Những đợt sóng ngầm chống Cộng mãnh liệt đang chờ cơ hội bộc phát hay là những con người đang đi vào chốn thiền định vô vi? |
Tác Giả: Võ Ðại Tôn | |||
Thứ Tư, 05 Tháng 11 Năm 2008 07:39 | |||
Vị y sĩ chuyên khoa ngoại quốc tại Úc, sau một tuần lễ chữa bệnh cho tôi về nội tạng cũng như tâm thần, ngồi trầm ngâm cố chọn lời nhẹ nhàng nhất để kết luận: "Trong mấy chục năm tôi làm nghề chữa bệnh, Ông là bệnh nhân lạ lùng nhất, vượt ra ngoài những chẩn đoán y khoa thông thường. Một trong những điều lạ lùng mà tôi tự hỏi:- tại sao Ông vẫn còn sống? Xin lỗi Ông khi tôi phải nói lên điều đó". Tôi im lặng mỉm cười. Biết nói gì hơn với một người ngoại quốc? Phải trải qua một chặng đường lịch sử dài hơn nửa thế kỷ của một dân tộc bị đày đọa bởi chiến tranh, nghèo đói lạc hậu, bị cai trị bởi những chế độ mà nền dân chủ chưa được hoàn thiện vì bối cảnh an ninh chung của đất nước, và nhất là bị dìm sâu dưới đáy vực tiền sử của chế độ cộng sản bạo tàn dùng nhà tù và hận thù để tiêu diệt Con Người, thì may ra mới khai thông được phần nào những điều mà vị y sĩ kia đang thắc mắc. Từ mấy chục năm nay, sau khi ra khỏi ngục tù cộng sản, đã bao lần tôi muốn mạo muội thay mặt cho một số bạn tù bị kiên giam, hoặc cho chính bản thân mình, trải lòng lên trang giấy tâm trạng của một người tù chính trị sau khi được tự do. Gọi là thêm phần đóng góp vào tài liệu tham khảo về một trong những thực trạng xã hội cay nghiệt nhất của nhân loại nói chung trong thời đại này, để cho các nhà chính trị, khoa học xã hội, y sĩ và chuyên khoa tâm thần, cũng như các thế hệ mai sau của Việt Nam sẽ tìm hiểu được nỗi đọa đày phải gánh chịu của lớp cha ông trên dòng sinh mệnh nghiệt ngã của dân tộc. Bao lần cầm bút rồi lại ngậm ngùi đắn đo đặt xuống. Nhưng hôm nay, qua lời thắc mắc của vị y sĩ ngoại quốc nói trên, tôi cảm thấy cần phải nói lên một vài nỗi niềm đã muốn che đậy dưới lớp bụi thời gian. Không van xin cầu khẩn. Không ta than nỗi đời. Không tự trách và cũng không oán hờn lòng người dửng dưng. Chỉ muốn viết lên một vài sự thật gọi là khảo luận tự thân và coi như là món quà tinh thần chia sẻ cùng các bạn Tù Nhân Chính Trị: - những người đã thực sự góp máu một lần nữa vào công cuộc giải trừ cộng sản, quang phục quê hương. Những viên gạch lót đường trong âm thầm và cô đơn nhất. Tôi không muốn nhắc lại sự kiện lịch sử đen tối vì sao chúng tôi, mấy trăm ngàn quân-cán-chính miền Nam, và những người còn tiếp tục chống lại chế độ cộng sản Việt Nam, đã bị cầm tù, vì điều đó ai cũng hiểu rõ, nếu còn chút Công Tâm. Ðại đa số những người đành bỏ nước ra đi tìm tự do từ 1975 đến nay và luôn cả hàng triệu triệu người dân còn sống trong nước, mỗi gia đình ít nhất cũng có một hai thân nhân đã bị cộng sản giam cầm hoặc bị chết âm thầm trong các trại tù gọi là "tập trung cải tạo". Ðây là một cái tang chung của dân tộc mà những nhà viết sử sau này cần viết lên đậm nét gọi đích danh thủ phạm là đảng Cộng Sản Việt Nam. Trở lại với bản thân của người tù chính trị đã được tự do. Cho dù đã bị giam cầm tại nơi nào trên quê hương, tập thể lao động hoặc cách ly kiên giam, đã bóc một vài cuốn lịch hoặc mười mấy năm dư, những ai đã bị cộng sản cầm tù chứ không phải "cải tạo" theo mỹ từ Việt Cộng dùng để lừa bịp mị dân, đều mang trong lòng ít nhiều tâm trạng giống nhau tuy hoàn cảnh có vài khác biệt. Những ai chưa hề ở tù cộng sản, dù là bậc trí thức uyên thâm thuộc lòng sách vở cổ kim, dù là nhà chính trị hay khoa học xã hội lão luyện, cũng không bao giờ thấu hiểu được tâm trạng của chúng tôi cùng những nỗi đày đọa tinh thần từ trong quá khứ còn mang theo hiện tại mà chúng tôi đành phải âm thầm gánh chịu. Nỗi cô đơn từ trong trại tù, trong xà lim, trong chuồng sắt, lại biến dạng thành một nỗi cô đơn khác ngoài đời tự do. Cả hai đều nặng trĩu ngập hồn. Tạm ngược dòng thời gian, tâm trạng của chúng tôi nói chung đều bắt nguồn từ kỹ thuật hủy diệt con người tinh vi và trò ảo thuật tuyên truyền dối trá của kẻ thù chiến thắng, từ gia đình, xã hội, mặc cảm nội thân, cuộc sống còn lại trước mắt mà quỹ thời gian ngày càng vơi cạn, và cuộc chiến đấu còn đang dang dở. Trong vòng tay sắt của Cộng Sản Việt Nam Ngay từ khi cưỡng chiếm được miền Nam bằng xảo thuật tuyên truyền, bằng sự vi phạm trắng trợn các hiệp định quốc tế, bằng bạo lực sắc máu, tập đoàn lãnh đạo cộng sản miến Bắc xuyên qua những luận trình nghiên cứu khoa học và lịch sử, phối hợp với thực tế hiển nhiên, đã từng lo sợ phải đương đầu với sự chống đối của nhân dân miền Nam, đặc biệt là hàng ngũ cả triệu quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa. Vì lẽ đó, một mặt họ lo ve vuốt dân chúng tại những vùng vừa bị cưỡng