Lại chuyện áo mưa |
Tác Giả: Nguyễn Kim Ngân | |||
Thứ Năm, 26 Tháng 3 Năm 2009 08:15 | |||
Nhân chuyến công du Châu Phi của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Bênêđictô XVI, vụ ‘áo mưa’—vốn đã âm ỉ từ lâu, nhất là tại lục điạ ‘siđa’ này—lại bùng lên như một đám cháy gặp đợt gió nồm. Các trùm truyền thông ùa vào tố khổ ngài không tiếc lời. Họ ‘nhiếc’ ngài vì ngài không chịu tin rằng ‘áo mưa—condom’ là niềm hy vọng tối cao của nhân loại hòng chống lại căn bệnh thế kỷ. Họ bỉu môi trước khuyến cáo đơn sơ (và ‘ngây thơ’) của ngài: “Sống thanh khiết mới chính là giải pháp, và con người có thể làm chủ được bản năng dục tính của mình.” Cuối cùng họ kết luận: “Giáo Hoàng sai rõ ràng: sự kiện rành rành như vậy mà còn cãi,” họ gào lên như thế.
Dường như quý vị truyền thông nhìn vấn đề ‘hơi lệch.’ Vấn đề ở đây không phải là: “Đi mưa có nên mặc áo mưa không?” Hoặc là “Đi mưa, mặc áo mưa có bị ướt không?” Bởi lẽ hỏi như thế thì ai mà chẳng biết câu trả lời. Vả lại, hỏi như vậy chẳng được việc gì cả, ngoại trừ trường hợp bạn mặc áo mưa…lủng, hoặc như trong trường hợp nếu ‘trời không mưa, anh vẫn mặc áo mưa’ (không phải đổi lời bài hát ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ đầu nhé!). Chưa có thời đại nào méo mó nghề nghiệp như thời đại hôm nay, trong khi tiến bộ khoa học thì lao đi vun vút, mà luân thường đạo lý thì xuống dốc không phanh. Người ta đem nguyên tắc trong thương mại do chủ nghĩa tiêu thụ mớm cho để méo mó áp dụng vào mọi lãnh vực khác, kể cả lãnh vực luân lý đạo đức. Người ta quảng cáo hà rầm: “càng mua càng tiết kiệm” nghe thật là lọt tai. Nhưng cho dù hấp dẫn đến đâu chăng nữa, cỡ như “mua một tặng một” chẳng hạn, ta vẫn phải coi chừng, bởi lẽ điều cần biết là mua cái gì, mặt hàng nào, và nhất là có cần mua không. Bởi đâu phải cứ rẻ là đổ xô đi mua, coi chừng mua về nhà không có chỗ mà chứa ấy chứ! Đó là chưa nói đến không khéo đó là quảng cáo của nhà…đòn (ngoài dịch vụ chôn cất, còn chuyên trị về quan…tài nữa). Trường hợp này thì thật khó xử. Hóa ra, điều tối kỵ mà quý vị làm thương mại không bao giờ hé môi là chân lý này: “Nếu không mua thì bạn sẽ tiết kiệm nhiều nhất!” Nói thế thì dẹp tiệm sớm, hay sẽ âm thầm đóng cửa sau khi đã tưng bừng khai trương. Trường hợp áo mưa đúng y như thế. Có vẻ như đám con buôn chuyên chế áo mưa đang muốn nói rằng: “Mại dô, mại dô, cô bác ơi! Sản phẩm áo mưa chúng tôi làm ra có ‘chất lượng cao, ’ vừa rẻ, vừa bền, lại vừa đẹp nữa. Mua về xài thoải mái bà con ơi!” Có phải vì nghe như thế mà ta sẽ đổ xô đi mua về ‘mặc’ thoải mái, ‘vô tư,’ bất kể nắng mưa đêm ngày sáng trưa chiều tối chăng? Hay như trường hợp mua được con dao thật tốt, nên ta thủ trong người để ra đường gặp ai cũng “thoải mái” lụi cho một cái hầu thử xem nó tốt đến mức nào chăng?. Những cuộc chiến tranh ngụy tạo để thử vũ khí xem chừng làm đúng theo cách xử sự này. Sự thực đau lòng là thế này: nếu quý vị nào chưa hề mang mầm căn bệnh của thế kỷ thì nếu quý vị cứ bắt chước ‘con cò mà đi ăn đêm’ thì dù có mang cả bao áo mưa chăng nữa, quý vị sớm muộn cũng sẽ lãnh đủ. Còn quý vị nào rủi thay đã lỡ bị rồi thì cả thúng áo mưa cũng bằng thừa. Y như câu chuyện có thật vừa đăng trên zenit.org hôm 25 tháng 3 vừa qua. Một nhóm phóng viên đi công tác tường trình về nạn HIV tại Phi Châu. Tại trung tâm Giao Điểm Kampala—nơi hàng ngày phải chạy chữa cho khoảng trên dưới bốn ngàn bệnh nhân HIV—khi thấy tình trạng thống khổ của những chị em phụ nữ đã nhiễm bệnh, họ chạnh lòng thương và nẩy ra ý định tốt lành là tặng cho các chị em ấy một hộp…áo mưa làm quà. Thấy thế, chị