Xã Hội Công Dân: Từ Triệt Tiêu Đến Phục Hồi. Bai 5 |
Tác Giả: Lữ Phương | |||
Thứ Ba, 28 Tháng 10 Năm 2008 14:37 | |||
tháng 10-1994
Bài này đã được dịch một phần sang tiếng Anh và đọc tại hội thảo Vietnam Update 1994: Đổi mới, nhà nước và xã hội công dân do trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) tổ chức tại Canberra (10-11 tháng 11.1994). Tác giả được mời tham gia nhưng không được nhà cầm quyền Việt Nam cấp thị thực xuất cảnh. Xã hội công dân không phải là một từ ngữ phổ thông, khi nghe đặt vấn đề nhà nước và xã hội công dân thì người ta hiểu đây không phải là một liên hệ hành chính nào đó giữa các cơ quan công quyền với người dân mà chính là cái ý định muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa hai thực tại theo quan điểm lý luận, nghĩa là tìm ra cái cơ sở triết lý-chính trị giải thích tận nền móng mối quan hệ ấy. Vấn đề khá phức tạp: có bao nhiêu quan niệm triết lý-chính trị thì sẽ có bấy nhiêu quan niệm về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội công dân [1]. Trường hợp mà chúng ta sắp đề cập là khá rõ rệt: mặc dù xã hội Việt Nam đã khác xưa rất nhiều, những người lãnh đạo không ngừng cho rằng ý thức hệ của chế độ vẫn là chủ nghĩa Mác-Lênin, và cũng chính ý thức hệ ấy đã quy định hình thái nhà nước và chính sách “đổi mới” của Việt Nam chứ không phải cái gì khác. Vì vậy tôi cho rằng để bắt đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội công dân hiện nay ở Việt Nam, chúng ta cần phải nhắc lại những nguyên lý của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội công dân nói chung, từ những dự phóng khởi nguyên của nó cho đến khi được áp dụng vào thực tế, qua sự “vận dụng” của các đảng cộng sản, qua cả những biến thái (và cả biến dạng) do sự “vận dụng” ấy tạo ra. Mác và vấn đề nhà nước và xã hội công dân Những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác đều biết rằng Mác đã đề cập vấn đề này khá nhiều lần và đã giải quyết nó theo cái viễn quan lịch sử riêng biệt của ông: hình thành cho tương lai một hình thái kinh tế-xã hội không còn xã hội công dân và cũng không còn nhà nước nữa. “Trong quá trình phát triển của nó, giai cấp lao động sẽ thay thế xã hội công dân cũ bằng một tổ chức liên hiệp, tổ chức liên hiệp này sẽ loại bỏ các giai cấp và sự đối kháng giai cấp, và sẽ không còn chính quyền theo đúng nghĩa của chữ ấy nữa, vì chính quyền là biểu hiện tập trung của sự đối kháng trong xã hội thị dân” [2]. Ở một chỗ khác, Mác đã trình bày luận điểm này dưới hình thức nhận thức luận: “Quan điểm của chủ nghĩa duy vật cũ là xã hội công dân, quan điểm của chủ nghĩa duy vật mới là xã hội loài người hay loài người có tính xã hội” [3]. Như vậy nhìn trong chiều hướng phát triển, xã hội công dân trong hình thái xã hội cũ không phải đã bị phủ định như một chọn lựa mà là sự vượt qua như một thực tại lịch sử. Theo Mác, xã hội công dân bao gồm “toàn bộ sự giao tiếp vật chất của cá nhân trong một giai đoạn phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất”, khái niệm này ra đời vào thế kỷ 18 khi quan hệ sở hữu đã thoát khỏi thể cộng đồng thời cổ và trung cổ, và như vậy “xã hội công dân theo đúng nghĩa của nó, chỉ phát triển cùng với giai cấp tư sản” [4]. Xã hội công dân, đấy chính là sự biểu hiện trên mặt quan hệ sản xuất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chứa đầy những đối kháng không thể dung hòa được – một bên là giai cấp tư sản nắm mọi tư liệu sản xuất và của cải, và bên kia là giai cấp vô sản bị vét cạn sức lao động để duy trì cái cơ chế sản xuất mù quáng của chủ nghĩa tư bản. Sự đối kháng sinh tử trong lòng xã hội công dân đó, theo Mác, đã phản ánh tình trạng sản xuất tư bản chủ nghĩa, nền sản xuất này, mặc dù đã có những phát triển vượt bậc so với những hình thái xã hội trước đó, nhưng căn bản vẫn chưa thoát ra khỏi cái kỷ nguyên mà Mác gọi là “thời tiền sử” của loài người, ở đấy đời sống vẫn bị tình trạng khan hiếm chi phối và gây ra những cuộc chiến tranh giữa người và người để giành giật thứ của cải còn giới hạn ấy [5]. Và chính cái mâu thuẫn vì lợi ích kinh tế ấy, biểu hiện trên phương diện chính trị, là sự mâu thuẫn quyết liệt giữa nhà nước và đại bộ phận thành phần vô sản trong xã hội công dân: nhà nước, tuy nhân danh những phạm trù tinh thần phổ biến như nhân quyền, công lý... để quản lý xã hội, nhưng thật sự chỉ là đại biểu cho thiểu số bóc lột trong xã hội công dân, tầng lớp này chiếm đoạt nhà nước và dùng nó như công cụ để duy trì tình trạng bóc lột ấy. Nhà nước tồn tại trong hoàn cảnh lịch sử đó, theo Mác, đã không phải là cái nhà nước lý tính của Hegel, dung hòa những mâu thuẫn trong xã hội công dân, bảo đảm cho xã hội ấy sự hoạt động hài hòa mà trái lại đã đẩy tình trạng mâu thuẫn khởi đầu mang tính kinh tế trong xã hội công dân đến chỗ thành những mâu thuẫn mang tính chính trị, tập trung nhất là sự đối kháng giữa xã hội công dân