Dạy Đạo cho con |
Tác Giả: ,VietCatholic News | |||
Thứ Tư, 14 Tháng 1 Năm 2009 11:32 | |||
12 Jan 2009 Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR Tình trạng suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ và cũng như trên toàn thế giới gần đây khiến nhiều người quan tâm lo ngại. Nhưng Tuần Báo Công Giáo National Catholic Register số ra ngày 09/11/2008 đã trình bày một sự kiện đáng lo ngại hơn tình trạng suy thoái kinh tế nhiều: Tình trạng đánh mất đức tin của giới sinh viên Công Giáo ngay trong môi trường các đại học Công Giáo tại Hoa Kỳ. Trong bài báo trên trang nhất mang tựa đề “Các Sinh Viên Công Giáo Đang Đánh Mất Đạo Giáo của Họ”, ký giả Tim Drake đã bắt đầu với nhận định sau: “Các sinh viên Công Giáo bị hoang mang về đức tin của họ và hành động theo những cách thức mà hầu hết các phụ huynh và giới chức đại học phải thất kinh”. Theo ký giả Tim Drake, một cuộc thăm dò các sinh viên đang theo học hay mới tốt nghiệp tại các đại học Công Giáo tại Hoa Kỳ, do Trung Tâm Nghiên Cứu Nền Giáo Dục Các Trường Cao Cấp của Hiệp Hội Đức Hồng Y Newman tại Manassas thuộc bang Virginia thực hiện vào tháng 5 và 6 năm 2008, đã đưa ra các con số đáng quan ngại sau: Về luân lý: -60% nói rằng nên duy trì luật cho phép phá thai Về sự khác biệt giữa hai phái: -50% nữ sinh so với 41% nam sinh ăn nằm trước hôn nhân Các dữ kiện trên được thu thập sau các cuộc phỏng vấn dành cho 506 sinh viên đang theo học hoặc mới ra trường, tuổi từ 18 đến 29. Như thế có nghĩa là đại đa số sinh viên Công Giáo trong “trường Đạo” đã “bỏ đạo” hay “lạc đạo” qua cách suy nghĩ và lối sống ngược lại với giáo huấn Hội Thánh. Hơn nữa, có những giới chức và nhân viên trong trường đã góp phần đào tạo họ trở nên như thế! Các sinh viên trả lời cuộc thăm dò nói rằng việc theo học tại các trường đại học Công Giáo không đem lại sự khác biệt trong quan điểm của họ về Hội Thánh hoặc việc lãnh nhận các bí tích của họ. Điều này chứng tỏ các trường sở Công giáo tại Hoa Kỳ đã thực sự thất bại trong việc giáo dục đức tin Công giáo. Hơn mười năm trước, Mgsr. Eugene Kevane, Ph.D. (+1996)-Vị Sáng Lập Giáo Hoàng Học Viện Giáo Lý Notre Dame tại Middleburg, Virginia đã nhận xét: “Có rất nhiều giáo xứ tại Hoa Kỳ đã đánh mất giáo lý chân thực cả hai thế hệ rồi”. Đó cũng là lý do tại sao phần lớn các vị dân cử Công giáo trong chính trường Hoa Kỳ lại có lập trừơng chống lại giáo huấn chính thức của Hội Thánh. Đó cũng là lý do tại sao ơn gọi tu sĩ và linh mục thiếu hụt và nhiều nhà thờ và trường học Công giáo phải đóng cửa tại đất nước này. Không những Mgrs. Kevane nhận ra tình trạng xuống dốc đức tin đáng buồn trong Giáo Hội tại Hoa Kỳ, ngài còn nhận ra nguyên nhân của tình trạng này: Đức tin chân thực của Giáo Hội Công Giáo đã bị cắt xén hay xuyên tạc do sự tiêm nhiễm của lạc thuyết duy tân (modernism) trong Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Chính vì vậy, ngài đã nỗ lực dựng lại niềm tin qua việc cổ động việc học hỏi và giảng dạy giáo lý chân thực của Giáo Hội bằng những công trình khảo cứu, viết lách và giảng dạy của ngài. Trong lời tựa cho bản dịch cuốn Sách Giáo Lý của Đạo Lý Kitô (Catechism of Christian Doctrine) của Thánh Giáo Hoàng Piô X-Vị Thánh Giáo Hoàng duy nhất của thế kỷ XX.này, Mgrs. Kevane đưa ra nhận xét độc đáo sau: “Được chính thức gọi là ‘Người Bảo Vệ Đức Tin’ khi Hội Thánh tôn phong hiển thánh cho ngài, Đức Giáo Hoàng Piô X là một vị lãnh đạo đầy diệu cảm vĩ đại trong số những giáo lý viên và thầy dạy Đức Tin Công Giáo trong thế kỷ hai mươi. Thật hết sức tự nhiên và dễ hiểu để quay về với Vị Thánh Vĩ Đại của thế kỷ này khi vấn nạn là việc bỏ sót và xuyên tạc Đức Tin Kitô giáo đã lan tới các người bé nhỏ của Chúa Kitô… “Theo giáo huấn của Thánh Piô X, có hai nguyên tắc căn bản điều hành việc hướng dẫn giáo lý của các chủ chăn, các bậc cha mẹ và các thầy cô phụ giúp các chủ chăn. “Trước hết, việc giảng dạy giáo lý Đạo Lý Kitô này phải là một hệ quả của đời sống nội tâm của người dạy. Một đời sống cầu nguyện thiết thân là một điều phải có trước và một sự chuẩn bị không bỏ qua được. “Thứ đến, ‘sự dốt nát về những điều thần thiêng’, mà trong Thông Điệp Acerbo Nimus Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nhận thấy quá lan tràn trong Dân Thiên Chúa, không được chống trả bằng những dư luận mới mẻ, nhưng bằng việc hướng dẫn giáo lý một cách cẩn trọng, đầy đủ và chân thực. Việc hướng dẫn này phải là một việc giải thích đầy đủ và chi tiết Kinh Tin Kính, bản kinh tuyên xưng Đức Tin Công Giáo đến với chúng ta từ Các Tông Đồ. Thật là một công trạng lớn lao của Vị Giáo Hoàng thánh thiện này khi người nhận biết bản chất đích thực của chương trình tiêm nhiễm lạc thuyết duy tân trong việc giáo dục tôn giáo; đó là việc thay thế các chân lý của Đức Tin Công Giáo bằng những dư luận mới mẻ do con người dựng lên. “Cũng chính Thánh Giáo Hoàng Piô X đã tung ra một phong trào canh tân giáo lý trong Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ này. Sự canh tân này đã đạt tới cao điểm trong Công Đồng Vatican II và trong Bản Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát do Tòa Thánh ấn hành như kết quả của Công Đồng.” Ở cuối bản dịch cuốn Sách Giáo Lý của Đạo Lý Kitô của Thánh Piô X, Mgsr. Kevane đã cho phổ biến huấn ngôn của Thánh Piô về giáo lý dành cho các bậc cha mẹ và thầy cô.Theo Mgsr. Kevane, huấn ngôn này thực sự là một khảo luận tuyệt vời về mục đích, bản chất và phương thức đích thực của việc giảng dạy giáo lý. Tin rằng huấn ngôn tuyệt vời này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bậc cha mẹ và các giáo lý viên sứ mạng giáo dục đức tin cho con em mình, tôi xin ấy qua việc chuyển dịch và gửi tặng quý vị huấn ngôn quý giá này như sau: Huấn ngôn về việc dạy giáo lý dành cho các bậc cha mẹ và thày cô Công giáo của Thánh Giáo Hoàng Piô X 1. Việc dạy giáo lý là việc hướng dẫn về đức tin và luân lý của Chúa Giêsu Kitô. Nó cho các con cái Chúa sự nhận thức về nguồn gốc, phẩm giá và số phận của họ cũng như sự hiểu biết về các bổn phận của họ. Nó gieo vào tâm trí và phát triển nơi trí khôn họ các nguyên tắc và động lực của tôn giáo, của nhân đức và của sự thánh thiện trong đời sống ở trần gian và rồi của hạnh phúc trên Thiên Đàng. 2. Việc dạy giáo lý vì vậy là việc cần thiết và ích lợi nhất đối với cá nhân, Hội Thánh và xã hội trần thế. Nó là việc giảng dạy căn bản nhất nơi nền tảng của đời sống Kitô hữu. Nơi nào việc giảng dạy giáo lý thiếu sót hay hời hợt, đời sống Kitô hữu nơi ấy sẽ yếu ớt, bấp bênh