Mậu Thân, anh còn nhớ hay anh đã quên? |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Chúa Nhật, 25 Tháng 1 Năm 2009 09:19 | |||
Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, Phan Văn Tuấn là một thiếu niên ở tuổi 16, đang học lớp Ðệ Tam, trường tư thục Nguyễn Du, Gia Hội Huế, nhà ở khu Chợ Xép, sát cửa Ðông Ba. Rạng sáng ngày mồng hai Tết, anh cũng như toàn thể dân chúng thành phố Huế nghe nhiều tiếng nổ chát chúa liên hồi, tiếng đạn pháo kích vào thành phố và tiếng súng giao tranh càng ngày càng nhiều. Lúc đầu, họ chợt choàng tỉnh dậy và tưởng như nghe tiếng pháo mừng Xuân của ai đó chợt nổ giữa khuya, nhưng sau đó vài phút, trưởng thành trong chiến tranh, người dân đều biết rằng thành phố đang bị tấn công và những cuộc giao tranh đang xẩy ra, bây giờ đang ở ngay trong thành phố. Tất cả đều xuống hầm trú ẩn hoặc ẩn nấp sát dưới sàn nhà, được che chở bởi những chiếc giường hay những chiếc “phản ngựa” bằng gỗ, và lo lắng theo dõi động tĩnh, từ đó cho đến sáng với niềm lo âu, giữa tiếng súng lớn nhỏ khi dồn dập khi thưa thớt trải dài trong đêm tối, giữa một đêm Huế Mùa Xuân khá lạnh. Việt Cộng phản bội lệnh hưu chiến để đem quân tấn công nhiều thành phố và thị trấn miền Nam. Vào tờ mờ sáng, từng đoàn dân chúng từ phía ngoài hớt hải chạy vào thành nội theo ngõ cửa Ðông Ba và loan tin Việt Cộng đã về thành phố, ít lâu sau những toán Việt Cộng khác đã hiện diện trong vùng của Phan Văn Tuấn. Việt Cộng có hai thành phần, theo trang bị, cán bộ với dép râu, nón cối, quần dài màu olive, áo sơ mi trắng, đeo xắc cột và mang K.54., đứng tuổi, binh lính Việt Cộng với đầu trần hay nón tai bèo, dép râu, hầu hết mặc quần ngắn, áo đủ loại, mang ba lô, trang bị AK 47, lựu đạn, bộc phá. Ngay trưa mồng hai Tết, Phan Văn Tuấn chạy theo đám trẻ, chứng kiến cảnh xử bắn năm người dân tại ngay cửa Ðông Ba, nạn nhân bị trói tay, đứng dựa lưng vào vách thành. Trong số thường dân này, có người đang mặc áo quần ngủ, có người còn đi chân đất, Phan Văn Tuấn chỉ nhận ra một người quen, đó là một viên chức cảnh sát trong thành phố đã về hưu. Chỉ huy toán võ trang và ban lệnh hành quyết năm người dân này là ông thầy dạy Việt Văn trước đây của Phan Văn Tuấn tại trường Nguyễn Du: Tôn Thất Dương Tiềm. Năm người bị bắn phơi xác giữa trời nắng, đầy kiến, ruồi và mãi mấy hôm sau gia đình mới lén lút mang về chôn cất. Ba ngày sau, khi phi cơ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Ðồng Minh bắt đầu can thiệp bắn vào các mục tiêu của Cộng Sản, thì gia đình Phan Văn Tuấn quyết định chạy về phía đồn Mang Cá tức là Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Họ tránh đi theo các con đường lớn và đi băng qua những khu vườn nhà dân, nhưng đến giữa đường thì bị Việt Cộng chặn lại, Phan Văn Tuấn bị tách khỏi gia đình và bị bắt dẫn đi cùng với một toán thiếu niên khác khoảng 10 người trở lại vùng chiếm đóng của Việt Cộng tại chùa Diệu Ðế, Gia Hội. Toán thiếu