Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Chào Mừng 2009: Kỷ Niệm Sáu Mươi Năm Quốc Gia Việt Nam.

Chào Mừng 2009: Kỷ Niệm Sáu Mươi Năm Quốc Gia Việt Nam. PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Gia Phụng   
Thứ Năm, 01 Tháng 1 Năm 2009 02:24

Bài 1:  GIẢI PHÁP BẢO ĐẠi

Vào năm 1949, chiến tranh đang tiếp diễn giữa Việt Minh (VM) và Pháp, một biến cố quan trọng xảy ra làm thay đổi tính chất và chiều hướng của cuộc chiến ở Việt Nam.  Đó là sự thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam, do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng sau hiệp định Élysée ngày 8-3-1949.  Cho đến năm nay (2009), Quốc Gia Việt Nam được tròn 60 tuổi.

1.      VAI TRÒ CỦA CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI

Từ khi nắm được quyền lực năm 1945, Mặt trận VM theo chủ nghĩa cộng sản, liên tục khủng bố và tiêu diệt một cách có hệ thống toàn bộ những nhà hoạt động chính trị không cộng sản.  Vì tình hình đòi hỏi, đôi khi VM tạm thời liên kết với những đảng phái đối lập, nhưng ngay trong lúc đó, VM cũng kiếm cách bí mật tiêu diệt họ.
 
Nhiều nhà chính trị thấy rõ dã tâm của VM nên đã sớm rời bỏ chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh đứng đầu.  Nguyễn Hải Thần phản đối hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), rút lui khỏi chính phủ sau ngày ký, rồi bỏ sang Quảng Tây (Trung Hoa).  Tháng 6-1946 Nguyễn Tường Tam trở lại Nam Kinh (Trung Hoa).  Vũ Hồng Khanh bỏ qua Vân Nam (Trung Hoa).
    
Những người theo chủ nghĩa dân tộc, với lập trường tự do dân chủ, dần dần tách ra khỏi mặt trận VM.  Vì bị VM truy đuổi, tận diệt, những người nầy bị dồn vào thế tranh đấu sống còn với VM, chỉ còn một con đường duy nhất là phải về thành phố sinh sống và chẳng đặng đừng phải tạm thời liên kết với Pháp, tìm kiếm một giải pháp chính trị để chống cộng, dù biết rằng thực dân Pháp không thực tâm và chỉ muốn lợi dụng tất cả các cơ hội để duy trì quyền lợi của Pháp tại Việt Nam.

Nói cách khác, những người bất đồng chính kiến với VMCS, theo chủ nghĩa dân tộc rơi vào thế kẹt giữa hai thế lực cộng sản và thực dân, nhưng phải tạm thời chấp nhận liên kết với thực dân Pháp để chống cộng.  Nhân vật thích hợp nhất cho giải pháp nầy được nhiều người lúc đó nghĩ đến là cựu hoàng Bảo Đại, một người không đảng phái, đứng giữa các đảng phái, và là vị vua ai cũng biết tiếng tăm khi ông tự nguyện thoái vị, từ bỏ quyền lợi gia tộc vì sự đoàn kết quốc gia.

Về phía người Pháp, sau khi thương thuyết bất thành với Hồ Chí Minh, Pháp cũng cần tìm một giải pháp chính trị cho cuộc đối đầu với VM.  Trước đây,  người Pháp bất bình về những đòi hỏi cởi trói bảo hộ và đòi hỏi độc lập của vua Bảo Đại khi còn ở trên ngôi báu, nhất là bản Tuyên ngôn độc lập mà vua Bảo Đại đã công bố ngày 11-3-1945 nhân cuộc đảo chánh của quân Nhật, lật đổ Pháp tại Đông Dương (9-3-1945).

Tuy nhiên, người Pháp biết rằng Bảo Đại vốn mềm mỏng, không có cá tính mạnh, có thể dễ gây ảnh hưởng.(1)  Hơn nữa, ông ở vị trí đơn thân, không có phe nhóm, không có những người xuất sắc làm tham mưu, không có đảng phái chính trị đứng sau lưng.
 
Trước mắt chính giới quốc tế, cựu hoàng Bảo Đại là nhân vật sáng giá nhất, đứng giữa các phe nhóm chính trị Việt Nam từ tả (VM cộng sản) đến hữu (Việt Nam Quốc Dân Đảng), và cũng là nhân vật tương đối được lòng toàn dân cả ba miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam, hơn hẳn các nhân vật địa phương của từng miền.

