Ở tuổi “17, bẻ gẫy sừng trâu”, nếu chẳng may có té ngã thì cũng chỉ bị trầy da, xước thịt hoặc nặng lắm thì bong gân, trật khớp. Nhưng tới tuổi 55-60, khi mà kinh nguyệt quý bà đã từ giã ra đi, thì té ngã có thể đưa tỡi gẫy chiếc xương hông, xương đùi, xương chậu. Lý do là ở tuổi này, kích thích tố nữ giảm, kéo theo sự mất calcium trong xương, xương trở nên mảnh mai, giòn và dễ gẫy. Xương đã bị loãng hoặc xốp. Đó là bệnh Loãng xương hoặc Xốp xương. Sau e ngại bị Sa Sút Trí Tuệ (Alzheimer), té ngã vì loãng xương rồi nằm liệt giường liệt chiếu là mối e ngại kế tiếp của tuổi về già.
Đại cương Tại sao xương đang đặc, chắc mà đột nhiên lại trở nên rỗng toác, mảnh mai như cái xơ mướp vậy. Thưa là tại vì lớp “xi măng” calci trong cốt sắt “ đạm chất protein” bị “rút ruột”.
Về phương diện cấu trúc, xương là một cái khung do chất đạm tạo thành. Trên chiếc sườn đó calci bám kín vào. Calci càng nhiều thì xương càng đặc, chắc.
Khoảng 99% calci trong cơ thể được dùng để tạo xương và răng. Phần còn lại lưu hành trong máu và có vai trò trong sự đông máu, co dãn cơ thịt, chức năng enzym . Khi lượng calci cho các nhu cầu thứ hai này thiếu thì sinh tố D sẽ lấy calci từ xương để đáp ứng. Trong suốt đời người, calci liên tục được đưa tới và lấy đi ở xương.
Vào thời kỳ thiếu niên, calci tới xương nhiều hơn là rời khỏi xương. Tới tuổi trung niên thì số lượng đến và đi bằng nhau. Nhưng khi lên tới tuổi già thì calci rời xương ra đi nhiều hơn là đến với xương. Có hai nguyên nhân: -Ở tuổi cao, sự hấp thụ calci trong thực phẩm của ruột non giảm xuống, do đó không có nhiều calci để đóng vào xương. -Estrogen do noãn sào tiết ra ít đi, mà estrogen giúp calci bám vào xương. Do đó, nữ giới thường hay bị mỏng, loãng xương hơn nam giới và tỷ lệ gẫy xương cũng cao hơn.
Thoái hóa xương là một biến đổi bình thuờng, khởi sự ngay từ tuổi trung niên và tiếp tục cho tới khi về già. Trong thay đổi này, thành phần cấu tạo xương không thay đổi, nhưng khối lượng và độ đặc (bone mass & bone density) của xương thay đổi.
Bệnh loãng xương xảy ra khi xương thoái hóa nhiều đến mức mà xương không chịu đựng được các sức ép bình thường, trở nên dễ gẫy. Bệnh thường thấy ở xương cổ tay, xương cột sống, xương hông. Loãng xương là một bệnh khá trầm trọng, nhưng lại âm thầm diễn tiến với rất ít dấu hiệu báo trước, khiến cho nhiều người không để ý, tới khi một xương nào đó gẫy sau một té ngã.
Loãng xương có thể là tiền phát hoặc thứ phát. a-Tiền phát là do hậu quả những thay đổi bình thường của tuổi cao và sự suy giảm chức năng của tuyến sinh dục. Có khoảng 95% các trường hợp loãng xương ở trong nhóm này. b-Thứ phát, khoảng 5%, gây ra do sự không vận động cơ thể, bệnh kinh niên, thiếu dinh dưỡng, tác dụng phụ của một số dược phẩm.
Các nguy cơ đưa tới loãng xương 1 -Tuổi tác. Loãng xương tăng với tuổi cao, dù là nam hay nữ giới. Lý do là ở tuổi này, sự hấp thụ của calci ở ruột giảm và lượng estrogen cần cho calci bám vào xương cũng ít hơn. Các nhà chuyên môn cho hay, 90% trường hợp gẫy xương ở người trên 60 tuổi là do loãng xương
2- Giới tính. Nữ giới bị loãng xương nhiều hơn nam giới gấp bốn lần. Lý do của sự khác biệt này là vì nữ giới có khối lượng xương nhỏ hơn nam giới; họ cũng thường ăn thực phẩm có ít calci hơn và ít vận dụng sức lực. Ngoài ra, tới tuổi mãn kinh, estrogen nữ giảm do đó calci ít được hấp thụ và chuyển vào xương.
3-Mầu da. Người da trắng và da vàng thường hay bị loãng xương hơn người da đen, vì những người này có khối xương đặc hơn với nhiều khoáng calci.
4-Y sử gia đình Nếu cha mẹ, anh chị em đã bị gẫy xương thì thân nhân tăng nguy cơ loãng xương lên gấp hai lần.
