Lòng từ bi là nền tảng của hạnh phúc con người(3) |
Tác Giả: Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Chuyển dịch: HT.Thích Trí Chơn | |||
Chúa Nhật, 03 Tháng 5 Năm 2009 13:26 | |||
Trích từ cuốn sách: “Book of Love and Compassion” Như tôi đã nói ở trên là bao lâu loài người còn sống trên quả địa cầu này thì luôn luôn sẽ có những ý kiến bất đồng và chống đối nhau. Nếu chúng ta dùng bạo lực để giải quyết mối bất hòa và cơn khủng hoảng thì bạo động sẽ xảy ra mỗi ngày và tôi nghĩ kết quả của nó thực là khủng khiếp. Hơn nữa, thực tế cho thấy chúng ta không thể dùng bạo động để chấm dứt sự bất đồng ý kiến mà bạo động chỉ có thể gây thêm nhiều sự bất mãn và hận thù. Trái lại, bất bạo động có nghĩa là đối thoại hay dùng lời nói để cảm thông. Đối thoại còn mang ý nghĩa điều đình: lắng nghe quan điểm và kính trọng quyền lợi của người khác trong tinh thần hòa giải. Không ai thắng một trăm phần trăm và cũng chẳng ai thua một trăm phần trăm. Đó là giải pháp thực tế và duy nhất chỉ có con đường như vậy. Ngày nay, thế giới ngày càng thu nhỏ lại cho nên ý niệm về “họ” hay “chúng ta” đã gần như lỗi thời, không còn thích hợp nữa. Nếu quyền lợi của chúng ta tồn tại độc lập với những kẻ khác thì điều xảy ra là chúng ta có thể hoàn toàn thành công hay hoàn toàn thất bại, nhưng vì thực tế tất cả chúng ta đều tùy thuộc lẫn nhau, cho nên quyền lợi của các bạn và những người khác đều có tương quan liên hệ với nhau. Do vậy, làm sao quý vị có thể thắng một trăm phần trăm? Đó là điều không thể được. Chúng ta phải chia xẻ mỗi bên một nửa, năm mươi phần trăm hoặc có thể sáu mươi phần trăm cho phe này và bốn mươi phần trăm cho bên kia. Nếu không như vậy thì sự hòa giải không cách nào thực hiện được. Thực tế của thế giới ngày nay cho biết rằng chúng ta cần phải suy nghĩ theo hướng đi như thế. Đây là căn bản chủ trương của chính tôi, chấp nhận con đường “trung dung”. Dân tộc Tây Tạng sẽ không thể thắng một trăm phần trăm bởi vì dù chúng tôi có muốn hay không, thì tương lai đất nước Tây Tạng vẫn còn tùy thuộc rất nhiều ở Trung Cộng. Cho nên trong tinh thần hòa hợp, tôi ủng hộ sự chia xẻ quyền lợi để giúp cho công việc điều đình có thể tiến triển được. Hòa giải là con đường duy nhất. Qua chủ trương bất bạo động có nghĩa là chúng tôi có thể chia xẻ những ý kiến, cảm nghĩ và quyền lợi lẫn nhau, và bằng cách này, chúng tôi có thể giải quyết mọi vấn đề. Đôi khi chúng tôi gọi thế kỷ thứ 20 vừa qua là một thế kỷ đẩm máu và chiến tranh. Trong suốt thế kỷ này đã xảy ra những cuộc khủng hoảng, đổ máu và sản xuất vũ khí nhiều hơn trước đây. Hiện nay, trên căn bản của những kinh nghiệm chúng ta đã trải qua và học hỏi được từ thế kỷ này, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn về tương lai với hy vọng sẽ là một thế kỷ của đối thoại. Nguyên tắc bất bạo động cần nên thực hành và áp dụng khắp mọi nơi. Điều này không thể đơn giản chỉ ngồi ở đây và cầu nguyện mà đạt được. Nhưng các bạn cần phải nỗ lực tích cực hoạt động và cố gắng nhiều hơn nữa. Câu Hỏi và Trả Lời Hỏi: Kính thưa Ngài, làm sao chấm dứt được tình trạng gây ô nhiểm trong vũ trụ? Đạt Lai Lạt Ma: Như quý vị