Chất nhựa “plastic” |
Tác Giả: Trang Nguyễn (Viết theo “Science et Vie”) | |||
Thứ Hai, 29 Tháng 6 Năm 2009 13:48 | |||
Tạp chí “Science et vie” của Pháp số mới nhất có bài nói về chất “plastic” với câu mở đầu theo cái ý: Tất cả những gì mà xưa giờ bạn muốn muốn biết về chất liệu “plastic” nhưng vì thấy nó thường quá cho nên ngại, không tiện hỏi! Sau trên dưới một thế kỷ sử dụng chất liệu đó, rồi cứ mỗi ngày lại có thêm một số câu hỏi về ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người thì sắp tới đây, cụ thể là vào cuối Tháng Bảy dương lịch, tạp chí thuộc loại “rất nghiêm chỉnh” bên Anh là tờ Philosophical Transactions B of the Royal Society” sẽ có bài đặc biệt nói về quá khứ, hiện tại và tương lai của chất liệu “plastic”. Nói gì thì nói, không thể bảo là đã từ rất lâu, chất “plastic” đã không đi sát sườn với đời sống hàng ngày của mỗi con người, và hình như ai nấy cũng đã thích nghi nếp sống hàng ngày của mình theo các vật dụng bằng “plastic” chứ không phải là ngược lại! Chất liệu đó thì ngày nay người ta sản xuất hàng năm không dưới 260 triệu tấn, và nó ngốn hết 8% tổng số tiêu thụ về dầu hỏa toàn cầu. Mỗi một “gramme” của nó sử dụng một “gramme” dầu hỏa. Máy móc cũng cần một giây đồng hồ để chế tạo ra một “gramme” chất liệu bằng “plastic”. Chỉ có điều là dưới dạng bao bì để gói ghém món này vật kia thì một phần ba của chúng là chỉ được xài qua một lần là bỏ đi. Bỏ đi tức là không dùng để gói ghém vật dụng theo dạng bao bì lúc ban đầu của nó nữa, chứ còn chuyện giữ lại để gói ghém những thức khác trong nhà, hoặc ở các nước nghèo đói ta thấy cảnh thiên hạ lũ lượt kéo lên những núi rác để lượm lặt các vật liệu bằng “plastic” hòng đem về bán cho các cơ xưởng tái chế biến lại thì là cả một chuyện khác. Về mặt hóa chất, “plastic” là chất “polymère” gồm các phân tử có hình dài mà theo sách vở thì loài người đã biết đến từ khoảng 3600 năm nay, khi mà chất liệu “cao-su” thiên nhiên đã từng được sử dụng trên lục địa Mỹ Châu. Kể từ khi người ta khám phá ra quy trình chế xuất chất “cao-su”, thuật ngữ khoa học trong tiếng Anh gọi là “vulcanisation” / “vulcanization”, tức là quá trình nấu “cao-su” bằng sức nóng rồi pha trộn thêm các hóa chất khác như lưu huỳnh chảng hạn (tưởng cũng cần nêu tên nhà phát minh tên là Goodyear đó), rồi kế đó là việc khám phá ra hóa chất “polystyrene” từ năm 1840 thì kỹ nghệ sản xuất chất liệu “PVC”, tức chất “polivinyl chloride”, bắt đầu trở thành quy mô kể từ cuối thập niên 20. Chất “polyethylene” được phát hiện từ năm 1933 trong khi chất “polypopylene” thì xuất hiện từ các phòng thử nghiệm vào năm 1950. Chất “PET”, tức Polyethylene terephthalate, thì được khám phá vào năm 1941. Chất liệu này, vừa trong vừa nhẹ mà cũng lại vừa dẻo dai, có khả năng chịu lực (tức là loại hợp chất được dùng làm vỏ “chai” nước uống ngày nay như ta vẫn quen dùng) đã thay thế chai lọ bằng thủy tinh, nhất là bên Âu Châu, vì nó cũng giữ được chất “ga” “carbonique” của các loại nước ngọt như CoCa Cola, Pepsi Cola, Seven-up, v.v... Kể từ khi nó xuất hiện thì chất “plastic” có lẽ đã cứu sống được hàng triệu sinh linh bởi nó giúp người ta cải tiến được việc bảo trì các dạng thực phẩm. Nó cũng giúp người ta thiết lập các hệ thống dẫn thủy nhập điền cũng như làm ra thiết bị quản lý nước dùng. Thế