Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Tàn sát Tết Mậu Thân ở Huế

Tàn sát Tết Mậu Thân ở Huế PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Hai, 13 Tháng 10 Năm 2008 23:40


 

TỔNG KẾT

Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu Quân Lực VNCH, cho đến cuối tháng 3-1968, số tử vong trên toàn lãnh thổ VNCH của các bên trong cuộc tổng công kích tết Mậu Thân (1968) là: 4.954 sĩ quan và binh sĩ VNCH; 14.300 thường dân VNCH; 58.373 sĩ quan và binh sĩ trong lực lượng MTDTGPMNVN và Bắc Việt; 3.895 sĩ quan và nhân viên Hoa Kỳ (gồm Bộ binh, Không quân, Hải quân và TQLC), 214 sĩ quan và nhân viên Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Thái Lan trong các phái bộ viện trợ quân sự tại VNCH. Trong số 14.300 thường dân, Huế mất khoảng 2000 người. (32)

Riêng tại Huế, theo thống kê của tác giả Douglas Pike, ước lượng tổng số thiệt hại tại Huế sau biến cố Mậu Thân như sau:

Tổng số thường dân thương vong: 7.500 người. Số bị thương vì chiến tranh: 1.900 người. Số thường dân bị tử nạn: 844 người. Số mất tích: 1.946 người. (33)

Theo thống kê của tác giả David T. Zabecki qua một bài viết đăng trong Encyclopedia of the Viet Nam War, tại Huế, số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2.810 người và hàng ngàn người mất tích. Trong khi đó, Quân đội VNCH có 384 tử trận, 1.830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; Thủy quân lục chiến Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội Bắc Việt và Việt cộng 5.000 tử trận, số bị thương không tính được (34).

Các con số nầy chắc chắn chưa đầy đủ, vì còn nhiều người mất tích chưa được kê khai. Riêng tại Huế, nếu số tử thi tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2.810 xác, thì số người thật sự chết phải cao hơn rất nhiều, vì chắc chắn còn có những nấm mồ chưa được phát hiện, và có thể không bao giờ được phát hiện, mà vùi dập mãi với thời gian; hoặc những người bị cộng sản đem đi các địa phương khác rồi thủ tiêu. Ngoài ra còn có những người chết được gia đình tự lo liệu việc chôn cất. Dầu có tác giả cho rằng tối thiểu số thường dân bỏ mạng trong dịp Tết tại Huế phải khoảng trên 3.000 người (35), nhưng thực tế con số nầy phải cao hơn nhiều.

Một điều cần ghi nhận là trong khi giết hại cả hàng chục ngàn thường dân vô tội trên toàn quốc và nhất là chôn sống đồng bào tại Huế, một tội ác “đất không dung, trời không tha”, cộng sản địa phương Huế cũng như tập đoàn lãnh đạo Hà Nội phủi tay trốn trách nhiệm, hoàn toàn không đả động gì đến ai đã chủ mưu và giết chóc như vậy. Đó là lý do chính khiến cộng sản không công bố hồ sơ biến cố Mậu Thân, mặc dầu sự kiện nầy đã xảy ra cách đây bốn mươi năm.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi của một ký giả Tây phương vào năm 1969, ông bộ trưởng Bộ quốc phòng Bắc Việt lúc đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã chối rằng Hà Nội không tổ chức tổng công kích Tết Mậu Thân: “Chúng tôi không dính gì tới chuyện đó. Chuyện đó do Mặt trận [Dân tộc Giải phóng] thực hiện” (36).

Tài liệu hiện nay cho thấy vụ Tết MT do chính Nguyễn Chí Thanh soạn thảo kế hoạch, rồi Võ Nguyên Giáp tiếp tục khi Nguyễn Chí Thanh chết bất ngờ, chính Bộ chính trị thông qua kế hoạch nầy, chính HCM ra lệnh thi hành bằng bài thơ giết người trên đài phát thanh Hà Nội, và chính Trung ương cục miền Nam do Phạm Hùng, uỷ viên Bộ chính trị đảng LĐ đứng đầu, chỉ đạo mọi diễn tiến của tình hình. Ngày nay nhà cầm quyền Hà Nội công khai thừa nhận và ăn mừng “chiến thắng” MT, có khi nào VNG nghĩ đến lời nói dối “hào nhoáng” sống sượng của một đại tướng không?