chiếm bằng nhiều chiêu bài lừa bịp mị dân, một mặt lo tìm phương tiện và địa bàn để cách ly những người thuộc chế độ cũ. Họ không phải đợi đến sau ngày 30.4.1975, khi đã thành lập các ủy ban quân quản tại các địa phương, mới bắt đầu tung ra những trò xảo quyệt để lấy lòng dân. Tôi còn nhớ rõ, vào những ngày đầu tháng 4 năm 1975, khi tôi nhận lệnh cùng một số đồng đội về Quân Ðoàn 4 trong một công tác đặc biệt, ban điệp báo của chúng tôi đã khai thác được một chỉ thị của Cục "R" Việt Cộng gửi cho các toán tuyên vận nội thành của họ. Nội dung cho lệnh tuyên truyền rỉ tai trong dân chúng là khi Việt Cộng chiếm được miền Nam thì sẽ có một cuộc tắm máu tiêu diệt hết "ngụy quân ngụy quyền", chọn các thiếu nữ xinh đẹp miến Nam để gả cho các thương phế binh Việt Cộng gọi là đền ơn đáp nghĩa "cách mạng", phụ nữ nào có tóc uốn quăn và móng tay sơn đỏ hồng thì sẽ bị cạo đầu và rút móng tay. Chính cấp trung ương Cục của Việt Cộng đã ra lệnh tuyên truyền như vậy. Dân chúng lúc bấy giờ rất hoang mang dao động tinh thần và một số đông phụ nữ đã tự động cắt tóc, cạo móng tay. Bầu không khí lo sợ Việt Cộng trả thù bao trùm khắp nơi. Nhưng đến khi chúng gần tiến chiếm được Saigon, vào cuối tháng 4 - 1975, lại có một bản chỉ thị khác được tung ra ngay, cũng phát xuất từ trung ương Cục "R". Nội dung hoàn toàn trái ngược với chỉ thị trước đó. Lần này ra lệnh cho các đơn vị bộ đội miền Bắc phải triệt để giúp đỡ dân chúng, tiếp tế gạo muối, đối đãi ân cần lễ phép với mọi người, nhất là phải cố gắng lịch sự tối đa với phụ nữ. Ðấy là một âm mưu dân vận xảo quyệt nhất, đen-trắng-xám cũng đều do cấp lãnh đạo Việt Cộng tạo ra. Một mặt họ vờ đối xử tử tế với dân, mặt khác lại đi tuyên truyền là những điều mà người dân đã từng lo sợ về vụ tắm máu, cạo đầu, rút móng tay, cưỡng ép thiếu nữ lấy thương phế binh... đều do "Mỹ Ngụy" tung ra để chống Cộng. Trong lúc giao thời chưa rõ thực hư, một số đông dân chúng miền Nam đã cả tin vào những lời tuyên truyền sau này của Việt Cộng, thấy bộ đội miền Bắc "dễ thương và hiền quá", lại thấy cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ chạy di tản hết, người dân vô tình "hồ hởi phấn khởi" tiếp đón cộng sản vào Nam với vòng tay lớn thân thương!!! Tạm yên về mặt tâm lý quần chúng, cộng sản lại dùng thủ đoạn dần dần cách ly quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi miền Nam, "gọi đi trình diện học tập vài tháng" rồi lưu đày biệt xứ ra Bắc để triệt tiêu mọi mầm mống chống đối nổi loạn. Từ địa bàn giam cầm, tập trung lao động, dinh dưỡng, khai báo, đặt nội tuyến trong hàng ngũ tù nhân, mọi chi tiết đều được tập đoàn lãnh đạo cộng sản điều nghiên tỉ mỉ theo từng biến động tình hình. Thậm chí họ cũng họp bàn mỗi khi muốn ban phát một điếu thuốc lào, một thìa đường hoặc muối, giấy phép thăm nuôi tiếp tế, cho từng đối tượng tù nhân mà họ gọi là "cải tạo viên". Ðiều này các bạn Tù Chính Trị đã được tự do, đều có viết lại trong các tập hồi ký, mọi người ở hải ngoại đã đọc rõ. Ngay bản thân tôi cũng đã từng nêu trong cuốn "Tắm Máu Ðen" đã xuất bản ngay sau ngày trở về Úc, 1992 (tái bản tại Hoa Kỳ năm 2000). Vì lúc nào cũng canh cánh lo sợ chúng tôi uất hận đến mức phải vùng lên đòi quyền sống của con người, cho nên những kẻ gọi là chiến thắng đã dùng mọi thủ đoạn ác độc nhất để hủy diệt tinh thần và thể xác chúng tôi. Dùng thủ đoạn trong bóng tối vì dù sao họ cũng có phần lo ngại quốc tế biết được thì họ sẽ gặp bất lợi về tuyên truyền ngoại giao. Và lúc nào họ cũng muốn chuẩn bị trước những vấn đề liên quan đến từng đối tượng gọi là nguy hiểm để phòng khi hữu sự thì đem ra khai thác có lợi cho họ. Nào những "tác phẩm" do chính phòng Phản Gián của Bộ Nội Vụ (Công An) CSVN viết đi sửa lại, tiểu thuyết hóa với bao điều ngụy tạo lạ lùng như "Chân dung tướng Ngụy", "Bộ mặt thật của CIA-Mỹ", "Kế hoạch Z của Võ Ðại Tôn", "Từ bóng tối đến ánh sáng", "Chính sách khoan hồng nhân đạo của Ðảng". "Ảo vọng Ðông Tiến của Hoàng Cơ Minh"& cùng những bản gọi là "Tự khai, Tự Thuật", những đơn xin khoan hồng, những cuộc phỏng vấn phát thanh truyền hình dàn dựng "học thuộc lòng" chu đáo, của các tù nhân đã được nhiều người biết đến. Nào những tấm ảnh đã được đạo diễn khôn khéo cho tù nhân đi "tham quan" các nơi trước khi được thả về. Tất cả đều được tồn kho lưu hồ sơ chờ lúc cần thiết thì cho tung ra tại quốc nội cũng như hải ngoại để làm lũng đoạn niềm tin cộng đồng và vô hiệu hóa cuộc chiến đấu tiếp tục của tù nhân chính trị. Có những "tác phẩm ngụy tạo" như trên đã được CSVN cho tái bản ba bốn lần và chuyển ra hải ngoại. Tiếc rằng đã có một vài tờ báo gọi là "quốc gia" vui mừng trích đăng mà không kèm lời phê phán