Chuyện những ngôi mộ đặc biệt |
Tác Giả: Đoàn Dự | |||
Thứ Bảy, 20 Tháng 6 Năm 2009 13:10 | |||
Thưa quý bạn, con người sau khi chết thì không nói được nữa, chính vì vậy nên chúng ta - những người còn sống - không thể biết được dưới âm như thế nào. Ngày trước, có người hỏi đức Khổng Tử về ma quỷ, ngài thấy chuyện đó rất phức tạp nên chỉ nói vắn tắt: "Kính nhi viễn chi", tức hãy kính trọng mà xa ra. Vậy thì, theo lời dạy của ngài, tôi cũng "kính nhi viễn chi", không nói đến chuyện ma quỷ, mê tín dị đoan mà chỉ nói đến những ngôi mộ có thật mà thôi. Về việc các ngôi mộ, thời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu (771- 403 TCN) có câu chuyện lẩm cẩm làm chết hàng chục ngàn người của hai cha con vua Hạp Lư nước Ngô, chắc quý bạn đã biết song tôi cũng xin kể lại để quý bạn coi chơi trước khi nói sang chuyện khác. Chuyện của cha con vua nước Ngô như thế này: Vua Hạp Lư nước Ngô có người con gái rất yêu quý tên là Thắng Ngọc. Một hôm, trong bữa tiệc, người nhà bếp dâng món cá hấp. Vua Ngô ăn thấy ngon miệng, bèn ăn một nửa, còn lại một nửa sai người hầu đưa cho Thắng Ngọc. Thắng Ngọc nổi giận, nói: - Phụ vương cho ta con cá ăn dở, thế là làm nhục ta, ta còn sống trên đời làm gì nữa! Thắng Ngọc bèn tự tử chết. Hạp Lư thương xót và ân hận lắm, bèn làm một cái lăng thật to ở phía ngoài cửa Sương Môn của kinh thành, đào hào đắp lũy rất kiên cố, những chỗ đất đào thành ra một cái hồ lớn tức là hồ Nữ Phần bây giờ (nữ: con gái; phần: mộ); lại tạc đá hoa để làm quách (phần ngoài bảo vệ quan tài), bao nhiêu vàng bạc, châu báu ở trong kho thì chôn vào trong đó gần một nửa; lại chôn thêm một thanh bảo kiếm, đó là thanh Bàn Dĩnh truyền đời của nước Ngô. Lại sai các vũ công đội hình con hạc trắng mà múa, gọi là múa bạch hạc ở gần đấy để dân chúng đến xem. Dân chúng nườm nượp kéo tới coi rất đông, hàng chục ngàn người. Lại bảo những người đi xem đi theo cửa Toại Môn vào coi cung điện tống táng trong huyệt. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Toại Môn là đường hầm thiết kế mỹ thuật chỉ dùng để đưa đám vua mà thôi, sau đó sẽ lấp đi, không ai được phép vào nữa. Dân chúng thấy được đi theo Toại Môn vào xem cung điện huyệt mộ thì mừng lắm, hàng chục ngàn người kéo nhau vào. Ở cửa Toại Môn đã làm sẵn loại cánh cửa sập. Khi mọi người đã ùa vào hết, bèn giật cho cánh cửa đóng sập lại, rồi lấp đất bên ngoài. Kể hàng vạn người, vừa trai vừa gái, đều bị chôn sống ở trong đó cả. Vua Hạp Lư bảo quần thần: "Ta khiến cho hàng vạn người chết theo như vậy thì con gái ta ở dưới suối vàng cũng không đến nỗi buồn bã!". Thưa quý bạn, đây là chuyện ở bên Tàu thời Xuân Thu Chiến Quốc, cách đây gần 3000 năm. Nay, đất nước Trung Quốc vĩ đại, văn minh tiến bộ số dách ba chê chắc chắn không còn ích kỷ, bắt hàng chục ngàn người chết theo "cho vui" một người như vậy nữa. Họ chỉ hơi pha melamine vào sữa bột của trẻ con một tí thôi, cái gì họ cũng chỉ hơi làm giả một tí thôi - mà giả với thật thì đã sao đâu? - Họ xây dựng 14 cái đập thủy điện trên thượng lưu sông Mê-Kông, tức phần chảy qua đất nước của họ, trong đó đập Tiểu Loan (Xiaowan) ở tỉnh Vân Nam là vĩ đại nhất, cao tới 292 mét. Nhà khoa học Mỹ Richard Cronin báo cáo với LHQ rằng sau khi các đập của Trung Quốc trên sông Lan Thương (Langcang) làm xong, Biển Hồ của Campuchia sẽ cạn, sông Mê-Kông sẽ hết nước, 1/3 dân chúng Campuchia