với nhà nước – xã hội công dân là đông đảo giai cấp vô sản và nhà nước là giai cấp tư sản – mà giải quyết triệt để chỉ có thể được bằng một cuộc cách mạng vô sản mà thôi. Trong viễn quan triết học của Mác, giai cấp vô sản không phải là một giai cấp bình thường như những giai cấp đã từng xuất hiện trong lịch sử. Khi tiến hành cuộc cách mạng để giải phóng bản thân, nó không có mục đích thay thế kẻ thù của nó để tạo ra một chế độ bóc lột mới mà nó là chủ nhân, bởi vì vào thời điểm mà cuộc cách mạng ấy nổ ra, các điều kiện khách quan cho phép phục hồi chế độ ấy đã không còn nữa: khả năng phát triển sức sản xuất thật cao do chế độ tư bản tạo ra, một khi được giải phóng khỏi sự kềm kẹp của quan hệ sản xuất chiếm hữu tư nhân, sẽ được nhân lên gấp bội để chấm dứt cội nguồn của cuộc cạnh tranh sinh tồn mang tính cướp đoạt giữa người và người. Còn về giai cấp vô sản thì do hoàn cảnh lịch sử mới cũng sẽ trở thành một chủ thể tương ứng với sự sung mãn phổ biến về kinh tế ấy: thu hút các giai cấp khác vào bản thân nó (do quá trình vô sản hóa toàn xã hội), nó trở thành xã hội công dân theo nghĩa là một giai cấp gánh chịu mọi nỗi đau “phổ biến”, cho nên nó nhận thấy cần phải thủ tiêu vĩnh viễn những điều kiện đã tạo ra chế độ người bóc lột người. Theo cách nói của Mác thì đó chính là một giai cấp, nhưng lại là hiện thân cho sự “giải thể của tất cả các giai cấp”, “là một giai cấp của xã hội công dân mà lại không phải của xã hội công dân”, một giai cấp xuất hiện trong lịch sử nhưng đã đến lúc “không còn có thể viện dẫn đến danh hiệu lịch sử mà chỉ có thể viện dẫn đến danh hiệu của con người” [6]: giai cấp vô sản chính là tình trạng mất nhân tính phổ biến, ý thức được tình trạng mất nhân tính triệt để ấy để có thể phục hồi lại nhân tính cho loài người [7]. Với tính chất ấy, cuộc cách mạng vô sản sẽ là cuộc đấu tranh chính trị cuối cùng, bước qua đó, loài người đến được một vương quốc chưa từng có: không còn nghèo khổ, không còn phải giành giật chí chết vì nghèo khổ, không còn mê mờ, ngu dốt mà tất cả sẽ là văn hóa hiểu theo nghĩa tất cả mọi hoạt động của con người sẽ là những hoạt động có ý thức và tự do. Trong một tương lai như vậy, các khái niệm cũ cũng sẽ không cần thiết nữa – xã hội công dân và cái đi cùng nó là nhà nước cũng sẽ không còn: giai cấp vô sản rồi ra cũng sẽ tiêu vong. Tuy thế, theo Mác, trước khi đi đến được kỷ nguyên đó, xã hội phải bắt buộc trải qua một thời kỳ mà ông gọi là “quá độ chính trị”: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa, là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy, là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” [8]. Đây là đoạn văn cực kỳ quan trọng của Mác về phương diện thực hành, và người ta chờ đợi ông nói rõ hơn về tính chất của thời kỳ chuyên chính này, nhất là làm sáng tỏ hơn nữa khẳng định chưa được chứng minh của ông về điều mà ông gọi là “không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”, nhưng rất tiếc người ta không thấy ông phát triển thêm. Tuy vậy nếu đặt đoạn văn ấy vào toàn bộ cái tư duy cách mạng của Mác, chúng ta thấy mấy chữ chuyên chính vô sản ở đây đã mang ý nghĩa nhất quán hoàn toàn với hệ thống suy tưởng của ông: phải tiếp tục cuộc cách mạng bạo lực trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã bị đánh đổ rồi nhưng vẫn để lại những tàn tích cực kỳ sâu sắc của nó trong việc cản trở sự nghiệp xây dựng xã hội mới, sự nghiệp mà Mác đã xem như “sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền” và trên hết là “những tư tưởng cổ truyền” [9]. Đây là một công việc theo Mác sẽ là cực kỳ phức tạp, giằng co, đau đớn và sẽ phải kéo dài suốt cả một thời kỳ, không chỉ sẽ diễn ra trong phạm vi một số dân tộc nào đó mà còn cả trên toàn thế giới: “... nhiệm vụ của chúng ta là làm cho cách mạng trở thành không ngừng cho đến khi tất cả các giai cấp ít hay nhiều hữu sản đều bị gạt ra khỏi chính quyền nhà nước, chẳng những ở một nước, mà ở tất cả mọi nước thống trị trên thế giới...” [10]. Nhưng dù có gay gắt đến thế nào đi nữa thì theo Mác đó cũng chính là viễn cảnh đầy hứa hẹn: mô hình Công xã Paris 1871 đã cho phép người ta hình dung ra giai đoạn quá độ ấy như một nền dân chủ trực tiếp ở đó công xã là hình thức nhà nước đã nằm trong tay xã hội, bị xã hội kiểm soát bằng hàng loạt những biện pháp (chế độ bãi miễn tức khắc, lương của viên chức không cao hơn dân, quân đội và công an bị giải thể để thay bằng chế độ vũ trang toàn dân...) để không trở thành một bộ máy quan liêu xa rời và thống trị lại xã hội [11]. Nhà nước và xã hội công dân trong giai đoạn này vẫn chưa tiêu vong nhưng tính chất của chúng đã hoàn toàn biến đổi: chúng thống nhất với nhau trong cùng một nhiệm vụ chung là cách mạng hóa toàn bộ đời sống. Chủ nghĩa xã hội hiện thực và nhà nước cách mạng Ở một dịp khác, tôi đã thử trình bày một số ý kiến phê phán tính chất tư biện và không tưởng