âm mưu thâm độc của CSVN, và không có nhận định khách quan với lương tâm chức nghiệp truyền thông để binh vực cho hoàn cảnh của tù nhân chính trị. Cá nhân tôi, vì từ hải ngoại trở về, mà người cộng sản gọi là "tên trùm phản động, điệp viên CIA" cũng nằm trong thành phần "được họ chiếu cố" đặc biệt, che trước chắn sau, bao vây mọi mặt, áp đảo tinh thần và lưu hồ sơ ngụy tạo từng chi tiết nhỏ để phòng hữu dụng về mặt tuyên truyền sau này. Ðiều đó đã xảy ra. Nếu anh em tù nhân chính trị nào "yếu bóng vía" sợ dư luận vô tình hay phũ phàng "chụp mũ", không đủ lời biện bạch, thì đành phải im lặng rút vào bóng tối yên thân. Như vậy, người cộng sản lại thắng thêm một lần nữa, như bóng ma theo dõi cuộc đời của tù nhân chính trị. Chính tên Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ CSVN Lê Minh Hướng trước đây (sau này là Bộ Trưởng Công An và đã qua đời) đã từng nói với tôi trước giờ tôi được tự do và bị trục xuất về lại Úc (ngày 11.12.1991), sau khi bị biệt giam 10 năm 1 tháng 17 ngày : "Anh được Ðảng và Nhà Nước khoan hồng cho làm lại cuộc đời thì phải có những lời tuyên bố trung thực về chính sách nhân đạo của Ðảng. Nếu anh còn ngoan cố chống đối chúng tôi, tất nhiên chúng tôi cũng sẽ có cách làm cho đám Việt kiều phản động ở nước ngoài không ai tin anh cả. Chính họ sẽ vô hiệu hóa sự hoạt động chống phá Cách Mạng Việt Nam của anh đấy. Chúng tôi sẽ có cách, tùy anh suy nghĩ và tự quyết!" Suốt trong cuộc chiến, người cộng sản đã tìm hiểu mọi chương trình huấn luyện, khả năng quân sự, trình độ văn hóa, cuộc sống hàng ngày của tầng lớp quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày chiếm được miền Nam, nhờ có hồ sơ cá nhân còn lưu lại trong các Nha Sở (chưa kịp hủy bỏ), họ lại được dịp tìm hiểu cặn kẽ thêm lý lịch của từng đối tượng tù nhân chính trị, phối hợp với những điều họ bắt buộc tù nhân khai đi báo lại cả mấy chục lần suốt mấy năm đầu gọi là "cải tạo". Có người trước khi được thả về vì một hoàn cảnh hoặc điều kiện nào đó còn phải khai báo thêm một lần cuối để lưu hồ sơ. Tất nhiên là anh em tù nhân chính trị phải "giả dại qua ải", vừa viết vừa lách cho khôn khéo. Vỏ quýt dày móng tay nhọn gặp nhau ở điểm này. Vì đã nắm được cái gọi là "toàn bộ lý lịch" của tù nhân chính trị như vậy, người cộng sản lúc nào cũng nhận thức rằng đây là một lực lượng chống cộng mãnh liệt nhất, không dễ gì tẩy não được. Với thâm tâm hận thù, lo sợ, và bản chất dã man, tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam lúc nào cũng muốn tiêu diệt hết cả khối tù nhân chính trị miền Nam để trừ hậu họa, nhưng vì còn e ngại quốc tế sẽ lên án vi phạm nhân quyền trắng trợn cho nên họ dùng thời gian làm vũ khí để giết chúng tôi. Giam tù không xét xử, vô hạn định. Cứ vài ba năm lại ký thêm một "án lệnh" bắt tiếp tục tập trung lao động vì "chưa cải tạo tốt". Ngoài thời gian "cao su" đó, họ còn dùng phương cách lưu đày biệt xứ để cách ly gia đình, lam sơn chướng khí, lao động nhọc nhằn vượt quá sức chịu đựng và phẩm giá của con người, ăn uống thiếu dinh dưỡng, chèn ép tình cảm, gây chia rẽ hận thù nội tuyến, để triệt tiêu chúng tôi trong bóng tối. Ai còn may mắn sống gượng được để trở về với tự do thì cũng thân tàn ma dại, không còn đủ sức đối kháng. Tâm trạng của chúng tôi lúc nào cũng chênh vênh bên bờ vực thẳm, sống không nổi mà chết cũng không xong, u uất, thất vọng, hận thù chồng chất hoặc buông xuôi quên cả bản thân mình là Con Người. Rồi đến khi tình hình có gì đột biến hoặc tự thấy đã giam cầm chúng tôi quá lâu, không có công pháp quốc tế nào có thể chấp nhận được điều dã man trắng trợn này, thì người cộng sản buộc lòng phải trả tự do cho tù nhân chính trị về đoàn tụ với gia đình hoặc trục xuất ra khỏi nước gọi là "chính sách khoan hồng nhân đạo"! Nhưng trước khi thả, họ vẫn sắp đặt chu đáo nhiều phương án để vô hiệu hóa khả năng tiếp tục chống đối của chúng tôi. Họ ngụy tạo hồ sơ, giả mạo chữ ký, thêm bớt nhiều điều đã bắt tù nhân khai báo trong suốt thời gian giam giữ, đạo diễn quay phim chụp ảnh, phỏng vấn, chiêu đãi vuốt ve, cho đi "tham quan" một vài thắng cảnh, thăm lăng Hồ Chí Minh, như đã nói trên, để chờ có dịp thì sẽ tung ra sau này (qua các tờ báo tay sai hoặc bọn nằm vùng, thư nặc danh phát tán trên các mạng lưới thông tin, tài liệu ngụy tạo gửi các hội đoàn...) hòng phản công lại những sự thật mà anh em tù nhân nào còn muốn tiếp tục chống đối họ trong các sinh hoạt chính trị công khai tại hải ngoại. Ðấy cũng là một âm mưu thâm độc dùng để tiếp nối việc hủy diệt tù nhân chính trị sau khi được tự do, và làm lũng đoạn Niềm Tin trong cộng đồng hải ngoại. Nhưng thế vẫn chưa đủ, họ còn tìm cách làm cho người tù