Home Đời Sống Tôn Giáo Nhân dịp Ba Lan kỷ niệm 20 năm ngày được tự do: Vai trò của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu (Bài I)

Nhân dịp Ba Lan kỷ niệm 20 năm ngày được tự do: Vai trò của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu (Bài I) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Long Thao (dịch)   
Thứ Sáu, 05 Tháng 6 Năm 2009 14:02
Vai trò của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu:

LTS: Từ ngày 2/6 đến 10/6/2009, dân chúng và chính quyền Ba Lan long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 20 năm chế độ cộng sản sụp đổ và 30 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở về thăm quê hương.

Đài truyền hình CNN dành một chương trình đặc biệt tên là "The New Poland" (Nước Ba Lan Mới) trực tiếp truyền hình các buổi lễ hội tại Ba Lan tới hàng chục triệu khán giả trên toàn thế giới.

Đồng thời tại Quốc Hội Ba Lan, một hội nghị quốc tế có tên là “Giáo Hoàng Của Tự Do” được tổ chức để thảo luận về vai trò của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản tại Đông Âu. Hội nghị này gồm nhiều nhà sử học, chính trị học và xã hội học.

Khi viết về đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các ký giả cũng như các sử gia đều nhắc đến phần đóng góp của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản tại Đông Âu. Nhưng nếu có ai đặt câu hỏi: Đức Cố Giáo Hoàng đã góp phần thế nào trong biến cố chính trị vĩ đại này, thì quả thực, không mấy ai có câu trả lời chính xác và đầy đủ.

Hiện nay, người ta chưa thấy một tác phẩm đặc khảo nào về vấn đề nêu trên. Do vậy, vai trò của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản vẫn là một đề tài hấp dẫn cho những ai muốn viết luận án về Sử Học hay Chính Trị Học.

Trong khi đi tìm tài liệu về vấn đề này, chúng tôi gặp được bài báo có tựa đề Holy Alliance (Liên Minh Thánh) của tác giả Carl Bernstein, đăng trên tuần báo Time, số xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 24 tháng 2 năm 1992, nghĩa là sau khi chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đổ được 1 năm, tức năm 1991. Chúng tôi dịch bài báo này để cống hiến qúy bạn đọc, nhưng thiết tưởng cũng cần đặt một câu hỏi là liệu các tài liệu lịch sử và sự kiện trong bài báo này có hoàn toàn chính xác không? Chúng tôi không đủ tài liệu trả lời câu hỏi này, chỉ biết Time là một tuần báo có uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ. Bài báo rất dài, chúng tôi sẽ trích đăng làm 2 kỳ mong qúy độc giả theo dõi.


LIÊN MINH THÁNH

Trong thư viện Tòa Thánh Vatican vào ngày thứ Hai 7 tháng 6 năm 1982 chỉ có sự hiện diện của Tổng Thống Ronald Reagan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đây là lần đầu tiên hai vị gặp nhau trong vòng 50 phút. Trong khi đó, tại một phòng khác, cùng tòa nhà của ĐGH, Đức Hồng Y Agostino Cassaroli và Đức Tổng Giám Mục Achille Silvestrini đàm đạo với Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Alexander Haig và chánh án William Clark, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Reagan. Hầu hết câu chuyện giữa hai bên đều tập trung vào vấn đề Do Thái xâm lăng Li Băng. Cuộc tấn công đã bước sang ngày thứ hai và Ngoại Trưởng Haig nói với các vị trong Tòa Thánh rằng Thủ Tướng Menachem Begin của Do Thái đã cam kết với Hoa Kỳ là họ sẽ không tấn công sâu vào nội địa Lebanon quá 25 dặm.

Tuy nhiên, Tổng Thống Reagan và Đức Giáo Hoàng chỉ dành ra vài phút để xem xét vấn đề Trung Đông, còn lại hai vị chú ý vào vấn đề cùng quan tâm. Đó là vấn đề Ba Lan và sự thống trị của Sô Viết tại Đông Âu. Trong cuộc họp đó, TT Reagan và ĐGH đều đồng ý là phải tiến hành một chiến dịch bí mật để mau chóng giải thể đế quốc cộng sản. Đệ Nhất Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Reagan là ông Richard Allen tuyên bố:“Đây là liên minh bí mật vĩ đại nhất từ trước tới nay.”