5- Thiếu estrogen. Estrogen giúp hấp thụ calci từ thực phẩm và chuyển vào xương. Estrogen giảm trong các trường hợp mãn kinh, cắt bỏ buồng trứng hoặc giảm chức năng tuyến sinh dục nam nữ. Phụ nữ không có kinh kỳ trong một thời gian lâu vì bất cứ lý do nào cũng đưa đến hư hao xương. Những nữ thể thao gia vận động nhiều nên kinh nguyệt thường bị gián đoạn. Hậu quả là sự giảm tế bào mỡ, giảm estrogen, giảm calci và độ đặc của xương giảm đi khá nhiều.
6- Cho con bú. Khi còn trong bụng mẹ cũng như khi mới sinh ra, thai nhi cần rất nhiều calci để tạo xương và tăng trưởng. Do đó, khi nuôi con bằng sữa mẹ quá sáu tháng thì sự hao xương ngắn hạn có thể xẩy ra. Người mẹ cần dùng thêm cho đủ số calci và sinh tố D để phòng bệnh xương. Sau khi ngưng cho con bú, tình trạng calci ở người mẹ trở lại bình thường.
7- Dược phẩm. Dùng steroid quá 6 tháng để chữa một bệnh nào đó, như hen suyễn, viêm xương khớp đều là rủi ro bị loãng xương. Steroid giảm sự hấp thụ calci ở ruột, giảm sự tái hấp thụ calci ở thận, tăng sự rút calci từ xương và làm cho xương trở nên xốp. Một số dược phẩm khác như Dilantin, Phenobarbital, Lithium, Phenothiazine, Tetracycline, Cyclosporin, kích thích tố tuyến cận giáp (parathyroid gland)...cũng làm tiêu hao calci từ xương hoặc ngăn cản sự hấp thụ calci ở ruột.
8- Không vận động cơ thể. Cơ thể ít vận động đưa tới hao xương, giảm khối xương. Lý do sự cử động bắp thịt tạo sức ép lên xương và làm cho xương bền chắc hơn. Người bệnh nằm liệt giường lâu ngày thì xương rất yếu và dễ gẫy. Các phi hành gia trong không gian trong thời gian lâu cũng có rủi ro hư hao xương, vì cơ thể chỉ bay bổng mà không vận động
9-Tâm trạng buồn Người thường xuyên buồn rầu, sợ hãi cũng có rủi ro bị loãng xương hơn người “tâm thân an lạc” tới 6%. Lý do là trong tình trạng stress, lượng cortisol tăng, gây trở ngại cho sự hấp thụ calci.
10- Hút nhiều thuốc lá. So với người không hút thuốc lá, người hút có tỷ lệ loãng xương nhiều hơn tới từ 6-10%. Hậu quả là gẫy cột sống tăng gấp đôi và xương hông tăng 50%.
Tại Hoa kỳ, cứ 8 trường hợp gẫy xương ở phụ nữ thì một trường hợp do hút thuốc lá lâu năm. Nguyên lý của tác động này chưa được biết rõ. Thường thường, người hút nhiều thuốc lá có thân hình mảnh mai, ít vận động. Riêng đối với nữ giới, thuốc lá có thể đưa tới sớm tắt kinh và ảnh hưởng tới sự sản xuất estrogen.
11- Nghiện rượu Rượu tăng hormon của tuyến cận giáp parathyroid đưa tới giảm calci dự trữ; giảm sự sản xuất sinh tố D cần thiết cho hấp thụ calci; giảm kích thích tố testosterone và estrogen đưa tới kém hấp thụ calci. Người say rượu cũng tăng rủi ro té ngã, gẫy xương.
12-Thiếu sinh tố D. Quan sát những người sử dụng cùng lượng calcium như nhau, người sống ở vùng ít có ánh nắng thường bị loãng xương nhiều hơn người sống ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Đó là vì nắng chiếu trên da tạo ra sinh tố D và sinh tố này góp phần tích cực trong việc hấp thụ calci và bảo vệ xương.
13-Nhiều chất xơ Thực phẩm thực vật nhiều chất xơ ngăn cản sự hấp thụ calci.
14-Chất đạm Tiêu thụ quá nhiều chất đạm động vật làm tăng bài tiết calci trong nước tiểu, trong khi chất đạm thực vật không có tác dụng này.
15-Cà phê Uống nhiều cà phê cũng làm hao xương ở người cao tuổi, nhất là khi không uống thêm sữa có bổ sung calci. Phòng tránh loãng xương
Mặc dù được coi như một bệnh khó tránh và có hậu quả nghiêm trọng của tuổi già, nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy bệnh có thể một phần nào tránh và chữa được. Xương cứng mạnh hay yếu giòn tùy thuộc vào sự dinh dưỡng, sự vận động cơ thể và lượng kích thích tố estrogen.
Cho nên để phòng bệnh, ta cần lưu ý duy trì tốt ba yếu tố này.
