Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Từ Chủ Nghĩa Yêu Nước. Bai 4

Từ Chủ Nghĩa Yêu Nước. Bai 4 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lư Phương   
Chúa Nhật, 26 Tháng 10 Năm 2008 15:34

CHỦ NGHĨA MARX
VÀ CÁCH MẠNG VÔ SẢN VIỆT NAM



Luận điểm này rất quan trọng đối với phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam, nó được Hồ Chí Minh đưa ra
[1] và được Đảng cộng sản Việt Nam coi như là cơ sở lý luận chính thống để giải thích sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, qua đó bảo vệ lý lẽ về sự tất yếu của chủ nghĩa xã hội (mácxít) đối với con đường phát triển của đất nước [2]. Theo những nhà lý luận cộng sản Việt Nam, thì luận điểm ấy là sự kết hợp rất hài hoà giữa truyền thống lâu đời của dân tộc với xu thế tiến bộ, mang tính quy luật của thế giới hiện đại, và nói theo cách đầy cảm hứng của ông Phạm Văn Đồng, là sự “hẹn gặp lịch sử” [3] của những gì tinh tuý nhất của một dân tộc với những gì tuyệt vời nhất của nhân loại hiện nay. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là đồng tình hay phản bác những sự tán tụng ấy mà là tìm hiểu đến tận nền tảng cái cơ sở lý luận mácxít của chúng, tức là xét xem vai trò của cuộc đấu tranh giành độc lập của những nước bị chủ nghĩa tư bản quốc tế thống trị đối với cuộc cách mạng mácxít về giải phóng toàn bộ thế giới khỏi sự thống trị của chủ nghĩa tư bản là như thế nào. Nói cách khác, vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc đi theo chiều hướng cộng sản sẽ được đặt ra để tìm hiểu, không phải chỉ trong phạm vi truyền thống yêu nước của một dân tộc riêng biệt mà là trong điều kiện lịch sử chủ nghĩa quốc tế mácxít đã biểu hiện thành tổ chức mệnh danh là Quốc tế thứ Ba, tổ chức này đã lấy lý luận của Lênin về cuộc cách mạng vô sản gọi là “phương Đông” làm cơ sở. Cũng như trong rất nhiều vấn đề có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản nói chung, vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đây là sự đối chiếu giữa lý luận và thực hành, từ Mác đến Lênin, từ Lênin đến những học trò của ông, và vì thế cũng không thể không dẫn đến kết luận làm bộc lộ thật rõ sự bất nhất, cũng như cái khe hở không gì lấp đầy được giữa hai lĩnh vực ấy của chủ nghĩa cộng sản đối với vấn đề cách mạng dân tộc dọn đường đưa đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Các Mác và những chuyển động ở phương Đông    
       1.  Đối với Mác, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa do ông đề xuất tất yếu phải mang tính chất quốc tế, và tính chất quốc tế này có được chính là do sự quy định hoàn toàn của những điều kiện khách quan: đó là sự phát triển phổ biến của lực lượng sản xuất đồng thời với sự ra đời của sự giao tiếp có tính chất thế giới, do chủ nghĩa tư bản tạo ra
[4]. Chủ nghĩa cộng sản tất yếu phải là một cuộc cách mạng hành tinh chứ không thể chỉ giới hạn trong một địa phương nào được. Kết luận về điểm xuất phát mang tính châu Âu của cuộc cách mạng “phổ biến” ấy đã được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận[5], chỉ có điều cần chú ý để đừng hiểu sai ý của Mác là khái niệm “châu Âu” đó, không phải xét như một một vùng địa lý, lãnh thổ mà chính là trình độ phát triển đã đến chỗ cao nhất hiện có của nhân loại, trình độ phát triển đó tạo ra những tiền đề vật chất để chủ nghĩa cộng sản trở thành được một “phong trào hiện thực” chứ không phải là cái “lý tưởng mà hiện thực phải khuôn nắn theo” [6]. Ngoài điều nói trên, chúng ta còn biết thêm rằng, khi theo dõi các diễn biến xẩy ra trên thế giới trong mục đích nhìn ra khả năng thực hiện cuộc cách mạng “phổ biến” của mình, Mác đã quan tâm đến tình hình những nước chậm phát triển ở phương Đông – từng được ông gọi dưới hình thái phát triển đặc biệt là phương thức sản xuất châu Á [7] – về sau này, bị lôi cuốn vào quá trình quốc tế hoá của sự thống trị tư bản chủ nghĩa và đã bắt đầu vùng lên tham gia vào những chuyển động của thế giới xét như toàn cục. Cần lưu ý đặc biệt rằng vấn đề tham dự của những nước chưa phát triển này vào quá trình nhất thể hoá thế giới ấy đã được Mác quan niệm một cách hoàn toàn nhất quán với học thuyết về tiến hoá của ông. Chẳng hạn như trong các bài viết của ông về Ấn Độ đăng trên New York Daily Tribune năm 1853, Mác đã cho rằng, dù lịch sử của nó có biến đổi như thế nào, dù có bị thống trị bởi nước này hay nước khác, hoặc không ngừng chìm đắm trong những mâu thuẫn nội bộ, thì Ấn Độ vẫn chỉ là một xã hội ngưng trệ, với tất cả những tệ hại “dã man” của phương thức sản xuất bán khai của mình: mê tín, nô lệ vào những quy tắc cổ truyền, đóng kín với mọi đổi thay của thế giới, kéo dài đời sống đình đốn như cây cỏ, và con người ở đó thì “phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ những hoàn cảnh ấy”, nghĩa là nói chung, đã thần phục tự nhiên một cách thô lỗ, cuối cùng đưa đến sự thoái hoá mà sự biểu hiện của nó không nơi đâu rõ rệt bằng thái độ “thành kính quỳ gối trước con khỉ Hanuman và trước con bò Sabbala” [8].