Còn về việc giết người tập thể, ông Bùi Tín, nguyên là đại tá quân đội cộng sản Bắc Việt, nguyên phó tổng biên tập báo Nhân Dân Hà Nội trước năm 1990, đã viết rằng: “Cho nên những vụ tàn sát có tính chất tập thể có thể đã xảy ra ở các tiểu đoàn đang hành quân rút lui. Giữa cảnh hỗn loạn khi có lệnh rút lui… Một số đơn vị nảy ra hành động thủ tiêu tù binh để bảo đảm không lộ bí mật, không bị nguy hiểm, “nhẹ gánh”, “khỏi vướng chân”, “sẽ chết cả nút”… Cuối cùng cũng còn một số ít tù binh giải về căn cứ, được dùng để đào hầm hố, khuân vác… một số về sau được thả về” (37). Nếu biện minh như ông Bùi Tín, thì ông giải thích làm sao về việc cộng quân đã tàn sát và chôn hàng ngàn người tại Gia Hội (Huế) trong thời gian họ tạm chiếm vùng nầy?

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng: “Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng. Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải chính sách toàn cục của cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy” (Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời pv của bà Thụy Khê, bđd.)

Chưa đặt vấn đề lương tâm dân tộc ở đây, nhất là với những người cộng sản và những người chạy theo cộng sản như Hoàng Phủ Ngọc Tường, trước hết, phải xác định rõ ràng cuộc chiến do cộng sản gây ra không phải là “chiến tranh cách mạng”, mà là một cuộc chiến tranh ý thức hệ do tham vọng quyền lực và tham vọng bành trướng của cộng sản Bắc Việt.

Thứ hai, cách thức đổ lỗi “cục bộ”, “địa phương” là bài bản sách vở của CS. Trong tất cả các chương trình kế hoạch hành động, cộng sản luôn luôn cho rằng thành công là nhờ đảng lãnh đạo, thất bại là tại địa phương làm sai. Thậm chí nông dân Việt hiện nay có câu ca dao mỉa mai: “Mất mùa là bởi thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta.”

Thứ ba, “tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở địa phương khác trong Mậu Thân” vì không có nơi nào trên toàn quốc mà cộng sản chiếm được lâu ngày để có thể hoành hành, giết chóc như ở Huế. Trong khi đó, suốt từ 1945 đến 1975, đã nhiều lần cộng sản giết hại tập thể một cách tàn bạo, chôn sống biết bao nhiêu người, như những cuộc thủ tiêu khắp nước những nhà ái quốc không cộng sản (38), vụ giết hại những tín đồ Cao Đài ở Quảng Ngãi (39), vụ chôn sống nhóm Đệ tứ Quốc tế ở vùng sông Lòng Sông thuộc tỉnh Bình Thuận (40), vụ tàn sát các tín đồ Cao Đài và Hòa Hảo ở trong Nam (41). Có nhiều trường hợp người ta không có tội vẫn giết, vì người đó là một nhân tài, có thể có hại cho cộng sản trong tương lai, nên cần phải giết trước để trừ hậu hoạn. Giết như thế cộng sản gọi là “giết tiềm lực”.

Người trong cuộc là ông Lê Minh, bí thư Thừa Thiên-Huế, phụ trách mặt trận Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, đã thú nhận rằng việc tàn sát tù binh và thường dân ở Huế là có thật. Ông ta tuyên bố chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát nầy, nhưng lại chống chế rằng cộng quân “đã ở trong một hoàn cảnh quá khó khăn, đến không thể nào kiểm soát nổi những hành động thô bạo” (lời của ông Lê Minh, Chính Đạo trích dẫn, Mậu Thân, sđd. 137.)