và dễ dàng suy giảm về sức mạnh. 3. Vì các bậc cha mẹ Kitô hữu là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái họ, họ phải là những giáo lý viên đầu tiên và chính yếu của chúng. Những giáo lý viên đầu tiên vì bổn phận của họ là phải làm cho con cái họ thấm nhuần đạo lý (doctrine), như những dưỡng chất đầu tiên, mà chính họ đã lãnh nhận từ Hội Thánh. Và những giáo lý viên chính yếu vì các bậc cha mẹ phải lo sao cho những điều chính yếu của đức tin phải được học biết ngay trong gia đình. Điều này phải bắt đầu với những kinh quan trọng nhất. Các bậc cha mẹ phải để ý trông nom sao cho chúng phải được đọc mỗi ngày để chúng dần dần thấm nhuần cách thẳm sâu vào linh hồn con cái họ. Hầu hết các bậc cha mẹ phải bó buộc ủy thác việc giáo dục con cái họ cho những người khác. Nhưng họ phải luôn nhớ đến trách nhiệm thánh thiêng của họ trong việc chỉ chọn lựa những trường sở và thày cô nào biết chu toàn bổn phận nghiêm trọng ấy thay cho họ như chính họ, và có lương tâm ước ao thực hiện như thế. Sự dửng dưng trong vấn đề này gây nên sự mất mát không sửa chữa được của bao trẻ em! Các bậc cha mẹ sẽ phải trả lẽ thế nào trước mặt Chúa về điều này! 4. Để có thể dạy đạo lý Công giáo có hiệu quả, cần phải biết rõ đạo lý đã rồi mới diễn tả và giải thích nó trong một cách thích hợp với khả năng của người học. Nhưng trên hết, vì giáo lý liên hệ đến một đạo lý sẽ được ứng dụng, các bậc cha mẹ và thầy cô cần phải sống đạo lý ấy ngay trong đời sống của chính họ. 5. Như chúng tôi đã nói, đạo lý Kitô phải được biết rõ; vì làm sao một người có thể hướng dẫn người khác về điều mà chính họ không được hướng dẫn? Vậy nên, các bậc cha mẹ và thầy cô có bổn phận chính họ phải ôn lại sách giáo lý, thấm nhuần chiều sâu của các chân lý trong ấy. Để thực hiện điều này, họ nên thường xuyên học hỏi những bài giảng giải rộng rãi hơn về đạo lý dành cho người lớn từ các linh mục trong xứ. Hơn nữa, họ nên tham khảo những người có khả năng và nếu có thể, họ nên đọc những sách tham khảo thích hợp. 6. Hơn nữa, như chúng tôi đã nói, họ nên giải thích các chân lý đức tin trong cách thức thích hợp với khả năng người học. Điều này có nghĩa là họ nên giải thích với sự thông minh và tình thương, trong một cách thức để con em đừng gớm ghét hay khó chịu đối với người dạy hay đối với đạo lý đựơc dạy. Vậy nên mỗi người phải đặt mình vào trình độ của con em, dùng những từ ngữ thường được biết đến và đơn giản nhất, bày tỏ điều mình đang dạy bằng những ví dụ thích hợp và những minh họa đánh động đến tâm hồn của đứa trẻ. Người hướng dẫn phải có sự khôn ngoan và quân bình tế nhị nhất để khỏi làm mệt đứa bé. Sự tiến bộ phải từ từ. Thầy dạy phải sẵn lòng lập lại. Người dạy phải tiến hành với sự nhẫn nại và âu yếm, cảm thông cho sự quậy cựa, lo ra, bất nhẫn và những khuyết điểm khác thừơng thấy nơi trẻ em. Trên hết thầy dạy phải tránh lối dạy cách máy móc khiến đè nén tinh thần và để vấn đề mù mờ, chỉ đòi học thuộc mà không khơi dạy trí thông minh và tâm hồn của người học. 7. Cuối cùng, thầy dậy hoặc cha mẹ khi dạy phải sống đức tin và luân lý mà họ đang dạy. Nếu không, làm sao một người có đủ can đảm để dạy trẻ em một đạo giáo mà chính mình không thực hành, và những giới răn và lề luật mà mình bôi đen ngay trước mắt chúng? Và trong trường hợp như thế, người ta còn trông mong kết quả gì? Thực vậy, họ sẽ mang lại kết quả trái ngược: các bậc cha mẹ sẽ dễ dàng đánh mất thẩm quyền của chính họ, đào tạo con em họ trở nên lãnh đạm và ngay cả khinh thường đối với những nguyên tắc cần thiết nhất và những bổn phận thánh thiêng nhất của đời sống con người. 