Thái Quá và Bất Cập |
Tác Giả: Phạm Minh-Tâm | |||
Chúa Nhật, 14 Tháng 12 Năm 2008 01:23 | |||
Trong một bài viết của linh-mục Đỗ Xuân Quế thuộc dòng Đa-minh tại Việt-Nam với nhan đề “Sơ thảo đôi nét về hiện tình Hội Thánh tại Việt-Nam” trước đây đã làm nhiều đấng bậc phiền lòng. Nội-dung bài viết tuy đúng như tựa đề là chỉ có đôi nét sơ-thảo nhưng cũng đủ là một bản tường-trình, hay nói cho đúng là lời kinh cáo mình, để mọi người, nhất là các bậc thức-giả Công-giáo cũng như các giới chức trong đạo phải đối-diện với một sự thật về nhiều “tệ nạn” cần được chấn-chỉnh hoặc loại trừ ra khỏi cuộc sinh-hoạt thường nhật trong Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam mà theo như linh-mục Đỗ Xuân Quế nhận xét và kết-luận thì đó là “một số biểu hiện nguy hại có thể làm xói mòn sinh lực của Hội thánh chúng ta. Đó là: - thích phô trương, chuộng hình thức Một linh-mục mục cao niên, đã từng là “cha giáo” của rất nhiều linh-mục khác, không tả-khuynh và cũng không cấp-tiến mà đã phải mạnh dạn nói lên như vậy thì chắc chắn không phải là luận điệu chống cha, chống Chúa, chống Giáo-hội hay rối đạo rồi; song phải hiểu đây là những điều “đau lòng” mà chẳng đặng đừng mới phải viết ra. Và bài viết này là sự suy nghĩ tiếp nối dựa trên những phân-tích và cảm-nghĩ vừa trích-dẫn từ hai bài của linh-mục Đỗ Xuân Quế và tác-giả Mặc Giao, rồi đối-chiếu với nhiều kinh-nghiệm thực-tế hơn như một sự đóng góp thêm về cái thực-trạng đáng buồn đã, đang và sẽ còn như đám mây đen u-ám làm lu mờ khuất lấp hơi nhiều luồng ánh sáng của Đức Ki-tô mà đúng lẽ ra cần phải được phong-quang chiếu rọi. Đó là sự nghịch biến nguy-hiểm giữa những cái thái quá của đa-số giáo-sĩ, linh-mục và tu-sĩ đã lạm-dụng cơ-chế để hành xử sai lạc quyền hạn của mình trong các nhiệm-vụ giáo-huấn, quản-trị và thánh-hoá như một số điểm trong bài của linh-mục Đỗ xuân Quế cùng những cái bất-cập của tuyệt-đại đa số giáo dân hiện nay trong hiện tình Giáo-hội Việt-Nam như vài cảm nghĩ của tác-giả Mặc Giao đã ghi nhận. Trước hết là sự thái quá. Xưa nay không phải chỉ có phía đa-số giáo dân mê muội nghĩ rằng các vị có chức thánh là thánh, là sáng-láng, tốt lành và thông suốt mọi sự mà ngay chính trong não-trạng của phần lớn những người mang chức thánh cũng tự cho mình là như vậy. Điều này rất dễ kiểm chứng từ những đơn-vị nhỏ nhất nhưng là nền tảng nhất của Giáo-hội là những giáo-xứ, hoặc những nơi mà giáo dân quy-tụ lại dưới danh nghĩa cộng-đoàn Công-giáo hay trung-tâm Công-giáo. Các “cha xứ” cũng như các “tuyên-úy” thường tự lạm quyền cũng như đuợc nhiều giáo dân cho là những nhân-sự bất-khả-ngộ và bất-khả-xâm-phạm theo kiểu những ông quan địa-phương thời phong-kiến để giữ quyền quyết-định mọi điều và nắm giữ mọi sự trong sinh-hoạt của tập-thể tín-hữu. Hội-đồng giáo-xứ hay mục-vụ có đuợc đặt ra thì cũng chỉ là những nhân-sự để “chạy việc” cho cha xứ hay cha tuyên-úy mà không phải là những người tự-do điều-hành các sinh-hoạt dưới sự hướng dẫn hoặc cố-vấn về tâm-linh và đạo-đức của linh-mục chánh xứ hoặc tuyên-úy. Chính các linh-mục trong trách-vụ đã quên mất nhiệm-vụ chính của mình là các sinh-hoạt về phụng-vụ thánh, mục-vụ và truyền-giáo liên-đới với ba nhiệm-vụ thánh-hoá, quản-trị và giáo-huấn. Thực-tế, ba