Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan (Bài 1)

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan (Bài 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Liên Thành   
Thứ Năm, 15 Tháng 1 Năm 2009 13:52
Thế nhưng, có một người –mặc dầu thân sinh là người miền Bắc– nhưng được sinh ra tại Huế, lớn lên tại Huế, rời khỏi Huế từ độ quê hương chìm đắm trong binh lửa. Nhưng mỗi khi Huế gặp nạn, dân Huế gặp nạn, người ấy lại trở về Huế với tấm chân tình và lòng thiết tha cứu Huế và giúp đồng bào Huế.

Sáng hôm nay ngồì viết những dòng chữ này mà lòng không nén nổi xúc động. Tưởng nhớ đến người anh cả trong lực lượng Cảnh sát Quốc gia (CSQG), tôi muôn đời thương tiếc và kính trọng ông.

Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Bây giờ đã đi khuất, không còn trong cuộc đời phiền muộn này nữa, nhưng ông đã để lại tiếng tốt muôn đời, để lại sự kính trọng, và lòng biết ơn của rất nhiều người dân Huế. 

Ông là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Lực Lượng CSQG (1966 – tháng 5/1968).

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan sinh ngày 01/02/1930 tại Huế. Tốt nghiệp khóa 1 trường Võ bị Thủ Đức.

– 1953 học khóa hàng không (École de l'air (EA) – DCVOnline) tại trường Sĩ quan Không quân (Ecoles d'Officiers de l'Armée de l'Air, EOAA – DCVOnline) Salon de Provencce tại Pháp, tốt nghiệp Kỹ Sư Hàng không. Ông là một trong những phi công lái khu trục cơ đầu tiên của VNCH.
– 1960 giữ chức vụ CHT Phi đoàn 2 Quan sát tại Nha Trang.

– 1964 vinh thăng Đại Tá, Tư Lệnh Phó Không Quân VNCH.

Ngày 11/02/1965, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan đã dẫn đầu những phi đoàn A1 Skyraider vượt vỹ tuyến 17 oanh tạc miền Bắc Việt Nam trong chiến dịch Mũi Tên Lửa II (Flamming Dart II)(1)

Chưa bao giờ trong cuộc chiến đầy bi thảm của quê hương mà lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu chống Cộng sản của dân quân Trị Thiên lại lên cao như vậy. Dân chúng, học sinh, sinh viên Huế đã tổ chức biểu tình lớn để hoan hô những nguởi hùng không quân VNCH, những Kinh Kha thời đại, đã vượt sông Gianh xông vào đất địch, và họ đã được đồng bào trân trọng vinh danh.

Tôi bấy giờ chỉ là viên sĩ quan trẻ, cấp Thiếu úy, tôi được biết tên ông từ dạo đó.

Sau cuộc hành quân Mũi Tên Lửa 11/02/65, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan được bổ nhiệm về làm Tổng Giám Đốc CSQG, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, Giám đốc Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.

Tháng 3, 1966 miền Trung Huế dậy sóng, biến động lớn xẩy ra vì tham vọng, điên cuồng, bất chấp vận mệnh quốc gia, dân tộc, say mê quyền lực của Thượng toạ Thích Trí Quang, một tu sĩ khao khát làm "Quốc Trưởng", "Quốc Phụ", sau khi phá đổ được chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, qua phong trào Phật Giáo Tranh Đấu biểu tình làm tê liệt chính quyền, dẫn đến cuộc đảo chánh 01/11/1963. Say men chiến thắng, ngỡ mình là "anh hùng cái thế", nhà sư Trí Quang liên tiếp khống chế, gây bất ổn chính trị cho đất nước.

Với sự nhượng bộ của Mỹ, nhà sư Trí Quang liên tục thay đổi điều hành các "triều đại" theo ý mình, qua quyền lực đen của các cuộc biểu tình, xuống đường của các Phật Tử tranh đấu. Từ thời đại Dương Văn Minh, đến Nguyễn Khánh, qua tam dầu chế Khánh-Minh-Khiêm, đến thời chính phủ Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, và cả thời gian đầu của chính quyền quân nhân Thiệu-Kỳ, tất cả đêu bị Thượng toạ Trí Quang thao túng, sắp đặt nhân sự.

