Các Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng
Trong ngày 12 tháng 11, cả tờ Washington Post lẫn tờ Chicago Tribune đều tường thuật lời kết án của hàng Giám Mục Hoa Kỳ đối với dự luật “Freedom of Choice” vốn được Tổng thống đắc cử Barack Obama ủng hộ và cam kết sẽ ký ban hành sau khi nhậm chức vào tháng Giêng sắp tới. Các vị giám mục Hoa Kỳ coi việc ban hành đạo luật đó như một hành vi tấn công thẳng vào Giáo Hội Công Giáo vì nó sẽ hủy bỏ mọi hạn chế hiện nay của các tiểu bang cũng như của liên bang đối với việc phá thai. Các ngài cho rằng đạo luật này giảm thiểu tự do tôn giáo và làm hàng triệu người Mỹ chống đối phá thai bị đẩy ra ngoài lề. Người ta còn nhớ nhiều vị giám mục từng thúc giục người Công Giáo coi việc chống đối phá thai như một ưu tiên khi đầu phiếu. Nhưng kết quả cuộc đầu phiếu tuần trước cho thấy Obama thắng 54% tổng số phiếu của người Công Giáo. Chỉ mấy ngày sau đó, các giám mục Hoa Kỳ gặp nhau tại Baltimore và dù đây là kỳ họp thường lệ, các ngài cũng đã tập trung vào việc lên tiếng chính thức cho việc bênh vực sự sống, cụ thể là chống lại việc ban hành dự luật “Freedom of Choice”, một dự luật do TNS Barbara Boxer (Dân Chủ - Calif.) bảo trợ, mà chính những nhà tranh đấu cho quyền phá thai cũng không dám ước mơ là Quốc Hội sẽ thông qua. Trong cuộc họp trên, các vị giám mục đã lần lượt đứng lên để lên án dự luật này. Đức Cha Thomas Paprocki, Giám mục phụ tá Giáo phận Chicago, cảnh cáo rằng hệ thống y tế của Công Giáo sẽ lâm nguy nếu dự luật này được ban hành vì nó sẽ triệt tiêu các đạo luật lương tâm từng cho phép các bác sĩ và các bệnh viện từ khước thi hành các thủ tục liên quan tới phá thai. Ngài cho hay điều ấy buộc nhiều bệnh viện Công Giáo phải đóng cửa. Đức cha Robert Hermann, Giám mục phụ tá của giáo phận St. Louis cho hay: “bất cứ ai trong chúng tôi cũng coi là đặc ân được chết, vâng, được chết ngay ngày mai, để tìm cách kết liễu việc phá thai”. Đức cha Joseph Martino, Giám mục giáo phận Scranton, Pa., quê hương phó tổng thống đắc cử Joe Biden, kêu gọi các vị giám mục đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa nhằm trừng phạt các viên chức Công Giáo “lanh lảnh chống lại sự sống”. Ngài phát biểu: “Tôi không thể có cái ông phó tổng thống tới Scranton và leo lẻo cho rằng mình học hỏi được các giá trị tại đây khi các giá trị ấy hoàn toàn phản lại các giá trị của Giáo Hội Công Giáo”. Trong khi soạn thảo bản tuyên bố gửi cho Obama, các vị giám mục khuyến cáo Đức Hồng Y Francis George của Chicago, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, phải ấn định rõ ý của Giáo Hội Hoa Kỳ muốn hợp tác với tân chính phủ trong các lãnh vực công bằng kinh tế, cải cách di trú, chăm nom sức khỏe cho người nghèo và tự do tôn giáo. Nhưng phải nhấn mạnh tới “ý định chống sự ác” và “bảo vệ trẻ chưa sinh” của Giáo Hội. Các ngài cương quyết chống đối bất cứ đạo luật hay sắc lệnh hành pháp nào nhằm nới rộng các hạn chế phá thai. Theo Đức Cha Daniel Conlon, Giám mục giáo phận Steubenville, Ohio, "đây không phải là vấn đề thoả hiệp chính trị hay vấn đề tìm ra một cơ sở chung. Mà là vấn đề tuyệt đối thể”. Các vị giám mục Hoa Kỳ, nhân dịp này, cũng muốn duyệt lại tài liệu “Nền Công Dân Hợp Với Đức Tin” (Faithful Citizenship) mà chính các ngài đã ban hành vào năm ngoái như một hướng dẫn đối với lương tâm Công Giáo trước cuộc bầu cử sắp tới. Mặc dù tài liệu này long trọng tuyên bố rằng: “việc trực tiếp và cố ý hủy hoại sinh mạng vô tội của con người luôn luôn là điều xấu chứ không phải chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề khác’. Nhưng đồng thời, tài liệu ấy cũng khuyên người Công Giáo phải cân nhắc các vấn đề khác như nghèo đói, chiến