nhiệm-vụ thiêng-liêng này đã không những không được hành xử đúng mức mà còn bị lơ-là, lạm-dụng và tục-hoá. Trước hết là nhiệm-vụ thánh-hoá. Linh-mục là cộng-sự-viên của giám-mục (Episcopi cooperatores) để thông chia nhiệm-vụ này với giám-mục trong việc “quản-lý ơn sủng của chức tư-tế tối-cao” (oeconomus gratiae supremi sacerdotii). Như Công-đồng Vatican II qui-định “Trong khi hoàn thành công việc thánh hoá, các linh-mục chính xứ hãy lo lắng để việc cử-hành Hy-tế Thánh-thể phải là trọng-tâm và tuyệt-đỉnh của toàn-thể đời sống cộng đoàn Ki-tô giáo, phải nỗ-lực để tín-hữu đuợc lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng nhờ sốt sắng siêng năng lãnh nhận các Bí-tích.” (In perficiendo opere sanctificationis curent parochi ut celebratio Eucharistici Sacrificii centrum sit et culmen totius vitae communitatis christianae; itemque adlaborent ut fideles spirituali pabulo pascantur per devotam et frequentem Sacramentorum receptionem) . Thực-tế, Thánh-lễ đã bị một số linh-mục biến thành món “quà tặng” vô-tổ-chức tuỳ vào sự thân-thiết với những người các ông quý mến hay cần kết thân và cũng là chiêu-bài để đe-doạ hay trừng phạt những gia-đình hay giáo dân nào “không thuận ta”. Đã có nhiều trường-hợp khi giáo dân lên tiếng góp ý, can ngăn hay phê-bình về hành-vi chẳng nên làm của cha xứ hay cha tuyên-úy thì liền bị các ông công-khai nói trên toà là những giáo dân đó sẽ không đuợc ban các bí-tích khi cần thiết hoặc khi chết không đuợc đưa vào nhà thờ hay về trung-tâm cử-hành lễ an-táng. Tiếp đến là nhiệm-vụ quản-trị hay cai quản. Đây là trách-vụ mà linh-mục hành-xử quyền-bính một thừa-tác-viên của Hội-thánh để xây dựng cộng-đoàn tín-hữu trong chân-lý và thánh-thiện cũng như hướng-dẫn cộng-đoàn, gây niềm hy-vọng cho các tín-hữu và khuyến-khích các tín-hữu làm việc tông-đồ và truyền giáo. Trong Sắc-lệnh về chức vụ và đời sống các linh-mục (Presbyterorum Ordinis) có nói thừa-tác-vụ này đòi hỏi linh-mục “thực-hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh-hồn, từ bỏ những tiện-nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi” (communtatis rectores ascesim pastoris animarum propriam colunt, propriis commodis renuntiantes, non quod sibi utile est quaerentes sed quod multis, ut salvi fiant). Với tinh-thần này, chữ cai quản chính là coi sóc hay chăn dắt chứ không đồng nghĩa với cai-trị hay ôm-đồm hết mọi sư, nhất là của cải vật-chất, vào trong một tay che trời của linh-mục chính xứ hay tuyên-úy. Càng ngày người ta càng đếm đuợc rất ít con số các thừa-tác-viên (ministri) của Đức Ki-tô đúng với nghĩa như Sắc-lệnh của Giáo-hội nêu ra mà chỉ là những cha xứ mang cốt cách của các công hầu thời phong-kiến quan-liêu đuợc cắt đất phong vương. Còn ở hải-ngoại thì nhiệm-vụ tuyên-uý - chữ dùng đúng nghĩa nhất cho linh-mục tại những đơn-vị không phải là giáo-xứ - đã được mang thêm một tính-từ nữa bên cạnh là “quản-nhiệm” để thành linh-mục tuyên-úy quản nhiệm rồi dần dần bỏ rơi bớt đi chữ tuyên-úy là nghĩa chính để chỉ còn là linh-mục quản-nhiệm mà thôi. Cuối cùng là nhiệm-vụ giáo-huấn. Đây là nhiệm-vụ trổi vượt trong các nhiệm-vụ chính yếu của hàng gíám-mục và các linh-mục tu-sĩ để chân-lý về Đức Ki-tô đuợc rao truyền. Tin Mừng Cứu-độ và các