biết tôi đến từ Tây Tạng. Khi còn sống ở Tây Tạng, chúng tôi không có ý niệm gì về sự ô nhiểm. Mọi vật dụng tại nơi đó đều rất sạch. Thực vậy, lần đầu tiên khi biết đến danh từ ô nhiểm và nghe người ta bảo rằng tôi không thể dùng nước uống, tôi rất ngạc nhiên. Sau này, tôi mới hiểu rõ. Giờ đây, vấn đề thực sự đã trở nên nghiêm trọng. Nó không phải là vấn nạn của riêng một hay hai quốc gia, mà là sự sống còn và sức khỏe của toàn nhân loại. Nếu chúng ta nhận thức rõ vấn đề này để tìm phương pháp đối phó một cách tích cực thì ít ra quý vị có thể làm giảm thiểu bớt sự nguy hại của nó. Chẳng hạn, khoảng hai hoặc ba năm trước đây, khi tôi đến thăm thành phố Stockholm (Thụy Điển) gần một con sông lớn; vài người bạn cho tôi biết rằng khoảng mười năm trước, vì nước sông bị ô nhiểm nặng nên không có cá. Vào thời gian tôi viếng thăm thì một số cá bắt đầu xuất hiện, vì nước sông được kiểm soát bớt ô nhiểm. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta có thể cải thiện môi trường sinh sống. Tình trạng giết chóc khủng khiếp tại Bosnia (Nam Tư) dễ khiến người ta chú ý. Tuy nhiên sự ô nhiểm và các vấn đề môi sinh khác lại không mấy ai quan tâm. Cho nên lần hồi tháng này qua tháng khác, năm này sang năm nọ mới khiến sự việc ngày càng trở nên tồi tệ. Khi vấn đề xảy ra đến mức độ trầm trọng thì có thể là đã quá trể. Cho nên tôi nghĩ đó là vấn đề rất hệ trọng. Tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi khi biết rằng tại nhiều nơi dân chúng đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi sinh và ngay cả có vài đảng phái chính trị đã đặt nền tảng trên tư tưởng hệ và chủ trương bảo vệ môi sinh. Tôi nghĩ rằng đây là sự phát triển lành mạnh và tôi rất hy vọng. Hỏi: Xin Ngài cho biết ý kiến làm cách nào để khắc phục thái độ và những tình cảm tiêu cực gây nên do ảnh hưởng của báo chí, thông tin, giải trí và truyền hình? Đạt Lai Lạt Ma: Đúng vậy. Tôi thường bày tỏ sự quan tâm đến các điều ấy. Tuy nhiên như tôi đã trình bày, phần lớn đều tùy thuộc vào phong thái tâm linh của quý vị. Khi chúng ta xem các hình ảnh tiêu cực như bắn giết, khêu gợi tình dục hay bất cứ loại nào như thế - nếu các bạn nhìn chúng dưới một góc cạnh khác thì đôi lúc cũng có lợi ích. Thỉnh thoảng quý vị có thể dùng các cảnh tượng bạo động và khêu gợi tình dục này theo đường hướng tích cực hơn. Do nhận thức hậu quả về bản chất phá hoại của những mối cảm xúc của con người, quý vị có thể dùng các hình ảnh tiêu cực đó để nhắc nhở đến bản chất gây tai hại của chúng. Trong khi các hình ảnh dục tính và bạo động có thể ban đầu hơi có phần hấp dẫn, lôi cuốn; nhưng nếu nhìn kỷ xa hơn, bạn có thể nhận thấy là chẳng có ích lợi gì hết. Dĩ nhiên, tôi cũng nêu lên vài ý kiến về phương tiện truyền thông, đặc biệt là ở Tây Phương. Tại Ấn Độ các hành động giết chóc và ám sát thường được chiếu lên truyền hình, nhưng các cảnh khêu gợi tình dục lại bị kiểm duyệt chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu so sánh hành động giết người với kích dục thì kích dục tương đối tốt hơn! Dù sao, tôi muốn trình bày rõ các khía cạnh khác về những đức tính tốt của con người mà tôi nghĩ các