phải sống trong hoang mang, hy vọng đủ điều trước ngày giờ được tự do. Họ bày vẽ ra nhiều hoạt cảnh xa thực tế ở ngoại quốc, cho loan truyền tin đồn thất thiệt đầy cả màu hồng, đối với tù nhân nào sắp được xuất ngoại để làm cho người tù sống trong ảo tưởng với tràn trề hy vọng về cuộc sống mới. Ðến khi va chạm thực tế, nếu không có điều gì được hài lòng về chính trị xã hội thì chính người tù phải mang tâm trạng chán chường thất vọng, bi quan yếm thế và không còn muốn "nhập cuộc" tiếp tục đấu tranh chống cộng. Tất nhiên là đa số chúng tôi, với kiến thức và kinh nghiệm cuộc sống, qua tin tức gia đình và thân nhân bạn bè, cũng biết được trò tuyên truyền bịp bợm của cộng sản hòng lũng đoạn tinh thần chúng tôi, nhưng vì là con người vừa từ bóng đêm rùng rợn của địa ngục bước ra cho nên luôn mang trong lòng ước vọng được thấy lại ánh sáng mùa Xuân trước mắt, ánh sáng tự do đổi đời. Vì lẽ đó, một số đông chúng tôi đã và đang sống trong tâm trạng căng thẳng giữa nhiều thực trạng phũ phàng của xã hội bên ngoài. Trong những lần qua Mỹ sinh hoạt, tôi có dịp may mắn gặp lại một số chiến hữu vừa được tự do, đi theo diện H.O., tâm sự cho biết: "Trong thời gian chờ đợi xuất ngoại, có nhiều tên cán bộ CSVN lân la đến thăm hỏi và vờ đưa cho xem nhiều bức thư ngụy tạo từ ngoại quốc gửi về, nội dung viết là chính phủ Hoa Kỳ vì 'muốn chuộc lại lỗi đã bỏ rơi đồng minh' sẽ cho anh em tù nhân chính trị hưởng mọi trợ cấp ưu đãi nhất, thậm chí còn cho truy lãnh lương tiền theo tỷ lệ số năm tù, các hội đoán hải ngoại sẽ tổ chức tiếp đón nồng hậu, gia đình đang chờ đợi trong cảnh giàu sang hạnh phúc..." Ðến khi sống trong thực tế tại nước ngoài với vết thương tù chưa thành sẹo thì một số anh em bị ngỡ ngàng trước bao nỗi niềm chua xót. Từ đó, chỉ muốn an phận qua ngày, âm thầm, cô đơn, mỏi mòn với hận thù quá khứ, hờn tủi trong hiện tại, vô vọng trước tương lai với tuổi già sức yếu và bệnh tật. Thay vì nung nấu trong lòng với mối hận thù đối với chế độ cộng sản đã nhẫn tâm hủy diệt một phần đời mình để tiếp tục đấu tranh, một số tù nhân trong cảnh ngộ này, lại mang tâm trạng chán chường. Ðấy lại là một âm mưu thâm độc nữa của CSVN để tiếp tục vô hiệu hóa mọi khả năng chống đối của lực lượng chống cộng hùng hậu tại hải ngoại. Trở về với gia đình thân yêu Không có một người tù nào không mang trong lòng nỗi nhớ thương và mơ ước được đoàn tụ với gia đình, siết chặt trong vòng tay người vợ thương yêu và những đứa con sau bao tháng năm dài xa cách. Bao nhiêu là mộng đẹp đã nâng niu từng đêm trong cảnh sống đọa đày. Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng toàn vẹn hạnh phúc, những đổ vỡ nát tan vì hoàn cảnh chia lìa bao tháng năm không phải là chuyện bất ngờ chỉ có trong tiểu thuyết. Có người tù khi được trở về thì bơ vơ lạc lõng, gia đình đã di tản từ lâu, không nơi nương tựa. Có người lại gặp cảnh phũ phàng, vợ vì hoàn cảnh sống phải đành lấy chồng khác, con cái thất tung. Ðau đớn nhất là trong thời gian mình đi tù thì có những tên cán bộ công an CS đến dùng quyền lực để quyến rũ, lừa gạt, chiếm đoạt vợ con, nhà cửa của mình, đến khi trở về thì bẽ bàng, nổi trôi, vất vưởng, hận thù chất ngất trong lòng. Thực tế cay đắng với tâm trạng chán chường, biết hận ai đây? Hận thù CS thì cũng không làm gì được trước hoàn cảnh bơ vơ. Còn một số anh em được ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình đã định cư trước đây thì cũng không phải là toàn vẹn ước mơ. Ðã có bao nhiêu gia đình tan nát vì hoàn cảnh, vì thời gian? Không ai thống kê được số lượng này vì thuộc về tình cảm riêng tư, người trong cuộc thì muốn che giấu vì nhiều mặc cảm với đời. Nếu chưa đến nỗi tan nát thì dù sao đi nữa, hình ảnh "hoàng tử ngày xưa" của người chồng mới ra tù trong lòng người vợ cũng chỉ là một tiếng thở dài, ngượng ngập. Hình hài biến đổi tang thương quá. Ngày nào còn quyền uy sung túc, công danh địa vị, tuổi trẻ hào hoa, bây giờ chỉ là một lão già lẩm cẩm mang đầy bệnh tật, lạc hậu, trắng tay. Ðàn con thì đã sống lâu ở xứ người, hình hài là Việt Nam nhưng đầu óc suy nghĩ theo lối Mỹ lối Tây, không biết gì về cội nguồn xứ sở, về quá khứ cha ông, đã gặp lại cha mình trong cái nhìn xa lạ dửng dưng. Tình cảm phụ tử dường như bị dựng lên một vách tường ngăn cách, lạnh lùng. Hình ảnh của những đứa con mang trong tâm tưởng suốt những năm tháng tù đày bây giờ đã hiện ra trước mắt, nhưng không phải là những điều đã mơ. Chẳng phải lỗi tại mình, chẳng phải tại lỗi vợ con. Tâm trạng này chỉ biết âm thầm nén xuống tận đáy lòng, gửi qua khói thuốc cô đơn vào những đêm khuya vắng. Rồi lại tự thấy mình trở thành gánh nặng trong cuộc sống đã ổn định của vợ con, phải