm 5 năm để nghiên cứu, phỏng vấn từng nhân vật để viết Facing the Phoenix. Vụ án Trần Ngọc Châu trong sách này được đặt trong toàn cảnh lịch sử 30 năm quan hệ chính trị Việt - Mỹ, từ 1945 tới 1975, đụng tới nhiều bí ẩn chưa từng được soi sáng, từ bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, cái chết của Ngô Đình Diệm, tới sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Lời tác giả Zalin Grant "Những gì xảy ra cho Trần Ngọc Châu trong năm 1970 là đề tài cuốn sách này: vì sao một người Việt quốc gia, một trong những nhà chiến lược sáng tạo nhất trong lĩnh vực hoạt động chính trị và bình định lại bị các thế lực chính trị tham nhũng trong chính phủ của ông cũng như trong chính phủ Hoa Kỳ, làm cho thân bại danh liệt. Châu đã bị cách chức và bỏ tù với những lời tố cáo bịa đặt. Một số người Mỹ, bạn của ông, đã tìm cách cứu ông mà không được. Họ là những viên chức Mỹ có cùng quan điểm với Châu, là không đồng ý về cách tiến hành chiến tranh theo kiểu chính thống của các lãnh tụ Mỹ. Kết quả là họ bị lạc lõng ngay trong bộ máy quan liêu của họ. Người lớn tuổi nhất trong số bạn của Châu, biểu tượng lãnh đạo của cả nhóm, là Edward G. Lansdale, con người đã trở thành một huyền thoại trong hoạt động tình báo. Nói rộng ra, cuốn sách này là một bản tổng kết những chương trình chính trị đã được đem thí nghiệm ở Việt Nam, một câu chuyện về sự thất bại của Mỹ, thất bại vì đã không hiểu được tính chất của cuộc chiến tranh mà họ đã gây ra trên đất nước bị tàn phá này. Những vấn đề nêu ra trong cuốn sách này đều xoay quanh những kinh nghiệm hoạt động của Châu, của Lansdale, và các bạn của họ"
Hai ông Trần Ngọc Châu và Nguyễn Văn Thiệu gặp lại nhau. I. Sàigòn 1970 Những ngày mà dân miền Nam tạm quên cảnh chiến tranh để ăn Tết âm lịch đã qua. Mọi người đã trở lại làm việc với năm 1970 theo dương lịch. Châu biết cảnh sát và mật vụ đã hoạt động và ông rất dễ gặp nguy hiểm. Ông đeo trên cái áo dân sự một tấm huân chương mà ông coi như lá bùa hộ mạng chống lại mọi xúc phạm tai hại có thể xảy ra. Tuy đang là một chính khách, nhưng Châu đã đạt được tấm bảo quốc huân chương này khi ông còn là một trung tá trong quân đội, phụ trách soạn thảo những chương trình hoạt động chính trị và kinh tế, thường được gọi một cách vắn tắt là "chương trình bình định" để phân biệt với các hoạt động thuần tuý quân sự. Châu là một lý thuyết gia chủ chốt về chiến tranh du kích ở Việt Nam. Bằng khả năng của chính mình, ông đã leo lên đến địa vị người đứng đầu một trong bốn mươi tỉnh của Nam Việt Nam, sau đó là thị trưởng Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai trong nước, rồi đứng đầu chương trình huấn luyện về bình định, cuối cùng làm Tổng thư ký Hạ viện, một địa vị gần như tương đương với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Trên từng bước đường tiến thân, ông dành được tình bạn tin cậy trong các quan chức dân sự Hoa Kỳ, và cả một số dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ khi họ đến thăm Nam Việt Nam, để thuyết phục họ đồng ý với ông rằng Hoa Kỳ đã sai lầm trong chiến lược tiến hành cuộc chiến tranh này. Từ lúc Cộng sản chưa kiểm soát được nhiều ở nông thôn, Châu đã cho rằng cách đối xử không tốt của quân đội đối với dân chúng sẽ mở đường cho Cộng sản. Vào lúc được Tổng Thống Diệm cử đi làm thanh tra dân vệ toàn quốc, Châu phúc trình với Diệm điều này. Sau đó Diệm cử Châu làm chỉ huy dân vệ vùng đồng bằng Cửu Long. Nhiệm vụ của Châu là dựng lên những hình mẫu cho cả nước bắt chước làm theo. Ông phải dạy cho quân lính cách đối xử với dân chúng, lập một mô hình về ban lãnh đạo xã, và làm cho