Jovine, một trong các chị em đã nhẹ nhàng nói với họ: “Chồng tôi đang hấp hối, sáu đứa con tôi sắp mồ côi đến nơi, các ông biếu tôi cái hộp quà này để làm gì?” Sau khi kể câu chuyện giở khóc giở cười này, chị giám đốc Rose Busingye bình luận rằng: “Thật là vô lý, thậm vô lý, điều các chị em muốn đâu phải là cái hộp ‘phải gió’ kia, mà là một ai đó đến bên cạnh với một lời thông cảm vỗ về: “Đừng khóc nữa em; thôi chị nín đi…” Rồi chị kết luận: “Giải quyết vấn đề HIV bằng áo mưa là ngừng lại ở cái ngọn chứ không phải đi đến tận cái gốc. Cái gốc này chính là một nền giáo dục, một thái độ để sống, một quyết định sáng suốt trước các hành vi dục tính.” Rồi chị lên tiếng bênh vực ĐGH rằng: “Những kẻ đả kích ngài chỉ nhắm mục đích bảo vệ quyền lợi của riêng họ mà thôi, trong khi đó ĐGH chẳng có quyền lợi gì để bảo vệ ngoài chính ý nghĩa của đời sống, ngoài phẩm giá của con người. Ngài đến đây vì ngài thực sự quan tâm đến chúng tôi, ngài tỏ lòng ân cần đối với lục địa Phi Châu khốn khổ này. Ngài không đến đem bom mìn làm cho nổ banh xác các em nhỏ đã quá sớm trở thành những cậu lính nhí, để rồi hóa ra tàn phế, sứt đầu, rách môi, mất tai, đến nuốt nước miếng cũng không được. Chẳng lẽ ta lại mang áo mưa đến làm quà cho chúng sao? Dịch tả, sốt rét còn giết người nhiều hơn cả HIV nữa, thế mà có ai mang thuốc aspirin hay ký ninh đến đâu; lúc nào cũng chỉ thấy áo mưa với áo mưa.” Thay Đổi Giải quyết HIV bằng áo mưa đúng là cách sống của con người thời đại, xem ra chỉ thích xả láng, thoải mái hưởng thụ, và ngại vất vả hy sinh, nhất là hãm mình ép xác. Đời, nói theo Francoise Sagan, là để vui chơi thỏa thích, tại sao lại phải gò bó khuôn khổ? Tự do là phải phóng túng, muốn gì làm nấy. Dường như tự do và giới hạn không bao giờ đội trời chung. Con người là tối cao, là thước đo cho tất cả mọi sự. Không có một giới luật nào có thể áp đặt trên con người cả. Con người có toàn quyền chọn lựa và quyết định cho chính mình. Nếu có thượng đế, thì ngài cũng phải chiều theo ý con người, nếu không thì sẽ bị giết chết. Giêsu Nazarét là thí dụ điển hình và rõ rệt nhất. Cứ lập luận tiếp tục như thế để rồi con người đi tới chỗ tự tôn phong mình lên làm thượng đế luôn. Nhưng làm thượng đế đâu không thấy, chỉ thấy toàn những là kiểu hành xử của loài thú, với chính mình và với đồng loại. Một nhân lọai phi-Thiên-Chúa làm sao có thể có một định mệnh nào khác được! May quá, ĐGH đã lên tiếng xác nhận rất hùng hồn: “Con người có khả năng sống thanh khiết. Con người có thể tự chủ và làm chủ bản năng dục tính của mình được.” Cũng trong chiều hướng này, một mạng lưới toàn cầu mang tên “Metanoia Media” vừa phóng ra chủ đề “Thay Đổi Đang Tới” nhằm cho thấy một nhãn quan mới về những lời ĐGH vừa nói về áo mưa. Mạng lưới với chủ đề này giới thiệu các nhân chứng của trào lưu tiết dục (abstinence) đang được khai triển tại Nam Phi và Uganda. Nó cũng cho thấy những thành quả cũng như những thách đố khi trực diện với căn bệnh của thế kỷ. Giám đốc điều hành mạng lưới tại Nam Phi, Norman Servais, cho biết: “Nước chúng tôi được biết đến như là thủ đô thế giới vế bệnh AIDS. Do đó, quý vị cứ việc nói vi vút về áo mưa, thế nhưng, chúng tôi sẽ cho quý vị biết rằng đó không phải là câu trả lời đâu.” Trong khi đó, Đức Giám Mục Hugh Slattery thuộc giáo phận Tzaneen, Nam Phi, thì cho biết rằng: “Tiết dục trước khi kết hôn và trung thành khi đã kết hôn mới nhanh chóng chặn đứng được sự lan truyền của bệnh AIDS. Hôn nhân và gia đình mới chính là giải pháp của căn bệnh thế kỷ.” Xin xem thêm: Vũ văn An, Áo Mưa và Bệnh AIDS, vietcatholic.net, 23 tháng 3, 2009
|