Đến khi hành động của Thượng toạ Trí Quang vượt quá sự chịu đựng của chính quyền Johnson, và đất nước trên bờ vực thẳm để cho CS thôn tính, các tướng lãnh phẫn nộ, thì Henry Cabot Logde không thể nào nghe lời và chiều chuộng Trí Quang được nữa.

Bị phía Mỹ từ chối không ủng hộ, từ Sài Gòn, nhà sư Thích Trí Quang bay ra Huế cùng đám cán bộ cộng sản nằm vùng quá lâu trong Phật giáo – như các TT Đôn Hậu, Chánh Trực, Thiện Siêu, và nhóm Nguyễn Khắc Từ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Phan duy Nhân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, v.v... với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam qua Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan – mưu đồ biến miền Trung thành một vùng trái độn, và âm mưu biến Kinh đô Huế ngày xưa sẽ là thủ đô của MTGP Miền Nam.
Cuộc biến động xẩy ra từ tháng 3, 1966 kéo dài trong 100 ngày. Tình hình rối lọan từng giờ, từng ngày, công sở của chính quyền bị đám phản loạn chiếm giữ, cơ sở ngoại giao đoàn bị đốt phá, quân đội, công chức, cảnh sát, ngả theo đám tranh đấu. Thành phố không còn chính quyền, không còn luật pháp quốc gia, đám tranh đấu muốn vu khống, muốn đánh đập, muốn bắt bớ ai tùy thích. Dân chúng Huế kinh hoàng hỗn loạn, đời sống mỗi ngày mỗi cơ cực, họ sống trong niềm tuyệt vọng, buồn thảm nhìn tương lai vô định. 
Chính phủ Trung Ương đã liên tục cử ra miền Trung bốn vị tướng lãnh với chức Tư lệnh Quân đoàn để ổn định tình hình miền Trung, nhưng tình hình vẫn mỗi ngày mỗi rối loạn thêm, họ bất lực bó tay. Từ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi phải ngả theo ông Thích Trí Quang chống lại chính phủ Trung ương, đến Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân, rồi đến Trung Tướng Tôn Thất Đính, ông này hoảng sợ ông Trí Quang và phong trào tranh đấu phải chạy trốn vào Bộ tư lê/n (BTL) Sư đoàn Thủ quân lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ tại Đà Nẵng xin tỵ nạn, rồi đến Thiếu tướng Huỳnh văn Cao. Thiếu Tướng Cao đã bị Viên Trung úy Sư Đoàn I Bộ binh (BB) ly khai Nguyễn Đại Thức bắn, cũng may ông không bị trúng đạn và cuối cùng Thiếu Tướng Cao cũng vào xin tỵ nạn tại BTL/TQLC Hoa Kỳ tại Đà Nẵng.

Với tình hình rối loạn và hầu như tuyệt vọng tại miền Trung như vậy, bốn Tướng đã bỏ chạy, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc CSQG được Chính phủ giao trọng trách ổn định và tái lập an ninh trật tự tại miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Theo Đại tá Trần Minh Công, cựu Viện trưởng Học viện CSQG/ VNCH, (lúc đó Đại tá Công là một sĩ quan trẻ của lực lượng CSQG cùng đi với Đại tá Loan ra Đà Nẵng) thì lực lượng của BCH hành quân dẹp loạn của Đại Tá Loan gồm có Chiến đoàn TQLC/VNCH, được tăng phái thêm một tiểu đoàn Nhảy Dù/VNCH, lực lượng hành quân được không vận ra Đà Nẵng đã phải ở trong phi trường mất hai ngày mà không thể tung quân ra được vì Đại tá Loan muốn tránh một cuộc đổ máu xẩy ra. Lý do là Trung đoàn 51 BB/VNCH ly khai đang bố trí và sẵn sàng tấn công lực lượng của Đại tá Loan, đấy là chưa nói đến bên cạnh Trung Đoàn 51 BB ly khai còn có tiểu đoàn 11 Biệt động quân (BĐQ) của Đại úy Nguyễn Thừa Dzu cũng đã hợp tác với lực lượng tranh đấu tại Đà Nẵng.