Về phía cựu hoàng Bảo Đại, ngày 16-3-1946, ông tháp tùng phái đoàn VM qua Trung Hoa thăm viếng xã giao chủ tịch nước nầy là thống chế Tưởng Giới Thạch.  Khi phái đoàn VM trở về, theo lời cựu hoàng, ông bị VM bỏ rơi lại ở Côn Minh (Kunming, tỉnh Vân Nam) vào tháng 4-1946.(2)

Rời Côn Minh, cựu hoàng đến Hồng Kông ngày 15-9-1946.  Từ đó, ông không liên lạc với nhà cầm quyền Hà Nội.  Hồ Chí Minh lo ngại cựu hoàng sẽ nghiêng về phía đối lập, nên vào giữa tháng 11-1946 (trước khi chiến tranh bùng nổ), Hồ Chí Minh cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch qua Hồng Kông gặp cựu hoàng để yêu cầu cựu hoàng “nên cảnh giác người Pháp, và đề phòng tất cả bọn Việt gian làm tay sai cho Pháp”.(BĐ, sdd. tr. 258.)

Sau Phạm Ngọc Thạch, các ông Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, cùng đến gặp cựu hoàng tại khách sạn Gloucester, nơi cựu hoàng đang lưu ngụ ỏ Hồng Kông.  Cả ba người kêu gọi cựu hoàng đứng ra gánh vác việc nước trở lại.  Theo cựu hoàng Bảo Đại, tiếp theo các nhân vật nầy là Trần Trọng Kim.(BĐ, sdd. tr. 259.)  Chính khách nầy khuyên cựu hoàng nên liên lạc với Trung Hoa Quốc Dân Đảng, nhưng cựu hoàng không đồng ý.  Cựu hoàng Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim: “Chưa biết chừng bọn Trưởng Giới Thạch cũng phải cuốn gói chạy ngày nào đấy.”(3)

Ngoài ra, có thêm nhiều lãnh tụ chính trị khắp Bắc, Trung, Nam Việt Nam, lần lượt đến Hồng Kông gặp cựu hoàng, như Phan Huy Đán (sau đổi thành Phan Quang Đán), Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Tuyên, Lê Văn Hoạch, Phạm Văn Bính, Ngô Đình Diệm, Phạm Công Tắc, Trần Văn Soái, hoàng thân Vĩnh Cẩn (ông hoàng Tùng Đệ) với em là Vĩnh Tường và Phan Văn Giáo.  Tất cả đều đề nghị cựu hoàng trở về tham chính.

Về phía Pháp, cao uỷ Thierry D'Argenlieu cử thám tử riêng của Tòa lãnh sự Pháp ở Hồng Kông tên là Yole, đặc biệt theo dõi hoạt động của cựu hoàng ở Hồng Kông.  Yole đưa cựu hoàng đến gặp một lãnh tụ Pháp ở Hồng Kông là Joubert.  Yole còn chuyển tiền của D'Argenlieu, gởi qua Hồng Kông giúp đỡ Bảo Đại.(BĐ, sđd. tt. 252-266)

Không phải vì nhân đạo mà D'Argenlieu gởi tiền giúp cựu hoàng Bảo Đại.  Tại Sài Gòn, sau khi tiếp xúc với nhiều nhân vật chính trị Việt Nam, D'Argenlieu phúc trình lên chính phủ Pháp ngày 14-1-1947 rằng tại Việt Nam nên “trở lại nền quân chủ cố hữu...”(BĐ, sđd. tt. 269-270.)  Tuy thế, cũng chưa phải dễ dàng đi đến sự hợp tác giữa cựu hoàng và người Pháp.
     
Sau cuộc đàm phán thất bại của Paul Mus với Hoàng Minh Giám và Hồ Chí Minh ở vùng sông Đuống ngày 12- 5-1947,  một nhân viên lãnh sự Pháp ở Hồng Kông tên là Cousseau đến thăm dò cựu hoàng khoảng cuối tháng 5-1947.  Cựu hoàng cương quyết đòi người Pháp “hãy thỏa mãn nguyện vọng của dân chúng Việt Nam, nước Pháp hãy trả lại nền thống nhất và độc lập cho họ”. (BĐ, sđd. tr. 278.)