Chiến dịch nhắm vào Ba Lan là quốc gia đông dân cư nhất, là chư hầu của Sô Viết ở Đông Âu và là nơi sinh trưởng của ĐGH Gioan Phaolô II. Cả Đức Giáo Hoàng lẫn Tổng Thống Reagan đều tin rằng Ba Lan có thể tách rời khỏi quỹ đạo Sô Viết, nếu Vatican và Hoa Kỳ quyết tâm cung ứng phương tiện để làm lung lay chính quyền Ba Lan và giữ cho phong trào Đoàn Kết đang bị cấm hoạt động được tồn tại sau khi chính quyền cộng sản ban hành quân luật vào năm 1981.

ĐGH John Paul II trở về Quê Hương: "Xin Thánh Thần đến với chúng con và xin làm canh tân mặt đất, Đất này"
Trước khi Công Đoàn Đoàn Kết được hoạt động trở lại một cách công khai và hợp pháp vào năm 1989, thì đã có nhiều hoạt động bí mật được diễn ra trong thời gian này. Công đoàn được cung cấp phương tiện, được nuôi dưỡng và được cố vấn mà phần lớn qua một hệ thống được thiết lập dưới sự bảo trợ của TT. Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II. Hàng tấn máy móc như máy gửi điện thư (Fax Machine - lần đầu tiên có ở Ba Lan), máy in báo, máy truyền tin, điện thoại, radio làn sóng ngắn, máy quay phim, máy photocopy, máy điện tín, máy vi tính, máy đánh chữ điện tử (word processor) được đưa lậu vào Ba Lan qua các đường dây được thiết lập do các linh mục, các nhân viên tình báo Mỹ, các đại diện Công Đoàn Lao Động Hoa Kỳ (AFL-CIO), và các phong trào lao động Âu Châu. Tài chánh cho công đoàn đang bị cấm hoạt động là do quỹ của Cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA), Quỹ Quốc Gia Hỗ Trợ Dân Chủ, và tài khoản bí mật của Tòa Thánh và các nghiệp đoàn thương mại Âu Châu.

Thông thường lãnh tụ Lech Walesa và các nhà lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết nhận được những lời cố vấn chiến thuật từ các linh mục, hay các điệp viên Mỹ hay Âu Châu giả dạng là các chuyên gia lao động làm việc ở Ba Lan. Điều đó phản ánh cách làm việc của Vatican và của chính quyền Reagan. Nhờ sự chống đối ngày càng có hiệu quả, nên nguồn tin về các quyết định nội bộ của chính quyền Ba Lan và nội dung những cuộc đàm thoại giữa Warsaw và Moscow được tuôn chảy về Tây Âu như suối nước. Những tin tức chi tiết đó không những do các linh mục mà còn do các điệp viên nằm ngay trong nội bộ chính quyền Ba Lan cung cấp.

ĐẢ ĐẢO HIỆP ƯỚC YALTA

Theo các vị phụ tá cùng quan điểm với TT Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II, hai nhà lãnh đạo không chấp nhận sự kiện chính trị cơ bản xảy ra trong đời hai vị: Đó là việc phân chia Âu Châu do hiệp ước Yalta quy định và để Đông Âu dưới sự thống trị của cộng sản. Hai vị tin rằng một nước Ba Lan tự do, không cộng sản sẽ là lưỡi dao đâm ngay vào tim đế quốc Sô Viết và nếu Ba Lan trở nên dân chủ thì các nước Đông Âu khác cũng sẽ noi theo.

TT Reagan đã tuyên bố: “Cả hai chúng tôi nhận thấy hiệp ước Yalta đã mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng và người ta cần phải làm một điều gì”. Ông nói tiếp: “Công Đoàn Đoàn Kết thực sự là một thứ vũ khí có thể giải quyết được vấn đề đó vì chính nó là một tổ chức của người lao động Ba Lan. Chưa bao giờ có gì giống như Công Đoàn Đoàn Kết mà có thể tồn tại được ở Đông Âu, và nghiệp đoàn công nhân đó hoàn toàn trái ngược với điều Sô Viết và Ba Lan mong muốn ”.