và toàn thể dân chúng vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị nạn đói đe dọa... Sống cạnh nước lớn, họ chỉ biết họ, thì khổ thế đó. Biết mần răng chừ? Bây giờ Đoàn Dự tôi kể hầu quý bạn về mấy cái lăng hay mấy ngôi mộ ở Việt Nam, chả đụng chạm tới ai là chắc ăn hơn cả. Đây, xin mời quý bạn coi cái lăng rất quen thuộc với chúng ta... Lăng Cha Cả Lăng Cha Cả là lăng mộ của Giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine) và là một di tích ở vùng Sài Gòn, Gia Định. Ngoài ra, "Lăng Cha Cả" còn được gọi chung cho cả khu vực gần mộ, nay là Phường 1, quận Tân Bình. Giám mục Pigneau de Béhaine sinh năm 1741, mất năm 1799 ở Thị Nại trong trận giúp quân Gia Long đánh thành Quy Nhơn của nhà Tây Sơn, thọ 58 tuổi. Vì được vua Gia Long trọng vọng, gọi là "Giám mục Thượng sư", ông được đưa về an táng ở gần ngôi nhà cũ tỉnh Gia Định. Khu vực đó thuộc khu Tân Sơn Nhứt, phía Tây-Bắc Sài Gòn. Triều đình giao việc xây mộ cho linh mục Barthélémy Sang. Tuy Giám mục Bá Đa Lộc là người phương Tây nhưng kiến trúc lăng mộ ông theo kiểu Á Đông, có bình phong, nhà phía ngoài (lễ đường) và nhà phía trong (cung thờ). Khu Tân Sơn Nhứt sang thế kỷ 20 xây cất lên, hòa nhập vào vùng ngoại ô Sài Gòn. Xế về phía Bắc lăng là phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt và Bộ Tổng tham mưu QLVNCH. Về phía Tây là bến xe Tây Ninh. Với những thay đổi đó, khu vực lăng bị thu hẹp lại thành một điểm nằm cạnh đường Võ Tánh. Tuy vậy, khu mộ được giữ gìn cho đến hết thời VNCH. Sang năm 1980, nhà nước CHXHCNVN ra lệnh giải tỏa, đến năm 1983 thì việc cải táng hoàn tất. Di hài của đức Giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho tòa Tổng lãnh sự Pháp đưa về Pháp. Hai ngôi nhà cũ bị san bằng, hiện nay là vòng xoay lưu thông trên đường Hoàng Văn Thụ. Lăng Cha Cả là khu đất rộng khoảng hai ngàn mét vuông, gồm hai căn lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn. Trước khi di dời, chính quyền giải thích rằng cải táng để chỉnh trang thành phố, giảm ùn tắc giao thông. Người ta nói trong lăng có mộ phần của đức Giám mục Bá Đa Lộc, còn rải rác trong khu lăng thì có mộ của một số thừa sai (người giữ nhiệm vụ truyền giáo), hầu hết đều là người Pháp. Bá Đa Lộc là tiếng Việt được phiên âm từ tiếng Pháp (Pigneau de Behain). Chuyện ngôi mộ của Đức Giám mục còn nhiều điều đáng lưu ý. Như trên ta đã nói, trong khuôn viên lăng có các ngôi mộ khác của các vị thừa sai. Khi thành phố cải táng, các bộ hài cốt trong khu lăng mộ này đã được đại diện Pháp sang nhận và đem về chôn. Nhưng riêng mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, khi khai quật, chỉ thấy cây thánh giá bằng vàng tây lớn mà ông vẫn đeo khi xưa, chiếc gậy vàng của chức Giám mục, những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng chứ tuyệt đối không có hài cốt. Nhà nghiên cứu Phan Thứ Lang, người Công giáo, trình bày: "Nhiều người nghĩ đó là mộ thật của Đức Giám mục, nhưng trước đây, tờ Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, quyển XVI, tr. 92, phát hành tháng 2 năm 1925, có bài: "Bá Đa Lộc, mộ ông... hiện nay ở đâu?" của Vương Gia Bật, cho biết: Lăng Ngọc Hội là một ngôi mộ nằm cách thành phố Nha Trang 8 cây số. Phía trước mộ có một cái miếu nhỏ, ở giữa đề chữ Hán: "Bá Đa Lộc chi mộ". Phía sau miếu có khắc cây Thánh giá. Ngày 13-3-1925, quan Công sứ và Linh mục nhà thờ Bình