     2. Đối với tình trạng ấy, Mác cho rằng không thể không cần đến sự va chạm từ ngoài vào của một phương thức sản xuất cao hơn, là chủ nghĩa tư bản, với những tác động lay tỉnh đặc biệt của nó. Cũng cần quan tâm đầy đủ đến ý kiến của Mác trong vấn đề này để tránh những ngộ nhận. Đối với xã hội cổ truyền mông muội – như trường hợp xã hội Ấn Độ mà ta đang đề cập – bên cạnh những chỉ trích thậm tệ [9], Mác đã hết sức khâm phục cái “tinh thần cao thượng trầm tĩnh” của một đất nước mà ông cho rằng “vốn là chiếc nôi của các ngôn ngữ, các tôn giáo của chúng ta, một nước mà nhìn vào bộ lạc Giát, chúng ta có thể thấy kiểu người Đức cổ còn nhìn vào người Bàlamôn thì có thể thấy kiểu người Hy lạp cổ đại” [10], nói tóm lại là một đất nước có bản sắc văn hoá riêng biệt đáng trân trọng, quý mến, và nhìn ở một khía cạnh nào đó, không phải là không “thơ mộng”. Vấn đề gay gắt với một đất nước như vậy chính là sự cần thiết của một cuộc cách mạng xã hội, tức là tạo ra được những tiền đề vật chất, trong đó quan trọng vào bậc nhất là một lực lượng sản xuất phát triển mà nếu không có nó thì dù quá khứ ấy có thơ mộng đến như thế nào cũng chỉ là sự tồn tại thụ động không khác gì với tự nhiên. Chủ nghĩa tư bản mà nước Anh mang đến cho Ấn Độ, theo Mác, cũng đã giữ một vai trò có ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt trong quá trình phát triển ấy: nếu một mặt nó “phá hoại xã hội cũ của châu Á” thì mặt khác nó cũng “đặt cơ sở vật chất cho xã hội phương Tây ở châu Á” [11], nghĩa là tạo điều kiện cho xã hội châu Á bước vào thời kỳ mới. Sự “khai hoá” có tính chất dã man mà Mác thường nói đến trong những phân tích về vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản đối với những người lao động Tây phương [12] ở đây đã được nhắc lại đối với các dân tộc phương Đông. Cốt tuỷ vấn đề vẫn là trình độ phát triển cao về sản xuất chứ không phải là cái gì khác. Vì thế trong khi trong khi nhắc đến “sự giả dối thậm tệ và tính dã man vốn có của nền văn minh tư sản” do người Anh mang đến cho Ấn Độ, Mác lại đặt ra câu hỏi:

“Nhưng có bao giờ giai cấp tư sản lại làm được nhiều hơn thế? Có bao giờ giai cấp tư sản đạt được sự tiến bộ, mà lại không bắt buộc các cá nhân cũng như một loạt các dân tộc phải đi theo con đường gian khổ của máu và bùn, của nghèo nàn và sỉ nhục?” [13].