Như đã trình bày ở trên, đây không phải là lần đầu tiên cộng sản “hành động thô bạo”. Hơn nữa, từ đâu phát sinh hành động thô bạo? Thông thường, đó là do xuất thân từ một tập thể thô bạo, được giáo dục dưới chủ trương và chính sách thô bạo, và được khuyến khích bằng những hành động thô bạo, không bị pháp luật chế tài. Do đó, chẳng cần phải hoàn cảnh khó khăn thì cộng quân mới “hành động thô bạo”.

Tuy nhiên, ít nhất ông Lê Minh cũng đã can đảm công khai thú nhận quân đội cộng sản đã “hành động thô bạo”, một lời thú nhận hiếm thấy nơi những nhà lãnh đạo cộng sản. Lời thú nhận của ông Lê Minh được đưa ra năm 1988, trong thời gian đảng CSVN bắt đầu cởi mở, đã đuợc đăng trên tạp chí Sông Hương và được dịch đăng trên báo Newsweek ở Hoa Kỳ (Theo lời Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời bà Thụy Khê).

Sau đó những biến động ở Đông Âu dồn dập xảy ra và Liên Xô sụp đổ năm 1991, đã làm cho phái bảo thủ trong đảng CSVN cứng rắn trở lại. Hồ sơ Mậu Thân bị khép kín lần nữa. Quyển hồi ký của Lê Minh liền bị thu hồi và bản thân đương sự bị thất sủng, cô lập. Hiện nay, hàng năm vào dịp Tết, CSVN ăn mừng chiến thắng Mậu Thân trên sự đau khổ của đồng bào cả nước, vì ngày đó cũng chính là ngày kỵ giỗ của khoảng gần 80.000 người Việt cả Bắc lẫn Nam, cả dân sự lẫn quân sự, đã bỏ mình trong cuộc tổng công kích nầy.

Dầu Võ Nguyên Giáp có chối tội, Bùi Tín, Hoàng Phủ Ngọc Tường hay Lê Minh có biện minh thế nào cho cộng quân, bất cứ ai đã từng sống với CS đều biết rằng:

- Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và sắt máu của cộng sản, không có một người nào dưới quyền đảng Cộng Sản mà không bị kiểm soát, không có một người nào dưới quyền cộng sản mà có thể tự ý làm bất cứ điều gì họ nghĩ. Nhất nhất họ đều phải theo chỉ thị của đảng bộ và của cấp trên. Do đó, việc tàn sát trong cuộc chiến Tết Mậu Thân hoàn toàn là chủ trương chính sách của đảng LĐ tức đảng CSVN.

- Đảng Cộng Sản là một đảng chính trị tổ chức chặt chẽ, rất có kỷ luật. Bất cứ đơn vị quân đội cộng sản nào cũng có một chính uỷ (uỷ viên chính trị) để điều khiển công việc, đứng trên và quyền hành hơn cả đơn vị trưởng. Do đó, không thể đổ lỗi cho các cán binh cộng quân rút lui nên mới tàn sát bừa bãi, và cũng không thể đổ lỗi cho các đơn vị địa phương hay tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã phạm sai lầm hoặc giết người để tự vệ.

Chắc chắn phải có kế hoạch chính sách do trung ương hoặc do các đảng uỷ cộng sản quyết định, khi tiến thì làm gì, khi rút lui thì làm gì, các đơn vị thừa hành hoặc các cán binh mới dám tàn sát dân chúng một cách vô nhân đạo, tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam và cả lịch sử thế giới. Hiếu sát, giết người bừa bãi là một đặc tính căn bản của cán bộ cộng sản học được từ các lãnh tụ Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Như thế, đảng LĐ tức đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về việc tàn sát trong cuộc chiến tết Mậu Thân năm 1968.

