Những Kỳ Quan: Tượng đài Nữ Thần Tự Do (New York) Print
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Sáu, 02 Tháng 10 Năm 2009 21:00

Tên chính thức của tượng đài nổi tiếng nhất nước Mỹ là Liberty Enlightening the world ( Tự do soi sáng cho thế gian ) và là một món quà quý giá nước Pháp tặng cho nước Mỹ khi mà hai bên là những đồng minh thân thiết trong thế kỷ 19.


 Pho tượng được trao lại cho nước Mỹ vào năm 1886 kỷ niệm 100 năm dành được độc lập và được dựng lên tại một hòn đảo nhỏ tại cửa ngõ đi vào hải cảng New York, đón chào các du khách, di dân tỵ nạn hoặc các công dân Mỹ trở về nước sau khi đi du lịch Âu châu. Pho tượng làm bằng đồng được đúc tại Pháp bởi nhà điều khắc Pháp Frederic Bartholdi, còn khung sườn bên trong thì do kiến trúc sư Maurice Koechlin thiết kế và ông này cũng là người đã vẽ mô hình kiến trúc tháp Eiffel tại Paris.
Pho tượng Nữ Thần Tự do có vỏ bên ngoài hoàn toàn bằng đồng nay đã đổi thành màu xanh, tay phải dơ cao ngọn đuốc được mạ vàng, tay trái ôm một bản hiến pháp của nước Mỹ. Tượng cao 46 thước và đứng trên một đài cao 47 thước do dân chúng Mỹ đóng góp xây cất. Có thể nói pho tượng này là biểu hiện quen thuộc nhất của nước Mỹ và được ghi vào danh sách National Monument cùng với hòn đảo Liberty and Ellis Island, mỗi năm có khoảng trên 4 triệu du khách đến thăm.
Mẫu của pho tượng được rập khuôn theo hình pho tượng khổng lồ trên đảo Rhodes ( Trung Đông ) vào thời thượng cổ sau này bị rớt xuống biển vì một cơn động đất và trước đây được ghi vào danh sách 7 kỳ quan của nhân loại. Gương mặt của vị Nữ thần thì được nhiều người tin là ông Bartholdi đã chọn diện mạo của mẹ mình làm nên còn những biểu tượng còn lại thì là hình ảnh của tượng thần Hy lạp Apollo tượng trưng cho Ánh sáng Tự Do. Bàn chân trái dẫm lên một xiềng sắt tượng trưng cho sự phá bỏ ách nô lệ và lý tưởng của nước Mỹ chống lại những chế độ vua chúa phong kiến độc tài tại Âu châu, Á Châu.
 Ở bên trong pho tượng có một tấm bia ghi lại bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Emma Lazarus “ hãy đem đến cho tôi những người mệt mỏi, nghèo khó , những đám đông đi tìm tự do..” tượng trưng cho tinh thần rộng mở đón chào những di dân từ khắp nơi đổ vào nước Mỹ làm lại cuộc đời mới. Những di dân được hiến pháp Mỹ bảo đảm được đối xử công bằng nhưng cũng cần phải gác bỏ lại những quá khứ , tước vị trước đây, không còn giá trị nữa.
Lịch sử..
Khi nước Mỹ chuẩn bị làm lễ kỷ niệm 100 năm độc lập sau khi được nước Pháp giúp giải phóng khỏi sự đô hộ của triều đình Anh vào thời đó là siêu cường số một mà Pháp là địch thủ thì tình cảm giữa hai nước lên rất cao.
 Sử gia Pháp Edouard de Laboulaye muốn tặng cho nước Mỹ một món quà đặc biệt nhưng bên cạnh đó phải mang ý nghĩa tôn trọng tự do dân chủ chống lại xu hướng ở Pháp vào lúc đó có một số dân chúng muốn trở lại với chế độ quân chủ lập hiến như ở bên Anh, Bắc Âu. Khẩu hiệu của nước Pháp vào lúc đó là “ Liberté, egalité, fraternité “ nên nước Pháp muốn kết nghĩa với một quốc gia dân chủ cộng hòa để chống lại những chế độ quân chủ tại Âu châu và nước Mỹ đã được chọn làm gương mẫu cho cả thế giới.
.Sau khi bàn luận thì dân chúng Mỹ sẽ chịu trách nhiệm xây đài kỷ niệm còn pho tượng do dân Pháp đóng góp và gây quỹ. Trong khi việc đúc pho tượng được tiến hành tại Paris và hoàn tất vao năm 1882 thì Quốc Hội Mỹ ký sắc lệnh chọn hòn đảo Bedloe Island làm nơi dựng tượng.
Tuy vậy việc gây quỹ gặp khá nhiều trở ngại vì không thu hút được sự ủng hộ của quần chúng cho đến khi ký giả Joseph Pulitzer viết nhiều bài bình luận trên tờ báo The World của ông khiến con số người đóng góp gia tăng. Sau này Pulitzer, một di dân gốc Hungary, đã sáng lập nên giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí.