Nói cách khác, trong quan niệm về phát triển của Mác, chủ nghĩa tư bản chính là một công cụ khai hoá “không tự giác của lịch sử”, là “cái ác” cần thiết mà các dân tộc phải trải qua để từ đó mới có điều kiện để đi về một tương lai tốt đẹp hơn. Xét về mặt con người với tư cách là một giống loài, vấn đề toàn cầu hoá chủ nghĩa tư bản rút lại chỉ là “sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả loài người” để “loài người hoàn thành sứ mệnh của mình” [14]; và để hoàn thành “sứ mệnh” ấy, Mác cho rằng

“chỉ sau khi cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nắm được những thành tựu của thời đại tư sản, nắm được thị trường thế giới và các lực lượng sản xuất hiện đại, và làm cho những cái ấy phải chịu sự kiểm soát chung của những dân tộc tiên tiến nhất, – thì chỉ khi ấy, sự tiến bộ của loài người mới không còn giống như cái tượng thần đáng ghê tởm của dị giáo, không muốn uống rượu thần một cách nào khác hơn là uống từ những chiếc sọ người bị giết” [15].

Qua ý kiến trên đây phải chăng người ta có thể cho rằng, đối với Mác, muốn đi tới một hình thái phát triển cao hơn – hình thái mà ông cho rằng ở đó nhân dân nắm được lực lượng sản xuất đã phát triển ấy –-, những dân tộc phương Đông tất yếu cũng phải trải qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa đầy “máu và bùn”, “nghèo nàn và sỉ nhục”?

     3. Đối với vấn đề này, chúng ta thấy ý kiến của Mác hoàn toàn chưa có gì rõ rệt, vì như mọi người đều biết vấn đề chủ nghĩa đế quốc và vấn đề phong trào giải phóng dân tộc chưa phải là trung tâm chú ý trong việc xây dựng học thuyết của ông. Tuy vậy, như chúng ta cũng đã biết, trong khi theo dõi tình hình của những nước bị chủ nghĩa tư bản Anh thống trị, Mác cũng đã cũng có đưa ra một số phát biểu, chẳng hạn như ảnh hưởng của những cuộc nổi dậy của nhân dân Trung Quốc đối với nước Anh. Theo sự phân tích của Mác thì sự cưỡng bức bằng bạo lực của chủ nghĩa tư bản Anh đối với Trung Quốc cũng đã có tác động phá vỡ “sự cô lập dã man và đóng kín với thế giới văn minh” của nước này, không khác gì trường hợp Ấn Độ. Dưới họng súng đại bác của chủ nghĩa tư bản Anh, toàn bộ cái cơ cấu chính trị của nước Trung Hoa cổ truyền đã tan rã, giống như sự tan rã của một cái xác ướp được giữ gìn cẩn thận trong một cỗ quan tài đóng kín khi tiếp xúc với không khí tươi mát vậy [16]. Đó là một sự tan rã chứa đầy những thảm kịch: nền văn minh công nghiệp châu Âu nếu đã đưa Trung quốc tiếp xúc với thế giới hiện đại thì mặt khác nó cũng tạo ra ở đó sự khủng hoảng, xáo trộn không lúc nào ngưng nghỉ: sản xuất bị phá huỷ, bộ máy hành nhà nước bị làm cho hủ bại, thuế má nặng nề ... tất cả những nhân tố đó – và cộng thêm vào là “lòng căm thù người ngoại quóc” – đã đưa tới những cuộc khởi nghĩa liên miên trong dân chúng, dưới rất nhiều hình thức (tôn giáo, triều đại, dân tộc...), từ đó tạo ra những tác động ngược trở lại đến nước Anh và thông qua nước Anh, đến cả châu Âu nữa [17].