Theo các lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết, ông Lech Walesa và những người phụ tá của ông đều biết TT Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II quyết tâm giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại, nhưng về mức độ hợp tác giữa hai vị thế nào, thì họ chỉ có thể phỏng đoán.

Ngay cả ông Wojciech Adamiecki, chủ bút và là người điều hành tờ báo bí mật của Công Đoàn Đoàn Kết, hiện đang (1992) là cố vấn cho tòa Đại Sứ Ba Lan tại Washington, phát biểu: “Chính thức ra chúng tôi không biết Giáo Hội đang hợp tác với Hoa Kỳ, chúng tôi nghe nói ĐGH đã cảnh cáo Sô Viết rằng nếu họ tiến vào Ba Lan thì Ngài sẽ bay về Ba Lan ở với dân chúng. Giáo Hội là nguồn yểm trợ đầu tiên, lúc bí mật lúc công khai. Công khai như trợ giúp nhân đạo, thực phẩm, tài chánh, thuốc men, cố vấn y khoa được tổ chức trong nhà thờ. Bí mật như yểm trợ các sinh hoạt chính trị, như phân phối máy in đủ loại, cung cấp chỗ để hội họp bí mật, tổ chức các cuộc biểu tình đặc biệt.”

Vào lần gặp gỡ đầu tiên, TT Reagan và ĐGH đã ôn lại những chuyện hai vị đồng cảnh ngộ: Cả hai đều sống sót sau hai vụ ám sát cách nhau 6 tuần lễ, cả hai đều tin Chúa đã gìn giữ hai vị để thực hiện một sứ vụ đặc biệt. Đức Hồng Y Pio Laghi, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington kể lại rằng: “Một người bạn thân của TT Reagan đã nhắc lại với tôi lời phát biểu của TT Reagan rằng: “Coi kìa, lực lượng ma qủy cản đường chúng tôi và coi Chúa Quan Phòng đã can thiệp như thế nào”. Theo ông Clark, Cố Vấn An Ninh của TT Reagan, thì cả ĐGH lẫn TT Reagan đều cho việc hai vị sống sót sau hai vụ ám sát là một “phép lạ”. Ông Clark tuyên bố rằng: “Cả hai vị đều chia sẻ chung một quan điểm về tinh thần và có chung một cái nhìn về đế quốc Sô Viết: Đó là lẽ phải và việc sửa sai sẽ tất thắng theo chương trình của Chúa.

Đô Đốc Bobby Inman, nguyên phụ tá Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương cho biết: “TT Reagan đưa ra quan điểm rất đơn giản và chắc chắn, một quan điểm có giá trị là ông đã thấy chủ thuyết cộng sản sắp sụp đổ và ông cần phải đẩy mạnh thêm cho nó sụp đổ luôn”.

Trong 6 tháng đầu năm 1982, chiến thuật gồm 5 điểm được đưa ra nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Sô Viết, phá vỡ mối giây liên hệ kinh tế giữa Liên Bang Sô Viết và các quốc gia khách hàng của hiệp ước Warsaw, thúc giục cải cách ngay trong đế quốc Sô Viết. Chiến thuật đó bao gồm các điểm sau đây:

- Quốc Phòng Hoa Kỳ đã và đang trên con đường gia tăng ngân sách với mục đích để Sô Viết muốn cạnh tranh với Hoa Kỳ tất phải trả một giá rất đắt. Đó là sáng kiến chiến thuật phòng thủ không gian của Tổng Thống Reagan, tức chiến thuật “Chiến Tranh Các Hành Tinh” (Star Wars) trở thành trung tâm điểm của chiến thuật này.

- Bí mật khuyến khích các phong trào cải cách ở Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc và Ba Lan.

- Tài trợ cho các quốc gia trong hiệp ước Warsaw căn cứ theo mức độ họ tự nguyện bảo vệ nhân quyền, cải cách chính trị và tiến tới thị trường tự do.

