Tết Mậu Thân 1968 |
Tác Giả: Bai An Tran | |||
Chúa Nhật, 28 Tháng 9 Năm 2008 15:26 | |||
• DAVID T. ZABECKI (1) • TOÀN NHƯ chuyển ngữ Thật là khó có thể tin rằng 40 năm đã trôi qua kể từ sau cuộc Tấn Công Tết Mậu Thân (1968). Đối với những ai trong chúng ta đã từng ở đó, cứ tưởng chừng như mới ngày hôm qua khi chúng ta được báo động vào những giờ lúc sáng sớm – đúng ra là lúc nửa đêm – ngày 31 Tháng Giêng năm 1968. Một điều gì đó lớn lao đã xảy ra. Hầu hết các tướng lãnh và các vị chỉ huy cao cấp có thể đã có cái cảm giác rằng nó rất là to lớn, nhưng đối với chúng tôi là những đơn vị đang ở ngoài chiến tuyến nó chỉ là vấn đề “sẵn sàng ứng chiến và ra trận.” Câu chuyện về cuộc Tấn Công Tết thực ra đã được khởi sự từ đầu Tháng Bảy năm 1967, khi một viên tướng hàng đầu của Quân Đội Bắc Việt bị chết trong một bệnh viện quân y tại Hà Nội. Trong nhiều năm qua, Tướng Nguyễn Chí Thanh đã được báo cáo là đã bị chết bởi máy bay B-52 của Mỹ trong lúc y đang chỉ huy ở một nơi nào đó tại Miền Nam Việt Nam. Bằng chứng mới này đã chứng tỏ rằng y đã chết một cách không bình thường. Tuy nhiên, dù vì lý do gì, thời điểm mà y chết đã ảnh hưởng sâu đậm trên tiến trình hình thành những quyết định của Bắc Việt dẫn đến cuộc Tấn Công Tết 1968 và, xa hơn nữa, đã dẫn đến một cuộc chiến với cái kết cuộc không mấy vui. Thanh là tên chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Bắc Việt tại Miền Nam . Ngoài Bộ Trưởng Quốc Phòng Võ Nguyên Giáp, y là người duy nhất mang cấp bậc 4 sao trong quân đội Bắc Việt. Y cũng là người có nhiều quyền lực chính trị - đã 17 năm là ủy viên Bộ Chính Trị của Bắc Việt. Thêm vào đó, y còn là một đối thủ lâu năm trong chủ trương đối đầu với Mỹ về mặt quân sự của Giáp. Nhưng nay tiếng nói ấy đã mãi mãi im bặt. Ngay sau quốc tang của Thanh ngày 7 Tháng Bảy, Bộ Chính Trị đã xem xét kế hoạch táo bạo của Giáp muốn đẩy mạnh chiến tranh để đi đến một kết cuộc thành công nhanh chóng. Chiến tranh đã không diễn tiến tốt đẹp cho những người Cộng sản. Lực lượng Việt Cộng của Thanh và quân đội Bắc Việt ở Miền Nam đã đang bị thua mỗi khi đối đầu với lực lượng Hoa Kỳ kể từ sau trận đụng độ đẫm máu tại thung lũng Drang trong năm 1965. Thanh coi đó là sự điên rồ khi đương đầu với sự cơ động và hỏa lực siêu phàm của Mỹ. Y muốn giảm những cuộc hành quân và theo đuổi một cuộc chiến tranh du kích kéo dài, từng bước làm hao mòn ý chí của Mỹ. Nhưng Tướng Giáp, kẻ chiến thắng ở Điện Biên Phủ 13 năm trước, lại muốn một cuộc thử thách khác để hạ gục Mỹ. Nay với cái chết của Thanh, không còn tiếng nói phản kháng nào khác trong Bộ Chính Trị. Cái chìa khóa trong kế hoạch của Giáp là cái ý niệm về “Tổng Tấn Công” vay mượn từ học thuyết Cộng sản Trung Hoa. Tiếp theo cuộc Tổng Tấn Công, trong một hai cú đánh, sẽ là cuộc “Tổng Nổi Dậy”, dân chúng Miền Nam sẽ tập họp theo những nguyên cớ của người cộng sản và lật đổ chính quyền Sài Gòn. Cuộc Tổng Nổi Dậy là một nhân tố không thể thiếu trong tín điều cách mạng của Việt Nam . Sự thành công trong kế hoạch của Giáp tùy thuộc vào ba cái chìa khóa: (1) là QLVNCH sẽ không chiến đấu và sẽ sụp đổ ngay trong trận đụng độ đầu tiên; (2) là dân chúng Miền Nam sẽ đi theo với cuộc Tổng