 Sự tác động ấy là như thế nào? Điều này cũng đã được Mác dẫn giải một cách nhất quán hoàn toàn với học thuyết về lịch sử của ông: sự phát triển tư bản chủ nghĩa ở Âu châu đã tích tụ lại thành sự khủng hoảng chín muồi từ lâu, nhưng do nhiều lý do (trong đó có lý do được Mác viện dẫn là “phảng phất dấu hiệu của sự phồn vinh”) đã chưa bộc lộ ra thành một cuộc bùng nổ toàn diện [18]. Trước tình hình đó, do quá trình cuộc khủng hoảng tư bản chủ nghĩa lan sang nước phương Đông theo sự thống trị của các cường quốc, giả định về một cuộc khủng hoảng tổng thể cho châu Âu có thể sẽ xảy ra nhanh chóng hơn. Cuộc khởi nghĩa của Trung quốc tác động đến nước Anh và qua nước Anh, tác động đến toàn châu Âu chính là như thế đấy – là cuộc cách mạng ở vùng ngoại vi, nhưng sẽ đóng vai trò của một tia lửa ném từ ngoài vào thùng thuốc nổ đầy ắp của hệ thống công nghiệp tư bản chủ nghĩa ở các nước châu Âu [19]. Những sự biến của Trung quốc đối với nước Anh và châu Âu như vậy không mang ý nghĩa gì hơn là vai trò của sự kích động, vai trò đó, như chúng ta đã có dịp nhắc tới [20], Mác và Angghen, trong lời nói đầu viết cho Tuyên ngôn cộng sản xuất bản bằng tiếng Nga năm 1882 [21], cũng đã lập lại theo một ý nghĩa tương tự: cuộc cách mạng ở một nước phương Đông – thí dụ như ở nước Nga – có thể nổ ra trước, nhưng xét về nội dung, đó chỉ có thể quan niệm như cuộc cách mạng thứ hai, mở màn cho cuộc cách mạng thứ nhất mang danh vô sản đúng nghĩa và sẽ phải diễn ra ở châu Âu, và chỉ khi nào hai cuộc cách mạng ấy hoà lại với nhau trong một một nội dung lịch sử thống nhất do cuộc cách mạng thứ nhất quyết định và định hướng thì thế giới đương đại mới mong tạo ra được những thay đổi đồng loạt, triệt để, nghĩa là vượt qua được thời kỳ “tiền sử” để bước vào một kỷ nguyên mới hoàn toàn. Và cũng chỉ trong trường hợp ấy chúng ta mới có thể nói đền sự thoát xác nhanh chóng của xã hội phương Đông, lấy mô hình phương Tây, với tư cách là một trình độ cao về phát triển để làm chuẩn mực.

Như vậy, căn cứ vào học thuyết của Mác, chúng ta thấy vai trò cực kỳ quan trọng của mô hình phát triển tư bản chủ nghĩa, ở đó nhân tố quyết định đối với lịch sử không có gì khác hơn là cái phương thức khai thác lao động thặng dư đầy mâu thuẫn do mô hình đó gây ra. Trong viễn cảnh ấy, các xã hội phương Đông không thể bỏ qua nhanh chóng những giai đoạn mông muội đau đớn của mình nếu không tham gia trực tiếp, dưới hình thức nào đó, vào sự chuyển động của phương Tây, hoặc là bị chủ nghĩa tư bản phương Tây thống trị và chỉ dừng lại đó, hoặc là vùng lên chống lại nó, tạo điều kiện cho sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản trầm trọng thêm, từ đó châm ngòi cho cuộc cách mạng vô sản nổ ra trên quy mô châu Âu, châu Mỹ. Đối với Mác, để tự nó, xã hội châu Á, với những thuộc tính trì trệ cố hữu của mình, không thể tạo ra được một cái gì mới mẻ cho lịch sử cả. Đọc kỹ những gì Mác đã phát biểu về sự trỗi dậy của các dân tộc phương Đông, chúng ta thấy tất cả hầu như chỉ dừng lại ở những nhận xét tổng quát như vậy mà thôi.

 Lênin và Quốc tế Ba

       1. So với Mác thì những phát biểu của Lênin trong vấn đề này đã tỏ ra đầy đủ, và có hệ thống hơn. Điều đáng ghi nhận trước hết là tất cả những gì Lênin phát triển về vấn đề này đều đã tiềm tàng trong lập luận của Mác và Angghen, chẳng hạn như những ý kiến mà chúng ta đã biết về tác động tích cực của những biến động của phương Đông tạo điều kiện cho phong trào vô sản châu Âu nổ ra, có thể qua đó kéo toàn bộ hành tinh sang một hình thái kinh tế-xã hội mới: những ý kiến ấy đều được Lênin dựa vào để phát triển thêm, nhưng tất cả vẫn không xa rời cái luận điểm nền tảng của Mác mà mọi người đều biết là: tính chất phổ biến do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mang đến cho thế giới vì đó cũng mở ra khả năng giải phóng toàn bộ thế giới khỏi sự thống trị của chủ nghĩa tư bản.