niên này, dưới sự canh gác cẩn mật của những tên lính Việt Cộng, tuổi cũng còn rất nhỏ, được dùng trong việc khiêng vác những nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, mì gói từ các hiệu buôn trong thành phố về bộ chỉ huy. Năm ngày sau, toán dân công thiếu niên của Phan Văn Tuấn, vào mỗi đêm, được lệnh mang cuốc đi đào những giao thông hào trong vùng Gia Hội. Toán thiếu niên này đứng theo chiều dọc, đào những chiếc hố bề ngang khoảng hai thước, bề sâu một thước. Thoạt đầu Phan Văn Tuấn nghĩ đây chỉ là những công sự cho bộ đội Việt Cộng tránh bom đạn trong thời gian VNCH bắt đầu phản công chiếm lại Huế, nhưng đến đêm giữa ánh đèn chập chờn, Việt Cộng bắt đầu dẫn ở đâu về từng toán người, cũng như năm người bị giết trong những ngày đầu tại cửa Ðông Ba, đều mặc thường phục, có người mang dép, có người đi chân đất. Tất cả đều bị trói tay quặt ra sau lưng và được cột nối liền với nhau như những xâu người bằng những sợi dây điện thoại, dây kẽm hay lạt tre. Phan Văn Tuấn bắt đầu kinh hoàng khi thấy bọn lính Việt Cộng, giọng miền Bắc, ra lệnh cho hàng người đứng sát và xoay lưng về phía giao thông hào. Một tên cán bộ bắt đầu đọc bản án tử hình, đại khái cho rằng những người này là “phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân”. Sau một cái khoát tay, một tràng AK chát chúa nổ, nhưng Việt Cộng chỉ nhắm bắn vào người đứng ở đầu hàng, trước sức mạnh của loạt đạn bắn gần, ông già bị hất ngửa ra, chới với trong mấy giây và lăn xuống hố. Sức nặng kéo theo người bên cạnh, người tiếp theo cũng đổ nhào, và cứ như thế kéo theo những người khác, tất cả đều ngã xuống giao thông hào. Giữa tiếng la khóc, van xin, não lòng vang cả một góc trời, bọn Việt Cộng bắt đầu thúc giục đám dân công của Phan Văn Tuấn: “Nấp, nấp nhanh lên, nhanh lên! Ðịt mẹ, nhanh lên!” Tiếng báng súng AK giọng vào vai, vào đầu, khi toán đào hố ngần ngừ, chậm tay. Phan Văn Tuấn sững sờ, một lưỡi lê đâm sát vào sườn, máu chảy đầm vạt áo. “Nấp đi mày”. Tiếng khóc la, những cái đầu muốn ngẩng cao hơn, những cái miệng đầy đất cát, nhưng đôi mắt trợn trừng, tức giận, tuyệt vọng, u uất. Những cú nện vào đầu nạn nhân đang vùng vẫy dưới hố, những tiếng chửi rủa tục tằn, thêm một tràng AK tiếp theo. “Nấp nhanh lên”. Tiếng ồn ào, kêu gào than khóc. Rồi tất cả trở lại im lặng như địa ngục. Hố sâu đã trở thành mặt bằng, nhưng đất còn cựa quậy, có nơi bỗng sụp xuống. Những người dân Huế dưới hầm mộ kia chưa chết hẳn, trừ ông già xếp hàng đầu, may mắn hưởng tràng AK đầu tiên. Những lần sau, có lúc sợ ánh sáng từ họng súng khai hỏa sẽ bị phi cơ trinh sát phát giác, không cần dùng đến một viên đạn, tên lính Việt Cộng chỉ cần trở cán cuốc lại, đánh thẳng vào đầu nạn nhân đứng đầu hàng, người này ngã ngửa ra đằng sau, cứ tuần tự như thế, bị chôn sống từng hố từng hố một. Dưới áp lực của lưỡi lê, báng súng và sự canh gác cẩn mật, Phan Văn Tuấn và bạn bè đã trải qua những giây phút kinh