chịu lụy như sống bên lề. Thất cơ lỡ vận. Ðã bao lần muốn vùng dậy để làm cuộc sống mới, chứng tỏ vẫn còn phong độ, đền đáp nghĩa tình gia đình, nhưng thực tế lại không như ý tưởng. Tuổi già sức yếu, tinh thần chưa ổn định, biết làm sao hơn? Tự cảm thấy mình đang bị tụt hậu trong cuộc chạy marathon đường dài rồi bỗng nhiên bỏ cuộc lúc nào không hay. Sống tạm qua ngày như một loại dây leo. Mặc cảm Khi được tự do, điều trước tiên người tù chính trị cảm thấy mình trở nên quá lạc hậu trước đời sống văn minh đã đổi thay với tốc độ ánh sáng. Trước 1975, không phải người quân nhân cán bộ nào cũng được đi tu nghiệp hoặc công du xứ người. Ðối với một số đông anh em, lần đầu tiên được ra nước ngoài theo diện đoàn tụ với vợ con đã phải ngỡ ngàng trước cảnh sống mới đầy đủ vật chất và khoa học kỹ thuật tân tiến. Ngay cả bản thân tôi, dù trước đây đã sống nhiều năm ở ngoại quốc, nhưng sau hơn mười năm tù trở về cũng tự thấy mình như người rừng rú. Trố mắt nhìn máy vi tính chẳng biết sử dụng ra sao, không dám bấm nút video, nghe nói đến điện thoại truyền hình là như nghe chuyện phong thần huyền thoại. Máy móc tân tiến phục vụ cho đời sống thường nhật trong nhà, xe cộ, đường sá thênh thang, tất cả đã làm choáng ngợp, phải chui vào vỏ ốc tiền sử của thế giới riêng mình. Thậm chí những ngày đầu ngồi nhìn bát cơm trắng mà chẳng dám ăn vì không biết có phải là sự thực hay mơ. Bên cạnh sự lạc hậu bẽ bàng như vậy, còn có sự so sánh thấy mình quá già nua, thân xác tiều tụy, trí nhớ mông lung, lẩm cà lẩm cẩm, "hội chứng lao tù" với sự nóng giận, tự ái bất chợt dằn vặt ngày đêm, không theo kịp với nhịp sống mới vốn rất bình thường chung quanh. Vốn liếng kiến thức chỉ là những năm tháng tù đày, kể ngắn thì không hết chuyện, thuật dài thì người nghe đâm chán, xoay quanh thì cũng chỉ thấy mình còn đang bị bao vây bởi dây kẽm gai, cuốc đất trồng rau, bón phân tưới nước, cơm hẩm muối nhạt, xà lim hoang lạnh. (Mặc dù cá nhân tôi bị biệt giam hơn mười năm, không được sống tập thể lao động, nhưng tôi hiểu được điều đó). Không còn là thời sự nữa, tất cả quá khứ đã bị cuốn xoay vào các lớp sống sinh hoạt nhộn nhịp thực dụng hàng ngày. Từ đó, tâm trạng của người tù chính trị bị dằn vặt bởi hai loại mặc cảm: Tự Ti và Tự Tôn. Tự Ti, vì thấy mình bị thua sút quá trong cuộc sống mới này, đối với gia đình và ngay cả bản thân. Tự Tôn vì cho rằng mình đã góp xương máu thực sự vào nỗi thăng trầm của đất nước quê hương, không ai được quyền phê phán, ta cứ ngẩng cao đầu ngạo nghễ mà sống. Gặp lại bạn bè trà dư tửu hậu thì tụm nhau kể lể những cái gọi là "hào quang quá khứ", những cuộc hành quân, những chuyện vui buồn đời tù, coi như tự mình đang ngồi chùi lại cho sáng những tấm huy chương ngày nào... ngại rằng đời sẽ quên ta! Vết tù là một vết chàm lịch sử, khắc sâu như nét Thát Ðát ngày xưa. Cuộc sống còn lại trong xã hội Những yếu tố khách quan tiêu cực trong xã hội, đối với người còn kẹt lại trong nước thì đã bị bao vây xâm chiếm đến độ quen rồi, coi như là cuộc sống bình thường, không còn bận tâm phê phán nữa. Còn ở hải ngoại cũng vậy, cuộc sống "di tản đổi đời" vàng thau lẫn lộn cũng đã làm cho những người ra đi từ trước trở thành "vô nhiễm", coi như là những chuyện tiếu lâm. Nhưng đối với anh em tù nhân chính trị vừa mới được tự do, ôm mộng tưởng từ trong trại tù bước ra còn ở lại quê hương hay đã được xuất ngoại đều mang tâm trạng hẩng hụt, lạ lùng. Ðặc biệt đối với số anh em được định cư đoàn tụ với gia đình tại nước ngoài, hoặc như bản thân tôi đã xa hải ngoại hơn mười năm dài, cuộc sống trong xã hội cộng đồng dường như có một bức tường vô hình chắn ngang. Lúc nằm trong tù thì tự vẽ ra trong óc bao nhiêu dự án cho cuộc đời còn lại của mình và cho cuộc đấu tranh chống cộng nói chung, chờ mong ngày thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng thì cố gắng lắp ghép lại với những sinh hoạt bên ngoài cho thành "đại sự". Nhưng thực tế như một cơn mưa lạnh, lòng tù nhân lại càng run rẩy. Cuộc sống cộng đồng tưởng rằng náo nhiệt trong sinh hoạt đoàn kết đấu tranh, triệu lòng như một, nhưng chỉ thấy phần lớn đang náo nhiệt cho đời sống riêng mình. Mấy năm gần đây lại có số người ồ ạt về quê hương du lịch hoặc đầu tư thương mại, vung tiền vui chơi thỏa dạ, quên mất câu nói đầy sỉ nhục đối với cộng đồng chúng ta của Phạm Văn Ðồng trước đây: "Bọn bỏ nước ra đi là đồ phản quốc, tham nhũng, đĩ điếm, trốn chạy nợ máu nhân dân". Bây giờ thì lại trở thành "Khúc ruột sa nghìn dặm thân thương của Tổ Quốc". Nhìn cuộc sống mới, từ địa ngục trở về, người tù chính trị bao lần tự hỏi: - Thân ta bị tù đày suốt bao năm dài vô ích quá phải không? Dòng đời vẫn bình thản