Nhóm môn đồ cùng ông Thầy của mình đi vào vườn Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện. Bỗng một bọn cơ binh cùng với tên chỉ điểm Giu-đa xông vào điểm nhóm. Như biết trước mọi điều sắp xảy đến cho mình, ông Thầy cất tiếng hỏi,”Các ngươi tìm ai?” Chúng đáp lại, “Tìm Giê-su người Na-xa-rét” ông Thầy bèn phán, “Chính ta đây!” Thầy vừa phán xong, cả bọn cơ binh thối lui rồi té xuống đất. Sau đó Thầy gặng hỏi lại lần nữa, xác nhận danh tánh mình và xin cho môn đồ được vô can. Ông Thầy bị trói, dẫn giải đến thầy cả thượng phẩm, môt chức sắc cao cấp của dân Do-Thái. Trong lúc bị hỏi cung, ông Thầy bị đánh, bị vả vào mặt mỗi khi không trả lời theo ý người thẩm vấn. Chuyện không giải quyết được gì thêm, chúng dẫn giải ông Thầy đến trước quan tòa Phi-lát, viên quan án cao nhất xứ chuyên xử các vụ án chung thẩm. Phi-lát đã nghe nhiều lời đồn về danh ông Thầy, ông ta không cần hỏi gì thêm, chỉ xác nhận có phải người này tự xưng là 'Vua dân Giu-đa' không. Người đáp, “Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật” (Giăng 19: 37). Dù không hiểu nghĩa của chữ 'lẽ thật', Phi-lát nhìn ra được người này chẳng có tội lỗi chi. Viên chánh án có ý muốn tha. Nhưng sau nhiều lần nghị án, bị áp lực của quần chúng và đám chức sắc quan lại, thay vì tha Người chúng lại tha một tên trộm cướp. Người bị sai đánh đòn, cho đội trên đầu một cái mão bằng gai, và mặc cho một cái áo màu điều. Bọn lính làm bộ đến gần lạy Người rồi lại vả Người cốt ý làm trò cười để sỉ nhục Người trước chốn công đường. Sau đó, chúng giải Người ra pháp trường, bắt Người vác cây thập giá gỗ lên chân đồi Núi Sọ rồi đem đóng đinh Người trên cây thập tự, một lối hành hình dã man thường dành cho quân trộm cướp, nhưng trong trường hợp này lại đổ lên đầu một người vô tội. Đáng chú ý là trước lúc tắt hơi, Người không quên nguyện cầu,”Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm đều gì.” Đoạn văn vừa khái quát dựa theo nội dung của Kinh Thánh Tân ước được sứ đồ Giăng thuật lại với nhiều chi tiết bi thương, sinh động trong sách Phúc âm. Ai cũng hiểu ông Thầy vừa xưng là vua Giu-đa chính là đức Chúa Giê-su, vị giáo chủ duy nhất có mặt trên thế gian dám tự xưng là Đấng Christ, là con Thiên Chúa, và thực sự Ngài là con của Đức Chúa Trời. Rồi cứ hàng năm vào mùa Phục Sinh, người ta lại thuật câu chuyện này dưới nhiều hình thức khác nhau mà gần đây nhất một cuốn phim của điện ảnh Mỹ mang tựa đề Cuộc Khổ Nạn Của Chúa (The Passion of the Christ) đã khái quát khá sinh động nội dung bi kịch về những giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su - bằng những bước đi trong gánh nặng của thánh giá - đã làm trọn một lời hứa của Thiên Chúa khi quyết định chọn Ngài làm của lễ hi sinh chuộc tội cho loài người. Cũng qua bốn sách Phúc âm và một số khải thị được ghi chép trong các sách tiên tri phần Cựu ước, Đức Chúa Giê-su đã làm bao điều lạ, phép màu trên thế gian này ngay khi Ngài còn đang làm kiếp con người, mà màu nhiệm nhất là làm cho kẻ chết sống lại. Ngài dõng dạc phán,“Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi”(Giăng 11: 25). Sự sống lại của La-xa-rơ được Chúa thực hiện ngay nơi mộ phần khi ông ta đã chết bốn ngày.Với quyền lực được Chúa Cha ban cho, Chúa Giê-su đã làm phép lạ qua tiếng phán: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!”. Người chết đi ra, tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Giê-su bảo: 'Hãy mở cho người và để người đi'. Câu chuyện Chúa làm cho người anh của Ma-thê và Ma-ri sống lại chứng tỏ quyền phép vô song của Con Đức Chúa Trời và làm kinh hãi bọn Pha-ri-si và các thầy tế lễ Do-thái, một tập đoàn luôn rình rập để hại Ngài. Trở lại núi Sọ, nơi Chúa Giê-su bị đóng đinh và treo trên cây thập tự. Trong những phút cuối cùng trước lúc Chúa tắt hơi có điềm lạ là bầu trời xứ Giu-đê đang lúc giữa trưa bỗng tối sầm lại cả mấy tiếng, mặt đất rúng động dưới chân Ngài, rồi bức màn trong nơi chí thánh của đền thờ chánh tòa của dân Do-thái bị xé làm đôi từ trên chí dưới, khiến mọi người mục kích dưới chân thập tự, kể cả thầy đội chỉ huy hành quyết cũng phải la lên, “Quả thật người này là con Đức Chúa Trời”. Nhưng như đã dự ngôn trong Kinh thánh, sau ba ngày Ngài đã sống lại. Nhiều giai thoại, nhiều chuyện kể kèm sự hiện ra của Chúa tại nhiều nơi, trong nhiều thời điểm, lúc cho các môn đồ, khi cho các tín đồ, cho kẻ tin, cho cả kẻ chưa tin. Lần hiện ra cuối trước 11 sứ đồ từng theo Chúa, Chúa cho phép họ được rờ vào thân Ngài bằng xương bằng thịt, nhận một miếng cá nướng từ tay môn đồ dâng cho rồi cùng ăn với họ. Vả, Ngài thực sự đã sống lại. Quyền lực của sự chết không thể dấy lên Ngài, Ngài đã làm cho kẻ chết sống lại, rồi chính Ngài đã sống lại (Giăng 21: 14). Lại nữa, nếu hiểu theo nghĩa thuộc linh, Đức Chúa Giê-su xuống thế gian nhằm giải thoát con người khỏi cái nọc của tội lỗi mà tổ phụ của loài người đã phạm từ thuở A-đam/Ê-va ăn trái cấm. Sự hy sinh của Chúa Giê-su là của lễ đẹp lòng Đức Chúa Cha và là lời hứa chắc chắn cho những ai muốn theo Ngài, tin Ngài về ơn cứu rỗi qua sự sống đời đời. Họ cũng là những chứng nhân đã trải nghiệm được sự Chúa đến thế gian, đã cảm nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa, đã dõi theo sự đau đớn khôn cùng của Chúa trên thập tự giá, và tin sự Chúa đã sống lại sau ba ngày trong mồ mả. Mùa Phục Sinh lại về, trong niềm hi vọng qua chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, khi nhớ lại chặng đường khổ nạn của Người Vác Thập Giá, mỗi người trong chúng ta lại nhận ra Chúa đã chết cho ta, vì ta mà Chúa chết, Chúa chết để cho ta được sống. Bất giác người viết được gợi nhớ về một lời kêu gọi (sticker) được dán sau kính xe, “Jesus - Don't leave earth without Him” Chúa Giê-su - Xin đừng lìa thế gian mà không có Ngài. (Mùa Phục sinh '09)
|