Tàu ngầm 361 chuẩn bị cho một nhiệm vụ tuần tra vào thời gian trước khi gặp nạn; Đô đốc Shi Yunsheng (ảnh nhỏ), chỉ huy Hải quân Trung Quốc, bị bãi chức sau khi xảy ra vụ tai nạn của tàu ngầm 361.
Ngày 16/4/2003, khi đang thi hành nhiệm vụ tại vùng biển phía đông đảo Neichangsen thuộc biển Bắc ở đông bắc Trung Quốc, chiếc tàu ngầm mang số hiệu 361 thuộc Hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung Quốc đã gặp nạn khiến 70 người có mặt trên tàu thiệt mạng. Lỗi trong thiết kế kỹ thuật là nguyên nhân dẫn đến thảm họa? Khi Chiến tranh lạnh bước vào giai đoạn quyết liệt, vào năm 1966, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã thông qua kế hoạch cải tạo và hiện đại hóa hải quân và giao nhiệm vụ cho Hải quân Trung Quốc triển khai chương trình 035 bằng việc chế tạo tàu ngầm thế hệ Minh (cải tiến từ thế hệ tàu ngầm Romeo của Liên Xô). Đây là loại tàu ngầm hạng trung chạy bằng động cơ điện/diesel để thực hiện nhiệm vụ tuần tra ven biển. Chiếc tàu ngầm đầu tiên được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Wuchen và hạ thủy vào tháng 4/1968. Cho đến khi xảy ra vụ tai nạn của chiếc tàu ngầm 361, đã có 21 tàu ngầm thế hệ Minh được hạ thủy. Chiếc tàu ngầm 361 thuộc Hạm đội Bắc Hải và được hạ thủy vào năm 1995. Theo quy ước, thủy thủ đoàn của loại tàu ngầm thế hệ Minh gồm 55 người, trong đó có 9 sĩ quan và 46 thuyền viên. Theo thông báo chính thức của Hải quân Trung Quốc về vụ tai nạn của chiếc tàu ngầm 361, có đến 70 sĩ quan và thuyền viên đã tử vong vì ngạt thở khi hệ thống máy chính của tàu ngầm gặp sự cố và đột ngột ngừng hoạt động khi đang lặn xuống khiến nguồn ôxy cung cấp cho thủy thủ đoàn bị gián đoạn. Tuy nhiên, do thông báo của Hải quân Trung Quốc mâu thuẫn với khai báo của những ngư dân đã phát hiện ra chiếc tàu gặp nạn và do thời gian mất tích của tàu ngầm lại kéo dài đến 10 ngày nên đã làm phát sinh nhiều giả thuyết đặt nghi vấn về vụ tai nạn của chiếc tàu ngầm 361. Theo Michael McGuinty, chuyên viên về Hải quân Trung Quốc làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh, quả thật đây là một vụ tai nạn có nguyên nhân từ sự cố kỹ thuật. Giới chuyên môn gọi đây là loại tai nạn xảy ra trong quá trình hải hành do gặp sự cố ở bộ phận máy chính của tàu. Hậu quả là hệ thống thiết bị tạo ôâxy không hoạt động khiến cho thủy thủ đoàn tử vong do ngạt thở. Chuyên viên McGuinty cho đây là lỗi trong khâu thiết kế kỹ thuật của phía Trung Quốc vì thế hệ tàu ngầm Romeo của Liên Xô, mà tàu ngầm thế hệ Minh là phiên bản, được thiết kế hệ thống tự động đẩy tàu trồi lên mặt nước khi xảy ra sự cố lúc lặn. Đây cũng là lý do khiến tàu ngầm 361 sau khi gặp nạn đã bị cuốn theo các dòng hải lưu suốt 10 ngày liền mới được phát hiện. Tàu ngầm thế hệ Minh có sức chứa tối đa không quá 55 người. Vậy mà khi gặp nạn, trên chiếc tàu ngầm 361 lại có sự hiện diện của 70 người, vượt quá mức quy ước đến 15 người. Nghi