Đặc tính khát máu tàn bạo nầy của CS thể hiện xuyên suốt từ những vụ thủ tiêu chính trị năm 1945 (vài trăm ngàn người bị giết), đến cuộc tàn sát trong Cuộc cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc (200.000 nông dân bị tàn sát), rồi Nhân Văn-Giai Phẩm (bắt tất cả trí thức, văn nghệ sĩ phản đối sự chỉ huy văn nghệ của cộng sản), vụ án “chống đảng” (bắt giam dài hạn sĩ quan, trí thức không đồng chánh kiến). CSVN học theo đúng bài bản Liên Xô trong thế chiến thứ nhì (tiêu diệt tập thể những người yêu nước Ba Lan để thay thế bằng những đảng viện CS Ba Lan), ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam, tiêu diệt ngay chính đồng bào mình.

Vụ tàn sát Tết Mậu Thân tại Huế là một dấu mốc trong tiến trình xâm lăng VNCH, nhắm đặt toàn thể nước Việt Nam dưới sự cai trị của cộng sản. Sau năm 1954, khi người Pháp rút lui, đất nước bị chia hai. Đáng lẽ cả hai miền Nam và Bắc thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đất nước sau cuộc chiến 1946-1954, và chuẩn bị thống nhất đất nước một cách hòa bình trong tình anh em ruột thịt một nhà, các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt quyết tâm thôn tính miền Nam bằng võ lực (42).

Các cấp lãnh đạo cộng sản không thể bằng những phương thức hỏa mù chính trị, đổ tội cho những nhân vật cấp thấp hay rất thấp. Ví dụ ở Huế, cộng sản tuyên truyền đổ tội cho Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, trong khi ai cũng biết những người nầy chỉ là những kẻ ăn theo chạy dọi, những người theo phong trào. Những người nầy, nhất là Hoàng Phủ Ngọc Phan (em của Hoàng Phủ Ngọc Tường), Nguyễn Đắc Xuân đã xuất đầu lộ diện, hăng hái chỉ huy cuộc lùng bắt, tấn công, trước sự chứng kiến của dân chúng Huế, nên đành phải chịu tai tiếng suốt đời. Cộng Sản dùng họ làm những con cờ thí. Các cấp lãnh đạo của cộng sản hy vọng lớp bụi thời gian sẽ lần lần che phủ những dấu vết tội lỗi của cộng sản.

Về các lực lượng trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân:

1) Rõ ràng du kích CS miền Nam đã hoàn toàn thất bại. Đại bộ phận lực lượng MTDTGPMNVN bị tiêu diệt. Nhiều tài liệu của phía CSVN cho thấy MTDTGPMNVN hầu như kiệt quệ sau vụ Mậu Thân. Cuộc tổng công kích không được dân chúng hưởng ứng. Dưới lằn đạn của du kích CS, dân chúng hướng về phía quân đội VNCH hay quân đội Hoa Kỳ để tìm đường sống, chứ không ai chạy theo CS cả.

2) Quân lực VNCH bị tấn công bất ngờ, nhưng đã phản ứng kịp thời, nhanh chóng và mạnh mẽ. Khi bình luận về trận Mậu Thân, ông Yves Gras, một tướng lãnh Pháp, đã viết: “Quân đội Nam Việt giữ vai trò chủ yếu trong các trận đánh bẻ gãy cuộc tấn công của phương Bắc trong Tết Mậu Thân vào tháng 2 năm 1968”(43). Sau Tết Mậu Thân, khi được tổng thống Hoa Kỳ gởi sang thị sát chiến trường Việt Nam ngày 23-2-1968, tướng Earle G. Wheeler, trong báo cáo gởi về Washington, đã nhấn mạnh: “Các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự cuộc tấn công ban đầu với một sức mạnh thần kỳ” (44).

3) Quân du kích CSVN tấn công Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn nhắm mục đích gây tiếng vang chính trị, nhưng trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, Việt Cộng tránh đụng độ trực tiếp với lực lượng Hoa Kỳ, mà chỉ nhắm tấn công vào quân lực VNCH. Vì vậy, quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh chỉ hoạt động để giúp đỡ quân dội VNCH. Do đó có người cho rằng quân đội Hoa Kỳ phản ứng chậm. Lực lượng Hoa Kỳ và Đồng minh thiệt hại tương đối nhẹ.