trong cuộc cách mạng vô sản của Mác [12], ở đây nhắc lại những luận điểm cách mạng ấy, tôi chỉ muốn chứng minh rằng khi những người cộng sản lêninít đưa cuộc cách mạng ấy vào thực tế họ đã không biện minh được tính chính đáng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nhân danh Mác. Những nguyên lý của Mác ở đây đã bị tách rời hoàn toàn khỏi những điều kiện mà Mác giả định cần phải có để chủ nghĩa xã hội được xem là hiện thực: một nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã phát triển đến đỉnh cao, một giai cấp vô sản đã chiếm 9 phần 10 dân cư và sản sinh ra được “ý thức về một nhân loại phổ biến”, một nền dân chủ đại nghị tư sản để vượt qua..., ngược lại tất cả đều đã được đem áp dụng vào những đất nước còn bị tàn dư của xã hội cổ truyền, tiền tư bản chi phối rất mạnh mẽ. Nói cách khác thì đó là một thứ chủ nghĩa Mác bị tách rời hoàn toàn khỏi cái môi trường đã tạo ra chủ nghĩa Mác, được biện minh bằng một thứ lý luận hoàn toàn mang tính thực dụng mệnh danh là “vận dụng chủ nghĩa Mác vào những hoàn cảnh riêng biệt”: đương nhiên coi những kết luận của Mác về thời kỳ quá độ là một chân lý phổ biến (“khoa học”), dựa vào đó thiết lập hình thức nhà nước gọi là chuyên chính vô sản (kể cả trong những trường hợp không có giai cấp vô sản), sử dụng nhà nước ấy như một công cụ để thực hiện đường lối cách mạng của đảng, động viên toàn bộ xã hội nhanh chóng tạo ra một nền công nghiệp hiện đại, đuổi kịp chủ nghĩa tư bản trong một thời gian ngắn nhất, sau đó sẽ tiến lên tiêu diệt nó trong phạm vi toàn cầu. Với cách “vận dụng” ấy, một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ngược hẳn với mô hình chủ nghĩa xã hội lý thuyết của Mác đã ra đời với một số biến dạng quan trọng liên hệ đến vấn đề xây dựng “nhà nước cách mạng”. Trước tiên, bất chấp những tuyên bố của những người lãnh đạo đảng muốn thiết lập một chế độ “dân chủ hơn triệu lần nền dân chủ tư sản”, cái mô hình nhà nước ấy đã không hề tạo ra được bất cứ một chút dân chủ nào, cho bất cứ một người dân nào, kể cả giai cấp công nhân. Điều này hoàn toàn dễ hiểu: nhân danh cách mạng để đồng nhất hóa nhà nước và xã hội công dân, nhưng trong thực tế việc đó không phải là “bản thân quần chúng nhân dân giành lại quyền lực nhà nước” [13] như Mác đã diễn tả mà chính là ngược lại: nhân danh cách mạng, nhà nước ấy đã triệt tiêu hoàn toàn đời sống của xã hội công dân, giành quyền quyết định toàn bộ số phận của xã hội theo những chuẩn mực cách mạng do bên trên đặt ra và dùng kỷ luật thép buộc xã hội phải thực hiện. Mô hình quản lý ấy, giả định một tình thế cách mạng kéo dài suốt thời kỳ quá độ, không biết đến bao giờ mới chấm dứt, đã biến thành một mô hình tổ chức xã hội theo kiểu trại lính với một hệ thống kiểm soát hết sức khắc nghiệt. Nó trở thành một chế độ chuyên chế mang tính toàn trị ý thức hệ chưa từng có trong lịch sử: xóa bỏ sự phân quyền (trong phạm vi nhà nước và trong phạm vi xã hội), nó đã thu tóm mọi quyền lực vào tay nhà nước (nhà nước vừa là chủ thể chính trị, kinh tế, tinh thần) không để một khoảng trống nào cho đời sống dân sự. Đó là một xã hội mà chiến tranh giả định là thường trực cho nên lúc nào cũng cần phải có “kẻ thù” (đủ loại) để “chống”! Sự đoạn tuyệt với những tư tưởng cổ truyền mà Mác nói đến đã diễn ra theo hướng ngược dòng: nhân danh một hệ thống giá trị thuộc về tương lai để thanh toán toàn bộ những tàn tích tiêu cực của xã hội cũ, trong thực tế, người ta đã hầu như tiếp nối một cách nguyên vẹn cái cung cách ứng xử của các nhà nước cổ truyền đối với xã hội. Đó là những thế lực tự cho mình có đặc quyền làm trung gian giữa một thứ thực tại siêu việt nào đó với nhân dân, nhân danh thực tại siêu việt ấy để vừa ban phúc lại vừa dạy dỗ đám người mà tự nhiên (“tự phát”) bao giờ cũng bị coi là “lạc hậu”. Luận điểm của Mác “con người là gốc rễ của con người” [14] ở đây chẳng có ý nghĩa gì: con người trong chủ nghĩa xã hội hiện thực thực chất chỉ là một đám đông vô cá tính, mặc dù được mơn trớn bằng cái gọi là “chủ nhân” của lịch sử, nhưng trước các đấng bậc lãnh đạo thì lúc nào cũng phải khúm núm xưng tụng về sự sáng suốt, tài tình cần phải cám ơn đời kiếp. Sự tha hóa về tôn giáo (mà Mác đã đề cập như một thứ tiền đề triết học từ đó xây dựng nên một triết học nhân bản vô thần) đã được phục hồi dưới danh nghĩa vì lợi ích của cách mạng một cách hoàn toàn tầm thường, bè phái. Thái độ chống tôn giáo mang tính triết học của Mác đã trở thành chính sách chống tôn giáo mang ý nghĩa độc tôn ý thức hệ: trấn áp, đả kích mọi thứ tôn giáo siêu việt để đưa lên hàng quốc giáo một thứ tôn giáo vô thần mệnh danh là một thế giới quan “khoa học” và “cách mạng”. Khái niệm “thời kỳ quá độ chính trị” mà nội dung của nó đã được Mác phác họa theo hình mẫu công xã Paris 1871, trong chủ nghĩa xã hội hiện thực, cũng đã bị bóp méo hoàn toàn. Đó không phải là “hình thức của sự