Thiếu Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã bay ra Đà Nẵng họp cùng Đại Tá Loan. Ông Kỳ có ý định cho chiến đấu cơ của Không quân VNCH cất cánh nhắm vào BCH của Trung đoàn 51 BB ly khai, chỉ mục đích cảnh cáo, nhưng gặp ngay phản ứng về phía Chính Phủ Hoa Kỳ. Tư lệnh lực lượng TQLC/Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, Trung Tướng Walt (2), đã gởi một thông điệp cho Thiếu Tướng Kỳ, "Nếu chiến đấu cơ của Không quân VNCH cất cánh, ông ta sẽ cho chiến đấu cơ Hoa Kỳ cất cánh ngăn chận, bắn hạ ngay."

Được hỏi lý do tại sao? Theo ông Trần Minh Công thì Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan cho rằng có lẽ Hoa Kỳ đã buộc Chính phủ VNCH phải chấp nhận một số điều kiện nào đó của họ thì họ mới chịu để yên cho Chính phủ VNCH ra tay dẹp đám phản loạn Thích Trí Quang, và câu kết luận chua xót của ông Trần Minh Công, "Thật tình không hiểu nổi đây là loại đồng minh kiểu gì!"

Cũng theo ông Trần Minh Công, lúc bấy giờ tình hình tại Đà Nẵng rất căng thẳng, nguy hiểm, và đầy bất trắc. Có thể đánh nhau lớn trong thành phố Đà Nẵng giữa lực lượng hành quân dẹp loạn của Đại Tá Loan gồm TQLC, Nhảy Dù VNCH, và quân đội ly khai.

Lực lượng ly khai gồm có Trung Đoàn 51 BB, Tiểu Đoàn 11/BĐQ của Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, cùng với đám tranh đấu ô hợp, nhưng sắt máu, cuồng tín, mà đại đa số là cơ sở Việt Cộng thuộc 2 Đại Đội SV Phật Tử Quyết Tử do chính SV Nguyễn Đắc Xuân chỉ huy, từ Huế vào Đà Nẵng tăng cuờng cho lực lượng tranh đấu tại chùa Tỉnh hội Đà Nẵng; tất cả đã được trang bị vũ khí.

Để tránh đổ máu giữa phe mình đánh phe ta, Đại Tá Loan đã dùng những người bạn thân của Đại úy Nguyễn Thừa Dzu bí mật tiếp xúc và chiêu dụ đại úy Dzu trở về với chính phủ. BĐQ là một trong những binh chủng thiện chiến nhất của QLVNCH, Tiểu đoàn BĐ của Đại úy Dzu lại đang chiếm giữ thành phố Đà Nẵng, không chiêu dụ được tiểu đoàn này thì đại họa sẽ xẩy ra. Người phụ trách công tác chiêu dụ Đại úy Nguyễn Thừa Du là Đại Úy Nguyễn Tự Cường.

Đại úy Nguyễn Tự Cường xuất thân Khóa 7 Võ bị Đà Lạt. Ông là chuyên viên tình báo phụ trách tình báo hải ngọai vùng Bắc Lào. Sau đảo chánh 1963, ông bị bắt giữ và giam tại Cục An Ninh Quân Đội.

Ông kể lại với người viết, "Sau đảo chánh 1963, anh bị bắt vì là người của Cậu Cẩn. Tù một năm được thả ra, đói quá, mấy thằng Mỹ trả tiền và xúi dại anh tham gia đảo chánh, chỉnh lý lung tung, lại bị An Ninh Quân đội bắt lại, lần này bị giam gần 2 năm."

Đang ở tù thì bỗng cửa tù mở ra, được dẫn đi trình diện ông "Sáu Lèo", anh đâu biết Sáu Lèo là ai, hỏi viên Sĩ quan đi theo thì mới biết là Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan Cục Trưởng Cục ANQĐ, và cuộc gặp mặt với anh Sáu Lèo xẩy ra như sau.