Pho tượng được tách ra làm nhiều mảnh và đem sang Mỹ trên con tàu Isère vào năm 1885 còn đài kỷ niệm được hoàn thành vào tháng 4/1886.
Lễ khánh thành được cử vào ngày 28 tháng 10 1886 bởi Tổng Thống Grover Cleveland và từ đó trở đi pho tượng được dùng làm một ngọn hải đăng hướng dẫn các tàu bè đi vào hải cảng New York.
 Sau khi trải qua nhiều thay đổi của lịch sử thì đảo Bedloe được chính thức đổi tên là Liberty Island vào năm 1956 và đến năm 1966 thì cả khu vực cùng với hòn đảo Ellis Island được ghi tên vào danh sách National Register of Historic Places để được duy trì vĩnh viễn cho các thế hệ mai sau.
 Năm 1972, TT Nixon lập nên Bảo tàng viện di trú tại Ellis Island là nơi mà các di dân được đăng ký nhập tịch nước Mỹ và làm lễ tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp của nước Mỹ.
 Năm 1984 khu vực được ghi vào danh sách các gia tài văn hóa thế giới, World Heritage Sites..
Những chi tiết về pho tượng Liberty..
Du khách đến thăm tượng đài có thể đi phà từ New York hay New Jersey đến viếng hòn đảo Liberty Island và có thể vào bên trong pho tượng leo lên tận đỉnh bằng một cầu thang bằng sắt với 354 bậc. Ở trên đỉnh có thể nhìn thấy bao quát toàn thế hải cảng New York qua 25 cửa sổ.
 Các kiến trúc sư đã tính toán là pho tượng đồng có sức chịu đựng nổi những cơn gió mạnh và pho tượng chỉ xê xích 8 mm với sức gió 50 dặm một giờ nhưng nếu là một cơn cuồng phong mạnh hơn thì chưa rõ và cũng chưa từng xảy ra tại New York.
Nhưng sau nhiều năm thì pho tượng có nhiều hư nát cả bên ngoài lẫn bên trong nên chính phủ Mỹ để ra một kế hoạch sửa sang lại toàn bộ pho tượng quý giá này. Tất cả những thanh sắt cho tới những đinh ốc cho tới lớp vỏ bằng đồng bên ngoài cũng như ngọn đuốc bằng vàng cần phải được thay thế
và đến tháng 7/1986 thì công việc trùng tu mới hoàn tất.
Vấn để tiểu bang nào được làm chủ tượng đài cũng được đặt lại vì tiểu bang New Jersey kiện lên Tối cao pháp viện là hòn đảo Liberty ở gần hơn chỉ cách có 610 thước trong khi cách New York gần 4 cây số. Nhưng cơ quan quản trị các công viên quốc gia , National Park Service, phán rằng pho tượng  ở trên hòn đảo Liberty đã được đặt dưới quyền quản lý của bang New York vào năm 1834 nên cuối cùng thì New York thắng.
Hiện nay thì sau biến cố 9/11 có nhiều người lo ngại là quân khủng bố có thể sẽ tìm cách phá pho tượng nên đề nghị tạm thời không cho du khách đi vào bên trong pho tượng khiến phải đến năm 2009 mới cho phép lên thăm đỉnh pho tượng trở lại..
Trên khắp thể giới và cả nước Mỹ có nhiều tổ chức, hiệp hội đã tạo nên nhiều pho tượng lấy mô hình tượng Nữ thần tự do làm mẫu, con số lên tới khoảng trên 200 pho tượng đài. Tại Pháp,  Đức, Ý, Nhật và tại Việt Nam cũng có một pho tượng từ thời Pháp thuộc. Năm 1989 khi biến cố Thiên an Môn nổ ra thì các sinh viên cũng làm một pho tượng Tự Do cao 10 thước bằng giấy nhưng làm khác một chút vì không muốn mang tiếng vọng ngoại. Hiện nay tại Hoa thịnh đốn ở một công viên trên đại lộ Connecticut Avenue có một pho tượng thần Tư do giống như tại Thiên an Môn được dựng lên đối diện và thách thức Sứ quán Trung Quốc !
Những mẩu truyện, phim ảnh, sách báo về pho tượng này nhiều vô kể vì liên quan sâu đậm tới lịch sử nước Mỹ, một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo vì như lời TT Kennedy đã nói “ chúng ta là một nước được dựng lên bởi những người di dân..” ( We are a nation of immigrants ).
Sau cùng, nhà văn kiêm y sĩ Viktor Frankl có nhận định như sau về pho tượng Tư Do. “ Tôi nghĩ rằng pho tượng Tự Do tại bờ biển phía Đông cần phải được bổ xung bởi một pho tượng thứ hai gọi là pho tượng Trách nhiệm ( Statue of Responsibility ) tại bờ biển phía Tây. Tự do chỉ là một khía cạnh của chân lý vì nếu tự do quá trớn thì sẽ dẫn đến loạn lạc nên cần phải được quân bình lại bằng tinh thần trách nhiệm..” 
 