chảy trôi còn số đông anh em tù nhân chính trị chúng tôi thì như những khúc củi từ rừng xa xuôi về, bị cuốn giạt vào bờ hoặc tự trôi tìm ốc đảo nương thân. Tìm thăm một số bạn bè quen biết đã định cư sau ngày quốc nạn đến nay nơi xứ người thì bị choáng ngợp trước cảnh giàu sang sung túc tất nhiên phải có của họ. Hơn mấy thập niên rồi thì cho dù không có cơ may hoạnh phát cũng đủ dư thừa vật chất qua sức lao động cần cù. Bước chân tù đạp lên những tấm thảm lót nền nhà tráng lệ mà cảm thấy như lòng mình chùng xuống. Mừng cho bạn, thương cho mình. Tình cảm bạn bè vẫn còn đó nhưng sao tự thấy xa lạ, có phải vì mặc cảm hay không ? Trong cốc rượu mừng người về từ cõi chết, tiếng bạn cười hả hê yêu cầu kể lại toàn những chuyện tiếu lâm trong tù, những chuyện "cán ngố", để nghe cho vui. Hỏi về chuyện đấu tranh chống cộng thì bạn dửng dưng trả lời: "Thôi ông ơi, ông già rồi, vả lại đã đi tù gần chết mà còn chưa sáng mắt ra hay sao, đấu với đấm làm gì nữa? Nào, kể chuyện tù nghe chơi, dẹp mấy chuyện chính chị chính em sang một bên đi...!" Ðấy là lời bạn nói, rồi ai về nhà nấy, cuộc đời lại tiếp tục trôi đi. Nếu có một số anh em tù nhân chính trị nào còn muốn bày tỏ thái độ bất khuất, tiếp tục công khai tranh đấu để vạch trần sự thật về chế độ lao tù đầy thù hận và sắt máu của CSVN trước dư luận cộng đồng cũng như quốc tế, đòi lại danh dự con người đã bị tập đoàn lãnh đạo cộng sản dã man chà đạp, góp công cứu những đồng đội còn kẹt lại, thì lập tức cơ quan tuyên vận nằm vùng tại hải ngoại của công sản tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ với nhiều trò ảo thuật ngụy tạo. Một số người đã mang sẵn trong lòng nhiều đố kỵ cá nhân, nhiều ganh ghét vô lý hoặc hiểu lầm nông cạn, nghi ngờ đủ điều, lại vin vào đấy để vùi dập thêm tinh thần của tù nhân chính trị. Niềm tin lại thêm một lần băng hoại, người tù giật mình chới với, đớn đau. Tự hỏi: "Tại sao?" Thay vì giúp đỡ nâng người tù đứng dậy, chung vào hàng ngũ đấu tranh, thì có người lại dùng "ác khẩu", tin tức nặc danh, để thêu dệt đủ điều, soi mói đủ chuyện, bàn luận xuyên tạc bên cốc rượu chung trà làm cho một số anh em tù nhân chính trị cảm thấy chán chường, ngao ngán. Họ được thỏa lòng ganh tỵ còn người cộng sản thành ngư ông thủ lợi. Tôi chợt nhớ đến mẩu chuyện trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư tiểu học ngày xưa, người đi đường bị chó đuổi, căm tức, vờ la lên "chó dại" là cả làng bủa ra vây đánh con chó đến chết. Ác khẩu là vậy. Từ những sự kiện đại loại như thế, người tù chính trị mang tâm trạng ngao ngán, lòng ta ta biết, chí ta ta hay, hoặc tự trở về với nỗi cô đơn, yếm thế, như lời thơ Cụ Nguyễn Du: "Sự đời đã tắt lửa lòng Còn chen vào đám bụi hồng làm chi?" Không cảm thông nỗi đau đớn tủi nhục của người tù trong quá khứ, không giúp nâng người tù đứng dậy trong sinh hoạt hiện tại, mà lúc nào cũng có người "phán" những câu nghi ngờ nối giáo thêm cho kẻ thù: "Bị đày đọa như vậy mà sao còn sống được? Tại sao không chết trong tù? Tại sao lại được thả ra? Có cam kết điều gì với cộng sản không? Coi chừng nằm vùng đấy!..." Cũng từ đó và vì thế, có một số anh em tù nhân chính trị đã đi tìm đạo học Thiền, coi đời là cõi Vô Vi, chán ngán nhân tình thế thái, hoặc tìm nơi nào cách xa phồn hoa đô hội, không sinh hoạt cộng đồng, để sống yên thân cho qua ngày tháng còn lại. Chìm sâu trong âm thầm lặng lẽ, cách biệt bạn bè, xã hội cộng đồng mất đi những cán bộ đấu tranh dày dạn kinh nghiệm và hàng ngũ quốc gia thêm phần phân tán. Ðối với cuộc chiến đấu còn đang tiếp diễn Ai cũng biết, muốn xây dựng lâu đài Tự Do cho quê hương Việt Nam thân yêu, cần phải có nhiều tay thợ đủ ngành nghề. Lẽ ra hàng ngũ tù nhân chính trị, nếu được nuôi dưỡng tinh thần chính đáng, dẹp bỏ tiểu dị để chăm lo đại đồng, là một lực lượng chống chế độ cộng sản hùng hậu nhất. Ðặc biệt là tại hải ngoại vì có nhiều hoàn cảnh và môi trường sinh hoạt dễ dàng hơn trong nước đối với anh em còn kẹt lại chưa được xuất ngoại đoàn tụ gia đình hoặc không muốn ra đi. Hùng hậu, vì đã từng trực diện với CSVN, đổi kinh nghiệm sống còn bằng chính máu mình, hiểu rõ mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, có nhiều thời gian trui rèn ý chí và nghĩ suy sắp sẵn nhiều dự án trong đầu, tuổi đời chín chắn. Trong cục diện đương đầu với CSVN hiện nay cũng như trước đây, lúc nào chúng ta cũng cần quan niệm đây là cuộc chiến đấu của Toàn Dân, của sự Kết Hợp Lòng Người. Không ai có thể đơn độc hành động. Lực lượng tù nhân chính trị lúc nào cũng là mối lo sợ của tập đoàn lãnh đạo cộng sản nếu xã hội cộng đồng quốc gia nói chung biết chân thành tận dụng tâm lý và kinh nghiệm của đa số anh em