– Đ... Cụ anh, làm cái gì mà tham gia đảo chánh lung tung để phải ngồi tù.

– Thưa Đại tá, em làm gì đâu, sau đảo chánh 1963 em bị bắt vì tội người của Ông Cậu. Một năm sau được thả ra, đói quá tham gia chỉnh lý kiếm tí tiền còm.

– Mày quen Nguyễn Thừa Dzu không?

– Bạn thân .

– Nó theo đám tranh đấu, Tiểu đoàn 11/BĐQ của nó đang chiếm thị xã Đà Nẵng. Mày ra Đà Nẵng dụ nó trở về được không?
– Em làm được.

– Làm được, cho làm lớn, còn không thì về lại Cục ở tù tiếp.
– Trình Đại tá, làm được nhưng phải có điều kiện.

– Điều kiện gì?

– Trước khi đi Đà Nẵng, Đại tá phải cho em truy lãnh 3 năm lương. "Có thực mới vực được đạo". Bạch hóa hồ sơ, không ghi vào quân bạ. Đại tá làm được hai chuyện đó thì em đi Đà Nẵng dụ thằng Dzu, còn không em vào tù tiếp, không đi.

– Được.
Đại úy Cường đã gặp Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, và kết quả là Đại úy Dzu rút Tiểu Đoàn 11/BĐQ ra khỏi thành phố Đà Nẵng, tránh được cuộc đổ máu không cần thiết.

Đại úy Nguyễn Tự Cường ngay sau đó đã được Đại tá Loan bổ nhiệm làm Trưởng ty An Ninh Quân đội thị xã Đà Nẵng (1966-1975), Ông và Đại tá Loan tính tình có nhiều điểm hợp nhau.

Trung Tá Nguyễn Tự Cường cũng đã theo Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đi vào miền vĩnh cửu vào tháng 12/2007 tại Nam Cali.

Phần Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, ông theo Đại Tá Loan dẹp xong vụ biến động miền Trung, về Sài Gòn và được Đại tá Loan bổ nhiệm đi làm Trưởng Ty CSQG một trong những quận tại Chợ Lớn.

Tuy vậy, súng đã nổ và đã có người chết. Khi ông Trần Minh Công tiến quân vào Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, ông đã phát giác có mười mấy xác chết đã sình thối trong nhà kho của chùa, và chính ông cùng nhân viên thuộc quyền đã vác những thi hài sinh thối này ra xe đem chôn.

Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đã ổn định được tình hình tại Thị xã Đà Nẵng, ông rời Đà Nẵng ra Huế tiếp tục nhiệm vụ nặng nề đầy hiểm nguy là dẹp lọan tại Huế mà chính phủ đã giao trọng trách này cho ông. Người tiếp tục ổn định tình hình an ninh trật tự tại Đà Nẵng là Quận trưởng Cảnh sát Trần Minh Công, tân Trưởng Ty CSQG thị xã Đà Nẵng, người mà Đại Tá Loan tin cậy vào tài năng, và lòng dũng cảm.

Quận Trưởng Cảnh Sát Trần Minh Công đã hoàn tất nhiệm vụ mà Đại tá Loan giao phó. Đó là một nhiệm vụ nặng nề, tiếp tục ổn định tình hình rối loạn. Chỉ một năm sau, tình hình Đà Nẵng đã hoàn toàn ổn định. Đại Tá Loan lại thuyên chuyển ông vào Sài Gòn giữ chức vụ Trưởng Ty CSQG Quận II, Thủ đô Sài Gòn, để rồi Mậu Thân 1968, trong 2 đợt tổng công kích của VC vào Sài Gòn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia và Quận trưởng Trần Minh Công lại sát cánh cùng nhau tung lực lượng CSQG phản công ngăn chận 2 đợt tấn công của VC vào Sài Gòn ngay những giờ phút đầu tiên.

Tướng Loan dẹp loạn miền Trung

Ngày 08/06/1966 Biệt Đoàn 222 Cảnh sát Dã chiến thuộc BTL/CSQG do Trung tá Phan Huy Sảnh chỉ huy đổ quân chiếm ty CSQG Thị xã Huế.

Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan và bộ tham mưu hành quân dẹp lọan đến Huế vào ngày 9/6/1966. Lực lượng hành quân chiếm lại Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế. Đại Tá Loan đặt BCH hành quân tại đó. Tôi trình diện Đại tá Loan nhận công tác. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông. 

Huế lúc bấy giờ hoàn toàn nằm trong tay Thích Trí Quang và Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam qua Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan, Thành ủy viên Thành ủy Huế,; Nhóm này định biến Huế thành vùng trái độn. Chiến trường Huế đã mở, mặt trận Tri-Thiên-Huế vừa chính trị vừa quân sự sẽ cam go, nguy hiểm và đầy bất trắc đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan nhảy vào thử lửa.

Dọc dãy Trường Sơn, cạnh sườn Thừa Thiên-Huế, lực lượng quân sự của Hà Nội, Sư Đoàn 324B thuộc Quân Khu Trị Thiên đang ém quân chờ đợi biến cố lớn xẩy ra tại thành phố Huế là xua đại quân bôn tập tấn công và chiếm Huế. Nếu Đại tá Nguyễn Ngọc Loan không kịp thời cứu Huế, có lẽ Huế đã mất vào tay Cộng sản mà không cần phải đợi đến Mậu Thân 1968.

Tại thành phố Huế, Sư Đoàn I/BB là một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của QLVNCH và dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, có thể nói một số lớn các đơn vị của Sư Đoàn này cùng với Tư Lệnh, Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận đã ly khai với chính phủ trung ương, phục vụ cho mưu đồ đen tối và mộng tranh bá đồ vương của Thích Trí Quang đang chờ đợi Đại Tá Loan.
Thích Trí Quang và lực lượng tranh đấu của tu sĩ Phật giáo này còn có 4 đại đội sinh viên Quyết tử do Nguyễn Đắc Xuân sinh viên Sư phạm Hán Việt chỉ huy. Bốn đại đội này đã được Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận đưa vào TTHL/Văn Thánh của Sư Đoàn I/BB huấn luyện quân sự, và trang bị vũ khí. Nhóm tu sĩ và phật tử này phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội ly khai cũng đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan.
Và các liên đoàn Công chức Phật Tử, giáo chức Phật Tử, Tiểu thương Phật Tử của các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu cũng đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, lực lượng này khoảng vài chục ngàn nguời.
Hai phong trào quần chúng đấu tranh do tên Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan thành lập cũng đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đó là:
– Phong trào Sinh Viên Tranh Thủ Hòa Bình do sinh viên Y Khoa Đại học Huế Tôn Thất Kỳ Chỉ huy.

– Phong trào SV Tranh thủ Dân Chủ do sinh Luật Khoa Nguyễn Hữu Giao Chỉ huy.

Đau lòng và nghiệt ngã nhất là lực lượng CSQG Phật Tử thuộc Ty Cảnh Sát quốc Gia Thừa Thiên và Thị xã Huế dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan cũng đã nghe lời quyến rũ của Thích Trí Quang, Hoàng Kim Loan quay lại chống ông. Lực lượng CSQG Thừa Thiên và Thị xã Huế gồm khoảng trên 5 ngàn sĩ quan và cảnh sát viên.
Thuộc cấp theo giặc, làm loạn, thật bất hạnh cho Đại Tá Loan và lực lượng CSQG/VNCH.
Và cuối cùng hai viên Tư Lệnh của Phong trào tranh đấu đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan trong trận thư hùng một còn một mất này là Thích Trí Quang và Điệp viên của Hà Nội Trung Tá Hoàng Kim Loan.

Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, một anh hùng hào kiệt của binh chủng Không quân VNCH, một hiệp sĩ Kinh Kha của thời đại, đã vượt sông Gianh Bắc phạt, trong chiến dịch "Mũi Tên Lửa", giờ đây tháng 6/1966, Kinh Kha đang trực diện với chiến trường cay nghiệt. Ông sẽ nhảy vào chiến trường này, chỉ huy trận đánh này, trận đánh sẽ còn cam go hơn khi dẫn đầu Phi Đoàn Không Quân VNCH lao mình vào đất giặc.