Có điều cũng cần lưu ý là khi phát triển những ý kiến có sẵn của Mác, và trong quá trình ấy đã tìm ra những kết luận nhiều khi khác hẳn Mác về nội dung, Lênin vẫn không hề xa rời cái lôgích mà Mác đã sử dụng. Chẳng hạn như đối với vấn đề mà chúng ta đang bàn luận, là tính chất quốc tế hoá của chủ nghĩa tư bản, cái lôgích của Lênin vẫn chỉ lấy cảm hứng từ cái lôgích khá quen thuộc của Mác đi từ đặc thù đến phổ biến, từ riêng biệt đến tập trung: cuộc tranh giành sống chết giữa cá nhân những nhà tư bản tất sẽ dẫn đến sự độc quyền của những tập đoàn lũng đoạn, những tập đoàn này chiếm lĩnh các nhà nước dân tộc trong phạm vi một nước, để sau đó sẽ mở rộng phạm vi cạnh tranh ra trên toàn thế giới, từ đó hình thành những liên minh đa quốc gia dưới nhiều hình thức khác nhau, đi thống trị và chia nhau thống trị các dân tộc chưa phát triển.

Tất cả ý nghĩa của một thứ lập luận như vậy có ý nghĩa gì khác hơn là cái lô gích về sự mở rộng của con đường cướp đoạt bằng bạo lực của chủ nghĩa tư bản đối với đông đảo những người lao động, nghèo khổ mà Mác đã trình bày trong những tác phẩm của ông. Chỉ có điều khác biệt là tất cả cái lô gích đó đều đã biểu hiện ra trong những hoàn cảnh hoàn toàn không giống với hoàn cảnh của Mác nữa: hoàn cảnh chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc, đó chính là hình thức của chủ nghĩa tư bản đã vượt qua thời cạnh tranh ban đầu để trở thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước trong phạm vi một quốc gia, sau đó mở rộng ra toàn thế giới, nó kéo toàn bộ thế giới đi theo số phận của nó, không phải trong sự gieo rắc ảnh hưởng sâu đậm của những hoạt động đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là công nghiệp hoá và thị trường hoá mà còn đưa toàn bộ thế giới vào những cơn chấn động toàn diện về đời sống do cuộc cạnh tranh đầy máu lửa do nó gây ra.

Trong lập luận của Lênin, số phận của chủ nghĩa tư bản đến thời đế quốc chủ nghĩa đã là tột đỉnh rồi: nó đã phát triển hết mức sức mạnh chinh phục của nó và cũng chính đó là lúc nó phải bị tiêu diệt để nhường chỗ cho một hình thái xã hội cao hơn như Mác đã hình dung . Có thể nói Lênin là người tiếp tục đưa chủ nghĩa tư bản theo định nghĩa của Mác vào một môi trường rộng lớn hơn để nó hoạt động nhưng cũng vạch ra cho nó một giới hạn không gian, để từ đó có thể cụ thể hoá sự sụp đổ của nó một cách tất yếu về mặt thời gian: khi đã không còn đường chạy nữa thì làm sao chủ nghĩa tư bản có thể thoát khỏi được tình trạng mà Lênin gọi là “cơn hấp hối” của nó?

     2. Nếu đối với Mác, chủ nghĩa tư bản có thể hình dung như một hệ thống bao gồm một trung tâm là những nước ở châu Âu, châu Mỹ và những vùng ngoại vi của nó là những nước chậm phát triển đủ loại khác nhau thì ở Lênin hệ thống ấy đã trở thành một chỉnh thể những mâu thuẫn, là thế giới xét như một thứ chủ nghĩa tư bản tổng thể, trong thế giới ấy, sẽ không kể đến bất cứ nước nào, dù là phát triển hay không, và do đó sẽ không còn có sự phân biệt giữa trung tâm và ngoại vi nữa: bất cứ biến động ở đâu đều có tác dụng lay chuyển cái tổng thể ấy, với tư cách là cái tổng thể tư bản chủ nghĩa đã phát triển hết sức của nó và đang lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện mà bất cứ một tia lửa nào ở đâu cũng có thể tạo ra cơn bùng nổ mở đầu cho quá trình huỷ diệt,

“không những từ một cuộc bãi công lớn hoặc một cuộc biểu tình trên đường phố, hoặc một cuộc bạo động của dân bị đói, hoặc một cuộc nổi dậy của quân đội, hoặc một cuộc khởi nghĩa ở thuộc địa, mà cũng có thể nổ ra từ bất cứ một cuộc khủng hoảng chính trị nào đại loại như vụ án Đrâyphuýt hoặc vụ rối ren ở Xabecnơ, hoặc nhân một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề phân lập của một dân tộc bị áp bức, v.v...” [22].