8. Có một cảnh huống đặc biệt hôm nay. Một bầu khí vô tín ngưỡng đã được tạo ra, gây nguy hiểm cho đời sống nội tâm và thiêng liêng. Bầu khí này gây chiến với bất cứ tư tưởng nào nhìn nhận thẩm quyền trên cao, bất cứ tư tưởng nào về Thiên Chúa, về mạc khải, về đời sau, và về sự hãm mình trong đời này. Vậy nên các bậc cha mẹ và thầy cô phải suy tính với sự cẩn trọng nhất những chân lý căn bản gặp thấy trong những câu hỏi đầu tiên trong sách giáo lý. Họ hãy gợi lên trong con em họ quan niệm Kitô hữu về sự sống, ý thức trách nhiệm trong mỗi hành vi nhân linh đối với Vị Thẩm Phán Tối Cao-Đấng ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, nhìn thấy mọi sự. Họ hãy làm phát triển nơi người học, cùng với lòng kính sợ thánh thiêng đối với Thiên Chúa, một tình yêu dành cho Chúa Kitô và Hội Thánh, một sự cảm nếm của đức ái và của lòng đạo đức vững chắc. Họ hãy vun trồng nơi con em một lòng yêu mến nhân đức và các việc thực hành Kitô giáo. Chỉ có thế sự đào tạo trẻ em mới được xây dựng trên đá tảng của những xác tín siêu nhiên và không bị lật đổ suốt đời chúng, bất chấp những sóng gió cuộc đời. Bất cứ phương pháp nào khác là một cố gắng xây dựng sự đào tạo Kitô giáo trên cát của những ý kiến dễ đổi thay và sự cả nể phàm nhân. 9. Để nhận ra tất cả những điều này, các bậc cha mẹ và thầy cô phải có một đức tin sống động và một xác tín thẳm sâu đối với giá trị của linh hồn và của những lợi ích thiêng liêng. Họ phải có được thứ tình yêu khôn ngoan để biết tìm kiếm trên hết hạnh phúc đời đời của linh hồn của những người thân yêu của họ. Họ cần có một ơn đặc biệt để nắm bắt tư chất của mỗi đứa trẻ, tìm ra cách thích hợp để đến với trí khôn và tâm hồn của nó. Các bậc cha mẹ Công giáo nhờ ơn của Bí Tích Hôn Phối đã nhận lãnh cách xứng hợp sẽ được những ơn cần thiết cho bậc sống của họ, và như vậy cũng được những ơn cần thiết để giáo dục con cái họ trong đường lối Kitô giáo này. Hơn nữa, nhờ những lời cầu nguyện khiêm nhượng họ có thể đạt được những ơn phong phú hơn cho cùng một mục đích này, vì đây là một công việc làm đẹp lòng Chúa cách đặc biệt khi họ đào luyện con cái họ để thờ phượng Thiên Chúa như những Kitô hữu vâng phục và sốt sắng. Họ hãy chấp nhận mọi hy sinh để thực hiên điều đó: chính phần rỗi đời đời của linh hồn con cái họ đang gặp nguy, và cả phần rỗi đời đời của chính họ là những bậc cha mẹ nữa! Chúa sẽ chúc lành cho đức tin và đức mến của họ trong công việc tối quan trọng này, và sẽ trả công cho họ với phần thưởng đáng ao ước hơn cả, đó là cho con cái họ cùng với họ được đời đời thánh thiện và hạnh phúc trên thiên đàng. Chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi từ Chúa soi sáng tâm trí chúng con và đem chúng đến sự thật toàn diện, như Chúa Giêsu Kitô Con Chúa đã hứa, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đời đời. Amen. (Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ngày 11.1.2009)
|