tranh, môi trường và nhân quyền khi chọn lựa ứng cử viên. Chính vì thế, một số vị giám mục hết sức sững sờ khi thấy người Công Giáo nại tới tài liệu trên để biện minh cho việc họ bầu cho các ứng cử viên như Obama, người công khai ủng hộ phá thai. Kết quả là: 54% người Công Giáo đã dồn phiếu cho ứng cử viên này. Coi hàng giáo phẩm như một “thiểu số” Hai tờ báo trên cùng nhận định rằng mặc dù giới lãnh đạo Giáo Hội cương quyết tranh đấu để loại phá thai ra ngoài vòng pháp luật, nhưng nhận thức của hàng ngũ giáo dân ít cương quyết hơn thế nhiều. Một cuộc trưng cầu do cơ sở Pew thực hiện hồi tháng Tám cho thấy gần một nửa người Công Giáo Mỹ nghĩ nên hợp pháp hóa việc phá thai trong bất cứ trường hợp nào hay gần như thế. Jon O'Brien, chủ tịch “Những Người Công Giáo Phò Chọn Lựa” cho rằng nhiều vị giám mục cảm thấy choáng váng sau khi thất bại không thúc đẩy được người Công Giáo chịu coi phá thai là một vấn đề ưu tiên. Ông ta bảo: “các vị này đại biểu cho một thiểu số người Công Giáo ở Mỹ và trên thế giới. Qúy vị ấy còn không tin là nên sử dụng ngừa thai nữa” Nữ tu Jamie Phelps, một nhà thần học (!) tại Đại học Xavier ở Louisiana, và hiện là thành viên trong Ban Cố Vấn Công Giáo Toàn Quốc của Obama, tuy hoan nghênh bản tuyên bố của các vị giám mục, nhưng cho hay: “Tài liệu Nền Công Dân Hợp Đức Tin đã nói rõ: các cử tri nên cân nhắc một loạt nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đối xử với trẻ em của chính phủ. Các trẻ em này không có tiếng nói nếu hiểu đó là tiếng nói của các vị giám mục và của người Công Giáo”. Nói như thế, thì làm người Công Giáo làm gì? Người Công Giáo là người không coi các vị giám mục như thiểu số trong cái đa số hỗn tạp của xã hội ngày nay. Các ngài là đại diện của Chúa Kitô ở trần gian, làm ánh sáng soi đường, là thầy dạy của Dân Chúa, đâu phải các cá nhân bình thường muốn phát biểu chi thì phát biểu, được ai nghe thì nghe. ‘Dân Chúa” như Jon O’Brien và Jamie Phelphs đã không chịu nghe lại còn tiếp tay nhận chìm tiếng nói của các ngài nữa, thì thử hỏi có còn xứng đáng là người Công Giáo hay không? Mà không riêng ở Mỹ mới có những người Công Giáo tự tách mình ra khỏi nền giáo lý chính thống của Giáo Hội như thế, tờ báo Công Giáo tại Anh là tờ “The Tablet” cũng có cùng một giọng điệu. Tường thuật cuộc thắng cử của Obama nhờ số phiếu của 54% người Công Giáo Mỹ, tờ này cho rằng đây là một “bác bỏ các cố gắng vào phút chót của thiểu số giám mục to tiếng…Các tuyên bố thẳng thắn của các vị giáo phẩm đã bị mờ nhạt đi vì sự lên tiếng của nhiều cá nhân và đoàn thể cho rằng cam kết của Obama đối với các sáng kiến nhằm hạ thấp con số phá thai quả là bằng chứng phò sự sống của ứng cử viên Dân Chủ (?)” Trong bài xã luận sau ngày Obama thắng cử, tờ báo này cho hay: “Xem ra các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, một tôn giáo lớn nhất tại Mỹ, lại một lần nữa không đọc ra các dấu chỉ thời đại, trái lại chỉ cố gắng nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử có tính linh hứng và biến đổi thời đại này, cái điểm xoay hướng trong lịch sử Mỹ này, một lần nữa chỉ xoay quanh vấn đề phá thai.Giáo dân nhìn vấn đề khác hẳn; thực vậy, lần này lá phiếu Công Giáo gần như không thể phân biệt được với lá phiếu của mọi người dân khác…Người ta đang cần các giám mục phải suy nghĩ lại chiến lược đối với vấn đề phá thai; chứ hiện nay, quan điểm của các ngài không được đại đa số người Công Giáo lắng nghe ”. Một luật lệ xấu xa, gây chia rẽ Các giám mục Hoa Kỳ quả có “suy nghĩ lại chiến lược” của mình, nhưng kết quả không như ý tờ “The Tablet”. Mà là xiết chặt hàng ngũ hơn nữa để cương quyết chống lại trào lưu nới lỏng các hạn chế phá thai. Ngày 12 tháng