chúng ta. Trong thời gian chúng ta bị tù đày thì các tổ chức đấu tranh, cộng đồng, đã cố gắng tạo ra nhiều phong trào vạch trần vi phạm nhân quyền của CSVN, đòi công luận quốc tế buộc họ phải trả tự do cho chúng ta. Ðấy là điều phải làm đúng với lương tâm và tình chiến hữu. Nhưng khi chúng tôi được trở về với tự do rồi thì công cuộc đấu tranh còn phải tiếp nối đường dài. Như đã nói ở trên, tâm trạng của anh em tù nhân chính trị không phải là van xin cầu khẩn lòng thương hại của bất cứ ai, cũng không ta thán oán hờn, nhưng vì xã hội cộng đồng đã vô tình đưa đẩy một số anh em chúng ta vào thế tiêu cực, nản lòng. Ðiều tác hại nhất làm nao chí anh em là những lời xuyên tạc đố kỵ đầy ác ý của những kẻ thiếu lương tâm trong sáng, rỉ tai truyền miệng những lời vu khống, moi móc đời tư quá khứ mông lung nào đó để làm đề tài chuốc rượu hả hê vui cười. Từ đó, có một số anh em chán chê bỏ cuộc, sống âm thầm bên lề cuộc đấu tranh chung. Còn những tù nhân chính trị nào tiếp tục quyết liệt bày tỏ Thái Ðộ sống còn trong việc góp sức vào công cuộc giải trừ cộng sản, quang phục quê hương, thì lại cảm thấy mình quá cô đơn vì việc góp công cứu nước đâu chỉ có một tổ chức với vài trăm chiến hữu thâm tình. Hoạt động âm thầm hay chừng mực thì bị bao kẻ ngồi lê chụp mũ là đã bị "thấm đòn thù" cho nên không dám làm mạnh, hoặc đã an phận thủ thường, bỏ cuộc. Hoạt động năng nổ hăng say thì bị xuyên tạc là háo danh tham lợi, bị vạch lá tìm sâu qua những khiếm khuyết vô tình. Chưa kể đến âm mưu rình rập ngày đêm của cán bộ cộng sản hải ngoại hoặc tay sai để gây thêm chia rẽ và phân tán niềm tin còn lại trong cộng đồng tỵ nạn nói chung. Một tấm hình do CS dàn dựng trước, một tờ đơn xin khoan hồng bị bắt buộc ký trong vòng vây khổ nạn, một bản khai đã bị sửa đổi thêm bớt, được CS tung ra đã trở thành những cây "gậy sắt" để cho một số người chụp lấy mà "quất sụm" những anh em nào còn có lòng muốn góp công vào đại nghĩa Dân Tộc, tiếp thêm chứng từ vào bản cáo trạng chống lại chế độ CSVN. Người tù chính trị trở thành nạn nhân của hai nguồn dư luận ác ý đó, quay quít trong sinh hoạt mới từ địa ngục trở về. Một số anh em chúng ta , khi được trở về với tự do thì lại bị dằn vặt giữa nhiều trạng thái tâm lý ngổn ngang: - Chán nản thì lại tiếc cho máu xương của mình đã hao phí vô ích trong các trại tù suốt quãng đời trung niên, ngậm ngùi nhớ lại những cái chết đau thương không nhắm mắt của bạn đồng đội. - Còn tiếp tục đấu tranh thì bị phủ đầu bởi bao nỗi oan khiên vô lý, chưa kể đến sự than vãn ngày đêm của gia đình và nỗi cô đơn của bản thân ít người hiểu được. - Với sự dồn nén tâm lý u uất sau nhiều tháng năm lao tù, tâm thần chưa ổn định, tự cho mình "lạc hậu" trước thực tế hải ngoại, một số đông tù nhân chính trị mặc nhiên chọn cho mình thế đứng "khán giả, trọng tài" để khen-chê mọi sinh hoạt cộng đồng hoặc đấu tranh trong môi trường mới, chứ không chịu ghép mình thành "diễn viên" trên sân khấu chính trị chống cộng hoặc trên đấu trường cách mạng bản thân và tập thể. Tạm kết Không phải chỉ riêng anh em tù nhân chính trị mà toàn thể dân tộc chúng ta ngày nào chưa thấy được ánh sáng của Tự Do Dân Chủ và Nhân Bản trên quê hương đau khổ thì ngày đó còn tự cảm thấy cuộc đời tạm dung là vô nghĩa, vật chất dư thừa tại hải ngoại nói riêng nếu có được cũng chỉ là phù du. Nhưng vì những suy nghĩ này được viết ra trong sự lắng đọng của tâm hồn trải qua bao cuộc sóng gió của nội tâm và ngoại cảnh, tôi xin tạm được phép thay mặt cho một số bạn bè tù nhân của chúng tôi đã thoát cũi sổ lồng để nói lên đôi chút nỗi niềm của Tù Nhân Chính Trị đối với Tổ Quốc thân yêu. Ðược hy sinh ngoài trận tuyến hoặc bị kẻ địch cầm tù vì đấu tranh cho sự sinh tồn của Tổ Quốc Tự Do là niềm Vinh Dự tối cao của người công dân có lý tưởng chân chính. (Xin có một lời nhắn chân thành đến các chiến hữu tù nhân chính trị: - mong quý bạn đừng bao giờ theo thói quen lặp lại danh từ "cải tạo" mị dân, lừa bịp vô nhân đạo mà CSVN đã trịch thượng gán ép cho chúng ta, như có người thường nói "Tôi đi cải tạo 12 năm tại miền Bắc hoặc 5 năm tại miền Nam..." Không ai có quyền "cải tạo" lòng yêu nước của chúng ta, chính nghĩa đấu tranh của chúng ta! Vì là nạn nhân của thời cuộc, của bài toán chính trị toàn cầu do các cường quốc áp đặt lên thân phận của một nước nhược tiểu thiếu lãnh đạo chân chính, nạn nhân của một chế độ CS phi nhân dùng chính sách trả thù dã man để hủy diệt mọi mầm mống chống đối, chúng ta đành chấp nhận hoàn cảnh tù đày nhưng vẫn ngang nhiên ngẩng cao đầu mang danh hiệu TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ, chứ không phải và không bao giờ là "cải tạo viên"!) Một số