Tuy nhiên việc CSVN tấn công vào các thành phố đã làm cho dân chúng Hoa Kỳ hoang mang về tình hình an ninh ở Việt Nam, khiến họ tránh đến Việt Nam đầu tư, làm ăn buôn bán. Quan trọng hơn nữa, dân chúng Hoa Kỳ ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, chỉ theo dõi tình hình qua truyền hình và báo chí. Lúc đó truyền hình và báo chí thiên tả hoạt động mạnh, tô đậm chiến tranh Việt Nam, khiến cho dân chúng Hoa Kỳ lo ngại cho thân nhân của họ đang thi hành quân dịch ở Việt Nam. Việc nầy tạo cơ hội cho các phong trào phản chiến đòi rút quân Hoa Kỳ khỏi Việt Nam hoạt động mạnh hơn nữa. Chỉ khi nào quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, Bắc Việt cộng sản mới hy vọng chiến thắng ở miền Nam. Dầu thế nào, cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân cũng ảnh hưởng sâu rộng đến chính trường Hoa Kỳ.

Ngày 23-02-1968, tổng thống Lyndon Johnson cử tướng Earle G. Wheeler sang Việt Nam tìm hiểu tình hình tại chỗ. Tướng Wesmoreland, tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị tăng 206.000 quân Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ngày 01-03-1968, quyết định cử Clark Clifford giữ chức bộ trưởng Quốc phòng thay Robert Mc Namara. Ngày 22-03-1968, Lyndon Johnson cử tướng Abrams, tư lệnh phó MACV thay tướng Westmoreland. Ngày 30-03-1968, tổng thống tuyên bố không tái ứng cử và xúc tiến việc tìm kiếm một giải pháp chính trị trên bàn hội nghị. Từ năm 1969, Hoa Kỳ bắt đầu kế hoạch “Việt Nam hóa” chiến tranh, mở đầu cho việc rút quân Hoa Kỳ sau nầy…

4) Như đã trình bày ở trên, kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là cộng sản Bắc Việt. Sau năm 1975, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thành viên quan trọng trong MTDTGPMNVN cho rằng “Hà Nội đã có tội khi đưa ra những tính toán sai lầm làm tiêu phí hết sức mạnh của miền Nam” (45). Thật ra, Hà Nội không sai lầm, mà Hà Nội tính toán trước việc nầy, dầu thắng hay bại, CS Hà Nội đều hưởng lợi (đã trình bày ở trên). Khi quân đội MTDTGPMNVN bị tiêu diệt, cộng sản Hà Nội liền ào ạt gởi quân vào Nam để tăng viện, điền trám chỗ trống, giữ vững quân đội du kích cộng sản khỏi bị suy sụp. Từ đó, CS Bắc Việt hoàn toàn điều khiển MTGPDTMNVN, và loại bỏ những thành phần miền Nam vốn không tuân phục quyền lực Hà Nội trong MTDTGPMNVN. Ngoài ra, Hà Nội khá lợi thế trên chính trường quốc tế trong việc thương lượng để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho chiến tranh Việt Nam.

Cuối cùng, dầu bên nào thành công, bên nào thất bại, thiệt thòi nhất vẫn là dân chúng Việt Nam. Người Việt Nam ở cả Bắc lẫn Nam Việt Nam đã mất mát nặng nề trong vụ Mậu Thân. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (một vị tướng thành công thì có cả hàng vạn người chết). Xin chú ý thêm rằng Mậu Thân mới chỉ là một trận đánh trong nhiều trận đánh của cuộc chiến hoàn toàn phi nghĩa kéo dài trong 30 năm trên quê hương Việt Nam, do Hồ Chí Minh và đảng CSVN gây ra, khiến khoảng 3 triệu người đã bỏ mạng.