Nổi Dậy; (3) là khi đối đầu với một hành động gây chấn động to lớn, cái ý chí muốn tiếp tục cuộc chiến của người Mỹ có thể sẽ nứt rạn. Thời điểm cho cuộc Tổng Tấn Công được hoạch định là vào dịp Tết 1968, đó là Năm Mới âm lịch bắt đầu cho Năm Con Khỉ (Mậu Thân). Tết là một ngày lễ rất quan trọng đối với người Việt Nam . Thật khó cho người Tây phương hiểu được sự quan trọng của nó. Nó giống như Lễ Giáng Sinh, Lễ Tạ Ơn, Ngày 4 Tháng Bảy (Lễ Độc Lập) và sinh nhật của bạn, tất cả tổng hợp lại. Kế hoạch chuẩn bị Tấn Công Tết của Giáp là một sự đánh lừa khá xuất sắc. Những sự hướng dẫn tổng quát được gởi tới các đơn vị ở chiến trường, nhưng chắc chắn vào thời điểm nào và những mục tiêu tấn công nào đã được giữ kín cho đến phút chót. Bắt đầu vào mùa thu năm 1967, Giáp gia tăng một loạt những trận đánh đẫm máu nhưng dường như là những trận đánh không mấy quan trọng ở vùng biên giới và ở phía bắc gần vùng Phi Quân Sự. Vào ngày 29 Tháng Mười, Trung Đoàn VC 273 tấn công quận lỵ Lộc Ninh, nơi vùng “Lưỡi Câu” ở phía đông bắc Sài Gòn. Ngày 23 Tháng Mười Một, Trung Đoàn 4 Bắc Việt tấn công Dak To. Vào đầu Tháng Giêng 1968, một vài sư đoàn Bắc Việt bắt đầu tập hợp chung quanh căn cứ TQLC Mỹ ở Khe Sanh, gần khu Phi Quân Sự. Tất cả những hành động này là một phần của kế hoạch “vận động ngoại biên” của Giáp được vạch ra để lôi kéo những đơn vị Mỹ ra khỏi những vùng đô thị và hướng về biên giới. Hầu hết kế hoạch được thi hành bởi quân đội Bắc Việt, trong khi các đơn vị VC di chuyển vào những vị trí bỏ ngỏ trong dịp Tết, dự trữ các tiếp tế và thực hiện những cuộc thao diễn tấn công của chúng. Trong vụ Trung Đoàn VC 273 tấn công Lộc Ninh, các tài liệu bắt được của địch sau đó đã cho biết mục đích của trận đánh là để cho VC làm quen với những cuộc tấn công có tính qui ước. Các lãnh đạo quân sự cộng sản đã lợi dụng sự hưu chiến Giáng Sinh 1967 cho mục đích này. Các chỉ huy cao cấp đã sử dụng sự hưu chiến để do thám những mục tiêu đã được chỉ định. Đúng là kế hoạch đã được tung ra theo một canh bạc lớn của Giáp ngay trong những ngày đầu năm 1968. * Tết thực sự đã gây ngạc nhiên về mặt chiến lược, mặc dù về mặt chiến thuật, tình báo Hoa Kỳ đã biết rằng có thể có những cuộc tấn công trong thời gian nghỉ lễ. Trung Tướng Fred Weyand, Tư Lệnh Lực Lượng II Dã Chiến Hoa Kỳ và là một cựu sĩ quan tình báo trong Thế Chiến II, đã kết luận rằng một điều gì đó lớn lao sẽ xảy ra. Ông đã thuyết phục Tướng Westmoreland cho phép ông triển khai 13 trong số những tiểu đoàn của ông tiến về gần Sài Gòn vào giữa Tháng Giêng. Kết qủa là, lực lượng Mỹ đã không hoàn toàn bị động khi cuộc tấn công xảy ra. Xuyên qua khắp cả nước, cuộc chiến đã chấm dứt chỉ trong vài ngày, nhưng tại những nơi như Sài Gòn Chợ Lớn, Huế và Khe Sanh, cuộc giao tranh đã kéo dài hàng tuần lễ. Khi mọi chuyện đã qua, hai trong ba cái chìa khóa của Giáp đã chứng tỏ hoàn toàn sai lầm. Dân chúng Miền Nam đã không tập hợp theo cái nguyên cớ của người cộng sản. Cuộc Tổng Nổi Dậy đã không xảy ra – ngay cả ở Huế, nơi mà lực lượng cộng sản đã chiếm giữ toàn thành phố trong một thời gian dài. Quân lực VNCH cũng đã không bị xóa sổ. Nó có thể đã bị thất bại ở một vài nơi, nhưng phần lớn