Bên trong bức tượng Nữ thần Tự do

Phần vương miện của tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng ở New York đã mở cửa trở lại từ tháng 7/2009 sau khi tạm ngừng từ năm 2001, để du khách leo lên ngắm cảnh thành phố.
 

Du khách vẫy tay từ vương miện của tượng Nữ thần Tự do. Ảnh: Wikipedia.


 

Một nhóm phóng viên tới ghi hình bên trong vương miện của tượng, trước khi nó được tái mở cửa đón công chúng. Mỗi lần nơi này chỉ có thể chứa tối đa 10 người. Ảnh: EPA.


Cầu thang xoắn ốc hẹp có 168 bậc bên trong đầu tượng, dẫn lên khoang vương miện. Ảnh: Reuters.


 Mỗi giờ có tối đa 30 du khách có thể được lên thăm khoang vương miện của tượng để ngắm cảnh từ 25 ô cửa nhỏ tại đây. Ảnh: Reuters.

Một phóng viên đang ngắm cảnh khu trung tâm Manhattan sầm uất của New York từ ô cửa trong khoang vương miện. Ảnh: Reuters.

Tượng Nữ thần Tự do là quả tặng của nhân dân Pháp cho nước Mỹ năm 1886. Tác giả của bức tượng này là nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi. Ảnh: AP.


 Các phần của bức tượng được chế tác tại Pháp do công ty Gustave Eiffel đảm nhiệm. Chúng được chia thành 350 mảnh để chuyển tới cảng New York trên một con tàu của Pháp năm 1885. Công việc xây dựng và lắp ghép tượng hoàn thành một năm sau đó. Ảnh: AP.


 

Tượng Nữ thần Tự do trong ngày xảy ra vụ khủng bố vào Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ngày 11/9/2001. Kể từ sau sự kiện này công trình tạm bị đóng cửa với khách tham quan do vấn đề an ninh. Ảnh: AP.

Chiếc chuyên cơ tổng thống Mỹ Air Force One bay lượn sát phía trên bức tượng hồi tháng 4 vừa qua, khiến người dân New York hoảng sợ vì lo ngại tái diễn một vụ khủng bố. Một số quan chức đã mất ghế sau chuyến bay "hù dọa" này. Ảnh: White House/Reuters.

Bức tượng Nữ thần Tự do được coi như biểu tượng của New York, thành phố lớn nhất thế giới. Toàn thân bức tượng cao 46 mét, nếu tính cả phần bệ có tổng chiều cao 93 mét. Ảnh: Reuters.