Ý tưởng cực kỳ quan trọng đó đã được Lênin minh hoạ khá rõ rệt trong cuốn sách nhỏ mang nhan đề Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản viết năm 1916 [23] với cái định đề mácxít căn bản này: sự tập trung độc quyền mang hình thức nhà nước và quốc tế ngày càng đưa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đến tình trạng xã hội hoá tột đỉnh thì nó càng tạo ra trong bản thân những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được, là sự mâu thuẫn giữa nội dung thực tế đã xã hội hoá của sản xuất với cái hình thức chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã kềm chế nền sản xuất xã hội ấy. Tính chất thoái hoá tột độ về quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện trong hình thức tồn tại đặc biệt cuối cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc vì thế đã được Lênin tập trung nhấn mạnh, không phải trong phạm vi một số nước mà như là sự chuẩn bị chuyển hoá của một tổng thể toàn cầu hoá.

     Lênin đã nói rất nhiều đến tính chất ăn bám, thối nát trong hình thức kinh doanh tiền tệ, xuất khẩu tư bản của các thế lực độc quyền tư bản tài chính: hình thức thặng dư giá trị không còn được khai thác qua các quy trình sản xuất cổ điển nữa mà chỉ là những thứ siêu lợi nhuận phi sản xuất mang về từ những nước lệ thuộc và thuộc địa, nó là lao động thặng dư của toàn bộ nhân loại bị áp bức cung ứng cho một một nhúm nhỏ những quốc gia giàu và mạnh, nói cách khác là sự cướp đoạt của những nước giàu đối với những nước nghèo, và cách cướp đoạt ấy rút lại “chỉ đơn giản bằng lối cắt phiếu” thôi [24] – nhận xét đó về chủ nghĩa đế quốc đã được Lênin coi như là đặc trưng quan trọng nhất của cái hình thức tư bản chủ nghĩa trong cơn “giẫy chết” của nó. Lênin đã hết sức nhấn mạnh sự thay đổi về tính chất đấu tranh giai cấp ở những nước tư bản phát triển do những biến động nói trên mang đến. Ong cho rằng, với những món siêu lơi nhuận khổng cướp đoạt được những nước bị lệ thuộc, bọn tư bản ở những nước tiên tiến đã dùng trăm ngàn thủ đoạn để tạo ra một tầng lớp công nhân tư sản hoá (công nhân quý tộc), qua từng lớp này, chuyển phong trào đấu tranh của công nhân vào xu hướng tự phát, tuy gọi là bảo vệ quyền lợi ích thiết thực của người lao động, nhưng thực chất là làm tay sai cho giai cấp tư sản phản động [25]. Quyết liệt chống Quốc tế II, coi tổ chức này đã suy thoái thành một tổ chức của những công nhân tay sai tư sản, miệng nói chủ nghĩa xã hội nhưng thực chất là tuyên truyền chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản trong phong trào công nhân, đó cũng là kết luận hết sức quan trọng mà Lênin đã đưa ra trong khi trình bày về chủ nghĩa đế quốc.

     3. Tất cả những phân tích trên đây về chủ nghĩa đế quốc đã được Lênin coi là chỗ dựa lý luận căn bản để hình thành đường lối cách mạng vô sản thế giới, được đem ra thực hiện sau khi cách mạng 1917 thành công, thông qua tổ chức Quốc tế III do Lênin sáng lập và chi phối, đặc biệt sau Đại hội lần thứ II của Quốc tế này (họp vào tháng 7 năm 1920) – đường lối ấy có thể tóm tắt thành những điểm cốt yếu như sau:

     – Thay vì là những mồi lửa làm phát khởi cuộc cách mạng vô sản châu Âu, cuộc cách mạng ở những nước phương Đông từ đây phải trở thành bộ phận khắng khít của cuộc cách mạng vô sản mang tính toàn cầu có tổ chức thống nhất, cuộc cách mạng quốc tế này là sự kết hợp không thể tách rời giữa toàn thể giai cấp vô sản thế giới với toàn thể các dân tộc và quần chúng cần lao khắp nơi bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, bóc lột. Tình hình chủ nghĩa tư bản tự do biến thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, rồi sau đó thành chủ nghĩa đế quốc – mà thuộc tính quan trọng nhất của nó là một nhúm nước nhỏ phát triển đi thống trị đa số nhân loại như đã nói trên – đã cho phép hình thành mặt trận thế giới chống chủ nghĩa tư bản theo chiều hướng ấy. Tất cả những gì liên quan đến vấn đề dân tộc (quyền tự quyết, phân lập dân tộc, phong trào giải phóng của những nước thuộc địa và các xu hướng chính trị khác nhau do cuộc đấu tranh này đặt ra: dân chủ tư sản, cải cách điền địa ...) đều phải được giải quyết theo chiều hướng cách mạng quốc tế vô sản nói trên. Những lợi ích cục bộ của từng quốc gia khác nhau cũng đều phải được giải quyết theo tinh thần “chuyên chính vô sản trên quy mô quốc tế” đó [26], vì thế phải chống lại mọi xu hướng dân tộc không phù hợp với nền chuyên chính vô sản ấy.