huấn-thị, quy-luật của Hội-thánh được dẫn giải và thông-truyền cho muôn dân qua nhiệm-vụ quan-trọng này chứ không phải ý riêng đem ra dạy tín-hữu phải theo hay uốn nắn họ thành những kẻ vâng lời tối mặt. Thực-tế, giáo dân Việt-Nam đã nhận đuợc những gì thuộc trách-nhiệm này nơi Giáo-hội? Số lượng linh-mục thì nhiều vô kể, song có bao nhiêu linh-mục sau khi thụ-phong vẫn còn vừa lo mục-vụ vừa chuyên-tâm nghiên-cứu học hỏi thêm và nhất là con số các linh-mục viết sách nghiên-cứu hay nghị-luận về giáo-lý, thần-học, về tu-đức hay đời sống nội-tâm trong đức tin chẳng hạn thì lại càng khiêm-tốn. Chính vì vậy mà lâu dần phần đông đã biến thành tính ù-lỳ cứ muốn trước sao sau vậy cho khỏi phải thay đổi, rắc rối. Thậm chí những lời giảng trong Thánh-lễ Chủ-nhật là điều buộc mà cũng rất nhiều người không nghiêm-túc chuẩn-bị trước, rồi khi bước lên bục giảng thì chỉ giải-thích thêm đôi chút về bài Tin Mừng vừa đọc. Tuy nhiên, như vậy cũng còn đỡ hơn là có ông đem chuyện phim hay chuyện tình ra kể và tệ hơn nữa là dùng “toà giảng” để nói chuyện quyên góp tiền bạc, để nói xiên nói xéo những cá nhân nào đó làm ông mất vui hoặc chống đối các việc chẳng nên mà ông đã làm. Trong những phân-tích của linh-muc Đỗ Xuân Quế có hai điểm cũng cần minh chứng thêm là thích phô trương, chuộng hình thức và thiếu nhân bản trong cách giao tế. Có lẽ tính thích phô-trương và chuộng hình-thức là một trong những thói tục đáng phàn-nàn nơi phần lớn các giáo-sĩ, linh-mục, tu-sĩ. Trước hết, nếu như ngoài xã-hội Việt-Nam hiện nay người ta vọng ngoại như thế nào thì não-trạng này cũng nặng nề trong Giáo-hội không kém. Cũng có thái-độ ngó nhau về việc người này, người kia “được” đi nước ngoài hoặc phân biệt giữa việc được chịu chức tại nước ngoài hay tại Việt-Nam làm chuẩn mức cho tài đức của một linh-mục hay giám-mục. Các dòng tu – phần nhiều là dòng nữ – đang có tệ-nạn đua nhau gửi người đi mở thêm nhà tại hải-ngoại và hãnh-diện cho đó là dấu chỉ của sự phát-triển mà không xét xem là đang phát-triển ra sao, Đức Ki-tô có được sự gì như ý Người mong đợi hay chỉ là cung cách của người kinh-doanh đi tìm thị-trường có nhiều lợi-nhuận theo thói “ruộng gần cỏ mọc không cày, chợ xa quà rẻ mấy ngày cũng đi”? Bởi vì, chỉ một cánh đồng lúa chín với 80 triệu dân mà đã mấy thế-kỷ qua đi rồi con số phần trăm người tin vẫn còn ở mức quá khiêm-tốn thì sứ-mạng đã xong làm tròn đuợc bao nhiêu đâu, hà cớ phải vói tay mãi đâu đâu. Chẳng lẽ lại mang tham-vọng trở ngược hướng truyền-giáo với quá-khứ vì đã đến thời đến buổi giáo-sĩ và tu-sĩ Việt-Nam trở sang truyền-giáo cho hải-ngoại, cho Tây-phương hoặc chạy theo chăm sóc cho thiểu số người Công-giáo Việt-Nam tại hải-ngoại? Có người sau khi đi ngoại-quốc về liền bắt chước một vài điều đem thực-hiện trong xứ mình mà không cần suy xét xem có cận nhân-tình hay không. Đấy là trường-hợp một linh-mục coi xứ trên miền xa đã ra lệnh trong xứ khi gia-đình nào có tang thì không đuợc may tang-phục theo phong-tục cổ-truyền bằng vải xô gai mà tất cả phải mặc Âu-phục đen như các nước Tây-phương. Rồi dòng này “lên mặt” hoặc mặc cảm với dòng kia khi có nhiều hay ít người đi học ở nước ngoài. Một linh-mục dòng đã nhập tu ở ngoại-quốc, có dịp về thăm nhà dòng ở Việt-Nam bị bề trên