Theo tin các báo, ngày 22-01-2008, tổng thống Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn hay Nam Triều Tiên) Roh Moo-Hyun đã xin lỗi dân chúng Đại Hàn vì cảnh sát và quân đội đã xử tử không thông qua xét xử 870 người ở thành phố Ulsan trong tháng 7 và tháng 8-1950 do dính líu đến hoạt động của cộng sản trong thời gian đầu của chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trong khi đó, cũng theo tin các báo, từ ngày 18-06-2007 đến ngày 27-06-2007, Viện Nghiên cứu Vùng và Quốc tế của Đại học Princeton đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà Nội về đề tài “Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam: nguồn gốc, hệ lụy và hậu quả”. Trong khóa hội thảo nầy, giáo sư Nguyễn Đình Lê, tiến sĩ khoa Lịch sử, hiện giảng dạy tại Đai học Quốc gia Hà Nội, đã chối tội cho chế độ Hà Nội bằng cách lập luận rằng vụ thảm sát Tết Mậu Thân là do Mỹ ngụy tạo để đổ lỗi cho CSVN (?)

Cộng Sản Việt Nam đã không nhận lỗi mà còn cho một giáo sư chối tội hết sức ấu trĩ, vì lối bào chữa của ông Nguyễn Đình Lê thật đúng là “Lấy vải thưa che mắt thánh” (tục ngữ). Nếu quả thật quân nhân Mỹ phạm một trọng tội như vậy, chắc chắn CSVN đã la làng từ 40 năm nay, chứ không phải đợi đến bây giờ ông giáo sư đại học Hà Nội mới lên tiếng. Và nếu quả thật quân đội Mỹ phạm trọng tội như vậy thì chẳng những CSVN la làng, mà truyền thông Tây phương (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, sách vở) cũng đã làm rùm beng, khai thác triệt để, chắc chắn còn hơn cả vụ Mỹ Lai. Ngoài ra, những nhân chứng người Việt hay người ngoại quốc về vụ Mậu Thân hiện nay còn sống ở Huế hay ở khắp nơi trên thế giới. Những hình ảnh rùng rợn về Tết Mậu Thân vẫn còn đó, hàng ngày xuất hiện trên báo chí hay trên các website khắp toàn cầu.

Mới đây, ngày 01-02-2008, CSVN tổ chức các cuộc diễn hành của lực lượng võ trang, kể cả cựu chiến binh tại Sài Gòn để ăn mừng “chiến thắng” Mậu Thân, trong khi hàng vạn gia đình Việt Nam âm thầm tổ chức lễ kỵ giỗ để tưởng nhớ thân nhân của mình đã từ trần trong vụ Mậu Thân..

“Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Vụ án Trần Thủ Độ giết con cháu nhà Lý năm 1232, dù tối đa chỉ vài trăm người, đã trên bảy trăm năm, ngày nay sử sách vẫn còn nhắc nhở và sẽ mãi mãi nhắc nhở. Sự dã man của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Hà Nội qua biến cố Tết Mậu Thân, đậm nét không kém gì những vụ án dã man khác của đảng Cộng Sản, chắc chắn không bao giờ phai mờ trong ký ức của người Việt.

Xin hãy cùng nhau thắp nén hương lòng tưởng nhớ nạn nhân cộng sản trong vụ Mậu Thân nói riêng và trong suốt cuộc chiến vừa qua trên đất nước yêu quý của chúng ta.

Toronto, Canada

© DCVOnline

(32) *Phạm Văn Sơn (chủ biên), sđd. tr. 35.- Don Oberdorfer, sđd. trang đầu sách: “Tặng những người đã hy sinh (từ 29-1 đến 31-3-1968)”, không ghi số trang.

(33) Douglas Pike, The Vietcong Strategy of Terror [Chiến lược khủng bố của Việt Cộng], bản trích dịch của điện báo Mặt Trận Quốc Gia, http://www.nufronliv.org/tailieu/tet68/mauthan3.htm

(34) David T. Zabecki, “Huê, Battle of (1968)”, bđd., sđd. tr. 304.