Can (Nha Trang) ra lệnh cải táng. Bên trong, xương cốt đã mục, hàm còn dính 3 cái răng, có 2-3 cái rơi ra ngoài...". Ông Phan Thứ Lang kết luận: "Như vậy, đích thị mộ Đức Cha Bá Đa Lộc chôn ở Nha Trang", và ông đặt giả thuyết: "Theo tôi, ngay sau khi cải táng năm 1925 tại Nha Trang, hài cốt Đức Cha đã được đưa về Pháp, còn ngôi mộ ở khu Lăng Cha Cả tại Sài Gòn chỉ là tượng trưng. Tôi nghĩ, khi Gia Long mới lên ngôi, sợ Tây Sơn có ngày lật ngược thế cờ, nên phải cho dựng lăng ở Gia Định để đánh lạc hướng". Cũng có người nói, khi mở nắp, trong quan tài của Đức Cha Bá Đa Lộc, ngoài các thứ đã kể trên (thánh giá, gậy giám mục, mề đay v.v...) còn có một thanh gươm quý của vua Gia Long tặng cho ngài, vỏ bằng vàng ròng, chuôi nạm ngọc, rút ra khỏi vỏ nước thép còn sáng xanh. Thanh gươm này, được lệnh của Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc ấy, đã được bảo vệ nghiêm ngặt và đưa ra Viện bảo tàng Trung ương Hà Nội, cất giữ cùng chỗ với các bảo vật của triều đình Huế. Tuy nhiên, việc này chưa ai biết một cách đích xác. Mộ nhị vị huynh đệ Tổng thống họ Ngô Sau khi bị lực lượng đảo chính giết vào tháng 11-1963, hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Áo quan của TT Ngô Đình Diệm hình hộp (bên phải trong hình), áo quan của ông Ngô Đình Nhu có nắp tròn (bên trái trong hình). Một nhân chứng thời kỳ này giải thích, người thân của hai ông đi mua vội quan tài nên chỉ mua được một chiếc hạng tốt dành cho ông Diệm, còn chiếc hạng vừa dành cho ông Nhu.
Mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu khá đặc biệt: không có nấm mộ và bia, chỉ có tấm đan bằng bê-tông đặt bên trên, cao hơn mặt đất vài chục phân. Suốt từng ấy năm (1963-1975), hai ngôi mộ nằm lọt thỏm, đìu hiu giữa một nghĩa trang đầy những ngôi mộ kiên cố. Những tên gia nhân xưa quay lưng đi với gia đình họ Ngô đã đành, những người thân tín cũng ngại đến thăm viếng vì sợ chính quyền Sài Gòn cũ dòm ngó. Năm 1964, bà Phạm Thị Thân, thân mẫu của hai ông mất, đám tang không người đưa tang! Một nhân chứng trong Ban di dời sau này kể: Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được chôn trong kim tĩnh (quách bê tông dày và kín) rất khô ráo. Khi cải lên, thi thể của cả hai ông chỉ khô lại chứ không tan rữa, vẫn có thể nhận ra từng người. Đầu hai vị đều quấn băng trắng in dấu máu đen từ những vết thương trước khi chết. Khi băng được mở, vết máu vẫn còn cứng. Sau gáy ông Nhu có một vết thương khá lớn, có thể do bị đẩy vào xe thiết giáp khi đại úy Nhung, chánh võ phòng của Mai Hữu Xuân, được lệnh của Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Mai Hữu Xuân đi lùng bắt hai ông ở Nhà thờ Cha Tam cuối đường Đồng Khánh rồi bắn chết hai ông ngay trong xe thiết giáp. Đảo chánh "thành công", đại úy Nhung được "vinh thăng" thiếu tá. Nhưng một tháng sau, tướng Nguyễn Khánh đảo chánh Dương Văn Minh và bộ sậu (kêu là "chỉnh lý"), thiếu tá Nhung chết treo cổ, không hiểu do sợ quá tự sát hay do sự trả thù, bị treo cổ như vậy. Trong thời gian hai ngôi mộ được di dời, có một người phụ nữ tên là Hạnh từ Huế vào, xưng là cháu, nhận thi hài hai ông. Hoàn cảnh bà Hạnh quá khó khăn nên chính quyền thành phố giúp đỡ chi phí ăn ở, chi phí cải táng và chi phí xây mộ mới ở Lái Thiêu. Thi hài hai ông Diệm, Nhu được chôn lại tại nghĩa trang Lái Thiêu (nay thuộc xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương), với