     – Các đảng cộng sản hoạt động trong những nước tư bản phát triển, ngoài việc phải chống lại chính sách thuộc địa của nhà nước dân tộc của mình (và điều đó tất yếu cũng phải chống lại cái gọi là “chủ nghĩa yêu nước” của bọn Quốc tế II) còn phải có nhiệm vụ ủng hộ những phong trào cách mạng chống đế quốc, giành độc lập ở những nước bị áp bức, quan trọng nhất là những thuộc địa do chính chủ nghĩa tư bản ở nước mình thống trị. Cần ghi nhớ rằng đối với cuộc cách mạng vô sản thế giới trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, mặc dù phong trào ở các nước thuộc địa và phụ thuộc có quan trọng đến như thế nào, Lênin vẫn không quên nhấn mạnh đến vai trò cuộc cách mạng vô sản phương Tây, đặc biệt là về mặt chiều hướng phát triển đi tới của lịch sử, chính vì vậy ông phê phán là “đã đi quá xa” những quan điểm như những quan điểm của Roy, nhà mácxít Ấn Độ, ông này quá nhấn mạnh đến tính chất quyết định của cuộc cách mạng phương Đông đối với cách mạng phương Tây, cho rằng “nếu không có sự chiến thắng của cách mạng trong những nước phương Đông, phong trào cộng sản ở phương Tây sẽ chẳng có ý nghĩa gì” [27]. Tuy vậy, thái độ đề phòng sự nghiêng lệch mang tính lý luận nói trên của Lênin đối với chủ nghĩa Mác đã không ngăn cản được trong thực tế – ngay cả trong bản thân lý luận của Lênin – xu hướng chuyển trọng tâm cách mạng về phương Đông, trước sự thoái trào ngày càng rõ rệt của phong trào cách mạng vô sản phương Tây [28].

     – Về mặt tổ chức, Quốc tế III chính là cơ quan, phối hợp, lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới đang nằm trong tình trạng khẩn trương nói trên. Tính chất cộng sản của nó phải được cương quyết xác định cho tất cả những thành viên, để làm cho nó trở thành nơi tập hợp thống nhất của những con người đang “tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt với toàn bộ thế giới tư sản và tất cả những đảng dân chủ-xã hội vàng”, theo cách diễn tả đầy khí thế của Lênin [29]. Cương quyết thanh lọc khỏi hàng ngũ các đảng cộng sản những phần tử Đệ II, tăng cường công tác bí mật liên kết chặt chẽ với công tác công khai, bán công khai, đi sâu vào các tổ chức quân đội, quần chúng, báo chí để vận động, lập “mặt trận” với những ai có thể liên kết được ở phía trên nhưng nắm chắc cơ sở ở phía dưới ... tất cả những hành vi quá quen thuộc đó của những người cộng sản sau này đều đã khơi nguồn từ Quốc tế III. Riêng đối với những dân tộc chậm tiến, những thuộc địa thì kinh nghiệm của cuộc cách mạng Nga đã được Quốc tế III coi như mẫu mực: dù giai cấp vô sản ở đây còn non yếu, thậm chí có nơi chưa có, nhưng vẫn hình thành những đảng cộng sản, coi đây là một thứ chi bộ của Quốc tế; đặc biệt chú trọng đến phong trào nông dân, thực hiện cải cách ruộng đất, chống địa chủ phong kiến, chống những “phần tử tu hành cùng những phần tử phản động và trung cổ khác”, trong những cao trào cách mạng tiến tới thành lập “xô viết những người nông dân”, “xô viết những người lao động”; chia quá trình cách mạng thành hai giai đoạn, ủng hộ, liên hiệp với những phong trào dân chủ tư sản chống đế quốc, nhưng chủ động giành cho được quyền lãnh đạo phong trào để khi cách mạng thành công sẽ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Tất cả những hoạt động nói trên đều phải quy về mục đích tập trung duy nhất là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản trên quy mô thế giới, do đó tất yếu cũng bắt buộc phải đặt tất cả những hoạt động ấy dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quốc tế mà trung tâm của nó không phải ở nơi nào khác là Matxcơva. Vốn chỉ là quê hương của cuộc cách mạng thứ hai không đuợc bổ sung bằng cuộc cách mạng thứ nhất theo đúng nghĩa mácxít của nó, nước Nga xô viết với cuộc cách mạng 1917, đã dần dà hoán chuyển vị trí để trở thành cuộc cách mạng thứ nhất [30] thay thế cho cuộc cách mạng vô sản phương Tây, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn bộ phong trào chống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới.