người nông dân tự nguyện tham gia chương trình tự phòng thủ. Đó là vào đầu năm 1961 và cái mô hình của Châu đã thu hút sự chú ý của Mỹ. Đây là một việc làm kết quả mà lại do người Việt Nam tự làm lấy. Giám đốc chi cục CIA William Colby đã tổ chức cho các nhân vật Mỹ tới tham quan chương trình của Châu. Châu, bốn mươi sáu tuổi, là người thích lý luận. Với hình thể chắc nịch cho một người Việt có chiều cao trung bình, Châu có đôi mắt xẫm sinh động, mạnh mẽ khi trình bày quan niệm của ông về chiến tranh du kích cho dòng người Mỹ từ Washington không ngừng tuôn đến Sài Gòn. Trước hết và trên hết, ông giải thích cho họ bằng một thứ tiếng Anh chưa nhuần nhuyễn nhưng khẩn thiết rằng trong cuộc chiến này không nhất thiết phải giết chết du kích. Cái trò giết người đếm xác là không thích hợp và có hại. Thường khi chỉ nghe nói như vậy là hầu hết người Mỹ đã choáng váng và im miệng. Rồi Châu trình bày tiếp với họ rằng Việt Nam ngay từ đầu là một cuộc chiến tranh diễn ra trên ba cấp độ. Tiềm lực quân sự của Cộng sản gồm có: 1) quân đội chính quy được hỗ trợ bởi 2) quân du kích được sự lãnh đạo và ủng hộ của 3) tổ chức chính trị ở cơ sở. Theo Châu thì trong cuộc chiến tranh này, chìa khoá để giành thắng lợi nằm ở chỗ phải đánh bại tổ chức chính trị của Cộng sản. Chính vào thời kỳ làm tỉnh trưởng Kiến Hoà- chức vụ tương đương với một thống đốc tiểu bang Hoa Kỳ - mà Châu đã khai triển hầu hết mọi ý kiến của mình. Châu không muốn giết du kích Cộng sản mà muốn lôi kéo họ về với chính phủ Sài Gòn. Bởi vì nói cho cùng thì phần lớn họ là những người trẻ tuổi, ít được học hành và cũng không hẳn là Cộng sản mà chỉ là con cái của nông dân nghèo bị chính phủ trung ương ở Sài Gòn bạc đãi hay bỏ rơi. Vì vậy việc đầu tiên của Châu là tìm hiểu và giải quyết những điều than phiền của họ và tìm cách chứng minh cho họ thấy là ông có thể cho họ một con đường đi tới tương lai tốt hơn Cộng sản. Ông tổ chức cái gọi là những đội thăm dò dân ý, gửi họ về làng để gặp gỡ và tìm hiểu thắc mắc của nông dân. Và ông tìm cách giải quyết những thắc mắc đó. Nếu một làng nào đó cần có một giếng nước để lấy nước uống thì ông sẽ đào cho họ. Nếu một làng khác không có trường học, ông sẽ cho họ một giáo viên. Ông cũng đồng thời triển khai một chương trình ân xá. Ông kêu gọi những người trong hàng ngũ Việt Cộng quay về với chính phủ, với đảm bảo rằng họ sẽ không bị trừng phạt. Không những thế, ông còn tìm cho họ việc làm và đối xử với họ như những công dân tốt. Vì Châu là một tỉnh trưởng được lòng dân và được coi là lương thiện nên đã có một số đông Việt Cộng tin ông và đã hồi chánh. Châu hiểu rằng nếu gửi quân đi bắt viên tỉnh uỷ Việt Cộng này thì rất dễ có thêm nhiều thường dân vô tội bị giết và càng làm cho họ đi theo Việt Cộng nhiều hơn nữa. Ông cũng có thể kêu máy bay hay đại bác bắn vào ngôi làng có viên tỉnh uỷ kia đang ẩn náu. Nhưng việc làm đó sẽ đem lại cái gì sau khi ngôi làng bị phá huỷ và nhiều người nữa bị giết? Không, Châu quyết định sẽ làm việc này một cách gọn nhẹ và tập trung vào một mục tiêu duy nhất. Trước hết là sử dụng kỹ thuật tình báo để phát hiện mọi thành viên trong bộ máy chính trị hành chính của Việt Cộng trong tỉnh, rồi sai những đội ba người đi bắt cóc hoặc thủ tiêu họ. Vì Việt Cộng đã dùng thủ đoạn khủng bố như một vũ khí để cai trị nông dân nên Châu gọi đội ba người của ông là "đội chống khủng bố". Chính đây là bước khởi đầu của cái sau này được gọi là Chương trình Phượng hoàng, một chương trình gây nhiều tranh cãi nhất trong chiến tranh Việt Nam. Kỳ tới: Trần Ngọc Châu và nhóm bạn Mỹ của Lansdale viên tướng CIA huyền thoại.
|