áo quan loại tốt, có kim tĩnh. Mộ ông Ngô Đình Cẩn trước đây được chôn tại nghĩa trang gần Sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965, và mộ cụ bà thân mẫu Phạm Thị Thân mất năm 1964, tất cả đều được quy tụ về đây, nằm cùng một dãy. Mộ cụ bà Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ ông Diệm bên trái, mộ ông Nhu bên phải. Cách mộ ông Nhu một quãng là mộ ông Cẩn. Trước đây, theo yêu cầu của gia đình, mộ không đề tên, chỉ đề "mẫu", "huynh", "đệ"... Sau, theo đề nghị của một số người, trong đó có các Việt kiều về thăm, mộ được đề đích danh. Anh Mâm, anh Chảy - hai trong số hàng chục người trông coi mướn mộ phần tại đây - cho hay: "Thời gian đầu, mộ gia đình họ Ngô không có người chăm nom, trong khi đa số ngôi mộ khác có thân nhân thường xuyên lui tới và thuê người chăm nom. Thấy những ngôi mộ đó cỏ mọc um tùm, rêu đóng cùng khắp, anh em bảo nhau dọn cỏ, dùng bàn chải chà rêu như những ngôi mộ khác". "Lẽ nào tụi tui quanh quẩn ở đây tối ngày mà nỡ để cho mấy ngôi mộ gần mình lạnh lẽo!" - Mâm nói trong khi thắp nhang trước bốn ngôi mộ gia đình họ Ngô. Khi chúng tôi hỏi mộ gia đình họ Ngô, anh Mâm quản lý nghĩa trang tưởng người thân đến thăm viếng, chỉ lối. Quả thật rất khó tìm nếu không có người chỉ đường. Bởi vì mộ của anh em ông Ngô Đình Diệm không có nét gì khác so với các ngôi chung quanh. Rất đơn giản, rất bình thường. Cỏ trên lối đi cũng được dọn sạch như các ngôi khác. Thời gian sau này, thỉnh thoảng có một số Việt kiều tới thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện, cho tiền những người trông nom. Thỉnh thoảng, đại diện Công giáo cũng đến thăm viếng. Theo ban quản lý nghĩa trang Lái Thiêu, nhiều người đến viếng các ngôi mộ quanh đó thường nhân tiện cắm nhang hoặc đặt luôn mấy bông hoa huệ trước mộ gia đình họ Ngô. "Họ không để ý nên không biết đâu. Cũng như tôi, ban đầu tôi chỉ nghĩ đó là mộ của những người dân bình thường nào đó thôi, mãi về sau mới biết là mộ anh em ông Ngô Đình Diệm. Tiếc gì nén hương, nhánh hoa, mà đâu có ai cấm chuyện này!" - anh Mâm nói như thế. Đây là mấy câu trích trong bài ca mở đầu và cũng là bài ca kết thúc truyện Tam Quốc Chí, xin mời quý bạn coi chơi cho biết: Nguyên tác: Cổn cổn Trường giang, đông thệ thủy Lãng hoa, đào tận anh hùng Thị phi, thành bại, chuyển đầu không Thanh sơn y cựu tại Kỷ độ tịch dương hồng... Nhà văn Tử Vi Lang dịch: Sông dài cuồn cuộn ra khơi Anh hùng sóng dập, cát vùi thiên thâu Đúng sai, thành bại nào đâu? Bể dâu, chớp mắt, ngoảnh đầu thành mơ! Non xanh còn đó trơ trơ Tà dương còn đó sưởi hơ ánh hồng… Ngôi mộ một Việt kiều ở Bến Tre Một Việt kiều sau khi qua đời đã được người nhà đưa từ Mỹ về Việt Nam và chôn ngay tại phòng khách một ngôi biệt thự. Ngôi biệt thự và cũng là ngôi mộ độc nhất vô nhị này đang tọa lạc ở Bến Tre. (Theo bài viết của Luật sư Thanh Bình, đăng trên Diễn đàn nhà báo và môi trường). Cuối tháng 4/2009 vừa qua, tôi (LS. Thanh Bình) có chuyến công tác về Bến Tre. Trên đường đi, tôi được anh bạn đi cùng giới thiệu nhiều về các địa danh, truyền thống văn hóa của người dân Bến Tre, quê hương anh. Tôi đã tranh thủ ghé thăm Khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu, biết thế nào là cống Ba Lai... Trên đường về Sài Gòn, khi xe chuẩn bị đi qua chiếc cầu Rạch Miễu mới tinh vừa khánh thành, anh bạn bất ngờ nói tôi nên ghé thăm