Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần IX). |
Tác Giả: Bảo Thạch | |||
Chúa Nhật, 09 Tháng 8 Năm 2009 15:08 | |||
Mùa hè 1989 : Đông Đức bừng tỉnh
Vào tháng 8, chỉ riêng tại Hungary, hàng ngàn người Đông Đức chen chúc nhau, sống trong cảnh thiếu thốn, chờ mong ngày vượt Bức màn sắt. Nhân cơ hội cuộc píc níc toàn Âu, tại biên giới Áo-Hung, hàng ngàn người Đông Đức đã chạy sang Áo. Việc này diễn ra trong vài tiếng đồng hồ trước khi đôi bên đóng lại cửa biên giới vì lo sợ bất trắc. Chỉ trong vòng 5 tháng, chế độ Honecker, từ chỗ tự khẳng định là một tiền đồn vững chắc của chủ nghiã xã hội, sẽ bị triệt tiêu khi người dân Đông Đức biến khẩu hiệu của họ thành “Wir sind ein Volk (Chúng ta là một dân tộc)”. Từ đó, triển vọng thống nhất hai miền Đông và Tây Đức không còn xa. Khởi điểm : làn sóng tỵ nạn Theo nhà sử học François Fejtö (1), tháng 5 năm 1989, Erich Honecker tỏ vẻ khó chịu trước sự kiện nước Hungary bắt đầu dỡ bỏ một phần bức màn sắt ở biên giới với nước Áo. Nhưng chưa ai có thể ngờ rằng đây là khởi điểm của một cuộc vượt biên ồ ạt sẽ rất mau chóng kết liễu sự hiện hữu của Nhà nước Cộng sản Đông Đức. Vào thời ấy, trong phe xã hội chủ nghĩa Đông Âu, mỗi năm hàng trăm ngàn người dân Đông Đức thường sang Hungary nghỉ hè bên bờ hồ Balaton, vừa là dịp nghỉ mát tại một nước có truyền thống và có hạ tầng phục vụ du lịch, vừa để tiếp xúc với các người thân trong gia đình từ Tây Đức sang. Kể từ tháng 7 năm 1989, khủng hoảng người tỵ nạn Đông Đức bùng nổ ở một quy mô chưa từng thấy tại Đông Âu.
Vào tháng 8, chỉ riêng tại Hungary, hàng ngàn người Đông Đức chen chúc nhau, sinh hoạt trong điều kiện hết sức thiếu thốn, chờ mong ngày vượt Bức màn sắt. Nhân cơ hội cuộc píc níc toàn Âu, tại biên giới Áo-Hung, hàng ngàn người Đông Đức đã chạy sang Áo. Việc này diễn ra trong vài tiếng đồng hồ trước khi đôi bên đóng lại cửa biên giới vì lo sợ bất trắc. Tháng 8, phong trào vượt biên tìm tự do của người Đông Đức đã lên đến đỉnh điểm, trong khi hình ảnh người tỵ nạn loan tải qua truyền hình của Tây Đức đánh thức giấc mộng đổi đời trong lòng người dân Đông Đức còn ở lại quê hương. Vào mùa hè năm 1989, tại Ba Lan, quyền lực không còn nằm trong tay Đảng Cộng sản, tại Hungary, công cuộc chuyển tiếp sang thể chế đa đảng cũng đã bắt đầu trong hoà bình. Người Đông Đức bừng tỉnh và đặt câu hỏi : Vì sao hàng chục ngàn đồng bào của họ vượt biên ? Vì sao các nước ''anh em'' như Ba Lan hay Hungary ngả theo một chế độ dân chủ mà kh^$ong đổ một giọt máu ? Trong khi đó thì tại Đông Đức không mảy may xuất hiện một cơ may dân chủ hoá nào ? Erich Honecker, người đứng đầu một Nhà nước lão hoá Erich Honecker, 77 tuổi, người đứng đầu Đông Đức cũng đồng thời là nhân vật điển hình cho một Nhà nước lão hoá, đã từ lâu không còn dự báo nổi tương lai. Ông đã nắm quyền gần hai thập niên, cùng với bộ sậu lãnh đạo Đông Đức mà trong đó ai cũng đã ngoài 70. Erich Honecker lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Đức kể từ năm 1971, và Erich Mielke đã được bổ nhiệm bộ trưởng An ninh kể từ năm 1957. Tính bảo thủ và giáo điều của chế độ đi đôi với bàn tay sắt của cơ quan mật vụ STASI, đã thiết lập hồ sơ theo dõi 4 triệu công dân của họ trên tổng số 17 triệu người (2). Khác hẳn với Ba Lan hay Hungary, nơi mà nội bộ Đảng Cộng sản cũng bị chia rẽ giữa hai xu hướng bảo thủ và cải tổ, lãnh đạo Đông Đức gắn bó mật thiết với nhau và đồng chia sẻ quan điểm : phải trung thành với các nguyên lý của chủ nghiã xã hội, không thể “tái cấu trúc (Perestroika)” hay là “trong sáng hoá (Glasnost)” như Gorbachev chủ trương. Có thể nói rằng chủ nghĩa cộng sản giáo điều là cột sống của Đông Đức, một chế độ rất tin vào chính mình.
