Home Giải Trí Truyện Lạ Động vật lạ trong thế giới tự nhiên

Động vật lạ trong thế giới tự nhiên PDF Print E-mail
Tác Giả: Tuấn Quang   
Thứ Sáu, 24 Tháng 10 Năm 2008 08:25

Tuấn Quang

Khỉ Saki mặt trắng


Khỉ Saki mặt trắng (Pithecia pithecia), còn có tên khỉ Saki Guianan và khỉ Saki mặt vàng, là loài thuộc họ khỉ Saki – một loài khỉ Tân lục địa được tìm thấy ở Brazil, Guyana, Guiana thuộc Pháp, Suriname và Venezuela. Thức ăn chính của chúng là hoa quả nhưng chúng cũng có thể ăn các loại hạt, đậu và côn trùng.

















Rồng biển

Rồng biển (tên khoa học là Phycoduruseques) có hình dáng tương tự một nhánh rong biển khi chúng nổi lềnh bềnh trên những khu vực nước biển đầy rong. Thân hình với những dải màu vàng cam được bao phủ bởi những chiếc vây xanh hình lá giúp chúng nguỵ trang một cách hoàn hảo. Chỉ khi khua những chiếc vây bé tí hoặc di chuyển con mắt có khả năng xoay tròn chúng mới bị lộ diện.Giống loài hải mã, rồng biển đực mang thai từ 150-200 trứng. Sau giao hợp, trứng được chứa trong một ổ ấp hình tổ ong ở dưới đuôi con đực khoảng 8 tuần. Rồng biển không có răng hay dạ dày và ăn tôm Mysidopsis. Ở Australia chúng có tên gọi là “hải mã Australia” và được tìm thấy tại những vùng biển lặng, có nhiệt độ khoảng 10-12oC. Từ năm 1982, rồng biển đã được Chính phủ miền nam Australia đưa vào danh sách bảo vệ.

 Gấu mặt trời


 Có tên khoa học là Helarctos malayanus loài gấu này được tìm thấy chủ yếu ở những vùng rừng rậm nhiệt đới Đông Nam Á. Gấu mặt trời cao gần 1,2m, những con đực thường nhỏ hơn so với con cái. Chúng có đuôi dài 5 cm, trọng lượng trung bình dưới 65 kg. Chúng thường được gọi là gấu chó vì tầm vóc nhỏ bé của mình (là thành viên nhỏ nhất trong họ nhà gấu). Bộ lông của gấu mặt trời ngắn và bóng mượt, đặc điểm thích nghi này có lẽ do khí hậu vùng thấp nơi chúng sinh sống. Bộ lông chúng đen sậm hoặc nâu đen, ngoại trừ vùng ngực có một khoảng da vàng cam hình móng ngựa. Lông xung quanh mõm và mắt cũng có màu sắc tương tự; vì đặc điểm đó, chúng được gọi là gấu mặt trời.




 Chó Komondor


Con cái có u vai cao 69 cm; u vai con đực ít nhất là 71 cm, nhiều con có u vai cao hơn 76 cm, do đó chúng được xem là một trong những giống chó lớn. Bộ lông chúng dài và dày, gồm nhiều chùm lông trắng trông giống những lọn tóc dài hay một cái… nùi giẻ. Bộ lông của chó Komondor con mềm mịn như tơ, cong gợn và có khuynh hướng xoăn lại khi trưởng thành. Lông của một con Komondor trưởng thành được kết hợp một cách tự nhiên bởi lớp lông mềm bên dưới và lớp lông thô bên ngoài tạo thành những lọn như những sợi dây thừng. Theo thời gian, những lọn lông này dài ra và rụng rất ít. Giống Komondor bẩm sinh chỉ có bộ lông màu trắng, không như giống Puli, thường có lông trắng hoặc đen và đôi khi có thêm màu xám.

 Thỏ Angora


 Cùng với mèo và dê Angora, thỏ Angora là một trong những loài thỏ nuôi lâu đời nhất có nguồn gốc từ Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng có bộ lông dài và rất mềm. Loài thỏ này từng là thú cưng của hoàng gia Pháp vào giữa thế kỷ 18 và lan rộng đến nhiều vùng khác ở châu Âu vào cuối thế kỷ. Chúng xuất hiện lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào đầu những năm 1900. Ngày nay, loài này được nuôi rộng rãi để lấy lông. Có rất nhiều giống thỏ Angora khác nhau như thỏ Angora Pháp, Angora Đức, Angora khổng lồ, Angora Anh, Angora Trung Quốc, Angora Phần Lan, Angora Thuỵ Sĩ…

Gấu trúc đỏ


Gấu trúc đỏ (Ailurus fulgens) là động vật có vú, chủ yếu ăn cỏ, hơi to hơn mèo nhà, sinh sống ở vùng Himalaya, Nepal và miền nam Trung Quốc. Tên gọi panda (gấu trúc) bắt nguồn từ từ “ponya” trong tiếng Nepal dùng để chỉ những loại động vật ăn lá tre, trúc. Gấu trúc đỏ có bộ móng vuốt co rút được và giống như gấu lớn, chúng có một “ngón cái giả” – thực chất là xương cổ tay duỗi thẳng. Bộ lông dày ở lòng bàn chân giúp chúng khỏi lạnh và che đi những tuyến thơm.

 










Con lười


Lười là loài động vật có vú, có kích thước trung bình, sinh sống tại Nam và Trung Mỹ, thuộc họ Megalonychidae và Bradypodidae, bộ Pilosa. Phần lớn các nhà khoa học gọi hai họ này là phân bộ Folivora trong khi một số khác lại gọi chúng là Phyllophaga. Loài lười chủ yếu sống trên cây Cecropia.  Lười là loài ăn tạp. Chúng có thể ăn côn trùng, các loài bò sát nhỏ, xác động vật đã thối rữa, nhưng thức ăn của chúng phần lớn là búp chồi, lá, cành cây non.  Lười có khả năng thích nghi phi thường với kiểu sống gặm nhấm chồi lá và cành cây non. Lá cây – nguồn thức ăn chính của chúng cung cấp rất ít năng lượng, dinh dưỡng và không dễ tiêu hoá vì vậy mà lười có dạ dày rất lớn, thích ứng và hoạt động chậm với nhiều ngăn có chứa các vi khuẩn cộng sinh có tác dụng nghiền nhỏ những chiếc lá “khó nuốt” này.  Khoảng hai phần ba trọng lượng của một con lười là những gì chứa trong dạ dày chúng, và quá trình tiêu hoá có thể kéo dài đến một tháng hoặc hơn. Tốc độ trao đổi chất của chúng rất chậm (chưa bằng một nửa so với tốc độ trao đổi chất ở loài vật có kích thước), chúng duy trì một thân nhiệt thấp 30-34oC khi hoạt động và còn thấp hơn nữa khi ngủ nghỉ.

 Tamarin “hoàng đế”


Tamarin “hoàng đế” (tên khoa học Saguinus Imperator) được xưng “đế” có lẽ vì có nhiều nét giống với hoàng đế Willhelm đệ nhị của Đức. Tên gọi này ban đầu chỉ có ý đùa cợt nhưng sau đó đã trở thành tên khoa học chính thức.  Loài này sống ở tây nam lưu vực sông Amazon, phía đông Peru, bắc Bolivia, phía tây tiểu bang Acre và tiểu bang Amazonas của Brazil.  Tamann hoàng đế có bộ lông màu xám với nhiều đốm vàng trước ngực, tay, chân màu đen và đuôi màu nâu. Đáng chú ý là bộ ria dài màu trắng chĩa ra phía hai bên vai. Nó có chiều cao từ 24 đến 26cm cộng với chiếc đuôi dài 35cm, trọng lượng cơ thể vào khoảng 300-400g.

 Loài linh trưởng này sinh sống ở vùng rừng rậm nhiệt đới, trong rừng sâu và những vùng cây cối bao phủ. Chúng là loài hoạt động ban ngày, di chuyển trên cây với tốc độ nhanh và những bước chuyền cành rộng.

 Lợn vòi


Lợn vòi là loài gặm nhấm có hình dáng tương tự lợn với đuôi ngắn và chiếc mũi dài có khả năng cầm nắm được. Chúng sinh sống ở các vùng rừng nhiệt đới Nam Mỹ, Trung Mỹ và Đông Nam Á. Cả bốn giống thuộc loài lợn vòi đều được xếp vào hàng nguy hiểm. Họ hàng gần nhất của chúng là các loài động vật có móng guốc lẻ, ngựa và tê giác.

Cá mút đá Myxini


Cá mút đá Myxini là một loài động vật có sọ sống dưới biển thuộc lớp Myxini, còn được biết với tên Hyperotreti. Mặc dù có tên cá mút đá Myxini nhưng hiện nay người ta vẫn còn tranh cãi nhiều về việc chúng có đúng là một loài cá hay không. Tập quán ăn uống khác thường và khả năng tiết chất nhờn của chúng đã khiến chúng được xem là loài gớm nhất trong tất cả các loài sinh vật dưới biển.

Cá mút đá có thân dài, giống như giun. Khi bị tóm lấy đuôi, chúng sẽ thoát thân bằng cách tiết ra chất nhầy dạng sợi có thể chuyển thành dạng gel đặc, rất dính trong nước, sau đó chúng sẽ co gọn lại bằng cách thắt thân mình thành một nút thắt, và khi nó di chuyển lớp chất nhầy sẽ tróc ra. Nhiều nhà chuyên môn phỏng đoán rằng nhờ đó chúng có thể thoát khỏi “quai hàm” của nhiều loài cá khác.

 Chuột chũi mũi sao


Chuột chũi mũi sao (Condylura cristata) là một loài chuột chũi Bắc Mỹ nhỏ, được tìm thấy ở miền đông Canada và đông bắc Hoa Kỳ. Chúng là thành viên duy nhất của tông Condylurunu và chi Condylura. Chuột chũi mũi sao sống ở vùng đất thấp ẩm ướt và ăn các loài không xương sống nhỏ, côn trùng dưới nước, sâu bọ, giun và các động vật thân mềm. Chúng là những tay bơi cừ khôi và có thể lùng sục thức ăn khắp các lòng suối và ao hồ. Cũng giống các loài chuột chũi khác, chuột chũi mũi sao thường đào hang ở dưới nước để kiếm ăn. Loài chuột chũi này hoạt động ngày đêm, cả vào mùa đông – thời điểm mà người ta quan sát thấy chúng đào những đường hầm xuyên băng tuyết và bơi lội trong những dòng suối phủ băng.

 Loài chuột chũi mũi sao có bộ lông dày màu nâu đen không thấm nước, chân to, đuôi to dài có chức năng như một nguồn dự trữ mỡ cho mùa sinh sản lúc xuân sang. Các con trưởng thành có chiều dài từ 15 đến 20 cm, nặng khoảng 55 g và có 44 cái răng. Đặc điểm đáng chú ý nhất của loài chuột chũi mũi sao là một vòng ở đầu mõm gồm 22 xúc tua màu hồng có thể chuyển động. Những xúc tua này có tác dụng như xúc giác giúp chúng phân biệt thức ăn – sâu, bọ và các loài giáp xác.

Khỉ mũi dài


Khỉ mũi dài là tên gọi khác của khỉ Nasalis Larvatus – một loài khỉ cổ xưa màu nâu đỏ sống trên cây. Chúng là loài đại diện duy nhất của chi Nasalis. Đặc điểm đáng chú ý nhất của loài này là chiếc mũi lớn nhô ra ở con đực. Chưa rõ chức năng của những chiếc mũi này là gì nhưng người ta cho rằng chúng là kết quả của sự chọn lọc giới tính. Do những con khỉ cái thường thích những con đực có mũi to hơn, nhờ vậy mà đặc điểm này được di truyền lại.

 Con cái dài 60 cm và nặng 12 kg, trong khi đó con đực lớn hơn rất nhiều, chiều dài cơ thể có thể đạt đến 72 cm chưa kể chiếc đuôi có thể dài 75 cm, trọng lượng có thể lên tới 24 kg. Khỉ mũi dài có một cái bụng rất to là kết quả của chế độ dinh dưỡng. Bộ máy tiêu hoá gồm nhiều phần với một hệ vi sinh đường ruột đặc biệt giúp tiêu hoá lá cây. Quá trình tiêu hoá này sinh ra rất nhiều khí làm cho bụng chúng phồng lên. Tuy nhiên, hệ tiêu hoá của khỉ mũi dài lại không thể tiêu hoá trái cây chín. Chúng chủ yếu chỉ ăn trái cây sống, các loại hạt và lá cây.

 Tatu hồng


 Tatu hồng (Chlamyphoru truncatus) hay Pichiciego là loài nhỏ nhất thuộc chi tatu – động vật có vú thuộc họ Dasypodidae – được biết đến nhiều nhất nhờ lớp mai cứng (bằng xương). Chúng có chiều dài khoảnh 9 đến 11,5cm kể cả đuôi, có màu hồng hay hồng nhạt và được tìm thấy ở miền trung Argentina – nơi chúng cư trú trên những đồng cỏ khô hay đồng cát có nhiều bụi gai và xương rồng. Chúng có khả năng “độn thổ” trong tích tắc mỗi khi hoảng sợ.





















Tatu hồng đào hang gồm những lỗ nhỏ trong đất khô gần những ổ kiến. Chúng ăn kiến và ấu trùng kiến, đôi khi ăn cả sâu bọ, ốc sên, ấu trùng và nhiều loại rau củ khác.