một căn biệt thự đặc biệt ngay tại đây. Tôi hỏi điểm đặc biệt đó là gì, anh nói đó là "có một ngôi mộ ngay... trong nhà". Vốn là một người làm về luật, nên tôi tỏ vẻ không tin chuyện đó lắm. Vì tôi biết pháp luật hiện nay không cho mai táng, chôn cất tại các khu dân cư, kể cả trong vườn nhà, thì làm sao có thể chôn ngay trong nhà được. Hơn nữa, chôn trong nhà để làm gì? Hóa ra người sống ở chung với "ma" à? Người bạn của tôi nói, về luật thì anh không rõ, nhưng đây là chuyện hoàn toàn có thật. Và nghe đâu người chết là một Việt kiều. Hình như người này có di chúc chôn mình ngay trong nhà để anh em trong nhà khỏi ai tranh giành tài sản, vì nghe nói nhà này giàu lắm. Không nén nổi sự tò mò, tôi quyết định ghé thăm ngôi biệt thự đó, cũng là để "kiểm tra" xem lời anh bạn nói có thật hay không. Chiếc xe bốn chỗ đưa chúng tôi chạy vào một con hẻm nhỏ lát xi-măng ngay khu vực bến phà Rạch Miễu cũ, thuộc địa phận xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đi khoảng vài trăm mét, người bạn dừng xe bên một ngôi biệt thự có màu nâu đất, rất lớn và mới tinh như thể vừa mới khánh thành. Từ ngoài nhìn vào, tôi muốn nổi da gà khi thấy ngay trong phòng khách, chính giữa căn biệt thự, thay vì là một bộ salon tiếp khách như thường thấy lù lù một... ngôi mộ. Tiếp đón chúng tôi là một bà cụ có vẻ mặt phúc hậu, mà sau đó tôi biết là mẹ của người xấu số nằm trong ngôi mộ giữa phòng khách kia. Bà cho biết người nằm trong mộ là chị Trần Thị Kim Liên, con gái bà. Chị Liên bị bệnh và chết ở Mỹ cuối năm 2008, khi ngoài 50 tuổi. Bà mẹ cho biết trước khi chết, chị bày tỏ ý nguyện được chôn ngay trong ngôi biệt thự mà mình đã bỏ tiền ra xây ở Việt Nam vì "cả đời chưa bao giờ được sống trong biệt thự, nên nếu chết thì cũng muốn chôn ngay trong biệt thự". Vì vậy, gia đình quyết định làm theo ý nguyện của chị. Tôi hỏi: khi chôn ngay trong nhà thế này có ai ngăn cản, chính quyền địa phương có ý kiến gì không? Bà cụ cho biết không có ai ngăn cản gì, "người ta tới xem đông dữ lắm". Tôi hỏi: vậy khi chôn có đào nền nhà lên, đặt quan tài xuống rồi lấp đất như thông thường? Bà cụ nói: cứ để nguyên như vậy, chỉ đặt áo quan xuống nền nhà rồi xây xi-măng, ốp gạch hoa cương xung quanh, làm kỹ lắm. Tôi xin phép được xem ngôi mộ, bà cụ vui lòng dẫn tôi vào phòng khách. Tôi đốt một nén nhang cho người quá cố, rồi nhìn ngôi mộ có một không hai này. Quả thật, nếu đúng như lời bà cụ nói thì đây là một dạng chôn nổi. Nghĩa là vị trí của người chết gần như là ngang bằng với người sống. Và mặc dầu không phải là người nhát gan, tôi vẫn có cảm giác rờn rợn khi đứng gần ngôi mộ. Tôi xin phép được chụp vài bức ảnh "để đăng báo". Bà cụ nói "Chú cứ tự nhiên". Tôi hỏi: vậy trong ngôi biệt thự này có ai sống không bác? Bà cụ cho biết bà vẫn ở cùng mấy đứa cháu ngay trong ngồi nhà này. Bác có sợ không? có hay "thấy" chị Liên về không? Bà đáp: "Quen rồi, không sợ. Nhưng lạ là từ ngày nó chết, tôi chưa bao giờ chiêm bao thấy". Nhìn từ bên ngoài, ngôi mộ nằm ngay giữa nhà gây một cảm giác thật mạnh cho mọi người. Trên đường về, tôi cứ miên man với những ý nghĩ về ngôi biệt thự mộ lạ lùng và có một không hai này: sau này, ai dám mua bán căn biệt thự này? Việc chia di sản thừa kế thực hiện ra sao? Nếu không có sự can thiệp nào từ phía các cơ quan chức năng, nhiều khả năng đây sẽ là một lăng mộ vĩnh cửu không biết chừng!
|