giải phóng xã hội, của sự giải phóng lao động khỏi những sự tiếm đoạt (nô dịch) của những kẻ độc chiếm những công cụ lao động do chính ngay những người lao động tạo ra hoặc do tự nhiên ưu đãi” [15] mà thực sự chính là một hình thức thống trị kiểu mới đặc biệt sinh thành sau cuộc cách mạng vô sản đã thành công ở các nước lạc hậu. Nó tạo ra một định chế mới và một thứ triết lý dựng nước mới để tạo ra những “con người mới” phục vụ cho nó: không dựa trên cơ sở của những giai cấp cũ – dù là giai cấp lãnh đạo cách mạng (công nhân), hoặc giai cấp liên minh với cách mạng (nông dân)... – mà là tuyển chọn từ khắp nơi những mẫu người phù hợp với những chuẩn mực do nó mới đặt ra, trong đó sự trung thành vô hạn với đảng và hệ tư tưởng của đảng là tiêu chuẩn hàng đầu. Sau nhiều lần thanh trừng đẫm máu và không đẫm máu, nó đã tạo ra được một giai cấp thư lại mới, sử dụng bộ máy nhà nước để chiếm đoạt những đặc quyền cho mình, không khác gì các xã hội có giai cấp trong quá khứ. Tính chất cưỡng bức bằng bạo lực đã bao trùm suốt thời kỳ quá độ. Nội dung của đường lối đó không phải là sự “cải biến cách mạng” theo nghĩa của Mác mà thực tế là trấn áp tất cả những gì bị coi là không phù hợp với chính sách chuyên chính do đảng đặt ra. Điều đó biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống mà trước hết là ở tính hợp pháp của nhà nước cách mạng, nhà nước này lập ra để tạo nên cái hoàn hảo phổ biến, không phải cho hôm nay mà cho vĩnh viễn, vì thế luật pháp của nó cũng không phải là luật pháp thông thường: nó “không bị giới hạn bởi luật pháp nào cả” như Lênin đã từng viết [16]. Nhưng vì cách mạng là lại tùy theo hoàn cảnh mà có những sách lược khác nhau cho nên luật pháp cách mạng cũng không có gì là cố định, nay bạn mai thù, nay mở mai đóng, nay tiến bộ mai lạc hậu...; duy chỉ có điều cố định, không thể suy suyển là trong trường hợp nào tất cả những đổi thay ấy đều phải do đảng lãnh đạo – đảng lãnh đạo pháp luật, nhân danh cách mạng cho nên đảng phải được bảo đảm bằng cách tồn tại vĩnh viễn trong hiến pháp. Tính chất bạo lực đã tràn ngập đời sống và biến thành một thứ văn hóa về bạo lực, có mặt khắp nơi, trong giáo dục, trong văn học nghệ thuật: bài trừ giặc dốt, tấn công vào khoa học kỹ thuật, trận địa tư tưởng, đấu tranh nội bộ... Sự triệt tiêu đời sống độc lập của xã hội công dân ở đây đã đi đến chỗ tột đỉnh của nó: nó không cho phép bất cứ cách suy nghĩ nào khác với cách suy nghĩ của đảng (“nghĩ trong điều đảng nghĩ”), chỉ được yêu ghét những gì đảng đã dạy phải yêu ghét (“đảng làm ta sáng mắt sáng lòng”). Sự giả dối áp đặt đó tất yếu đã làm phát sinh cái ngược lại mang tính xi-ních triệt để là chủ nghĩa hư vô. “Lý tưởng: cái tưởng rằng có lý “hoặc” chân lý: cái lý có chân”... đó chính là sự tan vỡ của mọi cái thường được coi là thiêng liêng, nghiêm chỉnh. Xã hội công dân trong quá trình “đổi mới” Chính sách “đổi mới” ở Việt Nam đã được nhiều người giải thích như là quá trình Đảng cộng sản “tự nhận thức” để “tự đổi mới”. Ở đây vấn đề đặt ra không phải là mô tả quá trình ấy mà là xét xem sức ép nội tại nào đã thúc đẩy đảng phải chấp nhận “đổi mới”. Trong giới hạn của đề tài đang bàn luận, tôi cho rằng nguyên nhân sau đây là căn bản: đường lối xây dựng của đảng đem ra thực hiện đã bị sự phản ứng của xã hội công dân, xã hội này không hề bị tiêu diệt qua tất cả các thời lịch sử. Chế độ phong kiến, ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung Quốc, coi tổng thể xã hội là một Trật tự lớn mang tính tự nhiên, bất dịch (quân-thần, phụ-tử, quân tử-tiểu nhân...), không chấp nhận sự độc lập của xã hội, nhưng vẫn thừa nhận những khác biệt về khu vực và hàng loạt những sinh hoạt văn hóa, kỹ thuật, nghề nghiệp tồn tại song song ở ngoài thế giới chính thống [17]. Chế độ cộng sản, với mục đích “cách mạng hóa toàn bộ đời sống” đã đồng hóa xã hội công dân với nhà nước, nhưng trong thực tế vẫn không hủy diệt được nó: không được thừa nhận công khai, xã hội công dân đã phải chui xuống thế giới ngầm. Trong kinh tế, đó là chợ đen, là khoán chui, là xé rào; còn trong văn hóa và tư tưởng, đó là sinh hoạt tôn giáo, gia đình, là những lời đồn đãi, những chuyện tiếu lâm dân dã, những thứ sách báo chuyền tay nhau; nói chung lại thì đó là tất cả những gì tồn tại bên lề, bên ngoài, bên dưới đời sống quan phương, chính thống mà dù cho có bị cấm cản, “phê phán” thế nào đi nữa cũng không triệt tiêu được. Nếu phân tích tất cả những hiện tượng ấy, người ta nhận thấy tính chất phi cách mạng, phi nhà nước, phi đảng của chúng rất rõ rệt: đó là những bài tình ca trong các đám cưới chứ không phải là những bài tụng ca trên đài phát thanh, là những viên thuốc cấp cứu với giá đắt mua được ở chợ đen nhưng không hề có ở những quầy hàng quốc doanh, và biết bao những thứ tinh tinh làm nên đời sống bình thường mà cuộc cách mạng gọi là “xã hội chủ nghĩa” đã không cần biết đến. Quá