- Cô lập kinh tế Liên Bang Sô Viết và giữ cho nền kỹ thuật cao của Nhật và Tây Phương không vào được Mạc Tư Khoa. Chính quyền Hoa Kỳ nhắm vào việc không cho Liên Bang Sô Viết hưởng được điều mà họ muốn có là nguồn ngoại tệ qúy giá của thế kỷ 21. Đó là lợi nhuận mang lại do đường ống dẫn khí đốt xuyên lục địa cho Tây Âu. Đường ống dài 3600 dặm bắt đầu từ Siberia tới Pháp được chính thức hoạt động từ 1 tháng Giêng năm 1984, nhưng lợi nhuận thu được nhỏ hơn nhiều so với dự tính của Liên Sô.

- Gia tăng dùng đài Phát Thanh Tự Do, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, đài Âu Châu Tự Do để truyền các sứ điệp của chính quyền Hoa Kỳ đến nhân dân các nước Đông Âu.

Tới năm 1982, cả TT Reagan lẫn ĐGH Gioan Phaolô II đều không tiên liệu được việc ông Mikhail Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo Sô Viết. Ông là cha đẻ của phong trào cởi mở và cải cách. Nỗ lực cải cách của ông đã cởi trói cho các thế lực mạnh, thoát ra khỏi vòng kiểm soát của ông và dẫn tới việc Liên Bang Sô Viết phải tan rã.

Theo một viên chức Hoa Kỳ từng biết rõ các kế hoạch giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại thì “Liên Minh Washington-Vatican không làm cho chế độ cộng sản sụp đổ, mà giống như các nhà lãnh đạo vĩ đại và may mắn khác, Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Reagan đã biết khai thác chỗ mạnh của lịch sử để dùng vào mục tiêu của riêng mình”

ĐÀN ÁP

Chiến dịch do Washington và Vatican khởi xướng nhằm duy trì Công Đoàn Đoàn Kết bắt đầu khi Tướng Wojciech Jaruzelski tuyên bố áp dụng quân luật vào ngày 13 tháng 12 năm 1981. Trong những giờ phút đen tối đó, mọi đường dây liên lạc với thế giới bên ngoài không cộng sản đều bị cắt đứt, 6000 nhà lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết bị bắt giữ, hàng trăm người bị cáo buộc phản quốc, lật đổ chính quyền, phản cách mạng, 9 người bị giết và công đoàn bị cấm hoạt động. Hàng ngàn người khác trong Công Đoàn phải trốn tránh, trong các nhà thờ, nhà xứ, phải ở với các linh mục. Chính quyền bắt giữ ông Lech Walesa và giam ông tại căn nhà cho người đi săn ở nơi khỉ ho cò gáy?

Ngay sau khi lực lượng an ninh Ba Lan được bố trí trên các đường phố, TT Reagan liền gọi điện thoại ngay cho ĐGH để xin ý kiến. Trong một loạt các cuộc hội họp vào những ngày sau đó, TT Reagan đã bàn đến các giải pháp phải chọn lựa. Cựu Ngoại Trưởng Haig kể rằng: “Trong các phiên họp Nội Các hay Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, có rất nhiều thành viên tham dự, tất cả đều đưa ra những biện pháp trả đũa, từ việc cấm vận đã tác động mạnh và tàn phá Ba Lan, đến việc đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn có thể đưa tới nguy cơ như tình hình xảy ra tại Hung Gia Lợi năm 1956 hay Tiệp Khắc năm 1968”.

Ngoại Trưởng Haig biệt phái ngay vị Đại Sứ lưu động là ông Vernon Walters, một người Công Giáo đạo đức, sang gặp ĐGH. Ông Walters đến Rome liền gặp riêng ĐGH và sau đó gặp riêng Đức Hồng Y Cassaroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Hai bên đồng ý là không thể để ngọn lửa Công Đoàn Đoàn Kết bị dập tắt và quốc tế phải tập trung vào việc cô lập hóa Sô Viết. Với Ba Lan, phải gây áp lực về mặt tinh thần cũng như kinh tế trên chính quyền của nước này.