nó đã chiến đấu và chiến đấu xuất sắc một cách đáng kinh ngạc. Kẻ thất bại duy nhất trong cuộc Tấn Công Tết là Việt Cộng. Các phiến quân tại Miền Nam đã tham gia những trận tấn công chính yếu và chúng đã chịu sự tổn thất nặng nề nhất. Hạ tầng cơ sở của các phiến quân đã dày công phát triển trong nhiều năm qua chỉ trong một trận đã bị giảm đi chỉ còn một phần mười. Kể từ đó, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai đã hoàn toàn do Bắc Việt đảm trách. Việt Cộng không bao giờ còn là một lực lượng đáng kể trên chiến trường. Khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ vào Tháng Tư năm 1975, nó đã bị thua vào tay bốn quân đoàn quân đội Bắc Việt. Tuy nhiên, Giáp đã hoàn toàn đúng trong cái gỉa định thứ ba của y – nói về cái ý chí của kẻ thù (Mỹ). Cả thế giới, và đặc biệt là dân chúng Mỹ, đã bị kinh ngạc bởi cái sức mạnh rõ ràng của những cuộc tấn công của cộng sản. Chiến thắng tràn ngập trên khắp chiến trường tiếp theo đó của những đơn vị Mỹ và Nam Việt Nam vẫn không thể đảo ngược cái hình ảnh thất bại và thiệt hại đã khắc sâu trong công luận. Một mặt Hoa Kỳ đã cho Giáp sự thất bại chiến thuật to lớn nhất, nhưng mặt khác lại cho y cái chiến thắng về mặt chiến lược lớn lao nhất, làm cho cuộc Tấn Công Tết đã trở thành một trong những những trận đánh quyết định mang tính tương phản nhất trong lịch sử. Về mặt quân sự Hoa Kỳ tuy bị bất ngờ nhưng vẫn chiến thắng. Các tướng lãnh Mỹ đã biết rõ kẻ địch đang đi trên dây và nay thời điểm đã đến để loại bỏ nó. Westmoreland và Tướng Chủ tịch Ban Tham Mưu Hỗn Hợp Earle G. Wheeler đã cùng đặt một kế hoạch yêu cầu bổ sung thêm 206.000 quân để thừa thắng xông lên đập tan kẻ thù, nhưng rất tiếc một người nào đó trong Tòa Bạch Ốc của Johnson đã để lọt kế hoạch ra cho báo chí. Câu chuyện đã nổ ra vào ngày 10 Tháng Ba năm 1968. Dư luận Hoa Kỳ đã kết luận rằng quân số gia tăng thêm là để phục hồi một loạt những thất bại, và tố cáo rằng chính quyền đã nói dối. Đó là một bước ngoặt tâm lý. Không đầy ba tuần sau, Tổng Thống Johnson tuyên bố rằng ông sẽ không tái tranh cử. Nhà sử gia quân sự Mỹ Trung Tướng S.L.A. Marshall sau này đã tóm tắt, cuộc Tấn Công Tết 1968 là “một chiến thắng chính yếu đang tiềm ẩn đã chuyển thành một sự rút lui thật tệ hại xuyên qua những sự lượng gía sai lầm, thiếu suy nghĩ, cố vấn tệ hại, lãnh đạo sai lạc, và một làn sóng mang tinh thần chủ bại dâng cao.” Nhưng Tết cũng không là một sự ngạc nhiên đến sửng sốt. Quân sử đã có đầy những thí dụ chuyển từ thắng sang bại. Đã có ít nhất ba thí dụ về những sự tấn công bất ngờ đầy tuyệt vọng như thế chỉ trong nửa đầu thế kỷ 20. Vào Tháng Ba năm 1918, người Đức đã tung ra cuộc hành quân lớn Michael, còn được biết như là Trận Kaiser, một cố gắng để loại người Anh ra khỏi trận chiến trước khi lực lượng Mỹ có thể đến kịp để quân bình chiến lược đối đầu với người Đức. Giống như Tết, cuộc tấn công của Đức không chỉ là một sự ngạc nhiên hoàn toàn cho phe Đồng Minh, mà nó còn đặc biệt ở cường độ và tầm mức lớn lao của nó. Cuộc hành quân Michael đã thành công như là một trong những sự thành công về mặt chiến thuật lớn nhất của Thế Chiến I, nhưng nó lại là một sự thất bại về mặt chiến lược. Nó thất bại không đập tan được ý chí và sự tự tin nơi phe Đồng Minh, và người Đức sau cùng đã thua trận. Người Đức sau đó lại cố gắng tương tự một lần nữa vào Tháng Mười Hai năm 1944. Lần này Trận Bulge đã là một bất ngờ hoàn toàn, nhưng nó cũng trở thành một sự thất bại cả về chiến thuật lẫn chiến lược, và người Đức lại một lần nữa thua trận. Vào cuối Tháng Mười năm 1950, lực lượng Mỹ cũng một lần bị bất ngờ khi toàn thể sự kháng cự của Bắc Hàn đã bị đập tan ở giữa vĩ tuyến 38 và sông Áp Lục (Yalu). Nhưng kể từ ngày 14 Tháng Mười đến ngày 01 Tháng Mười Một, lực lượng Trung Cộng đã huy động khoảng 180.000 quân ở phía nam dòng sông. Khi chúng đối đầu với Quân Đoàn 8 Mỹ, sự bất ngờ hầu như toàn diện. Vào thời điểm này cuộc tấn công đã thành công cả về mặt chiến thuật lẫn chiến lược, và bán đảo Đại Hàn vẫn duy trì sự chia cắt cho đến ngày nay. Nói tóm lại, cả bốn thí dụ về sự tuyệt vọng nói trên, những cuộc tấn công bất ngờ như một trò chơi mạo hiểm tiêu biểu cho bốn sự phối hợp về chiến thuật và chiến lược, về thành công và thất bại. Cuộc hành quân Michael đã chứng tỏ rằng sự thành công về chiến thuật không dẫn đến sự thành công về chiến lược, ngược lại, cuộc tấn công Tết đã chứng tỏ rằng sự thất bại về chiến thuật không nhất thiết đưa đến sự thất bại về chiến lược. Bài học rõ rệt ở đây là sự chiến thắng hay thất bại sau cùng trong những trường hợp như vậy thường không được quyết định trong đầu của bên phía tấn công. Đây là một bài học mà chúng ta nên lưu ý trong tương lai. * Hầu hết trong chúng ta, những người đã chiến đấu trong Tết (Mậu Thân) 40 năm trước khi còn là những chàng trai trẻ thấy mình ngày nay đang ở bên bờ tuổi hạc. Những người bạn chiến hữu của chúng ta lớn hơn chúng ta từ năm tới mười tuổi ngày đó nay đã là những ông gìa, đồng tuổi với những cựu chiến binh Thế Chiến I khi chúng ta còn là những đứa trẻ trong thập niên 1950. Những cấp chỉ huy lớn tuổi của chúng ta, những cựu chiến binh chiến tranh Đại Hàn và Thế Chiến II, nay đang là những bậc tiền bối - họ vẫn còn may mắn ở bên chúng ta. Qủa thật, kỷ niệm 40 năm (Tết Mậu Thân) đã ghi dấu một cột mốc quan trọng, một cơ hội thích hợp để hồi tưởng về một trận chiến đã trở thành một bước ngoặt trong Chiến Tranh Việt Nam … Thực ra không có gì mới mẻ với cuộc Tấn Công Tết. Nếu có một cái gì không thay đổi trong lịch sử chiến tranh đó là sự bất ngờ thật tai hại. Đã có nhiều cuộc “Tấn Công Tết” xuyên qua quân sử, và chúng ta hầu như lại thấy có cái gì đó tương tự đang xảy ra. TOÀN NHƯ (dịch từ “The Tet Offensive, 40 Years On”, by David T. Zabecki, Vietnam Magazine, Special Issue, 40th Tet Anniversary, Jan. 2008) (1)Vài hàng về tác gỉa: David T. Zabecki nguyên là Binh Nhất trong Quân Lực Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc Tấn Công Tết Mậu Thân 1968, ông phục vụ tại căn cứ Biên Hòa/Long Bình. Ông giải ngũ năm 2007 với cấp bậc Trung Tướng trong lực lượng Quân Đội Trừ Bị (Army Reserve). Ông tốt nghiệp Tiến Sĩ (Ph.D.) về quân sử tại trường Đại Học Khoa Học thuộc Quân Đội Hoàng Gia Anh Quốc. Ông hiện là chủ nhiệm tạp chí Vietnam, tạp chí chuyên đề về chiến tranh Việt Nam, của các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam.
|