Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Một cách hiểu về Ngô Đình Diệm

Một cách hiểu về Ngô Đình Diệm PDF Print E-mail
Tác Giả: Tiến sĩ Ronald Frankum   
Thứ Tư, 29 Tháng 10 Năm 2008 06:48

 

Tổng thống Eisenhoweer và Ngoại trưởng John Foster Dulles đón tiếp ông Diệm tại phi trường Washington năm 1957  

Tiếp tục loạt bài đánh giá về nhân vật Ngô Đình Diệm nhân 45 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính tháng 11.1963, xin giới thiệu với quý vị bài viết của tiến sĩ Ronald Frankum, Phó Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học Millersville, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Năm 1954, Quốc trưởng Bảo Đại đề nghị Ngô Đình Diệm đứng ra thành lập chính phủ, tin rằng ông có thể kiểm soát được Diệm.

Bảo Đại đánh giá thấp Diệm, cũng giống như những người Mỹ chứng kiến ông, trong năm sau đó, vượt qua cơn hỗn tạp của công cuộc củng cố Việt Nam Cộng Hòa, cởi bỏ tàn tích của thực dân Pháp, chống trả ảnh hưởng của các tôn giáo và Việt Minh.  

Đánh giá thấp

Các viên chức Mỹ không chỉ đánh giá thấp cơ hội sống sót của Ngô Đình Diệm mà cũng đánh giá thấp viễn kiến, khả năng lãnh đạo của ông ở một Việt Nam mà họ hy vọng sẽ là hình mẫu dân chủ.

Dù có một số thành công, một vài thất bại, Ngô Đình Diệm đã lãnh đạo đất nước theo cách tốt nhất có thể, trong hoàn cảnh chiến tranh và cách mạng ông phải đối đầu hàng ngày.

Diệm không trở thành vị lãnh đạo dân chủ chống Cộng sản mà người Mỹ dự đoán; ông ta cũng không thực thi những cải cách mà Mỹ trông chờ và trong nhiều phương diện, ông tách khỏi cung cách lãnh đạo mà những thành viên nội các Kennedy sau này đòi hỏi.

 

 Dù có một số thành công, một vài thất bại, Ngô Đình Diệm đã lãnh đạo đất nước theo cách tốt nhất có thể

 

Nhưng Diệm có viễn kiến riêng về giải phóng Việt Nam khỏi ngoại bang, chống nhà nước cộng sản, dù rằng đây là hai mục tiêu mâu thuẫn vì để mục tiêu sau thành công thì phải có hỗ trợ của một ngoại cường, Mỹ.

Khi tạo ra Việt Nam Cộng Hòa từ tro tàn của gần 100 năm Pháp đô hộ, Diệm đối diện rất nhiều thử thách; chúng định hình chính sách và quyết định số phận của ông.

Diệm thừa hưởng một tình thế khó khăn; thực dân Pháp đẩy người Việt xuống hàng công dân hạng hai, không cho họ kiến thức và kinh nghiệm trị nước..

Trải nghiệm thực dân và thời gian chiếm đóng tàn nhẫn của Nhật thời Thế chiến Hai khiến đất nước chia rẽ về ý thức hệ, tôn giáo, văn hóa, xã hội. Ban bệ của Diệm lại không có mấy người có kinh nghiệm quản trị, nhiều người thì nuôi dưỡng sự nghi ngờ chính quyền Sài Gòn.

Rốt cuộc, việc Diệm không thể củng cố sự ủng hộ của dân chúng, không cải cách theo ý người Mỹ, đã dẫn tới việc ông bị ám sát tháng 11.1963.  

Bước ngoặt trong quan hệ

Người ta đã biết nhiều về thời kỳ đấu tranh ban đầu khi Diệm làm tổng thống và sự sụp đổ năm 1963.

Nhưng cái thường bị bỏ qua là những sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Diệm. Khi mà người Mỹ, từ chỗ xem Diệm là hy vọng duy nhất cho tương lai Việt Nam, nay xem ông là một trong những lãnh đạo bị thù ghét nhất mà chính quyền Kennedy phải giao thiệp.

Thời cai trị của Ngô Đình Diệm trùng hợp với sự can dự gia tăng của Mỹ trong khu vực, khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower và sau đó, John F. Kennedy, tìm cách kiềm chế ảnh hưởng cộng sản tại châu Á, và xây dựng một hình mẫu cho các nước khác noi theo.  

 Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Tướng Maxwell Taylor gặp Tổng thống Kennedy ngày 24.9.1963 trước khi tới Sài Gòn.

Nhưng khác với niềm tin của nhiều người, thực ra điểm bước ngoặt trong thay đổi quan hệ Mỹ - Diệm không phải bắt đầu trong thời Kennedy.