Theo nguồn tin của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, qua các đường dây của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã khuyên ông Walesa hãy giữ phong trào hoạt động trong vòng bí mật và thông báo tới 10 triệu đoàn viên Công Đoàn Đoàn Kết là đừng kéo nhau xuống đường, đừng liều lĩnh khiêu khích để Minh Ước Warsaw nhảy vào can thiệp, tránh nội chiến với lực lượng an ninh Ba Lan. Vì cộng sản cắt đứt hết đường dây liên lạc điện thoại trực tiếp đến Vatican nên ĐGH đã phải liên lạc với Đức Hồng Y Josef Glemp ở Warsaw qua đài phát thanh. Ngài cũng phái một đặc sứ đến Ba Lan để tìm hiểu và báo cáo tình thế. Ngoại Trưởng Haig đã tuyên bố: “Tin tức của Tòa Thánh Vatican hoàn toàn khá hơn và nhanh hơn tin tức của chúng ta về mọi mặt. Mặc dù chúng ta có riêng vài nguồn tin tối hảo, song tin của chúng ta phải mất quá lâu để kiểm chứng qua thủ tục tình báo”.

Trong những giờ phút đầu tiên, TT Reagan đã ra lệnh phải thông báo lập tức cho Đức Giáo Hoàng những tin tức tình báo của Hoa Kỳ, kể cả tin do ông Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Ba Lan cung cấp. Ông này đã bí mật báo cáo tin tức cho Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) biết.

Washington cũng trao cho Vatican bản phúc trình và phân tích của Đại Tá Ryszard Kuklinski là nhân viên trong Bộ Tổng Tham Mưu Ba Lan, đã từng cung cấp tin tức cho CIA tới năm 1981. Sau đó ông được bí mật đưa ra khỏi Ba Lan, sau khi cảnh báo Sô Viết sẽ xâm lăng Ba Lan, nếu chính quyền nước này không áp đặt quân luật. Ông Kuklinski cũng đưa ra lời cảnh báo về hành động quân sự của Sô Viết vào những năm của thập niên 80. Những lời cảnh báo này khiến chính quyền sắp mãn nhiệm của TT Carter phải gửi một điệp văn bí mật cho ông Leonid Brezhnev rằng nếu xâm lặng Ba Lan, thì một trong những giá phải trả là Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí có trình độ kỹ thuật cao cho Trung Quốc. Lần này ông Kuklinski báo cáo cho Washington biết Tổng Bí Thư Brezhnev tỏ ra rất bực bội, Năm đó mùa màng ở Nga bị thất thu thảm hại nên ông Brezhnev không cần đến đội binh cơ giới của quân đội, mà thay vào đó dành lực lượng này cho công việc xâm lăng Ba Lan. TT Reagan nói “Những gì chúng tôi biết, chúng tôi tưởng ĐGH không biết, nên ngay lập tức chúng tôi báo cáo cho Ngài”:

MỘT NHÓM CÔNG GIÁO

Một nhóm những nhân vật trong chính quyền Mỹ tham gia trong vụ Ba Lan gồm những người Công Giáo đạo đức như Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo William Casey, Richard Allen, William Clark, Alexander Haig, Vernon Walters và William Wilson. Ông William Wilson là đại sứ đầu tiên của TT Reagan bên cạnh Tòa Thánh Vatican. Tất cả những người này coi mối liên hệ ngoại giao giữa Washington-Vatican là một Liên Minh Thánh: gồm sức mạnh tinh thần và những giáo huấn của Giáo Hội kết hợp với chủ thuyết cương quyết chống cộng sản và khái niệm dân chủ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, công tác này có lẽ không thành công, nếu không có sự hỗ trợ hoàn toàn của TT Reagan là người tin tưởng nồng nhiệt vào cả lợi ích lẫn những áp dụng thực tế trong việc thiết lập mối quan hệ giữa Washington và Vatican. Tổng Thống Reagan nói: “Một trong những mục tiêu đầu tiên là thừa nhận Vatican là một quốc gia và kết hợp quốc gia ấy làm đồng minh” (trước đây Hoa Kỳ và Vatican không có quan hệ ngoại giao chính thức- ghi chú của người dịch)

Theo Đô Đốc John Poindexter, phụ tá quân sự trong ban Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, thì khi quân luật được ban hành ở Ba Lan, TT Reagan đã tin ngay rằng cộng sản đã tính toán sai lầm nghiêm trọng: “Cho Công Đoàn Đoàn Kết công khai hoạt động trong 16 tháng rồi đi đàn áp. Chính quyền Ba Lan chỉ tự tách mình ra khỏi nhân dân bằng việc cố làm tê liệt phong trào lao động và quan trọng hơn là lôi kéo giáo hội có sức mạnh vào cuộc xung đột với chế độ Ba Lan.”