cũ trách “tôi thật là thất vọng về cha quá” ví lý-do ông không vận-động cách nào cho anh em trong nhà sang ngoại-quốc tu-học. Ông còn cho biết thêm là ông đuợc mời giảng về đức khó nghèo trong dịp lễ “mở tay” của một anh em trong dòng. Ông say sưa giảng như được ơn thần-hứng nhưng khi Thánh-lễ vừa xong thì ông hoa mắt với bữa tiệc thật xa-xỉ diễn ra ngay tại nhà dòng với mấy trăm thực khách khiến ông phải -theo lời ông kể - tránh đi cho khỏi xấu hổ. Rồi những tiệc-tùng rộn ràng mừng hết lễ vàng, lễ bạc đến sinh-nhật, quan thầy bổn mạng đã là hình ảnh méo mó quá quen thuộc và quá cách-biệt với bình dân bá tính về đức khó nghèo. Nếp sống xa-hoa, lễ-nghi phong-kiến hợp với quyền-bính cha chú đuợc diễn ý sai lạc đã dẫn đến tác-phong thiếu nhân bản trong cách giao tế là việc tất nhiên phải đến. Đức Ki-tô vì con người mà phải làm người ở trần thế ba muơi ba năm để rồi ngày nay một môn sinh của Người phải viết lên câu này thì đúng là tấm lòng can-đảm của ông đã đấm ngực thay cho cả tập-thể huynh-đệ trong Đức Ki-tô. Khi dựa trênTin Mừng của Đức Ki-tô và giáo-lý của Hội-thánh Chúa làm định mức để thấy Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam có những biểu-hiện thái-quá như trên thì cũng từ nguồn chân-lý này mà nhìn ra đuợc những điều bất cập trong cộng-đoàn tín-hữu. Nếu thái quá là vuợt quá mức thường, là quá trớn quá đà dễ gây nhiều sai lạc trong đời sống đức tin bao nhiêu thì bất cập là không kịp, không bằng, không tới mức cũng nguy hại bấy nhiêu. Bằng chứng là như Mặc Giao ghi nhận là mức hiểu biết của nhiều giáo dân về sự tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân còn quá nông cạn... Người bênh hay người chống chỉ hành động vì cảm tính, không biết tới lý và tình, không biết luật lệ và đường lối của Giáo Hội thì chưa thể coi là giáo dân trưởng thành...”. Đây chính là sự bất cập của giáo dân. Thực-tế, không phải chỉ có sự hiểu biết của nhiều giáo dân về sự tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân còn quá nông cạn mà là sự hiểu biết về mọi lý lẽ trong tinh-thần Phúc-âm, nguyên-tắc và lề luật của Giáo-hội để từ đấy dung-hoà được nếp sống đạo cũng nông cạn. Rất nhiều giáo dân theo đạo như thói quen, cũng mang tính ù lỳ cứ muốn trước sao sau vậy cho khỏi phải thay đổi, rắc rối; thậm chí không cần nhìn lên cao hơn khỏi nóc nhà thờ và không cần nghe lời ai ngoài cha xứ. Chúa ở trên trời cao và ngay cả Toà Giám-mục điạ-phận cũng xa hơn nhà xứ thì nói gì đến những huấn-thị, giáo-lý và giáo-luật loan đi từ Vatican. Họ vẫn nói cha thay mặt Chúa, lời cha là lời Chúa cho nên cha đã thay mặt Chúa còn được huống gì là thay cho cả Hội-thánh với Hội-đồng Giám-mục thế-giới cho nên tất cả mọi sự đã nằm trong chức thánh của cha rồi, bây giờ cứ để cha phán dạy đời này, còn chuyện đời sau thì đã có những lễ đuợc “xin” bằng giá cao. Phần lớn giáo dân Việt-Nam sống trong hồng-ân cứu-độ của Chúa cách đơn giản như vậy đó. Đọc kinh nhiều, lai vãng quà cáp “dâng” các cha thường xuyên là thánh-thiện, gương mẫu rồi. Tuy nhiên, không hẳn là họ đã yên bề như vậy. Họ cũng biết phân biệt thị-phi, phân biệt đen trắng song vì quen bị “cai-trị , cai quản” như vậy cho nên lại thêm mặc cảm có tội nếu đụng chạm đến các vị mang chức thánh, sợ lúc