trình phục hồi của xã hội công dân trong tình thế ấy là rất khó khăn: đó không phải là sự chuyển đổi từ xã hội cổ truyền sang hiện đại, biểu hiện trước hết là sự chuyển đổi tự thân của xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp mà chính là sự sổ lồng của một người tù, tuy được tự do nhưng vẫn chưa có hộ khẩu, nghĩa là được mặc nhiên thừa nhận trên thực tế nhưng chưa được khẳng định trên mặt pháp lý. Trên pháp lý, nhà nước vẫn là nhà nước cách mạng, và con đường tương lai của đất nước vẫn là “xã hội chủ nghĩa” chứ không phải là cái gì khác. Các đoàn thể quần chúng (lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích...) trên lý luận vẫn phải được đặt dưới quyền lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” của đảng: chúng vẫn là những cái máy con nối liền với cái máy lớn bằng những sợi dây cua-roa truyền đạt mệnh lệnh từ trên xuống dưới. Quyền tự do ngôn luận, biểu hiện rõ nhất trong báo chí, xuất bản vẫn bị không chế khắc nghiệt bởi những cơ quan chức năng với những thủ đoạn trừng trị trấn áp vừa công khai vừa nội bộ không khác gì trước đây. Tính chính đáng (tính hợp pháp) của chế độ vẫn là cách mạng vì thế luật pháp thực chất vẫn là luật pháp cách mạng, tuy tô vẽ chút ít gọi là “pháp quyền” nhưng vẫn chứa đầy chỗ hở để đảng can thiệp vào khi cần thiết. Sự chi phối của ý thức hệ đối với mọi hoạt động vẫn là điều mà đảng coi là con chủ bài không thể nào nhân nhượng được. Tuy vậy nếu căn cứ vào đó để cho rằng đường lối của đảng không có gì thay đổi cả thì lại không đúng hoàn toàn. Không thừa nhận sự tồn tại của xã hội công dân về mặt lý luận, nhưng đảng đã tìm ra được cách đối phó với xã hội công dân trong thực tế: cho phép nó hoạt động trong chừng mực có thể kiểm soát được hoặc chỉ để hoạt động trong những lĩnh vực nào không đụng chạm trực tiếp đến quyền lực chính trị của nhà nước. Nghĩa là thay vì để cho các công dân được đem ra thực hiện các thứ “quyền tự nhiên” mà xét về lý ai cũng được hưởng thì nhà nước lại viện ra hàng loạt những lý do gọi là “đặc thù” để đặt những quyền ấy vào những “quy định cụ thể” của pháp luật, những quy định này sẽ được giải thích và vận dụng theo phương thức “ngầm” của các cơ quan an ninh đủ loại. Sách lược của đảng do đó cũng đã có biến đổi: “chiếu cố” tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm chứ không toàn diện, triệt để như trước đây. Thí dụ như trước đây người ta liệt mọi thứ gọi là “nhạc vàng” (nhạc trữ tình, tiền chiến...) vào phạm trù “đồi trụy” cần phải cấm giống như loại gọi là “phản động” thì nay trong khi vẫn xăm xoi những thứ phản động này kỹ lưỡng, người ta lại cho các loại “đồi trụy” nói trên được phổ biến thoải mái (dưới rất nhiều hình thức – được phép hay không được phép của nhà nước). Trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cũng có hiện tượng như vậy: các hình thức lễ bái, ngày xưa bị hạn chế rất chặt chẽ (không phù hợp với lý luận của “chủ nghĩa vô thần khoa học”) [18] thì nay đã được cho phép phát triển thậm chí đảng còn ra nghị quyết khuyến khích phát triển nữa. Tất cả những việc làm trên đây không xa lạ gì với truyền thống cách mạng bôn-sê-vích: khi không thắng ngay được thì phải tìm cách rút lui một cách có tính toán – khi phần quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và cái đi cùng nó về mặt tư tưởng là chủ nghĩa tập thể đảng đã phải nhân nhượng thì tất cả những thứ khác rồi dần dà cũng có thể xem xét lại khi cần thiết. Tuy thế người ta cũng không nên quên điều sau đây cũng là truyền thống bôn-sê-vích: có thể nhân nhượng tất cả nhưng không bao giờ nhân nhượng sự chuyên chính của đảng. Vì thế trong những lĩnh vực trực tiếp liên quan đến chế độ thì sách lược của đảng là phải chận đứng bằng mọi cách: tất nhiên không phải chỉ đối với xu hướng phê phán trực diện về chính trị mà còn đối với cả những xu hướng nhìn lại quá khứ nữa – các tiểu thuyết viết về cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau 1954 hoặc những tác phẩm viết về chiến tranh thời chống Mỹ chứa đựng ý hướng “nhìn sự thật ở một phía khác” đều bị kết án là “phủ nhận sạch trơn”. Thật ra khi chủ trương chính sách cứng rắn cố hữu đó, đảng cũng dường như hiểu rõ phần nào tình thế của mình: rất khó hy vọng thuyết phục người ta tạo ra những “anh hùng ca” cho cơ chế thị trường như đối với cuộc chiến tranh trước đây thì tốt nhất là hãy để cho người ta vui chơi giải trí với những chuyện tầm phào hơn là làm ra những bài thơ phê phán, đặc biệt phê phán cái hiện thực dưới sự lãnh đạo của đảng! Tất cả đều được phép và chỉ được phép theo phương hướng chỉ đạo ấy – từ việc nói chuyện năm châu bốn biển đến văn hóa truyền thống, văn minh đông phương... Chúng ta hiểu được tại sao hình thức tồn tại của cái xã hội công dân hiện nay ở Việt Nam, thoát thai bất đắc dĩ từ cái tã lót chuyên chính vô sản, vẫn chưa vượt được tình trạng sơ khai. Nghiêng hẳn về