Home Đời Sống Tôn Giáo Giáng-Sinh và thân phận những người không nhà

Giáng-Sinh và thân phận những người không nhà PDF Print E-mail
Tác Giả: Chân Quê   
Thứ Hai, 05 Tháng 1 Năm 2009 10:45

 Đêm 24, tháng 12 năm nay sẽ là sinh-nhật thứ 2008 của Đức Giê-Su Kitô. Ngài được Đức Bà Maria hạ-sinh vào năm thứ nhất Dương-lịch (A.D: thời-đại của Thiên-Chúa). Cả thế-giới lấy ngày này làm mốc thời gian tính theo lịch Tây-phương.

Hai chữ Christmas theo tiếng La-Tinh phát-âm là “Christ-tê-mê-sê” mang nghĩa là Thánh-Lễ của Thiên-Chúa “Mass of Christ”. Người Việt-Nam ta thường gọi là: “Ngày Lễ Mừng Chúa Giáng-Sinh”; dần già theo thời-gian được nói tắt thành: “Giáng-Sinh”.

Thực ra lịch-sử mừng Lễ “Christmas” đã có từ hơn 4000 năm xưa, trước khi Chúa Giê-Su sinh ra. Mùa Lễ này kéo dài trong vòng 12 ngày. Ở Bắc-Âu, dưới thời Đế-quốc La-Mã, vì ngày ngắn đêm dài nên dân chúng đã lấy ngày 25, tháng 12 Dương-lịch hằng năm để mừng một buổi Lễ gọi là: “Ngày Của Mặt Trời Bất Bại”. Trong ngày này mọi người dân La-Mã ăn chơi trác táng gây ra nhiều tội lỗi đưa đến những hậu-quả vô cùng đáng tiếc. Sau này, Giáo-Hội Công-Giáo hoàn-vũ thấy thế nên đã biến cải thành ngày “Con Trời Bất Khả Bại”. Lịch-sử cho rằng từ năm 98 Dương-lịch người ta mới bắt đầu ăn mừng Lễ Giáng-Sinh. Mãi đến năm 350 Dương-lịch, Giám-Mục La-Mã là Julius đệ I mới chính thức công-nhận ngày 25, tháng 12 Dương-lịch hằng năm là ngày sinh-nhật Chúa Giê-Su.

Trong đêm Giáng-Sinh, hình ảnh Ông Già Noel cũng không thể thiếu được. Đây chính là Ông Thánh Nicholas, ông là người Hy-Lạp thiên chúa giáo và giữ chức Giám-mục Myra ở Lycia thuộc Thổ Nhỉ Kỳ (Turkey) vào thế-kỷ thứ IV; ông nổi tiếng về lòng nhân ái vì thường tặng quà cho người nghèo. . Ông mất ngày 6 tháng 12 năm 345 ; tạo ra nhiều huyền thoại về ông theo đó ông đã làm nhiều phép lạ để giúp những người khổ hạnh . Truyện thần kỳ cho rằng Thánh Nicholas đã làm cho ba em nhỏ bị ám sát sống lại sau khi ông chủ quán giết và cho vào thùng muối thịt và chuyện người bỏ ba túi vàng vào những chiếc vớ phơi treo trên lò sưởi của nhà ông hàng xóm nghèo hèn, vì ông muốn gả chồng cho con nhưng không có của hồi môn nên được thánh Nicholas giúp.

Tục lệ treo vớ trên lò sưởi để nhận quà Noel cũng bắt nguồn từ đây. Trong lễ nhớ Thánh Nicholas là ngày 6, tháng 12 Dương lịch người xưa cũng kể cho các trẻ nhỏ rằng Nicholas trong đêm Giáng-Sinh thường chui vào ống khói để phát quà.

Người Hoà Lan ( Dutch) gọi tên thánh Nicholas là Sinterklaas. Nước Hoà Lan ( Netherland) với quốc giáo Tin Lành vẫn giữ truyền thống tặng quà cho trẻ con bằng cách đặt quà trong chiếc giày trong ngày lễ Thánh Sinterklaas ( 6 tháng 12) và tục lệ này họ đã mang đến Mỹ Quốc vào giữa thế kỷ thứ 19 ; Sinterklaas được gọi là Santa Claus trong Anh ngữ và tục lệ tặng quà trong dịp lể Thánh Nicholas tháng 12 mỗi năm được mọi người hân hoan hưởng ứng .

Riêng truyện thần-thoại về chú Nai Mũi Đỏ tên Rudolph và một đàn nai kéo xe cho Ông Già Noel bay trên những chặng đường mây dài từ vùng Bắc-cực (Northpole) đi khắp nơi phát quà cho trẻ nhỏ được bắt nguồn từ một bài thơ mang tên: “The Night Before Christmas” (Đêm Trước Giáng-Sinh) viết bởi Clement Clarke Moore, năm 1882. Như một món quà của thi-sĩ này tặng cho trẻ con trong mùa Giáng-Sinh năm ấy.