giới truyền thông, và báo chí đã thiếu sót. Họ chỉ phổ biến và thông tin các hành động tiêu cực như giết người, kích động tình dục nhưng lại không trình chiếu các việc làm nhân đạo đầy lòng từ bi của con người. Chẳng hạn, lúc ở Hoa Thịnh Đốn (Washington) , tôi đã đến thăm viện bảo tàng “Diệt chủng người Do Thái” (Holocaust). Khi tới đó, sau khi thăm viếng các di tích lịch sử, tôi được nghe kể nhắc lại cho biết hành động của con người cả hai phía. Một bên là quân đội phát xít Đức Quốc Xả đã hành hạ, tra tấn, bắn giết, tàn sát và diệt chủng dân tộc Do Thái. Nó nhắc nhở cho tôi thấy rằng thực quá tàn ác và ghê tởm nếu sự thông minh của con người được hướng dẫn và thúc đẩy bởi lòng hận thù. Nhưng cùng lúc, những người phe bên kia chứng tỏ họ đã hy sinh ngay chính mạng sống của mình để bảo vệ cho dân Do Thái. Như vậy, những người này đã có lòng nhân ái, khắc phục sự đe dọa tính mạng bản thân để cứu sống các nạn nhân bất hạnh. Bằng cách đó, tôi nghĩ chúng ta đã tạo được sự quân bình giữa điều xấu và tốt. Nếu để cho tâm hận thù hướng dẫn, quý vị có thể trở nên những con người vô cùng tàn ác và độc hại. Nhưng trái lại, nếu biết phát triển lòng từ bi, thì chúng ta sẽ thực hiện được các hành động lành và lợi ích cho mọi người. Tương tự, phương tiện truyền thông quý vị cũng nên trình bày cả hai mặt tác hại lẫn xây dựng. Tôi luôn luôn ước mong như vậy. Hỏi: Kính thưa Ngài, hành động kỳ thị chủng tộc, cuồng tín và hận thù của con người đang tăng trưởng. Theo ý Ngài, do các yếu tố tiêu cực nào đã gây nên? Làm sao để có thể chống lại các khuynh hướng thiếu xây dựng này? Đạt Lai Lạt Ma: Tôi nghĩ phần lớn chúng đều tùy thuộc vào vấn đề giáo dục. Tôi tin rằng quý vị càng đọc được các tài liệu chính xác, càng hiểu biết và tiếp xúc với nhiều người càng tốt. Dĩ nhiên, bạn cần có một tâm hồn cởi mở. Hơn nữa, chúng ta cũng chỉ là một trong số hơn năm tỷ người và tương lai cá nhân mình tùy thuộc nhiều vào những kẻ khác. Tôi nghĩ một phần của vấn đề là do vì thiếu hiểu biết về các nền văn hóa và sự hiện diện của các cộng đồng khác, cũng như không nhận thấy rõ về thực tại của cuộc sống xã hội hiện nay. Quý vị có thể đạt được sự hoàn toàn đầy đủ và mãn nguyện khi sống độc lập trong các cộng đồng và nền văn hóa của chính riêng mình - biệt lập và không quan hệ gì đến các đoàn thể khác khắp nơi trên thế giới - do đó, con người có cơ sở để tán đồng các quan niệm sai lầm như hành động cuồng tín hay kỳ thị chủng tộc. Nhưng đây không phải là trường hợp như vậy. Quý vị không thể không quan tâm đến thực tế về sự tồn tại của những nền văn hóa hay các cộng đồng khác. Hơn nữa, bản chất của xã hội hiện đại là sự phúc lợi, hạnh phúc và thành công của chính cộng đồng các bạn có liên quan đến hạnh phúc cùng quyền lợi của những đoàn thể và xã hội khác. Trong một thế giới hiện đại tương quan như thế, sẽ không có chỗ đứng cho hành động cuồng tín và kỳ thị chủng tộc. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tôi nghĩ rằng Phật giáo là tôn giáo thích hợp nhất đối với tôi. Nhưng nói vậy không có nghĩa đạo Phật là tốt nhất đối với mọi người. Mỗi cá nhân có đời sống tâm linh khác nhau, cho nên tôn giáo này thích hợp cho số người này, nhưng nhóm người kia lại muốn chọn tín ngưỡng nọ. Do đó, nếu tôi kính trọng quyền chọn lựa của mỗi cá nhân, tôi phải tôn kính và chấp nhận giá trị của những tôn giáo khác biệt này vì chúng phục vụ cho hàng triệu tín đồ của nhiều đạo giáo. Lúc còn sống ở Tây Tạng, tôi biết rất ít, qua tài liệu những sách báo hoặc tiếp xúc cá nhân về bản chất và giá trị của các truyền thống tôn giáo. Từ khi tôi trở thành người tị nạn, tôi có nhiều cơ hội liên lạc gần gũi hơn với các tín ngưỡng khác, đặc biệt qua những cá nhân, và tôi đã có được sự hiểu biết sâu xa về giá trị của các tôn giáo bạn. Kết quả là giờ đây tôi nghĩ rằng mỗi tôn giáo đều có giá trị riêng của nó. Dĩ nhiên, theo quan điểm triết lý, tôi tin rằng triết học Phật giáo rất cao siêu, rộng rãi bao la và thậm thâm vi diệu, nhưng các tín ngưỡng khác vẫn có khả năng và đã đóng góp, mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Từ cái nhìn bao dung đó, tôi nghĩ thái độ của tôi đối với các tôn giáo bạn giờ đây đã hoàn toàn thay đổi. Ngày nay, bất cứ nơi đâu tôi đến và bất cứ lúc nào tôi gặp một người đang theo một tín ngưỡng khác, tôi hết sức hâm mộ sự thực hành cũng như vô cùng kính trọng tôn giáo của họ. Hỏi: Một người bình thường có thể chuyển hóa được nỗi lo sợ và thất vọng của họ? Làm sao chúng ta có thể thực hiện được? Đạt Lai Lạt Ma: Ồ! Vâng, rất có thể. Ví dụ, khi còn nhỏ, tôi luôn luôn sợ các phòng tối. Thời gian qua, nỗi lo sợ cũng bớt đi. Khi tiếp xúc gặp gỡ mọi người, tâm quý vị càng khép kín, càng cảm thấy sợ hãi và bất an. Nếu lòng bạn càng mở rộng nỗi lo lắng càng giảm bớt. Đó là kinh nghiệm của tôi. Khi tôi gặp bất cứ ai, dù họ là một nhân vật quan trọng, hay một kẻ hành khất, hay một người bình thường, đối với tôi không có gì khác biệt. Điều quan trọng nhất là các bạn nên vui cười và phơi bày khuôn mặt thân ái của mình trước mọi người. Sự khác nhau về tôn giáo, văn hóa, tiếng nói và màu da đều không quan trọng. Người có học hay thiếu học, giàu hay nghèo, chẳng có gì khác nhau. Khi tôi mở rộng con tim và tâm hồn, tôi xem tất cả thiên hạ như những người bạn cũ thân quen. Thực hành được như vậy rất hữu ích. Trên căn bản của thái độ cởi mở đó, nếu tình trạng không mấy gì tốt đẹp, lúc ấy chúng ta có quyền hành động thích đáng tùy theo hoàn cảnh. Nhưng ngay từ đầu, về phần tôi, tôi vẫn đi bước trước để bày tỏ thiện chí. Và thường khi tôi nhận được sự đáp trả đầy tinh thương từ mọi người. Như vậy, tôi tin rằng nỗi lo sợ của quý vị sẽ được xóa tan. Tương tự, trong tâm mỗi cá nhân có nhiều hy vọng. Nếu hy vọng này không thành đạt không có nghĩa là tất cả hy vọng đều sẽ thất bại hết. Tôi gặp một vài người rất tin tưởng với hy vọng tràn trề, nhưng rồi trở nên thất vọng khi họ không thể đạt được một trong những hy vọng của họ. Nhưng tôi nghĩ rằng tâm con người rất phức tạp. Chúng ta có nhiều loại hy vọng cũng như sợ hãi và thực là điều nguy hiểm khi quý vị đặt niềm tin dồn hết mọi việc vào trong một hy vọng đặc biệt duy nhất để rồi khi nguồn hy vọng đó không thành tựu, bạn đâm ra hoàn toàn tuyệt vọng. Đó là điều vô cùng tai hại. (còn tiếp)
|