(35) Stéphane Courtois và một số tác giả, sđđ. tr. 572.

(36) Don Oberdorfer, sđd. tr. 45. Nguyên văn: “We had nothing to do with it. The [National Liberation] Front put it on.”

(37) Thành Tín [Bùi Tín], sđd. tt. 185-186.

(38) Sau biến cố năm 1945, trên toàn cõi Việt Nam, rất nhiều người bị thủ tiêu. Sau đây là ví dụ vài nhân vật có tiếng: ở Bắc: Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Đào Chu Khải, Trương Tử Anh, Khái Hưng…; ở Trung: Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, Tạ Thu Thâu…; ở nam: Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Phú Sổ … Tổng số người bị thủ tiêu trong thời gian nầy trên toàn cõi Việt Nam từ thượng tầng đến hạ tầng ở thôn xã lên đến khoảng vài trăm ngàn người.

(39) Trong “Bạch thư Cao Đài giáo”, viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, do vị đại diện đạo Cao Đài là Ngọc Sách Thanh đưa ra ngày 9-4-1999 tại San Bernardino, California, gởi cho ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Uỷ ban Quốc tế Nhân quyền, thì chỉ trong ba tuần lễ kể từ 19-8-1945, tại Quảng Ngãi, VM cộng sản đã giết bằng nhiều cách 2.791 người, vừa chức sắc, chức việc, vừa tín hữu Cao Đài giáo, kể cả phụ nữ và trẻ em,” như chém đầu, chôn sống, thả biển, và cả hình thức “tùng xẻo” thời trung cổ.” [nguyên văn]

(40) Nguyễn Long Thành Nam, Phật giáo Hòa Hảo trong dòng lịch sử dân tộc, California: Nxb. Đuốc Từ Bi, 1991, tr. 359.

(41) Theo tài liệu của Nguyễn Long Thành Nam trong sách đã dẫn và của Huỳnh Tâm, Cao Đài dưới chế độ cộng sản Việt Nam, Paris: Ban Đạo Sử Đạo Cao Đài, 1994.

(42) Ngày nay, ai cũng thấy rõ ràng: Đông Đức và Tây Đức thống nhất không đổ máu; Bắc Hàn và Nam Hàn hiện bắt tay bàn chuyện giúp đỡ và thống nhất; Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Đài Loan tuy tranh chấp về chính trị và quân sự nhưng vẫn giữ nguyên tình trạng cũ.

(43) Yves Gras [tướng lãnh Pháp], “L’autre armée Vietnamienne, L’engagement des Vietnamiens dans la guerre d’Indochine (1945-1975)”, đăng trong sách Indochine: Alerte à l’histoire của một nhóm tác giả, Académie des Sciences d’Outre-Mer [Viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại], Institut de l’Asie du sud-est [Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á] và Association nationale des anciens d’Indochine [Hiệp Hội Quốc Gia Cựu Chiến Binh Đông Dương] đồng xuất bản, Paris, 1985, tr. 279. Nguyên bản Pháp văn câu nầy là: “L’armée sud-vietnamienne joue un rôle capital dans les combats qui brisent l’offensive nordiste du Têt Mau Than en février 1968…”

(44) Tường trình của tướng Earle G. Wheeler (1908-1975) được tướng Yves Gras (người Pháp) trích dẫn trong bài viết của Yves Gras đã trích dẫn ở trên. Nguyên bản Pháp văn Yves Gras dịch của Wheeler: “Les forces armées de la République du Vietnam ont résisté à l’assaut initial avec une force surprenante.”

(45) Peter Macdonald, Giap, the Victor in Vietnam, New York: W.W. Norton & Company, 1993, p. 268. Nguyễn Đức Cung trích dẫn, “Từ ấp chiến lược đến biến cố Tết Mậu Thân”, tập san Định Hướng, Paris: số 51, Mùa Xuân 2008.

Đừng nghe những gì CS nói! Hãy nhìn những gì CS làm! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi!