Phía trời xa : Đu Bai - Ai Cập Print
Tác Giả: Hà Phương   
Thứ Bảy, 09 Tháng 5 Năm 2009 22:54

  Nếu đi du lịch châu Âu hoặc Mỹ và Úc việc xin visa rất khó và phức tạp thì đi Ai Cập chỉ việc đưa hộ chiếu cho công ty du lịch Trần Việt để họ làm thủ tục chắc chắn là được đi . Tôi đã đi nhiều nước nhưng rất khát khao được đến với đất nước của Kim tự tháp mà đến nay vẫn còn nhiều điều huyền bí.

  Đến Ai Cập phải qua nhiều chặng bay nhưng lại thú vị vì biết được nhiều nơi và được đi mấy loại máy bay hiện đại. Thích nhất là được nghỉ ở Đu Bai một đêm và được tham quan thành phố nổi tiếng này một ngày. Đu Bai là thành phố hiện đại của một đất nước Hồi giáo: Tiểu Vương quốc ả rập thống nhất. Thành phố này phát triển nhanh nhất và trẻ nhất thế giới với những kiến trúc tân kỳ.

  Vâng, từ một làng chài xơ xác ven biển của sa mạc chỉ có nắng và cát sau hơn 40 năm xây dựng Đu Bai đã làm cả thế giới phải kinh ngạc về những thành tựu tuyệt vời của họ.

  Trên bờ biển nước xanh như ngọc bích và cát trắng xoá, một cánh buồm lớn căng gió đang chuẩn bị ra khơi. Không, đó là khách sạn bảy sao Al Arab Hotel được kiến trúc độc đáo theo dạng  một cánh buồm lớn cao vút. Trên nóc là bãi đáp của máy bay trực thăng và sân gôn đồ sộ. Giá thuê phòng qua một đêm từ 1000 - 1500 USD. Chỉ  những khách lắm tiền nhiều của như các "sao" hay các đại gia mới dám đến đây. Trên bờ biển này người ta sắp đưa khách sạn dưới nước lớn nhất thế giới vào hoạt động mà tất cả tường vách đều bằng kính trong suốt. Phía xa kia lại là một hòn đảo nhân tạo khổng lồ, một công trình lấn biển vĩ đại mà từ vũ trụ có thể nhìn rõ. Đó là đảo Cây Cọ sắp hình thành.

ở Đu Bai có một khu thương mại nổi tiếng là khu Bastakia tràn ngập hàng mỹ phẩm cao cấp và vàng bạc đá quý giá rẻ hơn nhiều nơi trên thế giới. Khu này còn được gọi là khu phố của phụ nữ vì khách đông nhất là các bà các cô.

Đu Bai là thành phố trên sa mạc bên bờ biển quanh năm nóng nắng với nhiệt độ từ 40 - 450. Mỗi năm chỉ lác đác vài trận mưa nhẹ. Nơi này hầu như không có sông chỉ có một rạch biển chạy vào thành phố thế mà nước ngọt tràn đầy cây xanh vẫn được trồng ở một số khu vực. Có lẽ người ta phải mua nước từ nơi khác dẫn về qua đường ống hoặc đào giếng sâu đến vài nghìn mét. ở đây đã có một nhà máy lọc nước biển ra nước ngọt. Khi đến công viên hay những khu có cây xanh nếu để ý bạn sẽ thấy những ống cao su chạy ngoằn ngoèo dưới những thảm cỏ dẫn nước đến từng gốc cây, bụi cỏ.

Trời sa mạc nắng chói chang, một cái nắng như có màu hồng pha loãng tan ra trên nền cát trắng. Vậy mà cuộc sống ở đây vẫn dễ chịu bởi ở đâu cũng có máy lạnh. Khu nuôi thú đều có phòng lạnh dành cho chúng ở những căn nhà kính xinh xắn trên một vùng cát bỏng rát.

Giữa cái nắng suốt ngày đêm, giữa sa mạc mênh mông lòng tôi nao nao nhớ về đất nước của mình "Xanh đất, xanh trời, xanh biển cả", nhớ về một quê hương :

                        Những dòng sông nặng phù sa
                        Cây xanh rợp bóng hoa ra bốn mùa
                        Núi đồi trắng những chiều mưa
                        Vẳng nghe từng tiếng chuông chùa ngân xa
                        (Rút từ tập thơ Giọt đau)

Có đi xa mới thấy rõ hơn tổ quốc mình thật tươi đẹp và vì thế tôi cũng phảng phất một nỗi buồn khó tả.

ở một vùng khí hậu khắc nghiệt chỉ có trời và cát, một thành phố xây dựng chưa được nửa thế kỷ với 1,4 triệu dân ( 30% là người nước ngoài) mà cuộc sống của họ cực kỳ phát triển. Người giàu sướng mà người nghèo cũng không khổ. Theo anh hướng dẫn viên du lịch người địa phương cho biết:  Những người nghèo khổ được nhà nước trợ cấp chu đáo. Nhà ở và con cái đi học không phải trả tiền. Những người già yếu được chăm sóc y tế miễn phí....

Họ giàu có và phát triển nhanh là nhờ có dầu mỏ.

Đúng, nhưng đó chưa phải là tất cả. Cái chính là nhờ những người cầm quyền có cái đầu và có cái tâm.

ở nhiều nơi đất nước hái ra tiền. Rừng vàng biển bạc, ruộng đồng đỏ nặng phù sa mà người dân vẫn xơ xác. Tiểu Vương quốc ả Rập có Vương quốc Đu Bai đâu có nhiều dầu mỏ như ả Rập, Xê út, Iran, Iraq...... Trữ lượng dầu mỏ của Đu Bai chỉ còn khoảng 20 năm khai thác nữa là hết. Họ đã nhìn xa hơn. Họ đang nỗ lực cạnh tranh với Singapor. Đu Bai đã và đang là thành phố của du lịch. Một khu vực trung chuyển của thế giới. Một trung tâm tài chính. Một trung tâm thương mại quốc tế hiện đại.

Tất nhiên ở đây cũng như ở những đất nước phát triển khác vẫn có những góc khuất, những mảng xám không phải dễ nhìn thấy nhưng cái mình cần chú ý để học là nhìn vào những thành tựu lớn lao của họ phải không các bạn? Cha ông ta đã từng nói một câu thấm thía qua ca dao:

ỏ nhà nhất mẹ nhì con
Ra đường lắm kẻ còn ròn hơn ta

  Và tôi lại nhớ câu nói bỗ bã mà sâu sắc của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh khi ông tiếp chuyện và lắng nghe một chuyên gia kinh tế nước ngoài trong một cuộc hội thảo " Chúng mày cứ vỗ ngực là anh hùng, là có truyền thống vẻ vang. Anh hùng đếch gì mà năm nào cũng vác rá đi vay, đi xin". Có nên giận người ta không nhỉ. Có lẽ nên lắng nghe họ thì hơn.
 
Tôi đang lan man suy nghĩ thì cô hướng dẫn viên của TranViet báo cho mọi người biết chiều tối nay đã phải rời Đu Bai để đi Cairô rồi.

Nếu từ Sài Gòn đến Băng cốc đi A. 320. Từ Băng cốc đến Đu  Bai bằng Boeing767 thì đến Cairô đoàn chúng tôi được ngồi máy bay Boeing 777 là loại máy bay chở khách hiện đại nhất hiện nay. Chị Phước là cán bộ ban kinh tế của đài tiếng nói Việt Nam với đôi mắt đẹp và nụ cười tươi nghỉ phép cùng chồng đi du lịch nói vui với bạn bè trong đoàn:

- Thế là chúng mình cũng được ngồi loại máy bay như thủ tướng của chúng ta nhé.

Chẳng là ở VN hiện nay mới có hai máy bay Boeing 777. Một cái chuyên chở khách đường dài. Một cái là chuyên cơ dùng cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước khi đi công cán nước ngoài.

Sau sáu giờ bay chúng tôi đến thủ đô Ai Cập.

Cairô không hoành tráng như Đu Bai nhưng cũng là một thành phố hiện đại, sôi động và rộng hơn Đu Bai nhiều. Cũng là thành phố trên sa mạc nhưng có sông Nin xuyên châu Phi chảy qua nên ở đây có nhiều cây xanh hơn Đu Bai.

Đến Ai Cập là đến với đất nước có trên 5000 năm lịch sử qua những chứng cứ rõ ràng chứ không mơ hồ như 4000 năm lịch sử của ta mà lịch sử phát triển của một đất nước đâu phải là số năm nhiều hay ít.

Đến Cairô là đến với Kim tự tháp.

Ngồi ở một nhà hàng cao tầng giữa trung tâm thành phố là nhìn thấy bóng dáng đồ sộ của quần thể Kim tự tháp vì quần thể này ở ngay ngoại ô thành phố bên kia bờ sông Nin trên cao nguyên Giza mênh mông là cát vàng.

Mỗi Kim tự tháp là một lăng mộ vĩ đại của các Pharaoh. ở quần thể này có ba Kim tự tháp lớn và khu đền to với tượng nhân sư Sphinx nổi tiếng. Cái lớn nhất là Chaop cao tới 147m mỗi canh vuông là 230m được xây dựng bởi khoảng hai triệu rưỡi tảng đá lớn. Tảng nhỏ nhất là một tấn rưỡi, tảng nặng nhất là bốn mươi tấn. Những khối đá khổng lồ này được chuyển từ một vùng núi đá theo dòng sông Nin về đây. Những tảng đá lớn này được đưa lên rất cao hiện nay vẫn còn là một ẩn số về cách tính toán và kỹ thuật của người Ai Cập cổ đại. Trong hầm mộ vẫn còn chứa nhiều huyền thoại bí hiểm. Đường vào hầm mộ từ cao rồi xuống sâu hun hút. Ngoài trời nóng trên 400 mà nơi hầm mộ không khí dịu mát. ( ở đây không có điều hoà nhiệt độ). Trước kia cửa hầm bị bịt kín để giữ bí mật mãi sau này người ta mới khám phá ra khi dân đến Cairô xây nhà nhiều người đã đến đây lấy đá. Hiện nay các Kim tự tháp đều bị bóc đi một lớp đá dầy tới ba mét. Chỉ có tháp thứ hai là còn chỏm nguyên vẹn . Nhà cầm quyền từ lâu đã cấm trèo lên đỉnh tháp. Mới đây có một trường hợp ngoại lệ là một cặp uyên ương người châu Âu rất thích du lịch đã dành tuần trăng mật của họ đi bộ và cưỡi lạc đà từ mũi Hải vọng giác xuyên ngược sa mạc Sahara đến Cai rô là được phép trèo lên đỉnh tháp để chụp hình.

Thế mà qua ảnh chụp có nhiều người vẫn cứ lên đến đỉnh chạm tay vào giữa đỉnh Kim tự tháp mới hay chứ. Không phải đâu. Đó là nhờ kỹ xảo chụp hình mà thôi:

                        Tay em chạm đỉnh Kim tự tháp
                        Đây là cảnh thực hay  trong mơ
                        Lựa chiều bấm  máy mà hay nhỉ
                        Vươn tới tầm cao của ngàn xưa

Rời Kim tự tháp về nhà hàng ăn trưa, buổi chiều chúng tôi đến viện bảo tàng Ai Cập.

Đây là một khu tàng lớn nhất thế giới về hiện vật Ai Cập cổ đại. Du khách được xem các tạo tác, di vật từ lớn đến nhỏ đều rất tinh sảo, nhiều nhất là được nhìn tận mắt những xác ướp, những áo quan bằng gỗ và bằng đá của người Ai Cập ngày xưa. Nhiều xác ướp được bầy trong tủ kính đã khô nhưng vẫn còn nguyên vẹn hình hài. Có một phòng lạnh trưng bày những xác ướp của cả nam và nữ với nhiều lứa tuổi khác nhau. Hình hài của họ vẫn còn nguyên như khi mới chết.

Đặc biệt có một khu được bảo quản cẩn trọng với những máy điều hoà lớn, những đèn chiếu tia cực tím là khu trưng bày xác ướp của một vị Pharoh chết khi tuổi còn trẻ với toan bo các đồ tuỳ táng bằng vàng được dùng hàng ngày của vị vua này.

Năm 1922 một nhà khảo cổ người Anh đã tìm ra ngôi mộ của vị Pharoh đó trong thung lũng các vua và đã khai quật thành công sau được đưa đầy đủ về bảo quản tại bảo tàng này.

Việc ướp xác và xây lăng mộ của Ai cập theo tập quán cách đây đã 5000 năm khi mà loài người còn ở chế độ chiếm hữu nô lệ vua chúa có uy quyền tuyệt đối. Thế mà đến thế kỷ XX ở một vài nước CS người tại  xây lăng mộ và ướp xác một hai nhân vật được đẩy lên hàng thánh nhân dù nhân vật ấy là đạo diễn của bao việc làm tàn bạo. Staline đã bị Khơ rút sốp đưa ra khỏi lăng,cón Lê nin chắc chắn cũng sẽ trở về với đất khi Putin một người gốc KGB không còn nắm quyền lực ở Nga nữa

ở VN người ta cũng xây lăng Cụ Hồ giữa trung tâm Hà nổi rất đồ sộ và ướp xác Cụ rất tốn kếm. Điều ấy không phẩi là  mong muốn của nhiều người và cũng không đúng với Di chúc của Cụ. Nếu các vua chúa ở Ai Cập và ở các nơi thuờng xây lăng mộ ở xa nơi kinh thành và bịt kín lối vào thì ở Liên xô và VN cửa lăng lại mở rộng đẻ đón những người sùng tín hoặc tò mò. Ở đây có cả một Ban quản lý nhiều lớp lang và một đơn vị quân đội danh dự chuyên lo việc nghi lễ.Máy lạnh, máy phát điện riêng chạy suốt ngày đêm.Nếu số tiền lớn hàng năm chi cho việc vận hành Lăng đem tính ra có thể nuôi sống  dân của cả một một tỉnh đông dân như Thái Bình hàng năm.

  Sau một ngày thăm Kim tự  tháp và bảo tàng rất mệt nhưng rất thú vị, hôm sau chúng tôi đến thăm cửa hàng bán tranh tượng và xem cách làm giấy của ngươi Ai cập cổ đại

Xưởng làm giấy Papýrus nằm trong một cửa hang bán đồ lưu niệm trình bầy cho du khách xem cach làm giấy của người Ai cập cổ đại.Giấy xuất phát từ đây nên sau này tiếng Pháp và Anh viết giấy là paper…Nhiều người đến xem đã mua những bức tranh phỏng cổ AI cập vẽ trên giấy papyrus này

Rời cửa hàng khi bóng chiều ập xuống. Hoàng hôn sa mạc trở nên huyền ảo khi bóng dáng hùng vĩ của những Kim tự tháp mờ dần và về đêm Kim tự tháp lại sáng lên lung linh do những bóng điện cao áp chiếu sáng từ dưới lên.

Chúng tôi về đến khách sạn thì người cảnh sát du lịch đã đi với chúng tôi từ sớm mới chào tạm biệt. Du lịch là ngày kinh tế mũi nhọn của Ai Cập nên người ta phải tổ chức cả một Cục cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách kể từ khi có nhiều cuộc khủng bố nhằm vào khách nước ngoài để phá nền kinh tế Ai Cập khi Ai Cập thân với Mỹ và phương Tây.

Sáng hôm sau chúng tôi lên đường đến Alexandria.

Hành trình xuyên sa mạc Sahara dài gần 1000 cây số bằng xe ô tô có máy lạnh là một cuộc hành trình vui vẻ. Trên xe có hai hướng dẫn viên. Cô Lan Phương là người của công ty du lịch Tran Viet rất duyên dáng, tháo vát sử dụng thành thạo mấy ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa. Người hơi nhỏ một chút nhưng lại cao thêm bởi sụ lịch lãm và tầm hiểu biết. Trái lại anh hướng dẫn viên du lịch người Ai Cập lại to đùng nhưng đẹp trai. Nhờ hai người khéo tổ chức văn nghệ ngay trên xe mà quãng đường dài xuyên sa mạc như được rút ngắn lại rất nhiều.

Đường xa lộ rộng và không có đường cắt ngang nên xe chạy với tốc độ 100km/h. Hai bên đường chỉ cát và cát thi thoảng mới có một thị trấn hay một chòm xóm có cây xanh khi có một nhánh sông con chảy qua.

Xe đến Alexandria vào buổi chiều khi mặt trời sắp lặn trên Địa Trung Hải.

Đây là thành phố được xây dựng từ ba trăm năm trước công nguyên với bờ biển dài hai mươi cây số hình cánh cung và như vầng trăng khuyết nhìn sang châu Âu. Cuối đường cong là ngọn hải đăng đồ sộ nổi tiếng qua nhiều thế kỷ.

Dãy phố dài cong như hình trăng khuyết
Nhà cao tầng soi bóng xuống biển khơi
Hải đăng xưa sừng sững một góc trời
Alexandria rạng ngời Địa Trung Hải

Ngọn hải đăng xưa là một kỳ quan nhưng bị một trận động đất đã đổ xuống. Người ta xây dựng lại to đẹp hơn trên nền tảng của toà hải đăng cũ.

ở Alexandria đất đai  phong phú hơn ở Cai rô khí hậu cũng mát mẻ hơn nên cây xanh cũng nhiều hơn. Chúng tôi được tham quan khu vườn hoa Montazah rộng mênh mông nằm ngay cạnh bờ biển ở đầu thành phố. Xe du lịch, xe ô tô con được đi lại thoải mái. ở đó có một cây cầu cổ bắc sang một doi đất tuyệt đẹp.

Đến Alexandria là phải đến tham quan thư viện kiến trúc độc đáo nhất thế giới.

Thư viện cũ nổi tiếng một thời bị cháy mất. Đây là nỗi đau của người Ai Cập. Nền văn minh bắt dầu từ sách. Người ta bày tỏ ý định xây dựng một thư viện hiện đại tương xứng với tầm vóc của một đất nước có nền văn hoá rực rỡ. Họ đã nhận được hàng trăm bản thiết kế từ khắp nơi gửi đến. Cuối cùng thì đồ án thiết kế của một nhóm kiến trúc sư, kỹ sư chưa nổi danh người Na Uy được lựa chọn. Ngày nay thành phố Alexandria rất tự hào về một thư viện đồ sộ rất ấn tượng của mình.

Đó là một toà nhà lớn không có tường, không có mái mà một vòm kính khổng lồ kiểu dáng như 1/4 quả địa cầu do nhiều tấm kính nối tiếp nhau chạy suốt từ chân cạnh một hồ nước nhân tạo lên tới đỉnh. Trong thư viện là  những mảng bê tông rộng rãi như gối lên nhau cao dần. Mỗi mảng là một kho chứa sách lớn. Có nhiều bàn đọc nhiều bàn vi tính. Mỗi mảng chứa từng loại sách từ cổ xưa đến hiện đại. Thể loại nào cũng có và hầu như sách nước nào cũng có ở đây.

Thì ra khi một đất nước biết trọng trí thức. Coi kiến thức là hạt nhân của sự phát triển thì đất nước ấy phát triển rất sớm . Ai cập từ cổ xưa đã là cái nôi của văn minh nhân loại

Trông người mà nghĩ đén mình,tôi mong sao ở VN ta phải đào tận gốc trôc tận rễ”cái thời coi trí thức chỉ là hạng nguời ăn bám công nông , là đối tượng của Cách mạng VS cần cải tạo.

Ra khỏi thư viện mà lòng dạ tôi cứ xốn xang.

Tối đó chúng tôi đi dạo trên đường phố dọc bờ biển lộng gió Địa Trung Hải.

Phố xá về đêm rực rỡ ánh đèn. Các cửa hàng cũng chỉ đông khách từ lúc tối trời. Người đi lại mua sắm nườm nượp. Trên vỉa hè người ta bày bán đủ thứ thật vui mắt.

Sáng mai chúng tôi đã phải rời thành phố nhộn nhịp này rồi.
Lại xuyên sa mạc để về Cairô. Lại thấy mênh mông trời và cát.

Trên xe mọi người không văn nghệ như lần trước nữa người ta có vẻ tư lự hơn. Có lẽ tâm lý của mỗi người là " Trông người lại nghĩ đến ta" và chúng tôi bàn chuyện về Ai Cập. Ai Cập không nhiều dầu mỏ như một số nước trong khu vực họ lại thường xuyên phải nhập lương thực vì đất nước nhiều cát quá. Ai Cập đã từng bị Isaren choảng cho một vố nặng dưới thời tổng thống Nase. Tuy lấy lại được kênh đào Xuyê nhưng Ai Cập lại quá thân với Liên Xô và cứ tiên tưởng vào vũ khĩ của Xô Viết nên khi bị Isaren bất ngờ tấn công đã đối phó không kịp. Chỉ sau một giờ oanh kích các sân bay quân sự chứa toàn máy bay Mic đã tan tành một số Mic vọt được lên không đã bị máy bay Mỹ với tính năng vượt trội bắn rơi.

Hiện nay Ai Cập đã thân với Mỹ và EU nên kinh tế đã phát triển hơn đời sống cũng khá lên rất nhiều.

Trở lại Cairô chúng tôi được đến thăm một làng cổ Ai Cập mới được tạo dựng những năm gần đây. Nơi này vốn là một vùng đất hoang vu có một nhánh sông nhỏ nối với sông Nin. Một  thương gia đã bỏ tiền dựng lên một làng cổ với toàn quyền sở hữu chứ không phải với quyền chỉ được sử dụng thôi. Ông đã tái tạo những cảnh sinh hoạt đúng như ngày xưa.

Du khách ngồi thuyền gắn máy chạy chậm len lỏi theo dòng sông nhỏ để vào khu làng cổ. Một bên bờ là cảnh sinh sống của người xưa với lò rèn đang đỏ lửa và tiếng quai búa chan chát. Nối tiếp là một lò gốm, lò nấu thủy tinh với những người thợ thủ công ăn mặc như ngày xưa đang làm việc. Kế tiếp là một ngôi nhà cũ với mấy người phụ nữ ngồi dưới mái hiên và gốc cây đang nhào nặn và nướng bánh bằng bột mì. Thấy thuyền đi qua có chị lấy chiếc bánh ở lò ra giơ lên chào khách. Và kia là cảnh mấy chú bò đang kéo cày cần mẫn. Đến cuối nhánh sông có một cái bè nhỏ một người đàn ông đang ngồi kéo lưới.

Thuyền cập bến phía bên kia bờ để du khách đi bộ ngược trở lại. Nhẩn nha, xin mời quý khách ghé vào thăm một ngôi nhà quý tộc. Ngoài cổng có chiếc xe ngựa sang trọng như vậy là ông chủ có nhà rồi. Xin mời ! Tiền sảnh là phòng khách kề bên là một căn buồng xinh xắn cửa rộng mở có hình sáp một người phụ nữ duyên dáng đang trang điểm để đón chồng đi xa trở về.

Qua tiền sảnh là phòng ngủ, phòng ăn đồ đạc được bày biện đúng như ngày xưa có người đang ở. Qua một cái sân rộng là một dãy nhà nhỏ có gian bếp, kho, nhà vệ sinh, chuồng ngựa. ở một góc sân tôi thấy một chị giúp việc đang chà sát lúa mạch. Với đôi mắt đen láy, mũi dọc dừa, chị mỉm cười rất tươi khi tôi xin phép được ngồi bên chị để chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm. Bức ảnh này tôi đã phóng to treo ở phòng ngủ. Người vợ xinh đẹp của tôi đã đi thỉnh kinh ở Tây trúc từ mấy năm nay rồi và mãi mãi không về nên tôi được tự do treo ảnh của phụ nữ ở phòng mình mà không phải e ngại điều gì.

Ra khỏi ngôi nhà quý tộc chúng tôi vào thăm một nhà cổ như nhà bảo tàng của làng ở đó trưng bày mô hình xác ướp, áo quan và những đồ dùng sinh hoạt của người xưa.... Con thuyền lúc nãy đã quay mũi đến đậu ở đây để đưa chúng tôi trở ra phía ngoài.

Một đất nước coi trọng du lịch và công nhận quyền tư hữu tài sản nên họ đã tạo ra được nhiều mô hình du lịch thật hấp dẫn.

Buổi chiều chúng tôi đến  thăm thành quách đền đài Salah El Din Citidel còn giữ được nguyên vẹn từ thời cổ đại. Rời khu đền đài cổ xưa chúng tôi tới thăm một xưởng làm nước hoa cách thành phố khoảng mười cây số và tối đó đến nhà hàng nổi trên sông Nile như một du thuyền lớn. Cuối bữa ăn du khách được xem ca nhạc tạp kỹ đặc biệt là được xem những điệu múa bụng nghệ thuật đặc sắc của một đất nước Hồi giáo. Tiếc quá ngày mai chúng tôi đã phải rời Ai Cập rồi.

Lịch trình trở về bằng chuyến bay đêm. Các công ty du lịch thường bố trí rất khéo để du khách được ngủ trên máy bay đỡ phải lách cách vào khách sạn 4, 5 sao làm cho giá tour hạ xuống. Làm ăn là phải biết tính toán chứ.

Dù ít tiền trước giờ lên máy bay tôi cũng phải mua một vài thứ đồ lưu niệm. Chọn mua thứ gì bây giờ? Vợ khuất, con xa, tuổi già đã đến thôi thì mua hai thứ nhỏ gọn để mang về khoe với bạn bè: Rắn Cobra và rắn áp tích bằng đồng là hay nhất.

Rắn Cobra là biểu trưng của đất nước Ai Cập. Các hoàng đế Ai Cập thường dùng một cây gậy đầu gậy quấn rắn Cobra để giơ lên khi ra những hiệu lệnh quan trọng. Rắn Cobra là loại rắn to trông dữ dội còn rắn áp tích nhỏ bé hơn nhưng liên quan đến cái chết của nữ hoàng Cléopac. Đó là vị nữ hoàng yêu nước xinh đẹp. Khi Ai Cập bị quân La mã vượt Địa Trung Hải sang đánh, quân của nữ hoàng bị thất thế. Trước nguy cơ bị bắt, bị tên tướng choán quyền ở Rome làm nhục Cléopac đã chọn rắn áp tích cho cắn vào mình. Loài rắn này nhỏ nhưng nọc độc cực mạnh đã cắn ai người đó chết ngay nhưng da không tím tái cơ thể vẫn hồng hào.

Nhìn đồng tiền cổ có in hình nữ hoàng và cầm con rắn nhỏ bằng đồng xinh xắn trên tay tôi nhớ tới Hai Bà Trưng của ta. Khi thất thế Hai Bà bị quân Tàu do Tô Định cầm đầu đuổi rát, Hai Bà đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Huy Cận đã ca ngợi:

                        Khi Hai Bà Trưng lửa hờn nung nấu
                        Tự lòng người con gái Tổ quốc tượng hình lên
                        Cuộc sống vỗ bốn nghìn năm vỗ thấu
                        Đến hôm nay nồng đượm mới tinh nguyên

Hai Bà Trưng của Việt Nam và nữ hoàng Cléopâtre của Ai Cập đều là những người anh hùng dân tộc xứng đáng được tôn vinh.

Hà Phương