những hoạt động kinh doanh cò con, đó là thuộc tính đầu tiên của nó; tình trạng này một phần do bản thân nó tạo ra nhưng phần khác cũng lại là kết quả của chính sách hiện nay của nhà nước: trung thành với ý thức hệ “quốc doanh là chủ đạo” của mình, đảng đang tìm cách củng cố khu vực này để qua đó “liên doanh” với những thế lực tư bản nước ngoài, hình thành những tập đoàn lớn – so với những hoạt động có quy mô như thế, khu vực tư bản tư nhân quả là chưa đáng kể. Cũng chính vì vậy, khu vực này vẫn chưa từ bỏ được thói quen trong thời “xé rào” của mình – sử dụng các thủ đoạn lươn lẹo, chụp giật để qua mặt nhà nước và điều đó thì lại hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay là mọi người đều châu vào moi móc tất cả mọi thứ có thể moi móc từ cái kho chung của nhà nước để tìm vốn cho kế hoạch tư nhân hóa [19] trong đó các cơ quan công quyền là những người tiên phong. Một xã hội công dân như vậy thật khó lòng mà tạo ra được sức mạnh để hình thành nên một lực lượng chính trị tập hợp được các tầng lớp xã hội khác nhau để tiến hành sự nghiệp phát triển đất nước theo con đường dân chủ. Chưa tạo ra được ý thức đầy đủ cho mình, vì chưa có được đội ngũ trí thức của mình, đó cũng chính là một thuộc tính khác của xã hội công dân ở Việt Nam hiện nay. Và điều này thì lại có thể giải thích từ hai phía: nó chưa trở thành văn hóa và có ý thức là vì một phần do bản thân yếu kém của nó, phần khác lại do đường lối phát triển bất chấp văn hóa của nhà nước hiện nay. Nhưng dù sao đi nữa thì tính hiện thực của xã hội công dân đang hình thành trong thời kỳ “đổi mới” là không thể nghi ngờ. Đó là sự khẳng định cho sự ra đời của một lối sống dân sự, bình thường, độc lập, nó đòi hỏi một trật tự xã hội đặt nền trên luật pháp vượt khỏi thời chiến tranh và cách mạng để được tự do đi lại, làm ăn, sinh sống chứ không còn bị khống chế bởi những quy định chuyên quyền, tùy tiện như trước đây nữa. Nhà nước – tuy vẫn nhân danh “cách mạng xã hội chủ nghĩa” để quản lý cái xã hội công dân ấy – cũng đã dần dần bị cuốn hút theo chiều hướng của cuộc sống ở đó “cách mạng” đang dần dần ngả màu. Tương lai của Việt Nam từ đây về sau chắc chắn sẽ không còn bị quyết định bởi ý chí “duy nhất” của những người lãnh đạo nữa. Xã hội công dân và định chế dân chủ Với sự phục hồi của một xã hội công dân còn non yếu như đã nói, rõ rệt viễn cảnh về một thể chế dân chủ ở Việt Nam là rất mịt mờ. Tuy thế, những mẫm móng thì cũng đã có, và tình hình vẫn có thể phát triển khác đi. Theo ý kiến của nhiều học giả nước ngoài quan tâm đến Việt Nam thì hiện nay những cải cách kinh tế ở đây đã “vượt khỏi khuôn khổ cải cách xã hội chủ nghĩa” rồi [20] và nhà nước Việt Nam hiện nay, tuy vẫn là nhà nước - đảng kiểu lêninít nhưng lại có nhiều điểm giống với mô hình “một đảng dựa trên thị trường” rất quen thuộc ở một số nước Đông-Á [21] mà chính sách phát triển của nó là giữ độc quyền kiểm soát chính trị cho một đảng cầm quyền để phát triển kinh tế. Chính trình độ phát triển kinh tế này sẽ quyết định tương lai của đất nước: khi xã hội giàu lên và phân hóa ra thì tất yếu cũng sẽ dẫn đến sự hình thành ra một hệ thống chính trị đa nguyên [22]. Lập luận trên đây rõ ràng đã đặt nền trên sự tương ứng giữa kinh tế và chính trị: phát triển chính trị sẽ chuyển động theo phát triển kinh tế, nó giả định hai tiền đề thực tế sau đây: một, Việt Nam sẽ có thể hóa “rồng” và hai, khi kinh tế đã phát triển rồi thì sẽ có dân chủ. Ở đây vừa có tính lôgích lại vừa có cả nguyện vọng của con người và cả hai đều thống nhất được với nhau để hình thành ra một “kịch bản” mà tính thực tế của nó không phải là không có (kịch bản này thế nào cũng bị những người lãnh đạo tố cáo là “nguy cơ diễn biến hòa bình”!). Bỏ qua những ý định chủ quan ẩn giấu dưới các luận điểm, chúng ta thấy việc phân tích thêm một số điều kiện thực tế trong xu hướng phát triển hiện nay của Việt Nam là cần thiết. Trước nhất, không có lý do gì chắc chắn để cho rằng Việt Nam sẽ “hóa rồng” cả: nhiều người đã nói đến nguy cơ “tụt hậu” và những người lãnh đạo đảng cũng đã ý thức được điều đó. Ai cũng biết rằng để đưa một xã hội cổ truyền vào con đường hiện đại hóa thì hàng loạt những nhân tố quan trọng sẽ phải đặt ra và trong tất cả những nhân tố đó, sức mạnh nội tại của dân tộc là quan trọng nhất – sức mạnh ấy biểu hiện trước nhất ở sự kết hợp chặt chẽ giữa ý chí phát triển của xã hội và chiến lược phát triển của nhà nước đại biểu cho xã hội. Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã tính toán gì để tạo ra cái nội lực ấy cho xã hội Việt Nam ngoài việc cứ bám chắc vào những tiền đề ý thức hệ không chịu nổi thử thách với thời gian: thay sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã bằng sự đầu tư của các thế lực tư bản quốc tế, qua đó củng cố khu vực quốc doanh, coi đó là con chủ bài trong tay nhà nước, chuẩn bị khi thời cơ đến thì sẽ “tiến lên” ? Tôi cho rằng điều đó chẳng có gì giống với chiến lược của các nước công nghiệp mới ở châu Á trước khi thành “rồng”: nhà nước đứng ra đảm nhận những gì mà các khu vực tư nhân chưa đảm nhận được (nhất là thời gian khởi đầu) trong lúc đó ra sức tạo những điều kiện cho khu vực này lớn lên, sau đó giao lại vai trò cho nó trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân (chương trình tư nhân hóa): một xã hội công dân kinh tế đã lớn lên cùng với quá trình nới rộng sự kiểm soát của nhà nước mà cuối cùng sẽ là một thể chế dân chủ đa nguyên ra đời. Đồng sàng nhưng dị mộng: chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay, tuy có chỗ giống với một số mô hình tư bản chủ nghĩa châu Á, nhưng thực chất của nó vẫn chỉ là một mô hình lêninít, dù đã bị biến thể: lợi dụng chủ nghĩa tư bản để củng cố quyền lực của đảng cộng sản. Đảng có thực hiện được mộng ước đó hay không, đó lại là chuyện khác; nhưng xét từ tính toán chủ quan của đảng thì chính sách nói trên đã không ăn khớp với mục đích muốn phát triển bằng cơ chế thị trường: nó không sản sinh ra từ bản thân thị trường để quay lại quản lý thị trường. Với những tác dụng không thuận chiều như vậy, có gì là chắc chắn để đất nước cất cánh được suôn sẻ, nói gì đến sự cất cánh đủ sức để hướng đất nước sang con đường dân chủ đa nguyên? Theo tôi thì vấn đề dân chủ ở Việt Nam không phải đợi đến khi kinh tế phát triển rồi mới đặt ra, nếu chúng ta hiểu dân chủ không đơn thuần là sự tranh giành quyền lực, biểu hiện trong định chế chính trị đa đảng. Rất nhiều xã hội đã có thể chế đa đảng nhưng vẫn chưa tìm ra được những thỏa thuận thích đáng cho các khu vực khác nhau để phát triển đất nước trong hòa bình, rốt cuộc vẫn triền miên trong bạo lực hoặc bị thao túng bởi một lực lượng độc tài nào đó: điều này không phải là những người cộng sản không tính đến và ai mà biết được trong tương lai khi cần thiết họ vẫn có thể chơi lại con bài “dân chủ” đó! Kinh nghiệm đã cho chúng ta biết rằng nền tảng thực sự vững mạnh của dân chủ không phải biểu hiện trên mặt nhà nước mà chính là trong xã hội công dân, ở đây các tầng lớp khác nhau trong cộng đồng có cân bằng được với nhau về quyền lợi để hình thành ra được một nhà nước cho mình hay không. Và điều này thì lại tùy thuộc rất nhiều vào tính chất của xã hội công dân ấy, tùy theo cái cách thức mà các thành phần khác nhau trong xã hội công dân đã giải quyết được những bất đồng để chung sống vì một mục đích chung, trong hòa bình, thương lượng chứ không cần đến cách mạng và bạo lực. Một nhà nước ra đời trong những điều kiện ấy, tuy tất yếu là sức mạnh cưỡng chế, nhưng đó chính là sự cưỡng chế đặt nền trên sự đồng thuận xã hội chứ không phải là sự cưỡng chế mang tính thần quyền hay ý thức hệ từ trên áp xuống bắt cả xã hội phải cải tạo theo. Ai cũng nhận thấy chỉ có một xã hội công dân toàn diện, bao gồm được các lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, tinh thần, có được sinh mệnh riêng, độc lập với nhà nước thì từ đó mới có thể tạo ra được những tiền đề để hình thành một nhà nước dân chủ có đầy đủ quyền lực bắt buộc xã hội công dân tuân thủ những gì đã thỏa thuận, nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ để không quay trở lại đứng lên trên xã hội và thống trị lại xã hội như trong trường hợp các chế độ độc tài. Ở Việt Nam, do “đổi mới” nên đã có hiện tượng phân quyền trong thực tế giữa các hoạt động chính trị và hoạt động kinh tế, và do đó cũng đã hình thành một xã hội công dân kinh tế, hạn chế rất nhiều sự tập trung quyền lực vào nhà nước. Tuy thế, như chúng ta đã biết, cũng chính vì chính sách “đổi mới” nửa vời mà sự phát triển kinh tế vẫn chưa gặp được cái định chế xã hội phù hợp với nó: nó vẫn bị ràng buộc bởi những thứ luật lệ “cách mạng” mang tính chất ý thức hệ dưới rất nhiều hình thức, vì thế không phát triển được theo chiều hướng phù hợp với bản thân nó. Trong trường hợp này, đấu tranh cho một nền pháp luật dân chủ không cho phép đảng tùy tiện can thiệp vào các hoạt động kinh tế, cũng như đấu tranh đòi hỏi được tự do báo chí để xã hội có điều kiện pháp lý kiểm soát được những hoạt động của nhà nước, đó hoàn toàn không phải là những đòi hỏi chính trị đơn thuần: không có pháp luật thích hợp cũng như không có tự do cọ xát những tư tưởng khác nhau thì cũng không thể có phát triển. Vì thế, việc vận động cho sự hình thành một xã hội công dân đầy đủ về các phương diện chính trị, văn hóa, kinh tế là điều hết sức quan trọng cho bản thân công cuộc phát triển nói chung của đất nước hiện nay. Không thể chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn trở thành văn hóa và chính trị, đó chính là sự phát triển đi tới của xã hội công dân, nếu nó muốn vượt qua sự khống chế của nhà nước hiện tồn, trở nên mảnh đất chung tập hợp được dân tộc để xây dựng dân chủ. Trong tình hình hiện nay, trong tất cả các hoạt động cần thiết để tạo