nhưng kể từ thập niên 70 thì thiên hạ khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu lo lắng trước cái cảnh những núi chất liệu “plastic” dưới dạng phế thải vây quanh môi trường sinh sống của mọi người. Ðến cái mức mà ngày nay có cả một đại dương với chất “plastic” do các nguồn nước trên biển Thái Bình Dương kết tụ lại, nơi mà nước biển bao gồm chất bụi “plastic” nhiều gấp sáu lần so với giống “plankton”, tức loại vi sinh vật trôi nổi dưới biển. Chả trách mà nhân vật Charles Moore, người cách đây khoảng mươi năm đã phát hiện ra cái “đại dương” đáng ngao ngán đó thì nay mai, trong số báo của tạp chí “Phylosophical Transactions” như đã được nêu ở trên, sẽ là một trong các “siêu sao” được nhắc đến. Tự nó thì chất nhựa “plastic” chả có nguy hiểm gì cho sức khỏe con người; tất nhiên là trừ trường hợp đói quá rồi đem nhai nó để ăn cho đỡ đói. Lý do khá đơn giản: Các phân tử hình dẹp của chất liệu đó không cho phép chúng đột nhập được vào các tế bào nơi cơ thể con người. Thế nhưng với thời gian, mỗi ngày người ta đều tìm cách để thêm bớt hợp chất này hợp chất kia vào nhựa “plastic” để sản xuất ra các mặt hàng mềm mại hơn, không bị hư hại khi va chạm, không bốc cháy ngay, ngăn chận được các tia cực tím, v.v... thì người ta cũng du nhập vào đấy những phân tử hóa chất không còn thuộc dạng hình dẹp như chất liệu “plastic” phổ thông cho đến nay, và bấy giờ thì tác hại của các mặt hàng mới đối với cơ thể, sức khỏe con người, bắt đầu ló dạng. Những năm gần đây người ta đã bàn tán nhiều về hợp chất “phtalate” (kiểu như loại phim nhựa và loại plastic dẻo) và các loại làm chậm sức đốt của lửa. Còn từ một năm trở lại đây thì đề tài thường xuất hiện trên trang nhất các báo, nhất là tại Âu Châu, là chất “bisphenyl A” (gọi tắt là “BPA”) có tác dụng làm cứng các bình sữa bằng nhựa cho trẻ nhỏ. Phần lớn các hợp chất được du nhập vào những vật dụng bằng nhựa “plastic” chẳng may lại có khả năng dễ gây nhiễu loạn các hệ thống nội tiết nơi con người cũng như quy trình sinh con để cái trong giới động vật. Vả lại, chất “BPA” thì hồi thập niên 30 người ta cũng đã từng nghiên cứu nó như một loại “oestrogene tổng hợp”, “estrogene” là một loại “hormone” nơi phụ nữ. Trên các đại dương thì những vật phế thải tai hại nhất là những lưới đánh cá người ta không còn sử dụng nữa nhưng còn lượn lờ dưới biển thì chúng vẫn bắt giữ cá nào lọt lưới như thường, và cả một bầy cá có thể mắc lưới mà chết. Những mảnh vụn của các loại chất nhựa đó, một khi bị chim ăn hoặc nhất là đám rùa biển ăn, thì chúng có thể chết như chơi! Nói vậy chứ chất nhựa “plastic” vẫn còn cả một tương lại tươi sáng được dành cho nó. Trong lãnh vực sản xuất thiết bị phục vụ y tế, cái mới là điều trớ trêu, cũng như trong ngành sản xuất các phương tiện vận chuyển trên nước và trên bộ thì người ta vẫn còn phải cần đến nó nhiều. Vấn đề là phải chế xuất làm sao để chúng trở thành những vật liệu, vật dụng bền bỉ sử dụng về lâu về dài, tránh lãng phí nếu có đem đi tái biến chế lại thì cũng phải theo đúng quy trình. Bởi đàng nào thì từ tiên khởi nó vẫn được biến chế chủ yếu là từ dầu hỏa do đó nếu người ta tìm cách thay thế nó bằng các hợp chất khác, với những hóa chất khác thêm vào, thì bấy giờ một lô vấn đề đáng cho có người phải quan tâm mới thực sự nảy sinh.
|