Mâu thuẫn vì tranh giành đặc quyền trong cộng đồng tình báo Mỹ |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | |||||
Thứ Ba, 14 Tháng 7 Năm 2009 01:05 | |||||
Từ lâu nay, công chúng đã bắt đầu nghe phong thanh về những mâu thuẫn khá gay gắt giữa Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Dennis Blair và Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta.
Những tin đồn này đã được chứng minh sau một vụ rò rỉ thư tín nội bộ mới được Hãng tin AP và tờ New York Times khai thác, theo đó cả Dennis Blair và Leon Panetta đều cùng gửi những chỉ thị tới các cơ quan đại diện nước ngoài của Mỹ với những nội dung trái ngược nhau… Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, Dennis Blair ban đầu đã thông báo cho các điệp viên của CIA tại nước ngoài rằng, ông ta giờ đây sẽ nắm trong tay quyền bổ nhiệm các đại diện cao cấp của mật vụ Mỹ ở nước ngoài. Ngay sau đó, Panetta lại có văn bản gửi tới tất cả các cấp dưới của mình để giải thích rằng: Mọi chuyện vẫn y như cũ, khi các điệp viên CIA là những đại diện chính của mật vụ Mỹ ở nước ngoài. Vụ việc trên một lần nữa lại cho thấy tình trạng mâu thuẫn và tranh giành đặc quyền lâu nay vẫn chưa được giải quyết giữa Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia và CIA, từ trước vẫn được coi là "anh cả không chính thức" của cộng đồng tình báo Mỹ. Mâu thuẫn giữa Blair và Panetta cũng chính là đại diện cho mâu thuẫn giữa hai thế lực hàng đầu trong làng mật vụ Mỹ. Cả hai quan chức cao cấp này đều được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm khi mới lên nắm quyền. Đô đốc Blair - trong quá khứ từng giữ cương vị Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Mỹ tại Thái Bình Dương - trở thành Giám đốc Tình báo quốc gia, một vị trí được ông chủ Nhà Trắng khi đó là George (Bush-con) dựng lên vào năm 2004 với mục tiêu cải thiện tốt hơn sự phối hợp trong cộng đồng tình báo Mỹ, sau khi rút ra bài học từ sự kiện 11-9. Cần biết là cộng đồng tình báo Mỹ trước đó có tổng cộng 16 cơ quan mật vụ, trong đó có những vai trò hàng đầu phải kể đến CIA, Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cục Tình báo quân đội (DIA) v.v... Leon Panetta, trong quá khứ từng là nghị sĩ và là người đứng đầu Văn phòng Nhà Trắng dưới thời Bill Clinton, thật ra theo đánh giá còn có khả năng nhận được một vị trí cao hơn nhiều trong chính quyền Obama, tuy nhiên do một số lý do phải trì hoãn, nên cuối cùng được bổ nhiệm vào chiếc ghế Giám đốc CIA như một phần thưởng an ủi. Dù vậy, ông ta là người có được một ảnh hưởng rất rõ rệt trong đảng Dân chủ, chưa kể những mối quan hệ cá nhân tốt trong Nhà Trắng. Do trong quá khứ không phải là một quan chức tình báo chuyên nghiệp, nên Panetta đang cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của các nhân viên kỳ cựu từ CIA, đầu tiên là ra sức bảo vệ những người có nguy cơ bị truy tố vì dính dáng tới những hành động tra tấn các phần tử bị nghi ngờ dính líu khủng bố. Cũng chính vì nguyên nhân này, Panetta đã từng tranh cãi rất gay gắt với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các thành viên thân cận của bà. Tình trạng này đã khiến một đồng nghiệp của bà Pelosi, người đứng đầu Ủy ban Thượng viện về tình báo Diana Feinstein, phải lên tiếng kêu gọi CIA "nên đoạn tuyệt với tư duy của thời Chiến tranh lạnh", đồng thời phàn nàn rằng Langley không chịu xem xét nghiêm túc lời khuyên này. Trong khi đó, Blair lại có được ảnh hưởng tương đối rộng rãi trong Quốc hội. Ông này cũng có thể nhận được sự ủng hộ của Cố vấn tổng thống về an ninh quốc gia - tướng James Jones. Những mâu thuẫn giữa hai quan chức đảm trách những vị trí hàng đầu trong làng tình báo Mỹ đã được ghi nhận ngay từ thời Bush-con, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại đã phát triển lên tới mức đối đầu trong một "cuộc chiến quan liêu". Theo các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ, Đô đốc Blair đang cố gắng vận dụng một cách tối đa khả năng tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống. Cũng vì mục đích này, Blair thường đích thân lên trình bản báo cáo tổng hợp về thông tin tình báo hàng ngày cho Tổng thống Obama, một nhiệm vụ trước đây thường giao cho các quan chức cấp dưới của ông ta. Còn Panetta lại có cách tác động chủ yếu thông qua những kênh quan hệ cá nhân trong chính quyền Mỹ. Theo khẳng định của tờ New York Times, CIA từ nhiều thập niên qua luôn hết sức sốt sắng bảo vệ đặc quyền các điệp viên của mình trong vai trò các đại diện hàng đầu của mật vụ Mỹ ở nước ngoài. Điều này giúp cho họ có khả năng tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan mật vụ tại những nước sở tại, trong đó có cả giới lãnh đạo. Trong khi từ lúc lên nắm chiếc ghế Giám đốc Tình báo quốc gia, Đô đốc Blair đang cố gắng giành lại đặc quyền này từ phía CIA. Tất nhiên nếu Blair đạt được mục đích này, sẽ có những thay đổi căn bản trong các cơ quan đại diện nước ngoài của Mỹ theo hướng gây bất lợi cho vị thế của CIA. Ảnh hưởng còn tác động cả đến những cơ quan mật vụ khác, vì một số đặc điểm riêng vẫn giữ ưu thế về ảnh hưởng và quân số tại một số quốc gia cụ thể. Chẳng hạn như tại Anh, nơi đang triển khai những chiến dịch quy mô lớn theo dõi các kênh thông tin liên lạc tại châu Âu, quan chức đại diện của NSA lại được nhìn nhận có vai trò cao nhất. Đảm nhiệm vai trò tương tự tại Iraq và Afghanistan lại là đại diện của DIA. Nhưng dù trong bất cứ mức độ nào, việc đánh mất các kênh tiếp xúc quan trọng với các cơ quan mật vụ nước ngoài sẽ khiến CIA phải chịu tổn thất đáng kể về khả năng thu thập các thông tin tình báo, tất nhiên về lâu dài sẽ có tác động làm xói mòn vị trí "anh cả không chính thức" trong cộng đồng tình báo Mỹ
|