Ngày 5-7-1947, cựu hoàng Bảo Đại đưa ra lời tuyên bố công khai đầu tiên về chủ trương của mình trên báo Union Française (Liên Hiệp Pháp), bản dịch như sau:

“Nếu tất cả dân chúng Việt Nam đều đặt tín nhiệm nơi tôi, nếu mặt khác, sự hiện diện của tôi có thể góp phần đem lại sự giao hảo của dân tộc tôi với người Pháp, tôi sẽ sung sướng để trở về nước.  Tôi không ủng hộ Việt Minh và cũng không chống Việt Minh.  Tôi không theo đảng phái nào.  Hòa bình sẽ trở lại nhanh chóng, nếu người Pháp hiểu rằng tinh thần dân tộc tôi không giống như trước cách đây mười năm.  Tôi không muốn nói dài hơn nữa, vì chính phủ Pháp đã hiểu lập trường của tôi rồi.  Đề nghị của tôi là muốn đóng vai trò hòa giải giữa nước Pháp và các phe phái ở Việt Nam.” (BĐ, sđd. tr. 280.)

2.-   BẢO ĐẠI GIỮA CÁC THẾ LỰC

Sau thông điệp của cựu hoàng Bảo Đại, Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ VM ngày 19-7-1947, với thành phần mới là:
Cố vấn:Vĩnh Thụy
 Chủ tịch:Hồ Chí Minh
 Bộ trưởng Ngoại giao: Hoàng Minh Giám
 - Quốc phòng :Tạ Quang Bửu
 - Tài chánh :Lê Văn Hiến
 - Tư pháp :Vũ Đình Hòe
 -Kinh tế :Phan Anh
 -Canh nông :Ngô Tấn Nhơn
 - Y tế:Hoàng Tích Tri
 - Lao động :Nguyễn Văn Tạo
 -Cứu tế Xã hội :Chu Bá Phượng
 - Giáo dục :Nguyễn Văn Huyên
 - Cựu chiến binh :Vũ Đình Tụng
Quốc vụ khanh:Nguyễn Văn Tố
 :Đặng Văn Hướng
 :Bồ Xuân Luật
 Thứ trưởng Nội vụ :Trần Duy Hưng
- Tài chánh :Trần Văn Bính
- Tư pháp :Trần Công Tường
- Canh nông :Nghiêm Xuân Yêm
- Y tế:Tôn Thất Tùng
- Giáo dục :Nguyễn Khánh Toàn
 - Cựu chiến binh:Ngô Tử Hạ
 -Kinh tế Nhà nước: Cù Huy Cận
Tổng tư lệnh Quân đội :Võ Nguyên Giáp

Theo các giới chức ngoại giao lúc đó, Hồ Chí Minh lo ngại Pháp sẽ nói chuyện với cựu hoàng Bảo Đại, nên cải tổ chính phủ, tạm thời loại bớt những phụ tá thân cận như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ra khỏi nội các nhằm bớt tính chất cộng sản, để tỏ dấu hiệu VM muốn thương thuyết với Pháp.(4)

Điều đặc biệt là Hồ Chí Minh vẫn lưu giữ tên cựu hoàng Bảo Đại trong vai trò ‘cố vấn’ chính phủ VM, dù cựu hoàng đã ở Hồng Kông từ hơn một năm qua.  Trong một lời tuyên bố sau đó, vào cuối tháng 7-1947, Hồ Chí Minh lại nói về cựu hoàng như sau:

“Nhiều nhân viên chính phủ và cả tôi nữa, đều là bạn thân của Cố vấn Vĩnh Thụy, ai cũng khao khát được gặp mặt lại Cố vấn, và mong muốn người trở về, để cùng chúng tôi chăm lo việc nước.  Nhưng hiện nay Cố vấn Vĩnh Thụy chưa thể dời bỏ Hồng Kông về được.  Chúng tôi dù cách mặt nhưng chẳng xa lòng.  Chính phủ và dân chúng Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào lòng trung thành của Cố vấn Vĩnh Thụy, dù ở ngoại quốc, vẫn tiếp tục làm việc cho chính phủ quốc gia mà Cố vấn còn là một thành viên.” (BĐ. sđd. tr. 281)

 Lời tuyên bố của Hồ Chí Minh làm cho nhiều người hoang mang, không biết lập trường của cựu hoàng Bảo Đại như thế nào?  Điều nầy lại tạo ra một hiệu ứng ngược nơi người Pháp, và cả người Mỹ nữa.  Họ  lo ngại cựu hoàng theo VM, nên lại tìm cách liên lạc với cựu hoàng.

Vào đầu tháng 8-1947, chính phủ Pháp cử thiếu tá Reynaud từ Paris sang Hồng Kông gặp cựu hoàng.  Reynaud là sĩ quan tùy viên của Bảo Đại khi còn làm vua ở Huế, khoảng 1935-1936.  Gặp Reynaud, Bảo Đại đưa ra những đòi hỏi giống như đã nói với Cousseau trong tòa Lãnh sự Pháp ở Hồng Kông, nghĩa là Pháp phải trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam. (BĐ. sđd.  tt. 281-282.)