vấn rằng, chiếc tàu ngầm 361 gặp nạn khi đang thử nghiệm một công trình nghiên cứu liên quan đến lực đẩy và sức chứa trong trường hợp phải làm công tác cứu hộ một tàu ngầm khác gặp nạn hay đưa điệp viên, lính đặc biệt thi hành nhiệm vụ trên lãnh thổ đối phương một cách bí mật. Cuộc thử nghiệm này vô tình đã gây nên thảm họa. Và để bưng bít nguyên nhân chính của vụ tai nạn, Hải quân Trung Quốc đã không báo cáo vụ việc và tự tổ chức truy tìm chiếc tàu gặp nạn. Đây chính là lý do phải mất đến 10 ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, chiếc tàu ngầm 361 mới được phát hiện. Một giả thuyết khác cũng được dư luận quan tâm, đó là việc phải chăng nước biển đã rò rỉ vào hệ thống ắcquy cung cấp năng lượng cho tàu và đã làm phát sinh khí độc chlorine? Một khi phát tán trong tàu, khí độc này đã gây tử vong tức thì cho toàn bộ thủy thủ đoàn. Ngoài ra còn có giả thuyết cho rằng, vụ tai nạn của chiếc tàu ngầm 361 là do lỗi của con người. Vùng biển ngoài khơi bán đảo Liaodong, được xác định là địa điểm xảy ra vụ tai nạn chỉ có độ sâu từ 100 đến 200m. Về mặt lý thuyết, đây là độ sâu không đủ đáp ứng cho yêu cầu lặn của các tàu ngầm. Có thể viên chỉ huy tàu ngầm 361 đã mất tập trung nên đã điều khiển tàu ngầm di chuyển vào vùng nước nông và đã gặp tai nạn khi lặn xuống. Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều người quan tâm nhất là vụ tai nạn của tàu ngầm 361 xảy ra có nguyên do từ việc thử nghiệm thế hệ vũ khí bí mật có tên gọi AIP của Hải quân Trung Quốc. Đây là loại vũ khí sử dụng sóng điện từ phát ra từ một hay nhiều thiết bị tạo sóng để làm tê liệt hoạt động của con người và thiết bị quân sự của đối phương. Loại vũ khí này từng được quân đội Mỹ thử nghiệm vào năm 2000 đối với các hoạt động quân sự trên đất liền. Có thể sau một thời gian nghiên cứu, Trung Quốc cũng chế tạo được vũ khí điện từ. Và chính trong một lần thử nghiệm loại vũ khí này dưới nước vào ngày 16/4/2003 đã gây tai nạn cho chiếc tàu ngầm 361. Theo tiết lộ của một chuyên viên điều tra với Hãng Thông tấn Xinhua, việc kiểm tra tàu ngầm 361 sau khi được kéo về quân cảng Dalian đã không phát hiện bất cứ dấu vết gì liên quan đến hỏng hóc của hệ thống máy chính của tàu, kể cả việc không có sự hiện diện của khí độc chlorine với nồng độ cực thấp trong thân tàu. Đây chính là lý do khiến phát sinh nghi vấn chiếc tàu ngầm 361 là nạn nhân của việc thử nghiệm vũ khí điện từ của Hải quân Trung Quốc. Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Quân ủy Trung ương đã quyết định đình chỉ vô thời hạn kế hoạch chế tạo tàu ngầm thế hệ Minh và chuyển sang chế tạo thế hệ tàu ngầm Song hiện đại và an toàn hơn. Liên quan đến vụ tai nạn của chiếc tàu ngầm 361 có đến 6 sĩ quan cao cấp của Hải quân Trung Quốc bị bãi nhiệm hay bị kỷ luật, trong đó có Đô đốc Shi Yunsheng, chỉ huy Hải quân Trung Quốc và phó Đô đốc Ding Yiping, chỉ huy Hạm đội Bắc Hải
|