Quan hệ đặc biệt bị phá vỡ do các đại diện của Mỹ cuối thập niên 1950, Đại sứ Elbridge Durbrow, Joseph A. Mendenhall, và Francis Cunningham.

Họ đã không thể hiểu đầy đủ sự phức tạp của chính trị, nhân vật miền Nam. Họ dính líu vào những mưu đồ chính trị Sài Gòn, tin (mà thường không kiểm chứng) những nhà đối lập với Diệm, những người tiếp tục phá chính quyền vào giai đoạn quan yếu của Việt Nam Cộng Hòa.

Các báo cáo mà Durbrow gửi về Washington thường xuyên lên án sự cứng đầu của Diệm. Kết quả là Durbrow từ chối ủng hộ Diệm trong cuộc đảo chính bất thành tháng 11.1960. Mấy tháng sau đó, ông ta cũng ngầm gợi ý rằng đã đến lúc thay Diệm.

Vị đại sứ cũng không tin Diệm có thể thắng cuộc bầu cử tháng Tư 1961 không phải nhờ gian lận mà nhờ uy tín, thành tích hoặc sự yếu kém của các ứng viên khác. 

Quan hệ bị đầu độc

Hành động của viên đại sứ đặt ra tiền lệ, khiến Diệm giảm lòng tin vào đồng minh Mỹ.

Khi Durbrow ra đi tháng Tư 1961, quan hệ đặc biệt giữa Diệm và Hoa Kỳ đã bị đầu độc; nó đặt ra những khác biệt mà không người Mỹ nào, dù là Kennedy hay Johnson, có thể hàn gắn.

Những người ở lại tòa đại sứ, cùng những người chia sẻ sự căm ghét Diệm như Mendenhall, không làm gì để thay đổi không khí ở Washington, bất chấp cố gắng của những người hiểu Việt Nam hơn như Thiếu tướng Edward Lansdale và Giám đốc CIA tại Sài Gòn, William Colby.

Đến khi Kennedy đã có chỗ ngồi vững chãi tại Tòa Bạch Ốc, thí nghiệm Ngô Đình Diệm có vẻ chỉ tạo ra kết quả giảm sút. Sáu năm xây dựng quốc gia đã không đem lại một nhà nước mẫu mực mà Mỹ hy vọng có để chứng tỏ về một lựa chọn thay thế cộng sản ở châu Á.

 

 Các quan chức phụ trách đối ngoại của Kennedy đụng độ với Diệm vì họ không bao giờ cố gắng tìm hiểu bản chất của sự trị quốc tại Việt Nam

 

Ngô Đình Diệm cũng ngày càng chống đối lời khuyên của Mỹ, trong khi những người “giỏi nhất, thông minh nhất” của Kennedy vẫn đề ra giải pháp cho một vấn đề mà họ không mấy hiểu biết.

Theo nhiều cách, các quan chức phụ trách đối ngoại của Kennedy đụng độ với Diệm vì họ không bao giờ cố gắng tìm hiểu bản chất của sự trị quốc tại Việt Nam, hay những phức tạp của sự lãnh đạo.

Diệm coi sự ngu dốt, hay cuồng ngạo này, của Mỹ là một trong những trở ngại chính cho việc tiếp tục quan hệ với Mỹ.

Mặc dù theo cách của riêng mình, Diệm cũng cố dạy bảo các viên chức Mỹ đến thị sát Việt Nam, nhưng người của Kennedy không chịu để Diệm dạy dỗ.

Và họ bắt đầu nhìn thấy sự có ích của ông ta chỉ có giới hạn. Thường thì họ diễn giải những cuộc độc thoại của Diệm về lịch sử, về tính chất đe dọa cho nước ông, chỉ là cách lẩn tránh lời khuyên của Mỹ.

Thái độ này dẫn tới vụ ám sát Diệm tháng 11.1963, đem lại thêm 12 năm chiến tranh, khổ đau cho những người Việt tiếp tục chống cộng sản, để lại một Việt Nam Cộng Hòa bị tàn phá, dù sau đó là thống nhất, sau cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ.

Về tác giả:Ronald B. Frankum lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Syracuse và hiện dạy ở Khoa Lịch sử, Đại học Millersville. Ông là tác giả sách “Silent Partners: The United States and Australia in Vietnam, 1954-1968” (2001), đồng tác giả của “The Vietnam War for Dummies”(2002), và “Like Rolling Thunder: The Air War in Vietnam, 1964-1975” (2005). Cuốn sách mới nhất của ông, Operation Passage to Freedom: The United States Navy in Vietnam , 1954-1955, viết về chiến dịch của Hải quân Mỹ đưa gần 300.000 người Việt từ Bắc vào Nam năm 1954-55.