Hâm Nóng Toàn Cầu Tăng Cao Nguy Cơ Sạn Thận |
Tác Giả: Bác Sỉ Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D | |||
Thứ Bảy, 03 Tháng 1 Năm 2009 10:02 | |||
Bs Margaret Preale thuộc Đại Học UT Southwestern nghiên cứu nguy cơ sạn thận liên hệ hâm nóng toàn cầu. Kết quả đăng trong báo Proceedings of the National Academy of Sciences, 2008. Hâm nóng toàn cầu sẽ tăng nguy cơ sạn thận ở những tiểu bang thuộc vòng đai ở Hoa Kỳ như tiểu bang Alabama, Arkansas, Florida, Georgia, Louisiana, Mississipi, North Carolina, và Tennessee. Bs Tom Brikowski dùng mô hình hâm nóng toàn cầu (Intergovermental Panel on Climate change's 2007 Fourth Assessment report) tiên đoán nhiệt độ tăng cao dựa theo ước lượng không khí nhà kính (future greenhouse gases). Kết quả cho biết nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng cao rất nhiều tính cho tới năm 2050. Khi trời nóng hơn thì nước trong cơ thể sẽ mất nhiều hơn và do đó nguy cơ thành lập sạn thận sẽ cao hơn. Bệnh nhân có dòng họ di truyền sạn thận sẽ bị nguy cơ sạn thận cao hơn nữa. Nguyên nhân Sạn thân Khoảng 3% dân sống ở Mỹ bị bệnh sạn thận. Đàn ông bị sạn thận nhiều gấp 3 lần đàn bà, phần lớn ở tuổi từ 20 tới 40. Nếu bạn chỉ ngồi một chỗ làm việc bàn giấy dễ bị sạn thân hơn người làm việc bằng chân tay. Môi trưòng sống xung quanh cũng ảnh hưởng sinh ra sạn thận, thí dụ bạn dễ bị sạn thận nếu sống trong những vùng sa mạc, đồi núi, vùng nhiệt đới, hay trong những ngày tháng vào mùa hè. Ăn uống nhiều chất oxalates, nhiều chất vôi, phosphate, hay purines thường cũng dễ bị sạn thận. Sạn thận thành lập khi cơ thể bị mất nước. Chức năng thận hay đường tiểu hoạt động không bình thường cũng dễ gây sạn thận. Sạn thận nguồn gốc từ chất vôi sẩy ra rất thông thường, chiếm 80%. Những điều kiện sinh sạn thận là: Nước tiểu chứa nhiều chất vôi, tiết ra quá 200mg/một ngày. Khoảng 50% bênh nhân có chất vôi bình thường nhưng nếu nước tiểu chứa quá nhiều chất oxalate calcium sẽ sinh sạn thận. Thường thì có 3 trường hợp chất vôi tăng cao trong nước tiểu: 1) Trước nhất là bởi chất vôi hấp thụ nhiều qua ruột. 2) Chất vôi trong nước tiểu do thận lọt ra ngoài đường tiểu.. 3) Chất vôi trong nước tiểu từ xương mất ra ngoài. Còn chất vôi tăng cao trong máu là do tuyến phó giáp trạng hoạt động quá mạnh. Môt số nguyên nhân khác cũng làm chất vôi tăng cao trong máu, như tuyến giáp trạng hoạt động cao, bị bệnh bướu nang thượng thận (pheochromocytoma). Đôi khi do bệnh nhân hay nằm yên một chỗ không chịu hoạt động, do tính chất di truyền làm tăng cao chất vôi trong máu, uống thuốc thiazides thường xuyên, trúng độc vì sinh tố A, hay bị bệnh u hạt (granulomatous diseases), v..v.. Độ cường toan cao trong niễu quản cũng là một lý do của bệnh sạn thận (nephrolithiasis), hoặc do muối potassium quá thấp trong máu (hypokalemia), hay bệnh nhân bị chất Chlore cao trong máu (hyperchloremia). Nếu Uric acid tăng nhiều trong nước tiểu, chẳng hạn bệnh phong thấp (gout) luôn có nước tiểu trong tình trạng độ cường toan cao dễ sinh loại sạn có urate và calcium oxalate. Vài loại bệnh khác như chứng Crohn, bệnh loét ruột già (ulcerative colitis), trường hợp sau khi mổ thông nối ruột (jejunoileal bypass) hay tiêu chảy kinh niên cũng sinh sạn thận urate. Đồ ăn chứa nhiều oxalate như rau spinach, nước trà, cà-phê có thể sinh sạn oxalate. Bình thường, oxalate hấp thụ khó khăn qua ruột. Nhưng nếu mắc phải những loại bệnh như viêm ruột, ruột non bị cắt, hay sau khi mổ nối ruột non (jejunoileal), chất oxalate sẽ hấp thụ qua ruột nhiều hơn. Chất cystine trong nước tiểu do bệnh di truyền gây loại sạn có chất cystine. Nhiễm trùng sinh ra sạn Struvite là hỗn hợp những hóa chất như magnesium, ammonium và phosphate, đặc biệt do vi trùng Proteus, Klebsiella, Pseudomonas, và Staphyloccocus. Định bệnh sạn trong nước tiểu: Tình cờ chụp hình quang tuyến có thể khám phá thấy sạn thận. Bệnh nhân than phiền đau bụng hay đau lưng chuyền xuống dưới và phía đàng trước bụng dưới. Đôi khi ói mửa. Phái nam bị đau bong chuyền xuống tinh hoàn. Phái nữ đau truyền xuống phần sinh dục phía ngoài. Khi sạn thận bị nghẹt sẽ gây đau đớn cực độ. Lúc đó thận có thể bị sưng lớn. Nhưng nếu may mắn sạn lọt được ra ngoài, không bị nghẹt, sẽ đỡ đau hơn. Chúng ta cần phân biệt sạn thận với bệnh viêm thận (pyelonephritis) hay ung thư thận. Khoảng 80% nước tiểu có máu là do sạn thận, nhưng viêm thận pyelonephritis sinh mủ và làm nhiễm trùng đường tiểu. Chụp hình CT scan và quang tuyến IVP rất cần thiết để định bệnh sạn thận và loại trừ ung thư thận. Nếu lần đầu tiên bị sạn thận thì cần tìm hiểu nếu bệnh nhân có bệnh di truyền, nghĩa là nếu có ai trong gia đình đã từng bị sạn thận, hay sạn thận do đồ ăn, nước uống, hoặc thuốc dùng hàng ngày. Thử máu để định mức hóa chất calcium và phosphorus, chất uric acid. Nếu chất vôi cao trong máu, cần tìm hiểu lượng kích thích tố phó giáp trạng. Thử nghiệm để phân chất nước tiểu, đo pH, tinh thể khoáng chất, hay lỡ đường tiểu bị nhiễm trùng. Sạn chất vôi có thể truy tầm bằng phương pháp chụp hình quang tuyến. Nhưng sạn struvite, cystine, urate khó nhìn thấy bằng quang tuyến. Ngoài CT scan, thêm siêu âm để truy tầm sạn thận. Bệnh nhân bị sạn thận thường xuyên có thể do bệnh tiêu chảy kinh niên, bệnh loãng xương, gẫy xương, phong thấp gout và nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh nhân lớn tuổi, trên 65, thường có loại sạn urate, trước đã từng mổ vì bệnh phó giáp trạng, v..v.. , tức là xếp vào loại cơ nguy có sạn thận nhiều hơn bình thường. Sau hết, chúng ta nên lưu ý vài điều kiện sau đây dễ sinh sạn thận: Đàn ông bị sạn thận nhiều hơn, gấp 3 lần phụ nữ. Sống trong những vùng sa mạc, núi, hay vùng nhiệt đới dễ bị sạn thận vào mùa hè. Những điều kiện tạo sạn thân là bởi chất vôi cao trong nước tiểu và máu, độ cường toan cao trong tiểu quản (tubular acidosis), có nhiều chất uric acid trong nước tiểu, bệnh gout, bệnh tiêu chảy kinh niên, chất oxalate hay cystine cao trong nước tiểu, magnesium giảm thấp trong nước tiểu hay nhiễm trùng Proteus, Klebsiella, Pseudomonas, và Staphylococcus. Chất calcium tăng nhiều trong nước tiểu. Và sau hết, phải truy tầm nếu bị bệnh phó giáp trạng hoạt động mạnh hay thấy chất vôi Calcium lên cao trong máu.
|