Ung thư tăng vọt, thực phẩm là nguyên nhân chính |
Tác Giả: G.Đ | |||
Chúa Nhật, 04 Tháng 1 Năm 2009 16:48 | |||
Sài Gòn (NV) - Một hội thảo toàn quốc về “Phòng chống ung thư” vừa diễn ra tại Sài Gòn cho thấy ung thư đang tăng vọt tại Việt Nam và thực phẩm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Theo thống kê của khoa tiêu hóa bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn, mỗi ngày nơi này đang phải điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Số bệnh nhân ung thư đại trực tràng đang tăng đều đặn trong ba năm vừa qua. Theo Bác Sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn, điều đáng lo là rất nhiều bệnh nhân không hề nghĩ mình bị ung thư đường tiêu hóa và nhầm lẫn các triệu chứng của ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu với rối loạn tiêu hóa, kiết lỵ, bón, trĩ... Vì thế, có khoảng 70% bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa khi đã quá trễ, ung thư đã di căn, rất khó điều trị. Trong khi nếu phát hiện sớm (khi những polyp ở vùng ruột mới xuất hiện ) và điều trị đúng cách, cơ hội duy trì sự sống cho bệnh nhân trên 5 năm là nằm trong tầm tay của giới chuyên môn, kết quả có thể đạt đến 90%. Tình trạng ung thư đường tiêu hóa gia tăng được y giới nhận định là hệ quả của tình trạng an toàn, vệ sinh thực phẩm quá tệ. Tờ Lao Ðộng cho biết, để giữ hải sản tươi lâu, người bán thường xuyên dùng phân urê. Tương tự, để rau, củ xanh non, bắt mắt, cả nông dân lẫn người bán đều thi nhau dùng những loại hóa chất đã bị cấm sử dụng trong trồng trọt là endosulfan và metamidophos. Thống kê một đợt kiểm nghiệm rau, củ tại một số chợ ở Sài Gòn cho thấy: 7/9 mẫu rau, củ có thuốc trừ sâu Metamidophos (thường được gọi là monitor). Trả lời tờ Lao Ðộng, Bác Sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm, cho biết: Monitor có gốc từ phosphor. Ðây là hóa chất cực độc đối với thần kinh và các cơ quan nội tạng. Nếu ăn phải những loại rau, củ có chất monitor, người dùng không chỉ bị ngộ độc cấp tính (tức ngực, khó thở, chảy nước mũi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim...). Khi monitor tích tụ lâu với tỉ trọng ngày càng nhiều nó sẽ gây ngộ độc mãn tính, phá hủy các cơ quan nội tạng và hệ quả tất yếu là bệnh ung thư. Còn urê, do loại phân hóa học này có thể kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn nên nhiều người kinh doanh thực phẩm đã tận dụng để lừa người tiêu dùng (thực phẩm còn tươi) cho dù urê khó tan trong nước, rửa nhiều cũng khó mà loại bỏ hẳn khỏi thực phẩm, đặc biệt là urê có thể ngấm vào thịt thì không thể loại bỏ. Một tiến sĩ tên Chu Phạm Ngọc Sơn nhận xét: Từ tháng 5 năm 2005, các nước Châu Âu cấm sự có mặt của màu sudan trong thực phẩm, bởi đây là hóa chất khó hoà tan, có nguy cơ gây ung thư cao cho cả người lẫn vật nuôi nhưng tại Việt Nam, loại àu sudan vẫn được dùng tràn lan. Bác Sĩ Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội Ung Thư Sài Gòn, cho rằng: Ung thư là hậu quả của điều kiện sống, đặc biệt là các điều kiện xã hội như lối sống (ăn uống), chỗ ở (hít thở) và công việc. Những chất gây ung thư, đặc biệt là ung thư các cơ quan liên quan đến đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, ruột...) không chỉ nằm ở độc chất (bị cấm sử dụng trong công nghệ thực phẩm vì thiếu an toàn thực phẩm) bị lạm dụng, đưa vào thực phẩm để kiếm lợi. Việc ăn uống không hợp lý cũng gia tăng nguy cơ gây ung thư. Ðun nấu thực phẩm ở nhiệt độ cao vẫn có thể sinh ra sản phẩm nhiệt phân như benzopyren và benzanthraxen - đều là những chất có khả năng gây ung thư rất mạnh. Những thực phẩm chứa nhiều chất béo và carbonhyrat mà chế biến bằng cách nướng, thường sản sinh ra hai loại độc chất này. Ngay cả ăn mặn, nhiều muối (cá muối, dưa muối, thịt xông khói...) cũng gây ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày. Ðiều này đã được giới khoa học Nhật Bản chứng minh. Việc ăn thực phẩm giàu protein (nhất là loại có nguồn gốc từ động vật) cũng dẫn đến ung thư trực tràng, đại tràng...
|