Thích trí Quang và Hoàng Kim Loan đã dùng niềm tin tôn giáo của 80% dân chúng Huế để gài Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan vào chiếc bẫy sập này, và nỗi khó khăn của ông là một số lớn dân chúng Huế lúc bấy giờ đã vì cuồng tín nghe theo lời Thích trí Quang, không phân biệt được lý lẽ đúng sai.

Bàn thờ Phật đã xuống đường.

Thắng trận đánh này chưa hẳn là một vinh quang, nhưng bại trận đánh này là một báo hiệu đầu hàng sớm hơn ngày 30/04/75 của dân chúng miền Nam Việt Nam, của chính phủ VNCH trước sự xâm lăng của Cộng Sản Hà Nội, và chính ngay bản thân ông, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, đời binh nghiệp của ông, sẽ giống như số phận của 5 tướng Thi, Nhuận, Chuân, Đính, Cao.

Thế nhưng, thật không hổ danh anh "Sáu Lèo", Đại tá Loan đến Huế trực diện với một lực lượng phản loạn to lón và hùng hậu như vậy, ông can đảm, bình tĩnh nhảy vào chiến trường khắc nghiệt và cam go này.
Và ông đã chế ngự được và dẹp tan đám phản lọan với thành quả:
– Không có đổ máu xảy ra.
– Thu hồi Sư Đoàn I/BB lại cho quân lực. Giao Sư Đoàn I/BB cho Đại Tá Ngô Quang Trưởng Tham Mưu trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH chỉ huy và chỉnh đốn lại.
– Thâu hồi lại Huế cho chính Phủ Trung Ương từ tay Thích Trí Quang, và Trung tá Điệp viên Hà Nội Hoàng Kim Loan.
– Bắt giữ Thích Trí Quang
– Bắt giữ Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận
– Bắt giữ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi
– Và khoảng trên một ngàn các thành phần tranh đấu chủ chốt, vừa dân sự và quân sự bị bắt đem vào Cục ANQĐ và BTL/CSQG xét sử.
– Thanh lý môn hộ và tái tổ chức gia đình CSQG tại BCH/CSQG Thừa Thiên Huế. Điều quan trọng nhất là đem lại bình yên và ổn định cho đời sống đồng bào Thừa Thiên-Huế.

Bốn tướng lãnh đã chào thua với tình hình rối lọan, bỏ mặc dân chúng Huế sống trong cảnh kinh hoàng, lo sợ trong sự áp bức, khủng bố của đám vệ binh đỏ Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, những phần tử thân cận của Thích Trí Quang, những cơ sở nội thành nòng cốt của Thành ủy viên Việt Cộng Hoàng Kim Loan. Huế vô chính phủ, không còn luật pháp quốc gia, mà chỉ có luật rừng của đám giặc cỏ này. Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư lệnh CSQG, đã giải thoát đồng bào Huế khỏi cơn tai ương của đám giặc cỏ, tái lập lại luật pháp quốc gia, trật tự an ninh công công.

Ngày tôi đưa ông và BTM/Hành quân của ông xuống phi trường Phú Bài về lại Sài Gòn, tôi còn nhớ ông dặn tôi:
– Mày cẩn thận lo giữ mình, bọn nó không tha mày đâu.

Tôi trả lời ông:

– Dạ.
Ông nói tiếp:

– Bọn họ nói Đại tá và em là hai tên "Phản đạo" lật đổ bàn thờ Phật. Mày có buồn vì câu nói đó không?

– Không Đại Tá.

– Mình làm đúng, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của minh. Ai muốn nói gì thì nói, để ý làm gì.

Sau này, trong chín năm chịu trách nhiệm an ninh, tình báo, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào, mỗi khi có biến động lớn xẩy ra tại Huế, buộc phải có những quyết định và hành động cứng rắn với những thành phần, những phong trào phá rối, tạo nguy cơ cho Huế và cho đồng bào Huế, tôi vẫn thường nhớ đến câu nói của Đại Tá Loan, như một lời nhắn nhủ của ông đối với tôi, "Mình phải hành động vì đó là bổn phận và trách nhiệm của mình, ai muốn nói gì thì nói, để ý làm gì."