Ngày 10/11/1989, người Đức đổ về cổng Brandenburg chào mừng sự kiện Bức Tường Berlin sụp đổ (DR) Như vậy, theo tính toán của ông Honecker, nguy cơ đối lập trong nước không có, và nguy cơ từ bên ngoài cũng chẳng hề vì trên lãnh thổ Đông Đức, 400.000 lính Liên Xô vẫn được trang bị tên lửa để bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa. Vả lại, các nước phương Tây, theo phân tích của ông Erich Honecker, chẳng muốn thấy nước Đức thống nhất. Viễn ảnh này sẽ làm đảo lộn cán cân lực lượng tại châu Âu, nói chi đến việc Liên Bang Đức lo sợ việc thống nhất sẽ gây nhiều tổn hại tài chánh và kinh tế khó lường. Nói tóm lại, chế độ Honecker tự mãn, các lãnh đạo Đông Đức bình thản nhìn thời cuộc. Có thể họ bình thản đến nỗi guồng máy lãnh đạo đã xơ cứng mà họ không dè. Từ mồng 2 tháng 5 đến mồng 5 tháng 9 năm 1989, khi hàng trăm ngàn người Đông Đức ăn chực ngồi chờ trên khắp nẻo đường vượt biên tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, giới lãnh đạo vẫn xem thường tình trạng này. Bốn tháng sau, vào đầu tháng 9, bộ Chính trị Đông Đức mới thực sự quan tâm. Nhưng đã quá muộn. Cùng lúc, đầu tháng 9, một động lực thứ nhì sau làn sóng di dân, đã được kích hoạt : chế độ bắt đầu lung lay với các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ. Người ra đi vượt biên, người ở lại xuống đường tẩy chay chế độ Ngày 07/05/1989 là thời điểm châm ngòi cho các cuộc biểu tình sẽ khuynh đảo chế độ. Hôm ấy, Đông Đức tổ chức bầu cử các hội đồng đîa phương. Theo le Monde, khoảng 1000 người đã biểu tình ở thành phố Leipzig theo lời kêu gọi của một tổ chức bảo vệ quyền công dân gần gũi với nhà thờ Tin Lành. Tuy vậy chính quyền vẫn coi thường. Phải đợi đến ngày mồng 2 tháng 9, khi Hội nghị các Nhà thờ Tin lành gởi kiến nghị yêu cầu cải tổ và đòi quyền tự do đi ra nước ngoài cho các công dân, và hai ngày sau đó là một cuộc biểu tình khác trước Giáo đường Saint Nicolas ở Leipzig, thì các lãnh đạo cộng sản mới bắt đầu nhận thức được tầm nghiêm trọng của tình hình. Nhưng họ không còn thời gian để trở tay.
Một cuộc tập hợp biểu tình của người dân thành phố Dresden (DR) Từ đầu tháng 9, chỉ trong vòng vài tuần lễ, các cuộc tuần hành diễn ra tại Leipzig vào mỗi tối thứ hai, sẽ tập hợp hàng trăm ngàn người, và lan rộng như vết dấu loang. Một tháng sau, váo tháng 10, con số người biểu tình tại Leipzig đã lên đến 300.000. Đông Berlin và các thành phố khác cũng đã vào cuộc. Chính quyền kêu gọi đối thoại với tổ chức ly khai Diễn Đàn Mới vừa được thành lập. Erich Honecker từ chức, Egon Krenz lên thay thế và đồng ý với hàng loạt yêu sách của người biểu tình, quyền tự do du lịch ra nước ngoài được công nhận. Đảng Cộng sản cũng hứa hẹn cải tổ và xem xét tự do báo chí, tự do lập hội, lập đảng... Đông Đức như con thuyền say sóng, và người thuyền trưởng đã mất hết phương hướng. Vào tháng 11, ngày mồng 8, lời khẩn cầu bi thiết của nữ văn sĩ Christa Wolf : “Chúng tôi cần các bạn, mỗi người bỏ nước ra đi làm cạn kiệt thêm hy vọng của chúng ta” vang lên như nỗi tuyệt vọng của những kẻ còn muốn cứu vãn cho chế độ cộng sản. Ngày mồng 9, Đông Đức đơn phương mở cửa khẩu tại bức tường Berlin, trong không khí lãnh đạo hoảng loạn, còn người dân thì tràn sang Tây Đức như đi trẩy hội. 28 năm và 91 ngày sau khi được xây lên vào tháng 8 năm 1961, biểu tượng của nước Đức chia cắt và của thế giới lưỡng cực không còn nữa. (1) François Fejtö : La fin des démocraties populaires.
|