Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Kỷ niệm 41 năm cuộc chiến Tết Mậu Thân năm 1968 tại Việt Nam

Kỷ niệm 41 năm cuộc chiến Tết Mậu Thân năm 1968 tại Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Calitoday   
Thứ Sáu, 06 Tháng 2 Năm 2009 14:20

Jan 29, 2009

Ngày hôm nay 29 tháng giêng và đêm hôm nay là ngày kỷ niệm trận Mậu Thân diễn ra đúng 41 năm về trước, khi quân đội Cộng sản tổ chức cuộc tấn công bất ngờ vào các thành phố miền nam Việt Nam, trong lúc người dân Việt đang sửa soạn đón mừng ngày Tết cổ truyền của dân tộc, bất chấp lệnh hưu chiến đã được hai bên ban hành trước đó.

Cuộc chiến diễn ra tại 30 tỉnh thành rên toàn lãnh thổ miền nam Việt Nam trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, chỉ trừ vụ tấn công Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Saigon để gây tiếng vang trên thế giới, du kích Cộng sản hầu như tránh tấn công các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên toàn quốc, mà chỉ nhắm vào các thành phố và các căn cứ quân sự Việt Nam Cộng Hòa.

Cuộc tấn công diễn ra sớm nhất tại Quảng Nam khi họ pháo kích trại định cư Trà Kiệu, ở phía Nam thành phố Đà Nẵng khoảng 30 cây số, vào đêm Giao thừa tức đêm 29 rạng 30 tháng giêng năm 1968, và rút lui trễ nhất tại Huế vào ngày 25 tháng 2 năm 1968. Như vậy cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân diễn ra trong gần một tháng. Trong suốt tháng nầy, cộng sản tấn công 44 địa điểm tại các thị trấn, tỉnh lỵ và thành phố trên toàn quốc.

Trong số những nơi bị tấn công, hai địa điểm quan trọng nhất mà cộng sản nhắm tới là hai thành phố Saigon và Huế. Saigon là thủ đô của miền nam Việt Nam, trong khi tại Huế là nơi diễn ra cuộc tàn sát khiến cho cả thế giới phải rùng mình kinh sợ trước hành động gây kinh hoàng của Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi chiếm vùng tả ngạn phía bắc Huế, vùng chợ Đông Ba, Thành nội ngày mồng 2 Tết, Cộng sản đã chú tâm vào việc lùng bắt và kiểm soát tù hàng binh, chúng truy lùng và bắt giết tất cả những nhân viên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và nhân viên làm việc tại các cơ quan Hoa Kỳ, hoặc những người cộng tác với Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ. Chúng là tác giả của những cái chết thê thảm tại Huế, nhất là lúc cộng sản chuẩn bị rút lui. Trái với dự đoán của cộng sản, dân chúng Huế bị ép buộc phải dự những cuộc hội họp, mít tinh do cộng sản tổ chức nhưng không hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa do công sản đề ra. Họ cũng không theo Cộng sản mà bỏ chạy về phía các vùng do quân đội Cộng Hòa kiểm soát, để rồi từ đó đánh bật Việt cộng ra khỏi Thành nội vào ngày 23 tháng 2. Cộng sản ra lệnh rút lui lên vùng rừng núi phía Tây, và thực hiện cuộc tàn sát dã man nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Thống kê ước lượng cho thấy tại mặt trận Huế, quân đội Việt Nam Cảnh sát có 384 tử trận, 1830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; Thủy quân lục chiến Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội Bắc Việt và Việt cộng khoảng 5000 người tử trận, số bị thương không tính được.

Trong biến cố Mậu Thân 1968 tại Huế, rất nhiều nạn nhân bị cộng quân giết hại thảm khốc trong thời gian cộng sản tạm chiếm Huế, nhiều nhất là các nhân viên chính quyền, cảnh sát, binh sĩ và sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đang nghỉ Tết, không ở vị trí chiến đấu, và một số khá lớn thường dân không cầm súng chống lại họ, chỉ chạy tỵ nạn chiến tranh. Cho đến nay không ai có thể kiểm kê đích xác số thường dân cũng như số binh sĩ đang nghỉ Tết bị phía cộng sản giết hại. Một thống kê sơ khởi cho rằng về phía dân chúng, có 5800 người chết, trong đó có 2800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán tội cường hào ác bá, 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt, hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số người Phi Luật Tân đã bị giết một cách thê thảm. Nhìn vào bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể, một điểm nổi bật là tại thành phố Huế, khu phố Gia Hội và vùng phụ cận như Bãi Dâu là nơi duy nhất có nhiều mồ chôn tập thể.

Điều nầy cho thấy do cộng quân chiếm giữ Gia Hội được lâu, nên có điều kiện bắt giết nhiều người tại chỗ. Ngoài Gia Hội, những nấm mộ tập thể khác nằm ở các vùng phụ cận chung quanh thành phố Huế. Khi rút lui, cộng quân đem theo những người bị bắt giữ, vừa làm phu khuân vác, vừa khỏi bị lộ bí mật, vừa làm con tin và bia đỡ đạn để tránh bị quân đội pháo kích hay chận đánh. Số người bị cộng quân đem theo lên đến vài ngàn người. Đến khi cộng quân cần biến vào rừng, cộng quân giết tất cả những người nầy để khỏi lộ tung tích. Tính chung trong trận tổng công kích Tết Mậu Thân trên cả nước, 21,330 bộ đội Cộng sản bỏ mạng, và 1169 binh sĩ quân đội đồng minh thiệt mạng trong chiến dịch này.