anh em tù nhân chính trị vì hoàn cảnh và môi trường sinh hoạt phải mang tâm trạng nhiều mặc cảm: - tuổi già sức yếu, nội thương bị tra tấn chưa lành, lạc hậu với nền văn minh hiện đại. Văn hóa và nhất là ngoại ngữ chưa đủ thời gian trau giồi lại, gia đình một số bị chia lìa tan nát, sự ngăn cách cảm thông giữa hai thế hệ già trẻ, anh em cảm thấy mình bị thua sút về nhiều phương diện đối những người đi trước, các hội đoàn đấu tranh bị ít nhiều phân hóa, tinh thần bị nhiều kẻ "thời cơ" lợi dụng, lòng người vẩn đục Niềm Tin... Người tù chính trị nói chung vẫn còn mang trong lòng chữ Tâm trong sáng. Nếu có anh em nào "rửa tay gác kiếm" tìm chốn an phận vô vi thì xã hội cộng đồng cũng cần phải cảm thông vì mỗi con người chỉ có một giai đoạn phục vụ. Những năm tháng bị tù đày cũng là một giai đoạn phục vụ cam go nhất đời. Còn nếu có anh em nào, nhờ hoàn cảnh và sức khỏe chưa đến nỗi nhược lắm, vẫn còn tự nguyện dấn thân đóng góp công sức vào đại cuộc chung thì chúng ta phải mở rộng lòng nâng đỡ tinh thần với Tình Chiến Hữu viết hoa để cùng nhau thăng tiến trên đường trở về trong vinh quang Tự Do của Dân Tộc. Xin dẹp bớt cho chúng tôi những ổ trâu ổ gà và giúp giảm nhẹ gánh hành trang còn đầy những nỗi niềm chua xót, những tâm trạng não nề. Trong lịch sử nhân loại, Việt Nam đã phải chịu nhiều tang thương dâu biển, và trong những thập niên qua, người tù chính trị Việt Nam nói riêng là một tập thể khốn khổ nhất vì đã bị kẻ cầm quyền cộng sản đày đọa thể xác tinh thần quá mức chịu đựng của con người. Theo tài liệu tâm lý xã hội của Hoa Kỳ và các nước Phương Tây (Cơ Quan Nghiên Cứu về Tù Nhân Chính Trị và sự tái hội nhập vào xã hội), tù binh hoặc tù nhân chính trị của họ sau khi về với tự do đều được nhiều cơ quan chính phủ đặc biệt chăm sóc thường xuyên, bồi dưỡng sức khỏe, khám nghiệm tâm thần, với nhiều chương trình xã hội ưu đãi. Ngay cả đến ngày hôm nay, những tù binh Mỹ từ Bắc Việt trở về đã mấy chục năm qua vẫn còn được hàng năm tái khám sức khỏe và tiếp tục được giúp đỡ ổn định đời sống bản thân, gia đình. Còn tù nhân chính trị Việt Nam, thời lượng tù dài hơn, bị đối xử dã man hơn, nhưng vì chúng ta là những người mất nước cho nên đâu có chính phủ nào triệt để lo toan giúp đỡ mọi mặt, ngoài một vài ân huệ nhân đạo. Ngay cả bản thân tôi, sau hơn mười năm bị biệt giam, có lần tự tìm đến một cơ quan xứ người chuyên trách về hồi phục sức khỏe và tìm việc làm cho tù nhân, cũng chỉ được "mời" trả lời hàng chục câu hỏi trên mẫu in sẵn và được nhìn nhân viên phụ trách trố mắt ngạc nhiên, không hiểu tại sao tôi đã về VN để bị bắt? Lời khuyên cuối cùng nhận được là nên đi khai xin tiền trợ cấp thất nghiệp! Chỉ có người Việt Nam nào đã từng khốn khổ vì chế độ cộng sản phi nhân mới cảm thấy rùng rợn khi nghe đến tên các trại tù Suối Máu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tây, Thanh Liệt, Thanh Phong, Thanh Cẩm, Tiên Lãnh, An Ðiềm, Lam Sơn, Phan Ðăng Lưu, Cổng Trời... Từ những địa ngục trần gian đó, chúng tôi đã trở về. Với những tâm trạng dày vò ngày đêm, người tù chính trị chỉ còn một lời kêu gọi lương tâm xã hội cộng đồng lần cuối: "Nếu anh em chúng tôi còn ai tiếp tục đấu tranh được thì hãy nâng đỡ tinh thần để chúng ta cùng nhau nhịp bước đồng hành. Chúng tôi nhất định sẽ hiện diện trong hàng ngũ những người con yêu của Tổ Quốc Việt Nam trên đường về lại quê hương trong vinh quang của Tự Do Dân Chủ, lót đường cho các thế hệ mai sau được sống làm Người Việt Nam đúng nghĩa trong an lạc hưng thịnh, tự do và tự chủ của Dân Tộc. "Còn nếu có người nào trong cộng đồng vì còn quá bận nhiều việc riêng tư đã quên đi nỗi thống khổ mà quê hương còn đang cam chịu dưới chế độ cộng sản, hoặc người nào vì đố kỵ ganh ghét cá nhân nào đó, không muốn tiếp sức cho người tù gượng dậy, thì cũng nên im lặng cho chúng tôi tiến bước, tất nhiên là chúng tôi không đi sai con đường lý tưởng Quốc Gia Dân Tộc. Im lặng khách quan cũng là một đóng góp cho dù là tiêu cực còn hơn là có những hành động, ngôn ngữ mỉa mai, cản đường, ngoại trừ những kẻ manh tâm làm tay sai cho cộng sản trong giờ phút này. "Ðối với những lực lượng đấu tranh vì Tự Do Dân Tộc, tù nhân chính trị - gồm đại đa số là quân-cán-chính VNCH và những người còn có lương tâm lo cho tiền đố đất nước - lúc nào cũng chân thành hợp tác và chia sẻ trách nhiệm. "Riêng đối với tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã từng nhẫn tâm coi chúng tôi không phải là đồng loại, chúng tôi nhắn gửi một lời: Tập thể Tù Nhân Chính Trị và Tù Nhân Lương Tâm đã và đang bị CSVN cầm tù, vẫn còn Hiện Diện trong mọi hoạt động vì chính nghĩa Tự Do Dân Chủ và vẫn còn SỐNG TRONG LÒNG DÂN TỘC!
|