sức mạnh cho xã hội công dân mới được phục hồi, tôi cho rằng sự vận động cho nền văn hóa dân chủ sẽ phải chiếm vị trí ưu tiên, đặc biệt khi chúng ta nhớ lại rằng suốt một thời gian khá dài, nền “văn hóa vô sản” đẫm màu bạo lực và tham vọng độc tôn đã tạo ra một chủ nghĩa hư vô tinh thần khủng khiếp cho xã hội, để rồi về sau đã hòa nhập với thứ chủ nghĩa thực dụng man rợ tiếp tục tàn phá đến tận nền móng mọi giá trị tinh thần và tiêu diệt ý thức công dân như thế nào. Sự phê phán đến tận gốc rễ nền văn hóa vô sản ấy có lẽ là công việc mãi mãi còn phải làm để người ta đừng bao giờ quên cái thời ấu trĩ mà người ta đã du nhập nó vào đất nước, nhưng điều đó sẽ không mang đến ý nghĩa tích cực nếu nó không được bổ sung bằng những nỗ lực tìm kiếm một hệ giá trị mới cho một nước Việt Nam phát triển theo con đường dân chủ trong tương lai. Đây là điều cực kỳ có ý nghĩa bởi vì nếu không có nó thì mọi sự đổi thay chưa hẳn đã là những đổi thay theo chiều hướng phát triển. Ai trong chúng ta có thể bảo đảm được rằng một thể chế phi cộng sản sẽ không còn là một thể chế xây dựng nền móng trên một ý thức hệ đầy tham vọng, nếu bài học về sự làm quyền và lộng quyền, bài học về sự ngạo mạn, cuồng tín, mị dân... do chủ nghĩa cộng sản để lại không được người ta suy ngẫm, chiêm nghiệm ! Có lẽ nỗi ưu tư này chắc chắn sẽ không thể dành cho ai ngoài những người trí thức xuất hiện từ chính cái xã hội công dân đang được phục hồi đã nói – họ sẽ là những người đem đến ý thức cho xã hội công dân và cũng sẽ phải phác thảo ra những cái cần phải có để xã hội công dân ấy có thể phát triển. Cuộc vận động cho sự trưởng thành của một xã hội công dân rút lại cũng sẽ trở thành cuộc vận động cho luật pháp, tự do và những quyền căn bản của con người, trước hết là quyền của một công dân được nhìn thẳng vào cái nhà nước đã thống trị nó như một thực thể trần thế. Sự đối mặt ấy có thể sẽ là một thách thức không cân bằng về sức vóc, nhưng đứng về mặt tinh thần mà xét thì điều đó cũng chỉ là lẽ đương nhiên: chưa bao giờ dân chủ lại có thể là một món quà mà người ta cho nhau một cách hào phóng cả.
[1] Xem Francois Rangeon, “Société civile: histoire d’ un mot”, trong La société civile, Centre de recherches administratives et politiques de Picardie, Presses Universitaires de France, Paris, 1986, tr. 9-32. [2] C. Mác, Sự khốn cùng của triết học (1874), trong C. Mác, F. Ăngghen, Tuyển tập I, Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr. 410. [3] C. Mác, Luận cương về Feuerbach, như trên, tr. 258. [4] C. Mác và F. Ăngghen, Hệ tư tưởng Đức (1846), như trên, tr. 362. [5] C. Mác, Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859), trong C. Mác, F. Ăngghen, Tuyển tập II, Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 639. [6] C. Mác, Lời nói đầu Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (1844), trong C. Mác, F. Ăngghen, Tuyển tập I, Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 33. [7] C. Mác và F. Ăngghen, Gia đình thần thánh (1844), Tuyển tập I, như trên, tr. 149. [8] C. Mác, Phê phán Cương lĩnh Gotha (1875), Tuyển tập IV, Sự Thật, Hà Nội, 1983, tr. 491 [9] C. Mác và F. Ăngghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), Tuyển tập I, tr. 567. [10] C. Mác và F. Ăngghen, Lời kêu gọi của Ban chấp hành trung ương Liên đoàn những người cộng sản (tháng 3.1850), Tuyển tập II, tr. 172 [11] C. Mác, Dự thảo lần thứ nhất của Nội chiến ở Pháp (1871), Tuyển tập IV, tr. 33-37. [12] Xem LỮ Phương, Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mácxít, trong Diễn Đàn số 24 (11.1993), và Văn hóa và một chính sách phát triển văn hóa, trong Diễn đàn số 27 (2.1994) [13] C. Mác, Tuyển tập IV, tr. 33. [14] C. Mác, Tuyển tập I, tr. 25 [15] C. Mác, Tuyển tập IV, tr. 37. [16] Lênin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky (1918), trong Lênin toàn tập, t.37, Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 434. [17] Xem NguyỄn ĐỨc NhuẬn, Mandarins et révolutionnaires: Leurs rapports à l ‘espace social au Vietnam, trong La bureaucratie au Vietnam, L’Harmattan, Paris, 1983, tr. 156. [18] Xem NhiỀu tác giẢ, Chủ nghĩa vô thần khoa học, Matxcơva, 1978; bản tiếng Việt: Nhà xuất bản Sách Giáo khoa Mác-Lênin, Hà Nội, 1985. [19] Xem Gerald Greenfield, The Development of Capitalism in Vietnam, trong Between Globalism and Nationalism, Socialism Register 1994, London, Merlin Press. [20] Borje Ljunggen, Nền kinh tế thị trường dưới các chế độ cộng sản: Cải cách ở Việt Nam, Lào và Kampuchia, trong Những thách thức trên con đường cải cách ở Đông Dương, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 107. [21] Borje Ljunggren, Nhận xét kết: Những vấn đề then chốt trong quá trình cải cách, như trên, tr. 574. [22]Xem Graham Alliband, Wither Vietnam? trong Đổi Mới, Vietnam’s Renovation and Performance, Australian National University, Canberra, 1991. tr.244.
|