Về việc gửi thiệp mừng Giáng-Sinh cho nhau được bắt đầu trong thời kỳ hưng-thịnh của Anh-quốc. Tấm thiệp đầu tiên được một họa-sĩ người British (Anh) tên John Horsely vẽ. Nói về một gia-đình có: con trẻ, cha mẹ và ông bà đang nâng ly mừng Lễ Giáng-Sinh. Bên cạnh đó là cảnh phân phát thức ăn, quần áo cho người nghèo đói. Phía dưới có hàng chữ: “A Merry Christmas and A Happy New Year”.

Tại Hoa-Kỳ, người ta ước tính hằng năm có hơn 1.9 tỷ (1.9 billion) tấm thiệp của gia-đình, bạn hữu gửi cho nhau. Số thiệp này hơn cả tổng số thiệp người ta gửi tặng nhau trong mùa Lễ Tình Yêu (Valentine’s Day). Trong khoảng thời-gian từ Lễ Tạ-Ơn (Thanksgiving) đến Lễ Giáng-Sinh, ngày 19 tháng 12 là ngày mà các Bưu-Điện trên toàn quốc bận rộn nhất với việc chuyển thiệp và quà Giáng-Sinh cho dân chúng.

Mỗi năm có khoảng 30 triệu cây Thông tươi (Christmas tree) được tiêu-thụ trên toàn quốc Hoa-Kỳ. Tiểu-bang Oregon đứng đầu về nơi trồng và sản xuất Cây Giáng-Sinh, hằng năm với lợi nhuận thu được khoảng 143 triệu Mỹ-Kim. Thời-gian trồng một Cây Giáng-Sinh cao được 6 ft. ( 180cm) phải mất 7 năm. Cây có độ cao trung bình mất 4 năm, còn cây lâu đời nhất là 15 năm trồng.

Trong khi đó nước Tàu đứng đầu về sản-xuất cây thông giả trên toàn thế-giới. Theo tài-liệu của Bộ Thương-Mại Hoa-Kỳ “US Commerce Department” có hơn 80% cây thông giả để trưng bày trong mùa Giáng-Sinh ở nước Mỹ xuất xứ từ Trung-Quốc.

Phong tục tặng quà trong mùa Giáng-Sinh khởi nguồn từ câu chuyện trong Kinh-Thánh nói vể ba nhà Thông Thái (Ba Vua) tìm đến máng cỏ hang lừa, (nơi Chúa Giê-Su sanh ra) để tặng châu báu, nhũ-hương và mộc-dược mừng sinh-nhật Chúa.

Thống-kê cho biết mùa Giáng-Sinh 2008 năm nay. Vì tình-hình kinh-tế suy thoái, hơn 46% người Mỹ sẽ gửi tặng quà cho nhau ít hơn năm ngoái.

Nói đến ý nghĩa của mùa Lễ Giáng-Sinh chắc hẳn ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến hình ảnh một gia-đình có ông Bố dìu người Mẹ bụng mang dạ chửa, không cửa không nhà, lâm bồn hạ sinh hài nhi trong một đêm đông băng giá nơi máng cỏ hang lừa. Cảnh cơ hàn của những người vô gia cư không những đã có từ 2008 năm trước mà vẫn còn nhan nhản ngay tại trong nước Việt-Nam, sau cuộc chiến trường kỳ khốc liệt, nay được mệnh danh đang trên đà “Cực-Kỳ” phát triển. Bên cạnh những nhà cao tầng đang thi nhau xây cất, những tụ-điểm ăn chơi với đủ thứ khoái lạc trên cõi đời này. Những biệt-thự nguy nga tráng lệ có vô số kẻ hầu người hạ, với những ly rượu đắt giá nghìn vàng, phòng xem phim lộng lẫy, tráng lệ… Là những mảnh đời cùng khổ, là những thân-phận thấp hèn, bé mọn nhất trong xã-hội.

Và chính ngay tại Hiệp-Chủng-Quốc-Hoa-Kỳ, một cường-quốc trên toàn thế-giới, giữa lòng thành-phố mang tên “Thiên-Thần” (Los Angeles) là đầy dẫy những kẻ vô-gia-cư chui rúc dưới các hầm cầu, ngõ hẹp tối tăm. Có người bị chết vì quá lạnh, chết vì những thanh-niên Mỹ vô ý thức khinh khi đánh đập, châm lửa đốt họ vô cùng tàn nhẫn, dã man. Chết vì sự vô tình của những trái tim con người băng giá.