Mười Một, sau mấy ngày bàn thảo, các vị giám mục đã thông qua bản tuyên bố chung gửi Tổng Thống đắc cử Barack Obama, trong đó các ngài nhất loạt chỉ trích đạo luật “Freedom of Choice” như là một đạo luật xấu xa mà tựu chung sẽ gây nhiều chia rẽ hơn nữa trong quốc gia. Sau khi cam kết hợp tác với chính phủ Obama trong các vấn đề kinh tế, di trú, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tự do tôn giáo, các vị giám mục nhắc tổng thống đắc cử nhớ rằng “nhà nước tốt là nhà nước bảo vệ sự sống của mọi người”. Bản tuyên bố gọi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ủng hộ quyền phá thai trong vụ Roe v. Wade là một “phán quyết xấu xa” và cảnh cáo rằng không bao lâu nữa nó sẽ được “lồng vào một đạo luật xấu xa còn căn để hơn là chính phán quyết năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện nữa. Vì đạo luật này "tước đoạt khỏi nhân dân Hoa Kỳ thuộc tất cả 50 tiểu bang quyền tự do mà hiện nay họ đang được hưởng trong việc thi hành một số hạn chế và quy định khiêm nhường đối với kỹ nghệ phá thai”. Bản tuyên bố viết tiếp: “Đạo luật này sẽ cưỡng bức toàn thể người Hoa Kỳ phải trợ cấp và cổ vũ việc phá thai bằng tiền đóng thuế của mình. Nó sẽ hành động ngược lại bất cứ cố gắng thành thực nào của chính phủ và người thiện chí nhằm làm giảm con số phá thai trong đất nước ta… Quy định phải thông báo cho cha mẹ và phải đồng ý cách có hiểu biết sẽ bị loại khỏi vòng pháp luật cũng như các đạo luật ngăn cấm các thủ tục như phá thai lúc gần sinh và bảo vệ các thai nhi sống thoát sau một cuộc phá thai không thành. Các bệnh xá phá thai sẽ được tháo khoán. Tu chính án Hyde hạn chế việc cấp ngân khoản Liên Bang cho phá thai sẽ bị hủy bỏ. Đạo luật này sẽ gây hiệu quả giết người đối với mạng sống trước khi sinh của con người”. Bản tuyên bố cũng tố cáo: “đạo luật này phá hoại tự do lương tâm của các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế mà xác tín bản thân vốn khiến họ không thể hợp tác trong việc sát hại thai nhi chưa sinh. Nó cũng đe doạ đóng cửa các cơ sở y tế và cơ quan bác ái Công Giáo… Nó sẽ là đạo luật xấu xa có tác dụng chia rẽ hơn nữa đất nước của chúng ta, và Giáo Hội có nhiệm vụ chống lại sự ác. Trong vấn đề này, tức vấn đề bảo vệ trẻ chưa sinh bằng pháp luật, các giám mục nhất trí với người Công Giáo và mọi người thiện chí khác. Họ cũng là các mục tử vốn để tai lắng nghe các phụ nữ từng bị mất nhân phẩm chỉ vì tin rằng không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phá thai đứa con của mình. Phá thai là một thủ tục y khoa giết người, và các hậu quả tâm lý và thiêng liêng của nó đọc thấy rõ trong nỗi sầu đau và trầm cảm của rất nhiều người đàn bà và đàn ông”. Để tránh những luận điệu cho rằng chỉ khoảng 1/3 các giám mục Hoa Kỳ chống đối phá thai, bản tuyên bố này nhấn mạnh: “Các giám mục nhất trí vì hơn hết các vị chỉ có một lòng. Cuộc bầu cử gần đây được quyết định chủ yếu do quan tâm về kinh tế, mất việc, mất nhà, mất an toàn tài chánh đối với các gia đình, tại đây và khắp nơi trên thế giới. Nếu cuộc bầu cử ấy bị giải thích sai lầm về ý thức hệ như là cuộc trưng cầu dân ý về phá thai, thì sự hợp nhất mà Tổng thống đắc cử Obama cũng như toàn dân Hoa Kỳ mong muốn vào thời điểm khủng hoảng này chắc chắn đã không thể nào đạt được. Phá thai không những giết hại trẻ em chưa sinh; nó còn hủy diệt trật tự hiến định và ích chung, những điều chỉ được bảo đảm khi sự sống của mọi con người nhân bản được luật pháp bảo vệ. Các chính sách, luật lệ và sắc lệnh hành pháp phò phá thai đầy gây hấn sẽ mãi mãi tha hóa hàng triệu người Hoa Kỳ, và sẽ bị nhiều người coi là cuộc tấn công vào chính quyền hành đạo của họ”.
(XV Trần Đình Ngọc trích từ tinvui.org)
|