(Còn tiếp)
--------------------------------------------------------------------------------
DCVOnline: (1) Tháng Hai, 1965 Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ra lệnh tấn công quân CSVN bằng phi cơ oanh tạc. Flaming Dart I (07 tháng 2, 1965) gồm 44 phi vụ nhằm vào Đồng Hới trả đũa việc cộng sản Việt Nam (quân của MTGPMN) rót súng cối vào căn cứ Holloway gần Pleiku làm thiệt mạng 8 và 100 binh sĩ Mỹ bị thương. Chiến dịch Flaming Dart II để trả lời cuộc tấn công 3 ngày sau ở 1 căn cứ Mỹ tại Quy Nhơn giết 23 và làm bị thương 22 binh sĩ khác. Flaming Dart II gồm 99 phi vụ vào khu quân dụng và truyền thông của cộng sản gần vùng phi quân sự.

(2) Lewis W. Walt thăng Trung tướng tháng Năm 1965, nhận trách nhiệm Chỉ huy TQLC và Tư lệnh Sư đoàn 3 TQLC tại Việt Nam đồng thời là chỉ huy trưởng Hải quân và Cố vấn cao cấp ta vùng I chiến thuật. (Nguồn: Lewis William Walt)

Vai trò của Tướng Walt trong cuộc khủng hoảng 1966 ở Đà Nẵng 
Trung tướng Lewis W. Walt
(1913-1989)
Nguồn: wikimedia.org
-------------------------------------------------------------------------------- 
Tướng Kỳ cho rằng lãnh tụ Phật giáo miền Trung là những kẻ phản bội muốn lật đổ chính phủ của ông. Kỳ coi Nguyễn Chánh Thi , Tư lệnh Vùng I, là tướng có "khuynh hướng thiên tả" (Nguyen Cao Ky, Twenty Years and Twenty Days; NY: Stein and Day, 1976, trang 87-89. Chương 8, trang 87-100.) và giải nhiệm tướng Thi vào 10 tháng 3, 1966 khiến cuộc khủng hoảng bùng phát.

Nguyễn Chánh Thi là người theo Phật giáo, một sĩ quan thao lược và được khối Phật giáo ở Vùng I ưa chuộng và ủng hộ. Phe tướng Thiệu-Kỳ, được sự ủng hộ của Đại sứ Lodge, Tướng Westmoreland, và Bộ trưởng McNamara, xem tướng Thi là đối thủ chính tri. Đồng minh duy nhất của tươ;ng Thi là Tướng Lewis W. Walt. (Lewis W. Walt, Strange War, Strange Strategy NY: Funk & Wagnals, 1970, trang. 114. Chương 10 & 11, trang 113-136).

Cuối tháng 3, Tướng Thi trở lại Đà Nẵng và được khối Phật giáo chống đối chào đón nồng nhiệt ở đây và tại Huế.

Ngày 4 tháng 4, 1966 Tướng Kỳ gởi 3 sư đoàn TQLC đến Đà Nẵng. Lực lượng TQLC đóng quân tại căn cứ không quân và không tiến chiếm lại Đà Nẵng từ nhóm phiến loạn.