TT Reagan nói: “Tôi không tin rằng điều này (quyết định áp đặt quân luật đề đập nát Công Đoàn Đoàn Kết) có thể tồn tại vì lịch sử Ba Lan vì khía cạnh tôn giáo và còn nhiều khía cạnh nữa”. Còn Đức Hồng Y Cassaroli thì nói: “Có một sự trùng hợp về quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Vatican.”

Đa số những sự trợ giúp cho Công Đoàn Đoàn Kết hay đối phó với chính quyền Ba Lan và Sô Viết đều do TT Reagan, ông Casey, và ông Clark quyết định sau khi đã tham khảo ý kiến với ĐGH Gioan Phaolô II. Ông Richard Pipes, một học giả bảo thủ sinh trưởng ở Ba Lan, cầm đầu văn phòng đặc trách Sô Viết và Đông Âu trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cho biết: “TT Reagan biết rõ mọi chuyện, kể cả các hoạt động bí mật”. Ông nhắc lại lời Tổng Thống “Không phải nhân dân, mà chính hệ thống Sô Viết là điều xấu xa và chúng ta, bằng mọi cách, phải làm thế nào giúp đỡ dân chúng và Công Đoàn Đoàn Kết tranh đấu cho tự do.”

Ông nói thêm: “Những người như ông Haig, Bộ Trưởng Thương Mại Malchom Baldridge và James Baker (lúc đó là chánh văn phòng tòa Bạch Ốc sau này là Bộ Trưởng Ngoại Giao thời TT Bush cha – ghi chú của người dịch) đều cho điều TT Reagan nói là không thực tế. Còn ông George Bush (tức ông Bush Cha, lúc đó là Phó TT cho ông Reagan – ghi chú của người dịch) cứ ngồi yên, không nói lời nào. Tôi (lời ông Pipes) thường ngồi sau ông và không bao giờ biết ý kiến của ông thế nào. Riêng TT Reagan thì biết rất rõ những gì là nguy hiểm sẽ xảy ra

Theo sự đánh giá chung, ngay trong những ngày đầu khi Ba Lan vừa ban hành quân luật, ông Casey đã nhảy ngay vào vòng chiến trong lúc mọi người còn đang mu mơ. Giống như trường hợp Trung Mỹ, ông Casey là kiến trúc sư chính trong các chính sách đối với Ba Lan. Trong khi đó, ông Pipes và các viên chức trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia soạn thảo các đề nghị trừng phạt. Ông Pipes nói: “Mục tiêu chính là làm kiệt quệ Sô Viết để người dân trong nước đổ tội cho là vì ban hành quân luật”. Ông cũng nói thêm: “Những biện pháp trừng phạt được tiến hành song song với những hoạt động của ban Công Tác Đặc Biệt, một chi ngành của CIA thi hành các hoạt động bí mật, với mục tiêu đầu tiên là giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại bằng việc cung cấp tài chánh và dụng cụ truyền tin.”

Một trong những viên chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ chỉ huy nỗ lực hạn chế ảnh hưởng hệ thống dẫn khí đốt của Nga cho biết: “Giáo Hội cố gắng kiểm soát toàn bộ tình hình” Viên chức này nói tiếp: “ Họ (Giáo Hội) đã nỗ lực một cách có hiệu quả, tạo ra được các tình huống khiến Sô Viết không áp dụng được những đe dọa nguy hiểm, trong khi đó, cho phép chúng ta (Hoa Kỳ) xiết chặt các biện pháp chế tài ngày càng mạnh mẽ hơn. Và gần như họ là bộ phận theo dõi những đàn áp của chính phủ để xem nó diễn tiến như thế nào, áp bức ấy có được nới lỏng hay ngày càng tệ hại và chúng ta phải đối phó ra sao.”