Mùa đông lại trở về California. Một Tiểu-Bang được coi là thời tiết ấm áp, điều hòa nhất nước Mỹ. (Tuy cũng có những đêm dài lạnh dưới không độ bách-phân “Celsius”.). Những người Việt-Nam quen thuộc với miền nhiệt đới đã tìm đến đây định cư sau biến cố 1975. Họ chăm chỉ làm ăn, buôn bán, từ hai bàn tay trắng. Biến những cánh đồng dâu thuộc thành phố Westminster của Tiểu Bang này thành khu Bolsa Mini Mall, nơi tập trung đầu tiên của những thương-hiệu do người Việt làm chủ. Cho đến ngày hôm nay, qua hơn ba thập-niên. Cùng với thế hệ con cháu sinh trưởng ở Mỹ, Cộng Đồng người Việt đã thực sự lớn mạnh. Nhờ công khó

của Cha-Mẹ, các thế hệ kế tiếp đã và đang là những Nghị-Viên, Dân Cử, những Bác-Sĩ, Kỹ-Sư, Luật-Sư, Thương-Gia… Biến khu “Little Saigon” (Saigon Nhỏ) thành một vùng rộng lớn, bao gồm nhiều thành-phố khác như: Garden Grove, Santa Ana, Fountain Valley, Anaheim…trở nên trù phú với những khu thương mại, những văn-phòng mang bảng hiệu Việt Nam.

Bên cạnh những thành công, theo luật bù trừ của đời sống, phải có những khiếm-khuyết, dị-tật. Nhưng tỷ lệ này may mắn là rất nhỏ, (chưa tới một phần trăm). Chúng tôi muốn nói đến những người Việt-Nam Vô-Gia-Cư (Homeless). Vì bị thân-nhân ruồng bỏ, vì đam mê bài bạc, ghiền rượu, ma-túy... Vì thất chí và vì rất nhiều lý do tâm lý khác, có khi vì thiếu niềm tin trong cuộc sống. Họ trở thành không cửa, không nhà, có người mất cả trí khôn, lang thang trên những hè phố, họ bị xua đuổi, ruồng rẫy, khinh bỉ. Họ bị coi là những kẻ lười biếng, vô dụng.

Dưới mắt chúng tôi, những người Vô-Gia-Cư là những người đáng thương, cần được quan tâm hơn bao giờ hết, với quan niệm rằng: chúng tôi đã có lần Vô-Gia-Cư và Vô-Tổ-Quốc (Homeless and Countryless) sau những chuyến vượt-biên, vượt biển để trở thành kẻ ly-hương nơi đất lạ xứ người. Hơn thế nữa, nhận ra được lằn ranh giới giữa chúng tôi và những người Vô-Gia-Cư này rất mong manh, như một sợi chỉ… Điển hình là câu chuyện gia đình một người quen Việt-Nam: “anh P. có một vợ và hai con, nhà đẹp, xe sang. Họ làm được rất nhiều tiền, sau những giờ cật lực kiếm tiền, họ phải tìm đến những thú tiêu khiển bậc nhất, quý

phái nhất, để bõ những giây phút căng thẳng, vật vã với của cải thế- gian, những hộp đêm rạng rỡ tiếng cười, những tiệc tùng linh-đình đầy lời chúc tụng, tâng bốc nhau đến tận mây xanh, những chai rượu mạnh đắt tiền, những áo quần sang trọng, nữ trang hào nhoáng… Thế rồi chỉ trong một cuối tuần thâu đêm suốt sáng tại sòng bài, anh P. trở thành trắng tay. Chị P. làm đơn ly dị, mang hai con theo người đàn ông khác. Từ đó anh thất chí, nghiện ngập cho quên đời rồi trong một sớm một chiều anh đã trở thành kẻ vô-gia-cư không thừa nhận.

Sau những giờ làm việc, chúng tôi thường lái xe đến những vùng có người Homeless, bất kể là Mỹ trắng, Mỹ đen, người Mễ hay Việt-Nam, để tặng họ áo ấm, bánh mì, trái cây và nước uống.

Như bao mùa Giáng-Sinh qua, năm nay chúng tôi lại tổ chức cho họ tiệc sinh-nhật mừng Chúa ra đời. Bằng những phẩm vật cá nhân, không quyên góp của ai và bằng tình-thương chân-tình từ đáy con tim đến những kẻ lạnh lẽo đêm đông không nhà, chúng tôi muốn gửi đến họ lòng chia xẻ giữa con Người với con Người. Như câu hát chúng tôi thường nghêu ngao:

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì anh biết không ??? Để gió cuốn đi… Chỉ để gió cuốn đi…”