hoàng, đào hố, lấp đất chôn đồng bào ruột thịt của mình. Ðó là nỗi đau đớn mà Phan Văn Tuấn phải chịu đựng, mục kích trong hơn chục lần trên mười hố chôn sống người như thế trong vùng đất quê hương hiền lành của Tuấn. Cuối cùng, Phan Văn Tuấn và hai người bạn đồng lứa khác đã trốn thoát được, chạy về phía phòng tuyến quốc gia, ôm chặt lấy người lính đầu tiên mà khóc nức nở. Sau khi quân đội VNCH chiếm lại Huế, Phan Văn Tuấn và hai người bạn đã đi tìm lại những giao thông hào chôn người cho chính quyền địa phương cải táng. Tất cả những người khác trong toán “dân công” cùng với Phan Văn Tuấn đều đã bị Việt Cộng thủ tiêu trước khi rút ra khỏi thành phố. Phan Văn Tuấn lớn lên, vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức và trở thành một sĩ quan Pháo Binh, năm 1975, bị tập trung trong trại Cộng Sản và cuối cùng vượt biển sang Úc. Nhưng từ những ngày xẩy ra vụ thảm sát Mậu Thân, anh không bao giờ muốn trở lại Huế, quê hương của mình, không muốn nhìn lại cảnh Huế, nghe tiếng Huế, thưởng thức một dòng nhạc Huế với nỗi ám ảnh và mặc cảm khôn nguôi. Có ai lại ghê sợ chính với quê hương mình. Phan Văn Tuấn giấu cả với vợ con của anh những gì anh đã xẩy ra tại vùng Gia Hội trong những ngày Tết Mậu Thân tại Huế. Anh muốn quên đi nhưng cơn ác mộng vẫn vò xé tâm hồn anh qua nhiều năm tháng, anh nhớ lại những cái đầu cọ quậy, những cái miệng đầy đất cát, những đôi mắt trợn trừng, van xin hay tuyệt vọng của đồng bào anh. Năm ngoái, nhân dịp nhớ lại vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế, sau gần 40 năm im lặng, Phan Văn Tuấn đã dành cho nhà văn Nam Dao trong chương trình phát thanh “Tiếng Dân Tôi” ở Adelaide, Úc một cuộc phỏng vấn mà qua đó, không những Phan Văn Tuấn đã xúc động vì hồi tưởng, khóc nức nở, mà chính người phỏng vấn cũng nghẹn ngào khóc theo. Nhắc lại vụ chôn người ở Huế, Phan Văn Tuấn như bị đưa vào một trạng thái mê sảng, điên cuồng, đau đớn như đang ở trong chính cơn ác mộng. Anh hứa rằng anh sẽ không bao giờ nhắc lại câu chuyện này một lần nữa với bất cứ ai, vì không chịu đựng nỗi đau đớn, dày vò đang hành hạ tâm hồn anh khi phải vận dụng trí não để hồi tưởng những câu chuyện cũ. Không, anh Phan Văn Tuấn ơi, anh phải can đảm để sống và nhớ lại những gì anh đã trải qua, không phải riêng để cho những bà con xứ Huế, cho đồng bào mình, mà cả nhân loại cần có những nhân chứng như anh, để nói lên sự độc ác của con người, trong đó có sự độc ác từ bản chất, không thể tha thứ được của những con người Cộng Sản, mà ngày nay chế độ này đang còn ngự trị, làm tình làm tội cả dân tộc của chúng ta. Những con người này không còn lương tri, sống trong dối trá, nên Huế ngày nay mới có những con đường tủi nhục mang tên Mậu Thân, 68, để chúng cười cợt như lũ quỷ đói trên những linh hồn oan khuất của hàng nghìn đồng bào Huế vô tội của chúng ta. Xin đừng bao giờ quên vụ thảm sát Mậu Thân! (Những ngày cuối năm Kỷ Sửu Tháng Giêng, 2009)
|