Ngày 9 tháng 4, 1966 tình hình lại căng thẳng hơn khi Đại tá Đàm Quang Yêu (Tiểu khu trưởng tiểu khu Quảng Đà) thuộc nhóm Phật giáo chống đối đưa bộ binh, xe bọc sắt, và trọng pháo Từ Hội An vào Đà Nẵng.
Tư lệnh sư đoàn 3 TQLC Mỹ lúc đó là Trung tướng Wood Kyle, ra lệnh cho Trung đoàn 9 TQLC chận đoàn quân của ĐT Yêu trên quốc lộ số 1. Bị chận đường, Đại tá Yêu ra lệnh cho trọng pháo 155 ly quay về hướng phi trường, cùng lúc một phi đoàn chiến đấu cơ của Không quân Việt Nam bay vòng quanh vùng trú quân của TQLC Mỹ. Tướng Walt cử Đại tá John R. Chaisson để cảnh cáo Đại tá Yêu không được tiến xa hơn nữa. Để bảo kê cho quyết định đó, một phi đoàn F-8E của TQLC Mỹ trang bị hoả tiễn và bom bay quanh vùng đoàn quân của Đại tá Yêu. Tướng Walt cũng ra lện cho TQLC Mỹ quay mũi súng 155 và 205 ly (Jack Shulimson, U.S. Marines in Vietnam: An Expanding War, 1966, Washington, D.C.: History and Museums Division, Headquarters, U.S. Marine Corps, 1982), trang 74.) về hướng quân VNCH. Tướng Walt nằm giữa hai "lằn đạn" của VNCH và khối Phật giáo ly khai.

Đại tá Yêu nói với Đại tá Chaisson ông là bạn của TQLC Mỹ như (theo U.S. Marines in Vietnam: An Expanding War, 1966, của Jack Shulimson) thì, "ông ta phải đến đương đầu với đoàn quân từ Sài Gòn đang đe dọa dân ở địa phương. Và ông ta sẵn sàng chết nếu cần, ..."

Đại tá Chaisson cảnh báo với Đại tá Yêu là đoàn quân của ông sẽ bị tiêu diệt nếu nổ súng vào TQLC Mỹ. Tình hình từ từ lắng dịu trở lại. Đài phát thanh Đà Nẵng và Huế trở lại sự kiểm soát của chính phủ. Lực lượng TQLC trở lại Sài Gòn; quân đội VNCH Vùng I quay lại mặt trận chống cộng sản. Tướng Thi công khai tách khỏi nhóm chống đối.

Vẫn ngại nhóm Phật giáo miền Trung nổi dậy và chiếm lãnh toàn vùng, Tướng Kỳ – không báo cho Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Nguyễn Văn Thiệu hay – ra lệnh cho Tướng Cao Văn Viên, Tham mưu trưởng, đưa TQLC và Nhảy Dù từ Sài Gòn vào Đà Nẵng ngày 15 tháng Năm. Trung tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Vùng I, cũng ngạc nhiên như tướng Walt về cuộc đổ quân bất ngờ của tướng Kỳ – ông xin tị nạn tại bộ chỉ huy TQLC Mỹ để khỏi bị bắt. 
-------------------------------------------------------------------------------- 
Sáng này 15 tháng Năm hai phi cơ của không quân Việt Nam bắn vào những đơn vị VNCH gần khu TQLC Mỹ về phía Bắc Đà Nẵng. Sợ đổ máu, Tướng Walt yêu cầu quân VNCH rút khỏi Đà Nẵng. Tướng Kỳ từ chối rút quân. Ngày 16 tháng Năm, Tướng Kỳ thay tướng Đính bằng tướng Huỳnh Văn Cao làm Tư lệnh Vùng I.

Trong hồi ký của mình, Tướng Kỳ đã viết và tuyên bố nhiều chi tiết về khủng hoảng Phật giáo miền Trung 1966 cũng như những "chạm trán" với tướng Walt. Những tuyên bố đó không thấy Tướng Walt nhắc đến trong hồi ký của ông cũng như không được ghi lại trong biên niên lịch sử của TQLC Mỹ tại Việt Nam.
(Trích The 1966 Buddhist Crisis in South Vietnam, của Peter Brush đã đăng trên Vietnam Magazine số tháng Tư 2005. Đọc thêm chi tiết tại đây.)

Đọc thêm: Gen. Nguyen Chanh Thi, 84, Seen as Hero in Vietnam, Dies, By DOUGLAS MARTIN, The New York Times, June 26, 2007

Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (1966)
Nguồn: Time Inc.
(từ trái qua phải) Các Thượng tọa Thích Hộ Giác, Thích Thiện Minh và Thích Trí Quang
Nguồn: OntheNet
Tướng Nguyễn Chánh Thi (1923-2007)
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan (1930-1998)