1-Tiêu thụ đủ số lượng calci mà cơ thể cần qua thực phẩm. Dinh dưỡng lành mạnh là điều rất quan trọng để có bộ xương vững chắc. Dinh dưỡng này dựa trên sự khéo léo chọn lựa các loại thực phẩm căn bản có nhiều calci. Thực phẩm có nhiều calci là sữa, sữa chua, pho mát cứng, cá sardine, cá salmon, sò, rau có lá màu lục, cam, đậu nành. Đậu nành có loại phytoestrogen, tương tự như estrogen của cơ thể, nên cũng có tác dụng tốt trong việc hấp thụ calci. Tuổi thiếu niên cần 1200mg calci mỗi ngày, tuổi trưởng thành cần 1500mg/ngày. Nếu vì lý do nào đó mà không đủ calci qua thực phẩm, có thể dùng calci phụ. Nên uống khi ăn no để calci dễ dàng hấp thụ và không quá 600mg mỗi lần. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm calci, vì tiêu thụ quá nhiều, calci có thể đưa tới vài rối loạn như nhịp tim bất thường, tổn thưng mạch máu, suy yếu cơ, nhức đầu, sỏi thận.
2-Cần dùng thêm sinh tố D khoảng 400 IU-800UI/ngày để giúp sự hấp thụ calci được hữu hiệu.
3-Vận động cơ thể Xương là những mô bào sống, cần được sự vận động của cơ bắp để vững chắc. Do đó, nếu quá tĩnh tại, khối lượng xượng sẽ giảm rất nhiều. Ngoài sự làm xương vững chắc, vận động còn giảm thiểu nguy cơ té ngã bằng cách tăng cường sức mạnh bắp thịt, cải thiện sự thăng bằng và phối hợp các động tác của cơ thể. Vận động cũng giúp trái tim khỏe mạnh, tăng sức lực cơ thể. Đi bộ, chạy, đánh tennis, khiêu vũ, cử tạ đều rất tốt. Chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày là xương cốt chắc bền hơn rồi.
Ngoài ra: - nếu thiếu estrogen, nên thảo luận với bác sĩ coi có thể dùng estrogen thay thế. -ngưng uống rượu, hút thuốc lá và - thay thế dược phẩm đang dùng gây ra hao xương.
Khám phá loãng xương trước khi xương gẫy Ở tuổi cao hoặc có rủi ro bị loãng xương, nên làm một số thử nghiệm để sớm khám phá coi có bị hao xương trước khi xương gẫy. Đo tỷ trọng xương (densitrometry) giúp tìm ra bệnh loãng xương trước khi có triệu chứng bệnh như gẫy xương, giảm chiều cao, lệch xương sống. Đây là một kỹ thuật khá chính xác để ước lượng nguy cơ gẫy xương và để theo dõi việc điều trị bệnh này.
Những người nên làm xét nghiệm tỷ trọng xương là: -Phụ nữ dưới 65 tuổi ở trong thời kỳ mãn kinh mà có một hay nhiều nguy cơ bị loãng xương; -Tất cả phụ nữ trên 65 tuổi; -Phụ nữ đã hết kinh mà bị gẫy xương; -Phụ nữ đang được điều trị với kích thích tố thay thế, với thuốc cortisone lâu ngày và phụ nữ thiếu estrogen; -Người đang được điều trị bệnh loãng xương.
Điều trị Nếu được điều trị sớm, loãng xương có thể chữa được. Dược phẩm thuộc nhóm Biphosphonates etidronate (Didronel), pamidronate (Aredia), alendronate (Fosamax), risedronate (Actonel), zoledronate (Zometa or Reclast), ibandronate (Boniva), đứng đầu trong các loại thuốc để điều trị loãng xương. Bằng cách vừa ngăn chặn sự tiêu hao và tăng cường độ đặc của xương, thuốc giảm rủi ro gẫy xương hông và cột sống rất nhiều. Thuốc được coi như an toàn, nhưng cũng có một số tác dụng phụ như ợ chua, đau bụng, nhức đầu, đau bắp thịt, táo bón, tiêu chẩy, đầy hơi..
Để thuốc công hiệu và tránh kích thích thực quản, nên: -Uống vào buổi sáng với một ly đầy nước, khoảng 30 phút trước khi ăn hoặc dùng loại thuốc nào khác. -Ngồi nghỉ khoảng nửa giờ để tránh ợ chua. -Đừng uống vào buổi chiều nếu quên không uống sáng nay.
Không dùng thuốc kể trên nếu có thai, đang có bệnh thận trầm trọng, bị ợ chua với viêm thực quản. Ngoài ra, các dược phẩm như Raloxifene, calcitonin, estrogen, kích thích tố tuyến cận giáp cũng được dùng để trị loãng xương.
Kết luận Phòng tránh loãng xương đã quan hệ, nhưng phòng tránh té ngã ở người cao tuổi cũng không kém phần quan trọng. Vì mất thăng bằng cơ thể, kém thị giác, bắp thịt suy yếu, mất phương hướng, dùng nhiều dược phẩm có thể khiến cho người tuổi cao dễ bị té ngã. Và gẫy xương sẽ xảy ra.
|