Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần VI) |
Tác Giả: Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest | |||
Chúa Nhật, 09 Tháng 8 Năm 2009 14:19 | |||
Sự bù đắp của lịch sử Tiệp Khắc thông qua một vụ xét xử mang tính tiền lệ
Bà Ludmila, cựu Công tố viên Nhà nước Tiệp Khắc bị xử phạt 6 năm tù giam Đó là trường hợp tiêu biểu cuả bà Ludmila Brozova - Polednova, cựu Công tố viên Nhà nước Tiệp Khắc thời cộng sản. Tuy đã rất cao tuổi, nhưng bà Ludmila vẫn bị kết án 6 năm tù giam, vì bà đã từng tham gia vào các vụ án ngụy tạo vào những năm 1950 Vậy, bà Brozová-Polednová là ai, và đã làm gì để cơ quan tư pháp và hành pháp của Cộng hòa Czech phải có thái độ quyết liệt như vậy, ngay cả khi người phụ nữ này đã ở tuổi rất gần đất xa trời? Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình từ Budapest. Án tử hình ngụy tạo cho một nữ chính khách Để trả lời câu hỏi đó, phải trở lại những năm đầu của thập niên 50 thế kỷ trước. Theo hình mẫu của các vụ án ngụy tạo Moscow những năm 30, các nước Đông Âu – dưới sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản do Liên Xô đỡ đầu - đều có những “sản phẩm” riêng của mình. Chỉ riêng tại Tiệp Khắc thời gian ấy, đã có chừng 250 người trở thành nạn nhân trong các phiên tòa ngụy tạo. Một trong những phiên tòa lớn nhất, được công luận để ý nhất, đã diễn ra vào năm 1950 dưới sự thông đồng của chính quyền CS và nhóm công tố viên nhà nước, trong đó, có một nữ công tố viên hiện vẫn còn sống. Đó là bà Ludmila Brozová-Polednová, đã bị bản án 6 năm tù giam có hiệu lực pháp lý từ tháng Chín năm ngoái. Nhân vật trụ cột của phiên tòa ngụy tạo Trong vụ án ngụy tạo nhắc tới ở trên, bà Polednová là một trong 4 công tố viên nhà nước và được coi như một trụ cột của vụ án. Theo các tư liệu mới được bạch hóa, sở dĩ nữ công tố viên Polednová được chính quyền đưa vào thành phần của nhóm công tố nhà nước để trong phiên tòa, trước đông đảo cử tọa, bà ta sẽ nhận phần buộc tội một nữ chính khách tên là Milada Horáková, bị cáo nữ duy nhất bị án tử hình trong các vụ án ngụy tạo thời đó ở Tiệp Khắc. Horáková là một nhân vật sáng giá trên chính trường Tiệp Khắc và quốc tế. Trước khi Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lên nắm quyền vào năm 1948, bà Horáková là một chính khách uy tín của Đảng Xã hội Quốc gia Tiệp Khắc, một chính đảng có quan điểm chống phát-xít triệt để. Tuy nhiên, sau 1948, những người cộng sản lại coi các thành viên đảng này là kẻ thù. Trong phiên tòa xét xử bà Horáková và một số chính khách khác, có 4 án tử hình đã được tuyên, bên cạnh 3 án tù chung thân; 5 bị cáo khác bị tù giam 15-28 năm. Mặc dù bản án tử hình đối với bà Horáková đã bị rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng trên thế giới phản đối, trong đó có nhà bác học Albert Einstein, bản án vẫn được thi hành vào ngày 27-6-1950. Những phán quyết của phiên tòa kể trên - dựa trên các bằng cứ ngụy tạo – đã được xóa bỏ trong Mùa xuân Praha 1968, tuy nhiên, cá nhân bà Horáková chỉ được phục hồi sau khi Tiệp Khắc thay đổi thể chế chính trị năm 1989. Mọi việc tưởng như trôi vào quên lãng, khi vào năm 2007, tức là sau 57 năm, Cộng hòa Czech đã phát hiện ra những bằng cứ cho thấy, cựu công tố viên nhà nước Polednová đã tham gia quá trình khởi thảo bản cáo trạng ngụy tạo khiến bà Horáková phải chịu án tử hình! Theo những tư liệu được bạch hóa bởi Cục Điều tra và Thu thập những Tội ác của Chủ nghĩa Cộng sản (Cộng hòa Czech), bà Polednová không chỉ đã tích cực tham gia trong vụ án được dàn dựng, mà những hành động của bà còn đi ngược lại những điều khoản của Bộ Luật Hình sự đương thời. Qua nhiều phiên tranh tụng căng thẳng, phiên tòa chung thẩm vào tháng 9-2008 đã kết luận: vì những tội trạng góp phần gây nên án tử hình đối với nữ chính khách Horáková, bà Polednová có tội tham dự hành vi giết người và phải chịu bản án 6 năm tù giam! Sự bù đặp của lịch sử thông qua một phán quyết mang tính tiền lệ Tại Cộng hòa Czech, vụ án trên được công luận coi là mang tính biểu tượng và tiền lệ, ở chỗ nó chứng tỏ rằng những tội lỗi nghiêm trọng nhất của quá khứ không bao giờ hết thời hiệu! Như nhận định của một nhật báo Czech, “mục đích cao nhất không phải là để những thủ phạm hiện nay đã rất cao tuổi phải vào tù, mà là một sự đền bù của lịch sử”. Một trong rất nhiều ý kiến hưởng ứng phán quyết của cơ quan tư pháp Czech cho rằng, rất cần để bị cáo phải vào tù, chỉ cần trong một ngày, để hiểu được sự bi thảm của tấn thảm kịch mà bà ta đã gây ra cho các thủ phạm. Trực diện và sòng phẳng với quá khứ, để những thủ phạm phải chịu trách nhiệm với những gì đã gây ra, không chỉ là vấn đề của Cộng hòa Czech. Tại Hungary, Ba Lan, CHLB Đức…, trong một số vụ án tương tự, các bị cáo đã viện cớ “chỉ thực hiện bổn phận mà cấp trên giao phó”, “chuyện xảy ra lâu quá rồi, đã hết thời hiệu”… để tránh tội và trong nhiều trường hợp, họ đã thành công trong bối cảnh Đông Âu đã thiết lập được những nền tư pháp tương đối dân chủ, công bằng và không nhằm mục đích “báo thù”. Tuy nhiên, như trường hợp đối với bà Brozová - Polednová cũng cho thấy, trong những trường hợp này, phán quyết của cơ quan tư pháp vẫn có thể khiến lương tâm các thủ phạm luôn phải ám ảnh về những tội lỗi của họ. Những tội ác không bao giờ hết thời hiệu !
|