Một sĩ quan Hoa Kỳ thuộc cơ quan tình báo O.S.S. (Office of Strategic Services, tiền thân của CIA), thiếu tá Buckley, nhiều lần đến gặp cựu hoàng cũng vào tháng 8-1947, cho cựu hoàng biết rằng “Hoa Kỳ không thích Hồ Chí Minh và sẵn sàng yểm trợ cho bất cứ ai có thể đưa lại độc lập cho Việt Nam, với điều kiện không phải cộng sản là được.”(BĐ. sđd. tr. 283.)

3.   CÁC TỔ CHỨC KHÔNG CỘNG SẢN ỦNG HỘ BẢO ĐẠI

Nhận thấy tình hình đã thích hợp, ngày 5-9-1947, cựu hoàng Bảo Đại tuyên bố tại Hồng Kông rằng ông sẵn sàng gặp gỡ các lãnh tụ chính trị bất cứ thuộc quan điểm chính trị nào, vào ngày 9-9 để bàn luận và tìm kiếm một kế hoạch hòa bình cho đất nước.  Vào ngày đã định (9-9-1947), có tất cả 24 người đến họp, trong số đó có Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Sâm, Trần Quang Vinh, Trần Văn Lý, Cao Văn Chiêu, Phan Văn Giáo, Lưu Đức Trung. Những người nầy đưa ra một bản tuyên ngôn chung có đoạn viết như sau:
“Toàn thể yêu cầu cựu hoàng Bảo Đại, người đại diện độc nhất, đủ tư cách của dân tộc Việt Nam ra chấp chánh và mở cuộc đàm phán với nước Pháp, hầu tái lập hòa bình ở Việt Nam và thực hiện hòa bình và độc lập.”  (BĐ. sđd. tr. 284).

Sau đó hai ngày (11-9), Nguyễn Hải Thần chủ tọa một cuộc họp tại Hồng Kông với khoảng 30 chính khách như Nguyễn Tường Tam, Trần Văn Lý, Nguyễn Tường Long, Trương Vĩnh Tống, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Tâm, Lưu Đức Trung, Cung Giũ Nguyên...đưa ra một nghị quyết hai điểm: ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại và tranh đấu cho độc lập thống nhất lãnh thổ. (Chính Đạo, sđd. tr. 64)

Trong khi đó, cao uỷ Émile Bollaert thấy khó có thể thương thuyết với VM, nên Bollaert bắt đầu trở nên cứng rắn với VM.  Ngày 10-9-1947, Bollaert đọc diễn văn lần thứ hai tại Hà Đông, nhưng khác với lần trước, lần nầy ngôn ngữ Bollaert mạnh mẽ hơn.

Đây là dấu hiệu cho thấy Pháp muốn chấm dứt nói chuyện với VM, và chuyển qua giải pháp Bảo Đại. Dấu hiệu nầy được lập lại khi gặp O'Sullivan, phó lãnh sự Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 14-9-1947, Bollaert nói rằng bài diễn văn tại Hà Đông ngày 10-9-1947 có ý loại bỏ Hồ Chí Minh và mở đường cho cựu hoàng Bảo Đại.

Ngày 29-12-1947, William Bullitt, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, trong một bài viết trên báo Life, cho rằng tập hợp những nhân vật chính trị chung quanh cựu hoàng Bảo Đại có thể giúp chống Hồ Chí Minh một cách hữu hiệu.  Ý kiến nầy được giới chính trị Pháp cho rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hậu thuẫn “giải pháp Bảo Đại”.(5)

Có hai cuộc biểu tình của dân chúng Việt Nam ở trong nước ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại và kêu gọi cựu hoàng về nước chấp chánh, là cuộc biểu tình ngày 12-8-1947 tại Huế, và cuộc biểu tình ngày 14-9-1947 tại Sài Gòn.  Trong khi đó, chiến cuộc VM - liên quân Pháp càng ngày càng gia tăng.

TRẦN GIA PHỤNG, (Toronto, 01-01-2009)

CHÚ THÍCH
1. Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 397.
2. Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, tt. 241-242. (Viết tắt: BĐ, tr.)
3. Trích dẫn nguyên văn của Trần Trọng Kim.  Ngoài ra, Trần Trọng Kim còn kể rằng khi vừa gặp nhau, cựu hoàng Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim: “Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn”. (Trích nguyên văn).[http://vnthuqua n.net]
4. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập B: 1947-1954, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. tt. 55-56. (Viết tắt: Chính Đạo, tr.)
5. Archimedes Patti, Why Vietnam?, University of California Press, 1980, tr. 457.