Đối với các cuộc đàm thoại của TT Reagan về tình hình Ba Lan, Ông Clark cho biết, các cuộc đàm thoại ấy rất ngắn gọn. Ông nói: “Tôi không nghĩ là giữa tôi và TT. Reagan có cuộc đàm thoại nào riêng tư mà kéo dài được hơn ba phút để đi sâu vào một vấn đề. Có lẽ điều đó làm ông (ký giả viêt bài báo này) ngạc nhiên lắm. Chúng tôi có mật mã thông tin riêng. Trong vấn đề Ba Lan, tôi biết TT Reagan muốn thực hiện đến đâu và đường lối đó có thể dẫn đến những vấn đề gì. TT Reagan, ông Casey và tôi thường xuyên bàn luận về những hoạt động bí mật ở Ba Lan: như ai đang làm việc gì, ở đâu, tại sao, diễn biến tình thế thế nào, và cơ hội thành công ra sao.”

Theo ông Clark, chính ông và ông Casey hàng ngày báo cáo ngắn gọn về tin tình báo cho TT Reagan biết. Bản báo cáo tóm lược tin của CIA, bổ túc thêm những phân tích về các hoạt động bí mật ở Ba Lan.

Về phía Đức Giáo Hoàng, Ngài và những vị phụ tá gặp gỡ các giới chức Hoa Kỳ để lượng định tình hình và kết quả các hoạt động của Mỹ, sau đó gửi kết quả thẩm định bằng thư hay báo cáo miệng cho TT Reagan.

Còn ông Casey, trong hầu hết các chuyến sang Âu Châu hay Trung Đông, đều ghé Rome trước để gặp gỡ ĐGH và trao đổi tin tức. Nhưng, việc thực hiện những sứ vụ chính giữa Washington và Rome đều do ông Walters đảm trách. Ông nguyên là Phụ Tá Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), đã từng công tác đắc lực với ông Casey.

Theo nguồn tin của Vatican, ông Walters đã gặp ĐGH đến hơn chục lần. Ông Wilson nguyên Đại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican cho biết ông Walters có sứ vụ đưa tin tức qua lại giữa ĐGH và TT Reagan và sự hiện diện của ông tại Vatican được giữ bí mật. Nội dung các buổi nói chuyện không chỉ xoay quanh vấn đề Ba Lan mà còn đề cập cả đến vấn đề Trung Mỹ Châu hay vụ con tin bị giam giữ ở Lebanon.

Trong những năm dưới thời Reagan, những hoạt động bí mật của Mỹ (Bao gồm những hoạt động ở Afghanistan, Nicaragua, và Angola) thường là sự trợ giúp phương tiện cho những lực lượng nổi dậy như súng ống, lính đánh thuê, cố vấn quân sự hay chất nổ. Nhưng tại Ba Lan, Đức Giáo Hoàng, TT Reagan, và ông Casey theo một chiến thuật trái ngược hẳn. Một chuyên gia phân tích cho biết: “Điều ba vị nói trên làm là để cho các lực lượng tự nhiên tại chỗ đóng vai trò chủ yếu, còn các vị ấy không để lại một dấu tích gì trên các biến cố này”.

Sự hợp tác giữa ông Reagan và Casey có điểm nổi bật là hoạt động được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Hoạt động đó giản dị so với những hoạt động khác của CIA. Một trong những người từng cộng tác với ông Casey, nhưng không thích ông ta lắm đã phát biểu rằng: “Giả dụ như ông Casey có mặt ở đây bây giờ thì có lẽ ông ấy sẽ nở mấy nụ cười. Vào năm 1991, TT Reagan và ông Casey đã thiết lập được một trật tự thế giới mới mà hai ông mong muốn” (Ông Casey chết trước khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga và các nước Đông Âu ghi chú của người dịch)

Còn tiếp: Ngày mai: Những Chỉ Thị Mật