 Sự lựa chọn của Hồ Chí Minh

     1. Qua những gì đã trình bày về nội dung của cuộc cách mạng vô sản phương Đông, từ Mác đến Lênin như trên, chúng ta thấy luận điểm “từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội” của Hồ Chí Minh ở Việt Nam hoàn toàn chỉ là sự lập lại một cách nguyên vẹn đường lối cách mạng vô sản thế giới do Quốc tế III vạch ra cho tất cả những dân tộc thuộc xã hội phương Đông, không cho riêng nước nào, vì thế không thể gọi đó là sản phẩm của riêng biệt Hồ Chí Minh hoặc “quy luật” riêng biệt của cách mạng Việt Nam được. Tất cả những gì mà Hồ Chí Minh đã phát biểu về luận điểm này, dù có cách xa rất nhiều về thời gian, trước sau vẫn chỉ lại sự lập lại không ngừng những gì mà ông đã tiếp thu vào tháng 7 năm 1920 khi lần đầu ông tiếp xúc, qua báo L’humanité ở Paris, với “Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” mà Lênin đưa ra trước Đai hội lần thứ hai của Quốc tế III họp ở Matxcơva [31]. Tất cả những hoạt động của ông Hồ và của những người cộng sản Việt Nam trong suốt thời gian dài đăng đẳng đã qua, chẳng qua – như chính ông Hồ đã trình bày – chỉ có tác dụng chứng minh cho sự “đúng đắn” của chủ nghĩa Lênin thôi. [32]. Cái mà ngày nay người ta làm ồn lên và gọi đó “tư tưởng Hồ Chí Minh”, trên nền tảng của nó, thực chất chỉ là tư tưởng của Lênin, gắn liền với Quốc tế III do Lênin sáng lập. Như chính Hồ Chí Minh đã phát biểu: tất cả công việc của ông chỉ là “cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam” chứ không có gì khác [33].

Sự “sáng tạo” của Hồ Chí Minh, vì thế đã thuộc về lĩnh vực áp dụng thực hành, là một thứ công việc giống như một kỹ sư đem áp dụng vào thực tế những công thức nào đó về khoa học, tin tưởng về tính khả thi không còn nghi ngờ gì được về giá trị của những công thức ấy – cách thức làm việc đó không thể đồng nhất với công việc của những người luôn luôn muốn đặt lại vấn đề từ nền tảng, những người làm đảo lộn tư duy xã hội bằng những khám phá mang tính phương pháp, cũng không thể đồng hoá với công việc của những người, dù đã chấp nhận một học thuyết nào từ căn bản nhưng vẫn nuôi tham vọng cải biến, bổ sung học thuyết ấy từ những nguyên lý, thường xuyên đem những nguyên lý ấy đặt trước những thực tại mới, những chân trời mới để canh tân chúng, những công việc như vậy rất thường gặp trong lịch sử tư tưởng mà riêng trong phạm vi học thuyết Mác, chúng ta có thể kể đến Lênin như một thí dụ gần nhất. Khác hẳn với cách Lênin tiếp thu Mác, điều mà ai cũng biết là đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng như thế nào cho lịch sử chủ nghĩa Mác, cách tiếp thu Lênin của Hồ Chí Minh đã đi theo con đường hoàn toàn đặc biệt, so với những lĩnh tụ cộng sản khác, có lẽ chỉ có ông mới có thôi: chưa biết gì về chủ nghĩa Lênin mà đã hết lòng tin cậy [34] và trong khi vừa biết thêm chút ít thì liền coi ngay đó như một thứ “cẩm nang thần kỳ” [35] có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề của đời sống, không chỉ cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, mà còn cho cả sự nghiệp xây dựng đất nước trong hoà bình, không phải cho hôm nay mà còn cho cả “muôn đời con cháu mai sau” nữa. Đối với con người của Lênin, thì Hồ Chí Minh đã bày tỏ một lòng biết ơn hầu như vô hạn độ: Lênin không phải chỉ là lãnh tụ của một tổ chức chính trị hiểu theo nghĩa phương Tây mà còn là “người cha, người thầy” mà mỗi lần nghĩ đến người ta chỉ có thể phủ phục xuống quỳ lạy với một tấm lòng sùng kính và “hiếu thảo” đặc biệt kiểu phương Đông [36]