chết không đuợc ban các phép chẳng hạn nên không bao giờ dám đối-thoại thẳng với linh-mục tu-sĩ mà là đi rỉ tai, xì xèo to nhỏ với nhau. Chung cuộc thì tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ càng đồn xa hơn cho đến khi có dịp thì bung ra kiểu “tức nước vỡ bờ”, bất phân lý lẽ như có một hai giáo dân phát biểu quá hăng say với lời lẽ thiếu tế nhị, gây phản ứng nơi một số linh mục hiện diện, khiến một vị đã lên máy vi âm trưng dẫn Giáo Luật để chứng minh con chiên phải phục tùng chủ chiên.. Tác-giả Mặc Giao góp ý là vấn-đề giáo-dục giáo dân cần phải được đặt ra một cách nghiêm-chỉnh. Nhưng ai giáo-dục ai đây khi mà những người mang trách-nhiệm giáo-huấn thực sự lại đang cố-thủ óc phong kiến, tính ù lỳ cứ muốn trước sao sau vậy cho khỏi phải thay đổi, rắc rối; nhất là khi giảng dạy cặn kẽ về lẽ đạo theo tinh-thần của Công-đồng Vatican II cùng những tài-liệu tiếp theo của Giáo-hội thì có khác gì đem quay ngược mũi giáo về mình? Bởi vì khi giáo dân họ trưởng thành thì “cha” cũng phải bắt tay từ đầu tu-luyện lại chứ đâu còn được thong-dong tự-tại trên sự mê-tín của tín-hữu nữa. Thêm vào đó Giáo-lý của Chúa; Giáo-luật, giáo-huấn của Hội-thánh không phải chỉ để cho giáo-sĩ, linh-mục và tu-sĩ độc quyền nắm trong tay như những sợi dây trói buộc giáo dân theo ý suy-diễn riêng từng cá-nhân hoặc là cây roi của người chăn dùng lùa đàn thú. Tất cả chính là đèn soi, là chân-lý hướng dẫn cho cả mọi người mang danh hiệu Ki-tô hữu, bao gồm cả Ki-tô hữu mang chức thánh và Ki-tô hữu giáo dân. Tại sao giáo dân không chịu đọc Kinh Thánh nhiều hơn một chút, không tự tìm cho bản thân và gia-đình một cuốn tài-liệu Công-đồng và một cuốn giáo-luật để thấy rõ sự phân-nhiệm cho từng thành-phần, từng chức-vụ rồi cứ thế mà đối-thoại thì đâu đến nỗi phải đòi hỏi sự tôn trọng chỗ đứng và trách-nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, cụ thể là được góp phần vào những quyết định từ cấp điạ phương tới những cấp cao hơn? Không những thế, việc học hỏi để truy tìm chân-lý còn là bổn-phận của mỗi người tin Chúa nữa chứ không phải cứ lúp xúp như bầy cừu câm nín trong từng lúc, rồi đến lúc lại than phiền về thái độ và việc làm của một số linh mục cách ồn ào và quá trớn, không đúng tinh-thần và luật-lệ để bị bắt lỗi chỉ khiến cho số đông giáo dân vốn đã ù-lì câm nín càng tin rằng thái độ buông xuôi mọi sự để chỉ theo lời các cha dạy là đúng trong khi cả cái “thái quá của cha” lẫn cái “bất cập của con” đều đóng đinh Đức Ki-tô thêm lần nữa giữa thiên-niên kỷ thứ ba này. Chẳng hạn khi những giáo dân của xứ đạo miền quê kia thay vì chỉ biết đi than thở về lệnh của cha xứ cấm không cho mặc tang-phục cổ-truyền mà phải mặc Âu-phục mầu đen trong tang lễ thì tại sao không trực tiếp đặt vấn-đề với ông rằng đấy là phong-tục cổ-truyền thuộc lãnh-vực văn-hoá chứ không thuộc phụng-vụ và bí-tích cho nên không thể dùng chức linh-mục để cấm hay bãi bỏ mà chỉ nên có những đề nghị tế-nhị phù-hợp với hoàn-cảnh xã-hội. Tóm lại, nếu hai thành-phần căn-bản của giáo-hội mà cứ ở hai cực thái quá và bất cập như vậy thì làm gì có tương-quan, làm gì có hiệp-nhất và làm gì có đồng-hành, đồng-tiến. Và con đuờng tương-lai đang hướng về đâu, quê trời hay chỉ là đi loanh-quanh đầy mỏi mệt?
|